Trang 1 / 3 123 Cuối cùngCuối cùng
Hiển thị kết quả từ 1 đến 10 / 22

Chủ đề: Tranh luận về Mỷ Thuật / Nghệ Thuật VN

  1. #1
    Tham gia
    23-07-2005
    Location
    boston
    Bài viết
    228

    Tranh luận về Mỷ Thuật / Nghệ Thuật VN

    Số là lang bang trên diễn đàn, thấy các bậc bô lảo tranh luận nhau về nghệ thuật mỹ thuật mà trong đó cũng liên quan đến nhiếp ảnh- Tôi thấy rất thú vị để chúng ta nhìn xem họ nhận đình ra sao. Xin được cắt dán hầu các bác trong lúc trà dư tửu hậu ************************

    Trịnh Cung


    Lột xác mỹ thuật Việt Nam - Chờ đến bao giờ?

    Các sự kiện có liên quan đến cuộc khủng hoảng sáng tạo mỹ thuật

    Mỹ thuật Việt Nam gần đây có 3 sự kiện được đưa lên diễn đàn (hệ thống truyền hình VTV hoặc các hội thảo cấp nhà nước) rất đáng chú ý, có liên quan mật thiết đến cuộc khủng hoảng sáng tạo mỹ thuật hiện đang diễn ra:

    1. Toạ đàm về việc Hội Mỹ thuật Việt Nam trao giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2005 cho một tranh sao chép theo một tác phẩm của một hoạ sĩ Liên Xô cũ (VTV)

    2. Tọa đàm về thực trạng tranh giả và tranh chép đang hoành hành thị trường mỹ thuật Việt Nam (VTV)

    3. Hội thảo “Ðiêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại” tại Viện Mỹ thuật Hà Nội (5/2006).

    Thông qua 3 sự kiện này và khá nhiều bài viết về mỹ thuật trên các báo trong nước từ nhiều năm qua, mỹ thuật Việt Nam đang bộc lộ toàn bộ tình trạng “rơi tự do” xuống vực phá sản sáng tạo.

    Tình trạng hoang mạc hoá cánh đồng nghệ thuật tạo hình của nước nhà hiện nay không còn là dự báo sớm mà nó đã xâm hại tới giới hạn không được phép. Nếu sự thật này không đúng như vậy, tại sao nhà phê bình Nguyễn Quân đã phải lên tiếng liên tiếp trong hai hội thảo cấp quốc gia (hội thảo của ngành lý luận phê bình, tổ chức tại Hà Nội tháng 3/2006 và hội thảo “Ðiêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại” vừa mới kết thúc cũng tại Hà Nội), với cùng một nội dung mang ý nghĩa khuyến cáo giới hữu trách lãnh vực văn hoá nên ngừng việc xây dựng tượng đài trên toàn quốc cho đến năm 2020. Riêng hội hoạ, tệ trạng làm tranh giả và tổ chức sản xuất, tiêu thụ tranh chép đang ngày càng bành trướng, thậm chí thực tế này đã làm các phòng triển lãm sáng tác đầy tâm huyết nghệ thuật của những họa sĩ đích thực biến mất và tranh chép hoặc tranh nhái đã nghiễm nhiên trở thành bộ mặt chính của mỹ thuật nước nhà. Thực trạng này cho thấy hệ thống mỹ thuật Việt Nam hiện nay là tác giả của bức tranh toàn cảnh ảm đạm của sáng tạo mỹ thuật nước nhà.


    Ðổi mới hệ thống mỹ thuật – Một yêu cầu bức thiết

    Ngưng thực hiện tượng đài đến năm 2020? - Không thể, không thể! Chúng ta vẫn phải tiếp tục làm tượng đài, còn hay hay dở gì hãy để cho con cháu chúng ta phán xét! Ðó là phản ứng của nhà điêu khắc Phan Gia Hương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tác giả của hằng chục tượng đài - cũng là phản ứng có tính đại diện cho nhiều tác giả của các pho tượng đang cho thấy bộ mặt nghèo nàn và độc tuyến của điêu khắc Việt Nam. Sự phản ứng ấy của họ trước một đề nghị có nguy cơ làm hỏng những cuộc làm ăn béo bở được che đậy dưới ô dù “tôn vinh lịch sử” từ hằng chục năm qua là tất yếu. Và thế là họ đã rơi ngay vào cái liệu pháp gây “sốc” của nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân.


