Cám ơn bác Văn Khoa. Nhờ bác mà em tìm hiểu và học hỏi được thêm nhiều điều thú vị về các ảnh tượng và tranh về Thánh Gioan Tẩy Giả.
Ông Gioan Tẩy Giả (John the Baptist), còn gọi là Gioan Tiền Hô (John the Forerunner), có thể nói là vị ngôn sứ vĩ đại nhất. Ông là người đã đi rao giảng trước Chúa Giêsu để kêu gọi mọi người hãy hối cải, chịu Phép Rửa để được tha tội và chuẩn bị cho họ hướng về Đức Chúa Giêsu. Ông đã dạy dỗ họ các sống yêu thương như chia sẻ miếng cơm manh áo, đức công bằng..vv, và cũng lên tiếng chống lại những bất công trong xã hội. Rất đông người từ khắp nơi đã kéo đến với ông. Đến nỗi họ tưởng ông là Đấng Cứu Độ mà dân đang mong chờ. Nhưng ông đã trả lời rằng không phải, và ông còn không xứng đáng cởi quai dép cho Đấng đan đến sau ông.
Tin Mừng theo Thánh Gioan 3:22-36 đã có trình thuật lời chứng cuối cùng của Gioan về Chúa Giêsu.
Chính Chúa Giêsu cũng. đã nói về ông:
Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.
“Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.” (Mt 11: 7-11)
Cả 4 Tin Mừng (Mattheo, Mác-cô, Luca, Gioan) đều có ghi chép về việc rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả. Em xin trích 2 đoạn Tin Mừng theo Thánh Mác-cô, Mattheo và Luca:
Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng hối cải để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. (Mc 1: 4-5)
Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng : “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng : ‘Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.’ Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” (Mt 3: 4-10)
Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” Binh lính cũng hỏi ông : “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”
Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
Còn tiểu vương Hê-rô-đê thì bị ông Gio-an khiển trách vì đã lấy bà Hê-rô-đi-a là vợ của người anh, và vì tất cả các tội ác tiểu vương đã phạm. Ngoài ra, tiểu vương còn phạm thêm tội này là bỏ tù ông Gio-an. (Lc 3: 10-20)
Các tác phẩm nghệ thuật về việc ông Gioan bị xử trảm đều lấy từ câu chuyện viết lại trong Thánh Kinh:
Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê,mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. (Mc 6: 17-28)
Dưới góc nhìn của người Công Giáo, thì cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả có thể hiểu được như sau qua bài viết của Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương - Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ cao cả nhất:
Có nhiều người rao giảng chân lý, nhưng có mấy người dám chết vì chân lý. Gioan Tẩy Giả là một trong số những người đó. Ông dám nói sự thật và chấp nhận phải trả giá bằng cái chết đau đớn. Ông bị chặt đầu ở trong tù. Cái chết của ông là lời chứng hùng hồn nhất của một vị ngôn sứ đích thật đã dám sống chết cho chân lý. Tiêu chuẩn để lượng giá trị một ngôn sứ thật và ngôn sứ giả hệ tại ở điều này: Ngôn sứ thật là người dám nói sự thật vì lợi ích chung, dù phải chịu đau khổ và phải chết vì sự thật, trong khi ngôn sứ giả chỉ chạy theo thị hiếu người nghe, vì lợi ích bản thân và nhượng bộ trước khó khăn thử thách.
Như thế, Gioan Tẩy Giả là mẫu gương cho mỗi người chúng ta hôm nay. Để trở thành người rao giảng, trước hết chúng ta phải trở thành một người có một đời sống thánh thiện, người sống những gì mình rao giảng, người có nơi mình những đức tính tốt như khiêm tốn, khó nghèo, đơn giản và khổ chế. Chúng ta hãy học nơi Gioan là tránh không rao giảng mình, tìm kiếm mình, nhưng tìm kiếm vì vinh quang Thiên Chúa. Cuối cùng, chúng ta học nơi Gioan bài học can đảm để chấp nhận những hy sinh vì sứ vụ rao giảng chân lý Tin Mừng. Amen!
Tương tự như tác phẩm nghệ thuật về việc tử đạo của Thánh Gioan, các tác phẩm về những sự kiện tử đạo của các Thánh khác cũng sẽ gợi lên những suy tư về sự chết, đau khổ, sống và chết cho Sự Thật...
Qua tác phẩm đầu tiên: Beheading of St John the Baptist tạc bởi Vincenzo Danti chắc bác Văn Khoa cũng đã cảm giác được một phần nào ý nghĩa vì sao tác giả lại tạc Thánh Gioan Tẩy Giả trong một tư thế bình thản, tay chắp lại như đang dâng lời cầu nguyện và sẵn sàng hy sinh để làm chứng Tin Mừng.
Trong khi đó tác phẩm Salome with the Head of John the Baptist của Caravaggio lại vẽ theo một hướng khác. Những biểu hiện qua khuôn mặt của Salome, của tên đao phủ, của người đứng sau lưng khiến người xem phải đặt câu hỏi không biết họ đang nghĩ gì trước cảnh tử đạo của Thánh Gioan. Có chút cảm xúc nào chăng? Hay tất cả chỉ vô tâm trước những gì xảy ra...
Em quên thêm một chi tiết nữa là tên cô con gái vốn không được nhắc đến trong Thánh Kinh. Như bác đã thấy chỉ có ghi là "con gái bà Hê-rô-đi-a". Tên Salome là từ sử gia Josephus thế kỷ thứ I cho biết. Vì vậy nhân vật này mới có tên là Salome.