    Thực ra, đề nghị ấy của Nguyễn Quân hàm chứa một giá trị tích cực, có tầm chiến lược không chỉ cho riêng bộ môn điêu khắc ngoài trời và không gian mỹ thuật đô thị mà cho cả môi trường sáng tạo hội họa. Việc tổ chức lại tốt hơn hệ thống mỹ thuật Việt Nam không thể chờ đợi lâu hơn được nữa và cần có một sự phục sinh trở lại không khí sáng tạo sống động mà các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã từng có những thời kỳ đẹp đẽ trước khi nền-mỹ-thuật-thị-trường-cơ-hội bắt đầu thao túng kể từ năm 1995. Nguyễn Quân đưa ra cái cột mốc 2020 như một điều kiện cần và đủ cho một cuộc lột xác nghiêm túc, một cái dừng để lấy khoảng lùi cực kỳ cần thiết cho giới mỹ thuật Việt Nam có điều kiện nhìn lại bao quát toàn bộ những gì đã tạo ra sự suy nhược ngày càng trầm trọng của con đường sáng tạo của mình. Ðây là một trong những việc làm mà ở các trường mỹ thuật thường dạy cho sinh viên phải áp dụng thường xuyên để nhìn rõ hơn cái đúng và sai của bản vẽ đối với người mẫu hoặc phong cảnh. Trong cuộc sống cũng vậy, lấy khoảng lùi đủ để nhìn lại toàn bộ việc làm, để kịp điều chỉnh những nhầm lẫn luôn luôn là điều cần thiết.

    Việt Nam đã trải qua 30 năm hoà bình và đang đứng trước một thời đại mới - thời hội nhập, mỹ thuật Việt Nam sao vẫn còn là một đứa con sống dựa vào bầu vú của nhà nước mặc dù nay tuổi đã già? Sự rút tỉa này cùng với những tệ nạn rút tỉa khác không chỉ đang làm suy yếu nghiêm trọng cho sức khoẻ của bà mẹ Việt Nam, mà bản thân chứng “rối loạn tiêu hoá” cũng ngày càng hết thuốc chữa. Tất nhiên việc “cai sữa” cho một “con nghiện” không bao giờ là dễ dàng, cũng như không có cuộc đại phẫu nào là không gây ra đau đớn cho bệnh nhân và những mối liên hệ thân thuộc chằng chịt của họ, nhưng vì sự lựa chọn cho tương lai, cho các thế hệ nghệ sĩ tạo hình trẻ Việt Nam, phục sinh lại đường băng cho những giấc mơ sáng tạo cất cánh, mỹ thuật Việt Nam nhất thiết phải “cải tổ” lại mình.


    Tầm nhìn mới cho hệ thống mỹ thuật Việt Nam

    Việc cải tổ hệ thống mỹ thuật Việt Nam cần được tiến hành một cách thận trọng, có chiều sâu, dựa trên kinh nghiệm của các hệ thống mỹ thuật mạnh trên thế giới. Có thể thấy rõ những điểm cốt yếu cần phải được thực hiện ngay cho mỹ thuật Việt Nam hiện nay:

    * Trước hết nên coi Hội Mỹ thuật Việt Nam hiện nay là một hội nghiệp đoàn, hoạt động trên danh nghĩa và quyền lợi như các hội nghề nghiệp khác.

    * Tái lập lại Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam thành một tổ chức dành cho những nghệ sĩ theo đuổi sự nghiệp sáng tạo, nơi hội tụ có chọn lựa và tự nguyện của những nghệ sĩ tài năng nhất của đất nước trên nguyên tắc phi chính trị và xã hội hoá hoàn toàn.

    * Giải tán ngay các hội đồng nghệ thuật mang tính cơ cấu.

    * Bộ Văn hoá và Thông tin không nên coi nhiếp ảnh như một ngành lớn ngang với mỹ thuật khi lập ra Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh nước ta thực chất chỉ ở mới đang ở dạng phong trào và hoạt động mạnh về mặt dịch vụ, chưa có hệ thống trường qui; ngôn ngữ nhiếp ảnh đơn điệu, lạc hậu, dù có gặt hái được một số giải thưởng quốc tế (những giải thưởng này thường do tác động bởi sự tài trợ của các công ty sản xuất phim và máy ảnh). Nên trả nhiếp ảnh về đúng vị trí của nó là một bộ môn trong hệ thống mỹ thuật Việt Nam.

    * Tách Viện Mỹ thuật ra khỏi Trường Ðại học Mỹ thuật Hà Nội, nâng cấp thành một viện chính thống có chức năng độc lập nghiên cứu chuyên sâu các lãnh vực mỹ thuật (hiện Viện Mỹ thuật chỉ là một phòng ban của Trường Ðại học Mỹ thuật).

    * Sau cùng và quan trọng hơn cả là phải thành lập một Ủy ban Mỹ thuật Quốc gia, có quyền hạn ngang bộ, trực thuộc chính phủ, nhằm tư vấn cho chính phủ các chiến lược phát triển mỹ thuật đất nước và vạch ra những bất cập cần phải điều chỉnh bằng những giải pháp tốt nhất. Uỷ ban Mỹ thuật Quốc gia soạn thảo để chính phủ ban hành các định chế nhằm chuyên môn hoá và pháp luật hoá các hoạt động mỹ thuật trên cả bốn mặt: đào tạo, thị trường, phát triển hệ thống bảo tàng và nuôi dưỡng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Chỉ có Ủy ban Mỹ thuật Quốc gia mới là người tổ chức các triển lãm toàn quốc thường niên, lưỡng niên (hoặc tam niên), ngũ niên, quốc tế và thành lập các hội đồng giám khảo cho các cuộc triển lãm ấy.

    Cải tổ lại hệ thống mỹ thuật Việt Nam ngay bây giờ trên thực tế nội tại của những nhà hữu trách là một điều không tưởng, nhưng trước thực trạng “sạt lở” nghiêm trọng này của mỹ thuật Việt Nam, chúng ta lại cứ mãi mũ ni che tai thì không khác chi kẻ tòng phạm dưới mắt của những thế hệ trẻ hiện nay và mai sau.

    Sài Gòn 05/2006

  2. #2
    Tham gia
    23-07-2005
    Location
    boston
    Bài viết
    228
    Sau đây là phản biện của ông Vũ Đức Tân.....

    Vũ Đức Tân
    Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam có phải nhờ đến ông Trịnh Cung lột xác không?

    Trong bài viết “Mỹ thuật Việt Nam - cần một cuộc lột xác” – (Tạp chí Mỹ thuật tháng 6/2006 M 85 trang 84) và bài viết “Lột xác mỹ thuật Việt Nam - Chờ đến bao giờ?” , tác giả Trịnh Cung có đề cập tới nhiếp ảnh như sau: “Bộ Văn hoá Thông tin không nên coi nhiếp ảnh như một ngành lớn khi lập ra Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh nước ta thực chất chỉ mới ở giai đoạn phong trào và hoạt động mạnh về mặt dịch vụ, chưa có hệ thống trường quy; ngôn ngữ nhiếp ảnh đơn điệu, lạc hậu, dù có gặt hái được một số giải thưởng quốc tế (Những giải thưởng này thường do tác động bởi sự tài trợ của các công ty sản xuất phim và máy ảnh). Nên trả nhiếp ảnh về đúng vị trí của nó là một bộ môn trong hệ thống mỹ thuật Việt Nam”.

    Khi đọc những dòng viết trên, thực sự tôi đã không còn tin tưởng vào ngòi bút của Trịnh Cung. Tôi không hiểu trong giới tạo hình người ta coi trọng sức hấp dẫn và tin cậy của ngòi bút ông như thế nào, nhưng với giới nhiếp ảnh thì những phán xét của ông quả là vũ đoán. Khi phát biểu không có nghiên cứu trước, hoặc là chỉ xuất phát từ phía chủ quan, lại đưa ra kết luận có tính phán xét như trên liệu có xứng đáng là một ngòi bút lý luận hoặc phê bình không? Nếu chỉ là chuyện trà dư tửu hậu, lấy câu chuyện làm vui thì người ta dễ có thể châm chước cho nhau, nhưng nếu bàn về đường hướng, đưa ra việc dẹp cái nọ bày cái kia thì lời phán xét như vậy quả là vô trách nhiệm.


    1.

    Tôi không biết có bao giờ ông Trịnh Cung chụp một cái ảnh kỷ niệm nào chưa? Chí ít, khi lưu giữ bất kỳ một bức ảnh nào, ông chắc hẳn không bao giờ nghĩ đến cái công nghệ to lớn nằm đằng sau bức ảnh. Nghệ thuật nhiếp ảnh quả là chỉ sinh ra được khi có nền tảng kỹ thuật ấy. Và một bức ảnh tồi nhất bao giờ cũng tỷ mỉ mà chi tiết hơn bất kỳ hoạ sĩ chân dung nào tài năng nhất. Quả thực từ khi nhiếp ảnh ra đời các hoạ sĩ đã phải suy nghĩ lại, việc tái tạo các chi tiết như cách làm cũ nhiều khi có hại và mất thời giờ, đôi lúc không cần thiết. Ít nhất hoạ sĩ Vachol đã khôn ngoan hơn khi thực sự coi nhiếp ảnh là một phần sáng tạo của mình. Nhiếp ảnh đã làm thay đổi cách nhìn với thế giới. Bây giờ, giới truyền thông không thể hình dung ra thế giới không có nhiếp ảnh. Tôi tin một điều chắc chắn rằng lĩnh vực hoạt động của nhiếp ảnh không hẹp hơn bất kỳ một ngành nghệ thuật nào khác trong các nghệ thuật tạo hình. Kỹ thuật số đẩy nhiếp ảnh lên một bước tiến mới: mở rộng khoảng không sáng tạo, vĩnh cửu hoá tư liệu lịch sử và nghệ thuật. Sự tồn tại của hội hoạ giá vẽ truyền thống hiển nhiên là phải ghen tỵ với nhiếp ảnh về khả năng vĩnh cửu của nó, chỉ cần người ta muốn lưu giữ lại. Nhiếp ảnh làm nhiều việc có ích cho đời sống con người và cho nghệ thuật. Trong công nghiệp sản xuất máy ảnh, phim ảnh là một ngành sản xuất lớn và trong đời sống nghệ thuật nhiếp ảnh chiếm một phần khá quan trọng với những ai yêu thích nghệ thuật tạo hình. Không ít hoạ sĩ đã tìm tới nhiếp ảnh để học tập, chia sẻ kinh nghiệm, hoặc dùng nhiếp ảnh làm phương tiện tái tạo cuộc sống. Bởi vậy, tôi lấy làm khó hiểu khi một người mang tiếng là hiểu biết về tạo hình lại hoàn toàn không quan tâm đến nhiếp ảnh và coi đó chỉ là thứ ngoài lề như các phát biểu của ông. Nhất là khi ông viết “không nên coi nhiếp ảnh như một ngành lớn” thì bạn đọc cảm thấy có phần nực cười vì quả thực từ trước khi ông viết như trên thì nhiếp ảnh là một ngành đâu có nhỏ.


    2.

    Về nhận định “Nhiếp ảnh nước ta thực chất mới ở dạng phong trào và hoạt động mạnh về mặt dịch vụ, chưa có hệ thống trường quy”, thì như ông hơi vũ đoán, nói khi chưa có điều nghiên. Nhiếp ảnh nước ta không chỉ có phong trào mà còn có những hoạt động nghệ thuật đích thực, những người cống hiến sức lực tài năng cho nhiếp ảnh đâu có hiếm. Chưa kể những hoạt động có tính thời sự là hoạt động khá sở trường của nhiếp ảnh thì những hoạt động có bề sâu của các nghệ sĩ khi chụp chân dung, những phóng sự nghiên cứu về cuộc sống, những sáng tác mang tính thẩm mỹ không hiếm. Có cả những tác giả chỉ chụp cho sở thích của mình mà không phụ thuộc vào một phong trào hay giải thưởng nào cả. Còn trường Đại học Sân khấu Điện ảnh có khoa Nhiếp ảnh, khoa Báo chí Học viện Chính trị Hồ Chí Minh có đào tạo về nhiếp ảnh và Khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội… thì đấy có lẽ không phải là trường quy chăng? Chúng tôi còn chưa hài lòng về cách đào tạo cũng như giáo trình nhiếp ảnh, nhưng đó lại là một chuyện khác.


    3.

    Nhận định của ông cho rằng “… ngôn ngữ nhiếp ảnh đơn điệu, lạc hậu, dù có gặt hái được một số giải thưởng quốc tế (những giải thưởng này thường do tác động bởi sự tài trợ của các công ty sản xuất phim và máy ảnh)” lại cũng là một nhận xét không chính xác. Theo chỗ tôi được biết thì cho đến nay trong các ngành nghệ thuật Việt Nam chưa có ngành nào vươn lên mạnh mẽ như nhiếp ảnh. Đứng về khả năng hội nhập thì có thể nói nghệ thuật nhiếp ảnh hiện nay đang đứng ở hàng đầu. Nếu các hoạ sĩ, các nhà tạo hình “lừng lẫy” của chúng ta thường sang nước ngoài bầy tranh ở những vị trí không chính thống, không thể mơ tới các bảo tàng lớn, các vị thế quan trọng, thì nhiếp ảnh Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc khác trong lĩnh vực ảnh nghệ thuật. Giải thưởng Huy chương vàng FIAP cho bộ ảnh mười chiếc của Việt Nam, một cuộc thi toàn cầu gần đây, đâu có phải là một trò ban ơn vớ vẩn của các nhà tài trợ. Tôi nghĩ rằng đây là niềm tự hào của giới nhiếp ảnh Việt Nam trong lĩnh vực ảnh nghệ thuật.


    4.

    Ý kiến của ông Trịnh Cung về việc “Nên trả nhiếp ảnh về đúng vị trí của nó là một bộ môn trong hệ thống mỹ thuật Việt Nam” cũng làm tôi thấy khó hiểu. Không biết người ta xếp nhiếp ảnh vào “hệ thống mỹ thuật” từ bao giờ vậy. Một khái niệm mù mờ và chưa chuẩn xác.

    Vì ông Trịnh Cung có những khái niệm riêng biệt nên theo tôi cũng chẳng cần tranh cãi với nhau làm gì.

    Tôi đọc được ở bài viết của ông sự coi thường và hạ thấp nhiếp ảnh Việt Nam so với thực tế đang diễn ra. Nhiếp ảnh từ khi ra đời đến nay vẫn là nhiếp ảnh không có gì khác. Không phải bỗng dưng có những cuốn từ điển dày cộp coi nhiếp ảnh là một nghệ thuật. Nhiếp ảnh cũng thừa những tên tuổi để tôn vinh.

    Tuy nhiên, thái độ trịch thượng của ông Trịnh Cung với nghệ thuật nhiếp ảnh làm tôi nhớ đến thái độ hoảng hốt của những hoạ sĩ châu Âu khi nhiếp ảnh chân dung xuất hiện và lấn át hội hoạ. Và câu chuyện nhiếp ảnh có phải là một nghệ thuật hay không đã là câu chuyện cũ thuộc về thế kỷ trước. Liệu đó có phải là thái độ đúng đắn của một người làm công tác phê bình tạo hình lịch duyệt và chân chính khi bàn về cái đẹp không?!

    Tác giả Vũ Đức Tân là Trưởng Ban Lí luận Phê bình thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội.
    Được sửa bởi xichlo lúc 11:21 AM ngày 09-01-2007

  3. #3
    Tham gia
    22-03-2006
    Bài viết
    925
    Theo em biết hình như talawas ko truy cập được từ VN?
    Canon

  4. #4
    Tham gia
    23-07-2005
    Location
    boston
    Bài viết
    228
    ....Dông dài về ghét và yêu với nhiếp ảnh

    Đầu tiên xin đi lạc đề một chút. Xin cảm ơn tác giả Lê Dương đã chỉ ra cái sai „quả“ thành „củ“ trong „ý kiến ngắn“ của tôi hôm 19 tháng 6 vừa qua. Rõ ràng là ngày còn nhỏ vẫn chơi với bồ hòn suốt, vẫn dùng những quả bồ hòn tròn xoe, đen nhánh („đen như bồ hòn“ mà) và dễ kiếm thay cho những viên bi bằng đất nung hoặc thủy tinh phải mất tiền mua, vậy mà chẳng hiểu sao trong lúc vội vàng lại viết thành „củ“ bồ hòn được.

    Nhân đây, cũng xin bày tỏ tâm đắc với những ý kiến rất hay giữa hai thái cực „ghét“ và „yêu“ của tác giả Lê Dương. Đọc mà cứ thấy bồ hòn ngòn ngọt thế nào. Ngọt, mặc dù, cái loại hạt này, ngược lại, rất đắng, đắng đến nỗi khi người ta phải nói: „ngậm bò hòn làm ngọt“ là để chỉ những sự gì đó éo le, ấm ức mà không nói ra được. Đề tài này, nếu muốn, hình như có thể kéo dài đến bất tận. Chẳng hạn như vừa mới đây, nhân đọc bài viết nhan đề: „Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam có phải nhờ đến ông Trịnh Cung lột xác không?“ trên diễn đàn này của tác giả Vũ Đức Tân, trưởng ban lý luận phê bình thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hà Nội, thấy ông „yêu“ mà hết lời ca tụng và bảo vệ những thành quả đã đạt được của ngành nghệ thuật này ở nước ta... thì lại muốn mang mấy câu ca dao có bồ hòn ấy ra vận dụng luôn.

    Vâng, rất có thể là nhiếp ảnh Việt Nam đã đạt được một số thành tựu thật, nhưng có phải vì thế mà nó đã tiệm cận được với trình độ hiện đại của nhiếp ảnh thế giới chưa? Điều đó còn cần phải bàn rất nhiều. Riêng tôi thì sực nhớ đến bài „phỏng vấn một anh thợ mỏ“ của Lê Thị Liên Hoan (bút danh của đạo diễn Lê Hoàng) đăng trên báo Thể thao & Văn hóa số 43, 11.04.2006. Vì bài „phỏng vấn“ này cũng lấy đề tài về nhiếp ảnh với rất nhiều giải thưởng tầm cỡ quốc tế, và vì nó cũng không dài lắm, xin cọc cạch gõ lại hầu độc giả , để mọi người thấy một cách đánh giá khác về các thành tích của ngành nghệ thuật này ở nước ta trong cả một thời kỳ.


    *


    PV: Thưa anh, về nguyên tắc, tất cả các khoáng sản sau khi khai thác, muốn sử dụng được phải làm thế nào?

    Thợ mỏ: Phải qua tinh chế.

    PV: Điều ấy đúng với than đá, sắt thép, dầu thô... mà không đúng với nhiếp ảnh.

    Thợ mỏ: Nhiếp ảnh?

    PV: Vâng. Trong nhiếp ảnh Việt Nam, có một người mẫu nổi tiếng, một bà già dân tộc mà nghệ sĩ nào cũng biết.

    Thợ mỏ: Vì sao?

    PV: Vì bà ấy đã trên trăm tuổi.

    Thợ mỏ: Mà vẫn chạy tung tăng, hay vẫn đi thi tuyển diễn viên điện ảnh?

    PV: Vì bà ấy... nhăn nheo.

    Thợ mỏ: À, một cụ già 105 tuổi da mặt nhăn nheo là điều rất bình thường.

    PV: Vâng. Nhưng những nét nhăn nheo của bà ấy rất „đặc trưng“. Theo quan điểm của nhiếp ảnh, hay nói đúng hơn, của các ban giám khảo nhiếp ảnh, là rất đẹp.

    PV: Rồi các quan điểm ấy nhanh chóng... lan truyền. Thế là các nhiếp ảnh gia toàn quốc đổ xô về để chụp bà ấy.

    Thợ mỏ: Chụp như thế nào?

    PV: Như sáng tác. Như phóng sự. Người sử dụng kính góc rộng. Người dùng ánh sáng riêng. Người cầu kỳ hơn, chơi cả chếch, cả ngược...

    Thợ mỏ: Hết rồi à?

    PV: Chưa. Người chụp bà ấy một mình. Người dắt theo, để bà ngồi cùng với đứa bé.

    Thợ mỏ: Ô. Đứa bé? Nó có tác dụng gì?

    PV: Tác dụng... tương phản. Làn da mịn màng của nó làm làn da đồi mồi của bà lão... tăng lên.

    Thợ mỏ: Rồi sao?

    PV: Rồi những nhà nhiếp ảnh phóng ảnh, sau đó mang đi thi.

    Thợ mỏ: Thi ở đâu?

    PV: Ở đủ mọi cuộc thi mang tên quốc tế.

    Thợ mỏ: Kết quả?

    PV: Kết quả là họ được giải liên miên. Không biết bao nhiêu bức đã được huy chương vàng với chủ đề bà lão ấy.

    Thợ mỏ: Chỉ thế thôi?

    PV: Vâng. Chỉ thế thôi. Dân nhiếp ảnh truyền tai nhau. Lũ lượt mang máy tới bà như đi trẩy hội. Rồi lũ lượt mang... giải thưởng về.

    Thợ mỏ: Này, dừng lại. Tôi hỏi nhà báo nhé: Nhiếp ảnh là nghệ thuật, đúng không?

    PV: Nhác trông thì không, nếu ra chụp ở... Bờ Hồ. Nhưng xét kỹ ra là đúng thế.

    Thợ mỏ: Mà cái quan trọng nhất của nghệ thuật là gì? Là sự sáng tạo.

    PV: Vâng.

    Thợ mỏ: Nếu tôi đào được viên kim cương, tôi chả là nghệ sĩ gì cả. Tôi vẫn là anh thợ mà thôi. Nhưng nếu tôi mài giũa viên kim cương ấy thì khác.

    PV: Đúng vậy.

    Thợ mỏ: Cho nên việc chụp ảnh một bà cụ già, sau đó đặt những cái tên đầy sáo rỗng như „Màu thời gian“, „Cuối đời“, „Vết năm tháng“ thì có gì là sáng tạo hả?

    PV: Theo tôi thì không có gì. Nhưng hình như các ban giám khảo quốc tế nói khác.

    Thợ mỏ: Nói xin lỗi, mặc xác cái thứ quốc tế đó chứ. Có phải cái gì nó cũng hay đâu.

    PV: Dạ... Dạ.

    Thợ mỏ: Nếu thống kê ra, ở Việt Nam, khéo tới cả trăm tấm hình đã được giải thưởng quốc tế với kiểu chủ đề một già một trẻ hoặc già cô đơn như thế. Nó chả chứng tỏ điều gì, ngoài sự bế tắc, sự xơ cứng của nhiếp ảnh, đấy là theo quan niệm của tôi.

    PV: Dân thợ mỏ!

    Thợ mỏ: Ừ. Tôi chất phác. Tôi nghĩ gì nói đấy (chứ không phải thấy gì chụp nấy). Tôi kinh ngạc khi thấy nhiếp ảnh vừa mòn, vừa cũ, vừa công thức về chủ đề trong trường hợp này. Tôi cho rằng giữa người mẫu và người chụp, chả biết ai già hơn ai nữa.

    PV: Điều chắc chắn: Ban giám khảo già hơn.

    Thợ mỏ: Đúng. Trong khi từng giờ từng phút cuộc sống đang diễn ra, đang biến đổi ầm ầm thì hàng
    chục vị cầm máy xông lên rừng, chen lấn nhau quanh một bà già im lìm, bất động.

    PV: Vì họ thấy tính triết lý của vẻ im lìm này.

    Thợ mỏ: Tôi chỉ thấy tính lười, tính háo danh và tính kém tư duy của họ.

    PV: Phải chăng bởi thế mà vừa qua, cụ đã lìa đời?

    Thợ mỏ: Cụ đã ra đi trong im lặng, mang theo bên mình cái... mỏ huy chương. Làm cho khối nghệ sĩ
    nhà ta... bơ vơ trong sáng tác, từ nay không biết tìm chủ đề nào.

    PV: Dễ thôi. Họ đang săn lùng một ông hay bà già khác. Và tôi tin rằng trước hay sau họ cũng tìm ra.

    Thợ mỏ: Bởi nếu như không có người già, nghệ thuật kiểu này sẽ không biết giấu đi đâu cái... già của
    nó.

    (Lê Thị Liên Hoan)

  5. #5
    Tham gia
    24-03-2005
    Bài viết
    202
    Hê! Trước vụ này em cũng ham bàn cãi lắm nhưng nghe đâu hơi nhạy cảm! Bên Xóm mặc dù các bạn ấy không rầm rộ nhưng khá mạnh dạn phát biểu ý kiến và anh em đạt được độ hiểu nhau khá cao, mồm, bài mắng nhau nhem nhẻm nhưng ngoài đời thân tìnhra phết và đặc biệt không có phân lớp phân lang khá bình đẳng. Bên mình đội ngũ hùng hậu hơn và tính định hướng cao hơn! Mình lại là khách nên không dám bàn bạc nhiều nhưng sự cần thay đổi còn là cả một câu chuyện dài! Chỉ sợ đến lúc cho chúng ta thay đổi chúng ta không thay đổi được đấy mới là cái đáng buồn nhất!

  6. #6
    Tham gia
    16-05-2005
    Bài viết
    1,623
    Bài của Lê thị liên hoan em đọc rồi, cũng vẫn là ý tưởng của nhiều nguời đã nói được trình bày theo giọng văn dí dỏm và tếu tếu của Lê Hoàng thôi. Còn phê bình nhiếp ảnh Vn đạt đc trình độ thế giới hay chưa để đánh giá nó chỉ là một bộ phận của Mỹ thuật Vn thì em thấy ko logic, câu hỏi ở đây là bản thân Mỹ thuật Vn, nó đã đạt được đến trình độ thế giới hay chưa ? Các cụ tranh cãi um xùm cuối cùng là muốn tìm cách thay đổi để làm sao cố gắng đưa Mỹ thuật Vn lên tiếp cận trình độ thế giới, tại sao lại lấy lý do tương tự để đánh giá nhiếp ảnh Vn thấp hơn vậy?
    Một mặt bác Trịnh Cung nói Mỹ thuật của Vn còn nhiều tồn tại này nọ, cần lột xác, cách mạng để đạt đc tầm quốc tế, một mặt bác ý lại muốn phủ định cái mà thế giới họ đã công nhận từ rất lâu là Nhiếp ảnh tách rời, là một bộ môn nghệ thuật riêng và ngang hàng Mỹ thuật, hội hoạ. Như vậy có mâu thuẫn với chính mình không ?
    Được sửa bởi anhhang lúc 11:25 AM ngày 09-01-2007

  7. #7
    Tham gia
    18-10-2006
    Bài viết
    411
    Lại lôi chuyện cãi nhau câu từ chữ nghĩa làm gì bác LeHais. Ông Cung ông ấy nói cũng có cái lý của ông ấy, chả oan đâu, vấn đề là giọng hơi miệt nên ông Tân mới bật tanh tách lên chứ thâm tâm em thấy cả nền Mỹ thuật nước nhà đều kém cỏi đã có gì gọi là nghệ thuật nếu so với tầm vóc Thế giới đâu huống hồ đến nghệ thuật tạo hình, nhiếp ảnh, phỏng ạ?!

    Vấn đề là lấy cái thước nào ra đánh giá thôi, nếu so với thước... Lào, Campuchea... thì tất nhiên là nghệ thuật của chúng ta oách xà loạch. Nhưng trộm nghĩ, một đất nước có 4000 năm lịch sử (hơi bị dài nhé!) mà chửa có thành tựu nghệ thuật nào đem đi so được với thế giới cả thì cũng hơi buồn tủi. Em thì cứ nghĩ phổi thế này, nghệ thuật so sánh cựa dễ, nhất là nghệ thuật tạo hình vì nó đập thẳng vào mắt người xem mà chả cần ngôn ngữ phiên dịch phỏng ạ! Hay dở, xấu tốt gì thì cứ nhìn, so đọ thì thấy ngay.

    Cái chết ở mình là cứ thích "xã hội hoá", "nghệ thuật quần chúng"... mà nghệ thuật dứt khoát không dành cho số đông đâu bác ạ!

    Em chả khen, chả dám chê nền mỹ thuật hay nhiếp ảnh nước nhà, chỉ buồn thôi. Nhưng chả sao, biết buồn, biết tủi, biết nhục thì mới cố được bác ạ! Đóng cửa trong nhà thì ai chả hay, chả tốt. Ngặt nỗi, muốn trèo lên nóc nhà để ngó ra xem hàng xóm, hay làng bên người ta thế nào thì khó quá. Nghệ thuật mà cứ phát triển diện rộng thì lấy đâu ra điểm cao cao để người ta trèo lên quan sát. Bác nào làm xây đựng ắt rành: nhà muốn cao thì càng ở trên cao càng bé, phỏng ạ?!

    Bác bên Hội chắc cũng có quyển NAVN thế kỷ 20 và mấy quyển ảnh đoạt giải quốc tế, quốc gia của mấy năm gần đây, phỏng ạ?! bác làm ơn xem dùm em, 40 năm nay cái đồi cát Vn có khác đi tẹo nào không?

    Kính!
    "Nhìn ảnh nói chuyện

  8. #8
    Tham gia
    23-07-2005
    Location
    boston
    Bài viết
    228
    Bác Nason,
    Từ lâu nay chúng ta, giống như bác nói, vẫn đắm mình trong cái " Nghệ Thuật Quần chúng " hay " Xã hội hóa", tuy nhiên hai ông này thuộc loại hai ông to, đám phám với nhau thấy thú vị trong cái cách nhình của họ. Cũng như bác đi đây đó, nhìn xa hiểu rộng.
    Theo tôi thấy cách nhìn hai vị nay giống như Tân Cổ giao duyên
    ...Cái gì cũng vậy Ngày Mai bắt đầu từ ngày hôm nay bác nhỉ

  9. #9
    Tham gia
    24-03-2005
    Bài viết
    202
    Các bác cứ hay nói chữ! Dạo này em đang tập đọc về nghệ thuật cộng đồng "Community arts " thì thấy mấy "ông lớn" ấy cũng không giống ai! Có khi lại là một trường phái mới cũng nên :lol:
    Được sửa bởi vndrake lúc 12:29 PM ngày 11-01-2007

  10. #10
    Các bác nói thế nào ấy, nhất là bác Nason, đọc ý kiến của bác tôi suy đoán được rằng, hình như bác không mặn mà với giới nghệ sĩ của hội, nhưng không sao, vấn đề là các bác hãy xem lại mình, có đóng góp được bao nhiêu cho nền nghệ thuật nước nhà rồi, trình độ của mình đang ở đâu? mà sao tôi thấy ông nào nhận định cũng siêu cả, nói thì thật hay thậm chí to mồm, nhưng thực lực và trình độ lý luận chả đâu vào đâu cả.
    Nói tóm lại, tôi cũng có ý kiến về vấn đề này một cách ngắn gọn thôi: Mỗi người hãy tự cố gắng học hỏi và phát triển mình, hãy khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, nhiều người như thế, nhiều nhà...như thế thì tương lai chắc chắn sẽ khác thôi.

Trang 1 / 3 123 Cuối cùngCuối cùng

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Những chủ đề tương tự

  1. Thủ thuật chuyển từ ảnh màu sang ảnh bút chì nghệ thuật bằng PS
    By milkvn in forum Kỹ thuật Hậu kỳ - Studio - Phòng tối
    Trả lời: 6
    Bài viết cuối: 10-07-2013, 10:11 AM
  2. Trả lời: 73
    Bài viết cuối: 14-05-2013, 04:04 PM
  3. Cho em hỏi vài thủ thuật chụp Tranh vẽ sao cho đẹp
    By kaxide in forum Nhiếp ảnh cơ bản
    Trả lời: 6
    Bài viết cuối: 01-10-2009, 01:36 AM
  4. Nghệ thuật vẽ tranh 3D trên đường phố
    By tourane in forum Tán gẫu - Chuyện trong nhà ngoài phố
    Trả lời: 6
    Bài viết cuối: 11-05-2009, 08:29 PM

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •