Trang 5 / 304 Đầu tiênĐầu tiên ... 345671555105 ... Cuối cùngCuối cùng
Hiển thị kết quả từ 41 đến 50 / 3034

Chủ đề: Ảnh Đời Thường

  1. #41
    Tham gia
    18-10-2005
    Location
    HCM city
    Bài viết
    1,909
    Nhờ lúc trưa ngồi 8 ngoài sào huyệt cafephoto em nhớ mang máng là có đọc đâu đó trong box về cái " Khoảnh khắc đời thuờng", bây giờ em lục lại thì ra cái bài cũ trong box , em link vào đây để mọi nguời tham khảo thêm để có thêm thông tinkhông bổ bề này thì bổ bề kia phải không ạ , lâu quá rồi nên chắc không mấy ai nhớ ( em cũng xin mở ngoặc đơn là em không có ý gì khác đâu nhé, dạo này cẩn thận tí vẫn hơn )

    Nó đây ạ:

    http://www.vnphoto.net/forums/showth...&page=10&pp=10
    Được sửa bởi ducdenthui lúc 06:43 PM ngày 15-09-2006

  2. #42
    Tham gia
    17-10-2005
    Bài viết
    183

    Post

    Trời! Crazycow và Fridaycafe nói hay quá.

    Bỗng nhớ đoạn đối thoại giữa Tần Vương và Vô Danh Kiếm [Phim Anh Hùng - Trương Nghệ Mưu]. "cảnh giới tối thượng của kiếm đạo là tay không kiếm, tâm không kiếm"...

    Kinh nghiệm của bác Fridaycafe quả là lạ thường, bác lọt vào một cảnh giới rất lạ, lúc đó người ta không còn nghĩ tới ảnh, tới máy, tới cảnh nữa, mà người và cảnh và thế giới chung quanh nhập/hòa vào nhau mất rồi.

    Nếu chụp ảnh là để cảm nhận/ trực nhận cuộc sống thì... quên máy ảnh đi cũng là một cách. [Dù sao, ngoài những chức năng khác, chụp ảnh cũng chỉ là một phương tiện để con người cảm nhận cuộc sống].

    Rất cảm ơn bác đã chia sẻ kinh nghiệm, đọc xong cứ thấy lòng ...thơm thảo. hehe.

  3. #43
    Tham gia
    21-10-2005
    Bài viết
    174
    Thật là 1 topic quá hay sao nằm trong tán gẫu, xin được cám ơn tất cả các bác đã tạo nên topic này....cảm ơn, cảm ơn.
    @lysonx: thế là điều em chờ đợi đã đến bác nhỉ, nghe các bác "luận võ" mà thấy không khí bừng bừng
    Được sửa bởi SUNSIM lúc 07:37 PM ngày 15-09-2006

  4. #44
    Tham gia
    13-03-2005
    Bài viết
    1,393
    Quote Được gửi bởi huynhphuchau
    @Bác Hạnh : em cũng rất thích những ý kiến của anh fridaycafe!
    Em chỉ xin trao đổi để làm rõ thêmquan điểm về ảnh đời thường. Để chúng ta có thể có những tấm ảnh ngày càng tốt hơn đúng "chất đời thường".


    Em có đọc đâu đó một quan điểm cho rằng ảnh đời thường mang nội dung: "Tái hiện tính cách điển hình trong một hoàn cảnh điển hình". Đối tượng là con người cụ thể được đặc trong một tình thế xã hội cụ thể!
    Xin được chia sẻ trao đổi cùng các bác!
    Cám ơn các anh em đã chia sẻ !
    Những dòng trao đổi của các bạn khai sáng cho anh em chúng tôi - những người sắp trải nghiệm trong thể loại này- rất nhiều !
    Lúc đầu cứ nghĩ đơn giản( khi đọc bài của anh fridaycafe ), phương tiện chụp ảnh đời thường thì dùng những ống kính mình đang sở hữu- Normal mang cảm giác gần gũi, tele khi không có điều kiện tiếp cận đối tượng, để gây ấn tượng,hiệu quả mạnh thì sử dụng ống kính wide. Đặc biệt tốt nhất thì nên sử dụng máy ảnh Nikon vì cho hình ảnh sống động, màu sắu trung thực, âm thanh 5.1 :lol:
    Khi bước thêm bước, thì ... thật là như đang rơi vào ma trận, cứ thắc mắc mãi, mong các anh em chuyên mổ xẻ tiếp .
    @ anh Hậu !" Ảnh đời thường mang nội dung tái hiện tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình" - Xin anh giải thích rõ hơn và khi nào xảy ra tính cách điển hình, hoàn cảnh điển hình .
    @ anh Lysonx ! Rất cám ơn bài dịch của anh .
    Như anh đã nói "Nhiều người chụp ảnh đời thường tin rằng không cần lý giải về chuyện ảnh đời thường là gì!". Điều này đúng đối với những người chuyên, những người từng trải, có vốn sống cao trong thể loại này, đúng không anh ?
    Tôi tin rằng những người chưa luyện tập cung lại bá phát bá trúng như anh Vì vậy những người yêu thích nhiếp ảnh, đang chuẩn bị hành trang cho mình trải nghiệm mảng ảnh này" Họ cần lý giải " Họ cần hiểu ảnh đời thường là gì ?phương tiện cần trang bị , phương pháp thể hiện như thế nào ?
    Trên đây là vài ý nhiều anh em đang cần được các anh chuyên, có vốn sống chia sẻ !

  5. #45
    Tham gia
    11-03-2005
    Location
    hanoi
    Bài viết
    1,231

    Henry Cartier Bresson & Khoảnh khắc quyết định.

    Chào các bác.
    Nói thực là thấy các bác bàn về chuyên mục "Ảnh đời thường" rôm rả quá mà chẳng biết viết gì. Thôi thì tham gia bằng cách gửi một bài luận của Henri Cartier Bresson viết về The Decisive Moment, hay còn gọi là Khoảnh Khắc Quyết Định để các bác tham khảo và cùng trao đổi. Hy vọng bài viết sẽ có ích cho những ai quan tâm đến chuyên mục Ảnh đời thường.

    .................................................. ..................................................

    Henri Cartier-Bresson là nhà nhiếp ảnh người Pháp mà tôi rất ngưỡng mộ. Ông sinh tại Chanteloup, Pháp. Học hội họa từ năm 1923 cho đến năm 1931, ông bắt đầu làm quen với môn nghệ thuật nhiếp ảnh. Sau chuyến đi đến Bờ Biển Ngà, ông phát hiện ra sự kỳ diệu của chiếc máy ảnh Leica huyền thọai và từ đó trở thành sự lựa chọn duy nhất.



    Dưới đây là bài luận "Khỏanh khắc quyết định" của ông và cũng là tựa đề của cuốn sách "Images à la sauvette" xuất bản năm 1952, trong đó ông trình bày quan niệm của mình về nhiếp ảnh.

    (Chân thành cám ơn dịch giả Alter_Ego đã cung cấp bài từ nguồn www.hanoicorner.com.
    Ảnh : HCB - www.magnumphotos.com)



    Khoảnh khắc quyết định
    Henri Cartier-Bresson
    1908 - 2004.



    Tôi luôn luôn có niềm đam mê với hội họa. Hồi nhỏ, tôi thường vẽ vào các ngày thứ năm và chủ nhật, còn các ngày khác tôi mơ về nó. Tôi cũng có một chiếc máy ảnh Brownie Box như nhiều đứa trẻ khác, nhưng chỉ thỉnh thoảng tôi mới dùng nó để có album về những kỷ niệm của các kỳ nghỉ. Chỉ rất lâu về sau tôi mới bắt đầu có cái nhìn khá hơn qua ống kính; thế giới nhỏ bé của tôi dần dần trải rộng và đó là sự chấm dứt của những tấm ảnh về các kỳ nghỉ. Phải kể đến điện ảnh nữa, bộ phim "Những bí ẩn của New York" với Pearl White, những bộ phim lớn của Griffith, "Bông huệ nát", những bộ phim đầu tiên của Stroheim, "Những con chim mồi" của Eisenstein, "Chiến hạm Potemkine", rồi "Jeane d'Arc" của Deayer; chúng đã dạy cho tôi cách nhìn. Sau đó, tôi quen một số những nhà nhiếp ảnh, họ có những tấm ảnh của Atget; chúng đã gây ấn tượng rất lớn cho tôi. Thế là tôi mua một chiếc chân máy, một tấm trùm đen, một chiếc máy 9x12 bằng gỗ hồ đào đánh bóng, được trang bị một cái nắp ống kính thay cho màn trập; sự đặc biệt đó chỉ cho phép tôi đối đầu với những chủ đề tĩnh. Những chủ đề khác thì hoặc là quá phức tạp hoặc là quá amateur với tôi, tôi cứ đinh ninh như vậy là đã chuyên tâm hết cho nhiếp ảnh. Tôi tự tráng phim và ảnh trong một cái chậu và cái trò đó khiến tôi thích thú. Tôi chỉ nghi ngờ chút ít về việc một số loại giấy có độ tương phản cao, những loại khác thì "mềm" hơn; vả lại, điều đó thực ra không khiến tôi bận tâm, nhưng tôi rất bực mình khi những hình ảnh không thoát ra. Năm 1931, ở tuổi 22, tôi đến Châu Phi. Tại Bờ Biển Ngà, tôi mua một cái máy, nhưng chỉ khi đã trở về, sau đó 1 năm, tôi mới phát hiện ra rằng nó bị han gỉ khắp nơi, tất cả những bức ảnh bị trùm lên bởi những cái gì đó như bụi rậm. Lúc đó, tôi đang rất ốm yếu và phải điều trị; lương tháng ít ỏi đã cho phép tôi xoay sở được, tôi làm việc với một sự vui vẻ và niềm sung sướng. Tôi khám phá ra máy Leica, nó đã trở thành sự kéo dài của đôi mắt tôi và không bao giờ rời xa tôi nữạ Tôi đi bộ cả ngày trời, tâm trí căng thẳng để tìm cách ghi lại những bức hình chụp sống động (sur le vif) trong những con phố, như những bằng chứng quả tang. Tôi thích thú khi nắm bắt, chỉ trong một bức ảnh, cái sự cô đọng của một cảnh khi nó xuất hiện. Tôi đi bộ cả ngày trời, tâm trí căng thẳng để tìm cách ghi lại những bức hình chụp sống động trong những con phố, như những bằng chứng quả tang. Tôi thích thú khi nắm bắt, chỉ trong một bức ảnh, cái sự cô đọng của một cảnh khi nó ló ra.



    Làm một phóng sự ảnh, nghĩa là kể một câu chuyện bằng nhiều bức ảnh, cái ý tưởng đó không bao giờ đến với tôi; mãi về sau, khi nhìn những tác phẩm của các bạn bè đồng nghiệp và những tạp chí có minh họa và khi bản thân tôi bắt đầu làm việc cho họ, tôi mới dần dần học cách làm một phóng sự. Tôi di chuyển rất nhiều, cho dù tôi không biết du lịch. Tôi thích làm điều đó với một cách chậm rãi, thu xếp khéo léo sự chuyển đổi giữa các nước khác nhaụ Mỗi khi đến nơi, tôi gần như luôn mong muốn ở lại lâu dài để có thể hòa đồng vào cuộc sống của nước đó. Có lẽ tôi không thể là một người chu du khắp thế giới (globe-trotter). Cùng với 4 nhà nhiếp ảnh khác, chúng tôi đã lập nên hãng Magnum vào năm 1947, nó đã truyền bá những phóng sự ảnh qua những tạp chí Pháp và quốc tế. Tôi vẫn luôn luôn là một kẻ amateur, nhưng tự kỷ hơn.



    PHÓNG SỰ. Phóng sự ảnh nghĩa là như thế nào ? Đôi khi chỉ một tấm ảnh duy nhất, mà ở đó có khá nhiều sự chặt chẽ và giàu có, với một nội dung có khá nhiều vang vọng cũng là đủ; nhưng điều đó khá hiếm; những yếu tố quan trọng của chủ đề, những thứ làm bắn ra những tia sáng, thường nằm rải rác; ta không có quyền gom chúng lại bằng vũ lực; sắp đặt chúng sẽ là một sự lừa dối. Chính điều đó cho thấy sự cần thiết của phóng sự; trang báo sẽ tập hợp những yếu tố bổ xung lẫn nhau được phân bổ trên nhiều tấm ảnh khác nhau. Phóng sự là một sự hoạt động liên tục của cái đầu, con mắt và trái tim nhằm thể hiện một vấn đề, ghi lại một sự kiện hay những cảm nhận. Một sự kiện thường dồi dào đến mức ta xoay quanh nó trong khi nó diễn ra và phát triển. Ta tìm kiếm giải pháp cho nó. Đôi khi ta tìm thấy trong một vài giây, nhưng đôi khi phải mất hàng giờ hay thậm chí nhiều ngày liền; không có một giải pháp tiêu chuẩn, cũng không có bí quyết nào; phải luôn luôn sẵn sàng, như là đang chơi tennis vậy. Hiện thực ban tặng cho chúng ta rất dồi dào nên ta phải cắt ngang, giản luợc, tất cả điều đó trong khi đang tác nghiệp, với sự nhận thức về điều ta làm. Đôi khi, ta có cảm giác đã lấy được tấm ảnh mạnh nhất, thế nhưng chúng ta vẫn tiếp tục chụp, vì ta không thể hình dung chắc chắn được sự kiện sẽ diễn ra thế nàọ. Tuy nhiên, ta sẽ tránh không chụp liên hoàn, bằng cách chụp thật nhanh như một cái máy, như vậy ta sẽ tự làm mình nặng nề với những phác thảo vô nghĩa, điều đó chỉ làm cồng kềnh bộ nhớ của chúng ta và làm hại đến sự nét của toàn cục. Bộ nhớ rất quan trọng, phải nhớ mỗi bức hình chụp trong khi di chuyển nhanh với cùng vận tốc của sự kiện; trong khi tác nghiệp ta phải chắc chắn rằng đã không tạo ra lỗ hổng nào, rằng ta đã diễn tả đầy đủ, bởi vì sau đó thì sẽ quá muộn, ta không thể quay ngược lại sự kiện. Với chúng ta, có hai sự tuyển chọn, vì thế có hai sự tiếc nuối tiềm ẩn, thứ nhất khi ta đối diện với hiện thực qua ống ngắm, thứ hai khi các tấm ảnh đã được tráng rọi, khi mà ta bắt buộc phải loại bỏ những tấm, cho dù có đúng đắn, nhưng kém mạnh. Khi mà đã quá muộn, ta biết chính xác tại sao ta đã không thành công. Thông thường, trong khi tác nghiệp, một sự do dự, một sự mệt mỏi thể xác đối với sự kiện khiến ta có cảm giác đã không tính đến một chi tiết nào đó trong tổng thể; nhất là, điều này rất thường xuyên, khi con mắt trở nên lười biếng; ánh nhìn trở nên mờ nhạt, điều đó cũng đủ. Với mỗi chúng ta, chính cái không gian được bắt đầu từ đôi mắt và trải dài đến vô tận, chính cái không gian đó sẽ xác định điều tác động tới ta nhất với một cường độ nhất định và sẽ ngay lập tức đóng khung trong bộ nhớ của chúng ta và thay đổi nơi đó.

  6. #46
    Tham gia
    11-03-2005
    Location
    hanoi
    Bài viết
    1,231


    Trong tất cả các phương tiện diễn đạt, nhiếp ảnh là cái duy nhất ghi lại chính xác một khoảnh khắc. Chúng ta đùa giỡn với những thứ sẽ biến mất, và khi chúng đã biến mất thì không thể nào làm chúng sống lai nữa. Ta không được đụng tới chủ đề, cùng lắm ta chỉ có thể lựa chọn trong những bức ảnh để thể hiện phóng sự. Người làm văn chương có thời gian để suy nghĩ trước khi từ ngữ hình thành, trước khi đặt chúng trên trang giấy, anh ta cũng có thể liên kết nhiều chi tiết với nhau. Có thời điểm mà bộ não quên lãng, một sự dồn đọng. Với chúng ta, cái gì biến mất sẽ vĩnh viễn biến mất, sự lo âu của chúng ta cũng chính là sự độc đáo cơ bản của nghề chúng ta.Chúng ta không làm lại phóng sự của chúng ta một khi đã trở về khách sạn. Nhiệm vụ của chúng ta là quan sát hiện thực với sự hỗ trợ của tập giấy vẽ phác thảo - mà ở đây chính là chiếc máy ảnh của chúng ta - để ấn định nó nhưng không phải là thao tác nó, cả khi chụp lẫn khi ở trong labo, bởi các thủ thuật, mẹo nhỏ. Tất cả các sự lừa dối đó đều có thể phát hiện được, với những ai có con mắt. Trong một phóng sự nhiếp ảnh ta đến đếm các "cú", gần giống như một trọng tài đấm bốc, và một cách định mệnh, ta đến như một kẻ đột nhập. Vì thế cần phải tiến sát chủ đề với bước chân nhẹ nhàng của một con sói, ngay cả khi đó là một bức tĩnh vật. Không được chen lấn; người ta không làm động nước trước khi thả câu. Không chụp ảnh với ánh sáng đèn flash, tất nhiên điều đó là để tôn trọng ánh sáng, ngay cả khi nó vắng. Nếu không người chụp ảnh trở nên hung hăng một cách không chịu nổi. Nghề nghiệp này rất cần đến những mối quan hệ mà ta tạo nên với mọi người mà chỉ cần một câu nói cũng có thể phá hỏng tất cả, và tất cả các tấm chắn sẽ đóng lại. Ở đây cũng vậy, không có cách tổng quát, nếu có chỉ là hãy cho người ta quên mình và cả chiếc máy ảnh- cái hay gây chú ý nhất. Các cách phản ứng rất khác nhau giữa các quốc gia và các vùng, ở phương Đông, một người chụp ảnh thiếu kiên nhất hay chỉ đơn thuần là vội vã sẽ bị nhìn nhận là lố bịch, điều không thể sửa chữa được. Nếu một khi ta bị chậm và người nào đã nhận ra bạn với chiếc máy ảnh thì chỉ còn cách quên đi nhiếp ảnh. và hãy vui vẻ để những đứa trẻ nhỏ bám quanh chân bạn.



    CHỦ ĐỀ. Làm sao chối bỏ chủ đề ? Nó áp đặt lên ta. Và bởi vì có những chủ đề trong tất cả những cái diễn ra trên trái đất cũng như trong thế giới riêng tư nhất của mỗi chúng ta, chỉ cần minh mẫn đối với điều diễn ra và trung thực đối với điều chúng ta cảm thấy. Nói ngắn gọn là tự định vị mình so với điều mà chúng ta nhận thấy. Chủ đề không phải là bao gồm việc thu lượm các sự việc (fact), bởi các sự việc bản thân chúng không có gì quan trọng. Điều quan trọng là, đó là lực chọn trong số đó, nắm lấy cái sự kiện thật so với hiện thực sâu xa. Trong nhiếp ảnh, cái điều nhỏ nhất có thể là một chủ đề lớn, cái chi tiết nhỏ bé nhân văn trở thành đầu (tàu) kéo. Chúng ta nhìn và và chỉ cho (người khác) thấy trong một cái như là bằng chứng của thế giới bao quanh ta và chính sự kiện, bởi vai trò riêng của nó, gây ra một cái nhịp hữu cơ của các hình dạng. Về cách thể hiện, có nghìn lẻ một phương pháp để tinh luyện ra cái đã cuốn hút chúng ta. Vậy hãy để yên cái khó diễn tả nên lời với tất cả sự tươi mát của nó và không nói đến nó nữa. Có cả một mảng mà ngày nay không còn được khai thác bởi hội họa nữa, một số người cho rằng sự khám phá ra nhiếp ảnh là căn nguyên, nói gì thì nói, nhiếp ảnh đã nắm lấy một phần dưới dạng minh họa. Nhưng khộng phải là ta đã cho rằng sự phát hiện ra nhiếp ảnh là lý do mà các họa sĩ đã từ bỏ một trong những chủ đề lớn là chân dung đó sao ? Áo choàng redingote, mũ kepi, con ngựa từ nay làm chướng mắt người kiểu cách hàn lâm, người sẽ cảm thấy như bị thắt cổ bởi tất cả những cái khuy áo ghệt của Meissonier. Còn chúng ta, có thể bởi vì chúng ta đạt tới một điều kém bền hơn rất nhiều so với các họa sĩ, tại sao chúng ta lại thấy phiền hà vì điều đó ? Thay vào đó chúng ta hãy thích thú thì hơn, bởi vì qua chiếc máy ảnh chúng ta chấp nhận cuộc sống trong tất cả hiện thực của nó. Mọi người mong muốn trở nên vĩnh hằng trong chân dung của họ và họ đem tới tương lai hình ảnh đẹp của mình; một ước ao thường được hòa trộn với một nỗi lo âu kì diệu, chính họ khiến cho vậy.



    Một trong những đặc tính rất cảm động của chân dung, đó là tìm thấy lại những sự giống nhau giữa mọi người, tính liên tục của họ thông qua những điều miêu ta hoàn cảnh của họ; có khi chỉ là trong một album ảnh gia đình, ta nhầm lẫn một người chú với một người cháu. Nhưng, nếu như người chụp ảnh đạt đến sự phản chiếu của một thế giới cả nội tâm lẫn bên ngoài, đó là vì mọi người ở "trong hoàn cảnh", nói theo ngôn ngữ của sân khấu. Anh ta phải tôn trọng không khí (atmosphere), tích hợp môi trường miêu tả địa điểm, đặc biệt tránh sự giả tạo, cái sẽ tiêu diệt sự thực con người và phải làm cho mọi người quên đi cả máy ảnh lẫn người thao tác nó. Theo tôi, máy móc phức tạp và các đèn chiếu ngăn cản con chim nhỏ rời tổ. Còn gì thoắt ẩn thoắt hiện hơn sắc mặt của một con người ? Sắc mặt đầu tiên mà một người đưa ra thường là đúng, và nếu như nó trở nên phong phú hơn khi ta trở nên quen biết thì lại cũng rất khó thể hiện được bản tính sâu xa khi chúng ta dần dần quen biết mọi người một cách riêng tư hơn. Tôi thấy làm người chụp chân dung quả là rát khó khăn khi chúng ta làm việc theo đơn đặt hàng cho những khách hàng, bởi vì ngoại trừ một số Mạnh Thường Quân, ai cũng muốn được nịnh, và sẽ chẳng còn gì là sự thật nữa cả. Khách hàng nghi ngờ tính khách quan của máy móc trong khi người chụp tìm kiếm một cấp độ tâm lý; hai sự phản chiếu gặp nhau, một mối liên quan nào đó hình thành giữa các bức chân dung của cùng một người chụp, bởi vì sự hiểu biết về mọi người dính liền với hệ thống tâm lý của chính người chụp ảnh. Sự hài hòa được tìm thấy bằng cách tìm kiếm sực cân bằng thông qua các sự không đối xứng của mỗi khuôn mặt, điều đó cho phép tránh khỏi sự êm dịu hay sự thô thiển. So với sự giả tạo của một số bức chân dung, tôi thích hơn rất nhiều những bức ảnh thẻ được xếp chen nhau trong các tủ kính của các cửa hiệu chụp ảnh thẻ. Với những khuôn mặt đó, ta luôn có thể đặt một câu hỏi, và ta tìm thấy một nét đặc trưng tư liệu thay cho một nét đặc trưng thi vị mà ta hi vọng có được.

  7. #47
    Tham gia
    11-03-2005
    Location
    hanoi
    Bài viết
    1,231


    BỐ CỤC. Để một chủ đề chứa đựng trong nó tất cả sự đặc trưng của mình, các mối liên hệ về hình dạng phải được thiết lập một cách chặt chẽ. Ta phải đặt máy ảnh trong không gian so với sự vật, và từ đó xuất phát phạm vi rộng lớn của bố cục. Nhiếp ảnh đối với tôi là sự nhận ra trong hiện thực một nhịp điệu của các bề mặt, các đường hay các giá trị, con mắt cắt gọt chủ đề còn máy ảnh chỉ làm công việc của mình, đó là in lên trên cuộn phim sự quyết định của con mắt. Một bức ảnh được nhìn ngắm trong tổng thể của nó, chỉ trong một lần, như với một bức tranh bố cục ở đó là một sự liên minh cùng một lúc, sự phối hợp hữu cơ giữa các yếu tố thị giác. Ta không tạo bố cục một cách dễ dãi, phải có một sự cần thiết và ta không thể tách rời hình thức khỏi nột dung. Trong nhiếp ảnh, có một công cụ tạo hình mới, vai trò của các đường tức thì, chúng ta làm việc trong sự chuyển động, một cái gì đó như là một linh cảm về cuộc sống, và nhiếp ảnh phải nắm bắt được trong sự chuyển động cái sự cân bằng có ý vị, mắt ta phải luôn đo lường, đánh giá. Chúng ta làm biến đổi các luật phối cảnh (cảnh sắc) bằng cách chùng gối một cách nhẹ nhàng, chúng ta dẫn đến những sự trùng khớp các đường chỉ đơn giản bằng một sự dịch chuyển của cái đầu trong một phần nghìn của giây, nhưng điều đó chỉ có thể làm với vận tốc của một sự phản xạ và thật may mắn nó tránh cho chúng ta tìm cách "làm dáng".



    Chúng ta tạo bố cục gần như là đồng thời với việc ta bấm nút chụp, và bằng cách đặt máy hơi cách xa chủ đề, ta vẽ nên chi tiết, ta bắt nó phục tùng hay ta bị áp chế bơri nó. Cũng đôi khi xảy ra việc vì không hài lòng, ta trở nên bất động, chờ đợi một điều gì đó xảy ra, đôi khi tất cả trải ra nhưng sẽ không có ảnh, mà chẳng hạn một ai đó đi qua, ta bám theo đường đi của người đó trong khuôn ngắm, ta chờ đợi, chờ đợi, ta bấm máy, và ta ra đi với cảm giác đã có gì đó trong túi.Sau đó, ta có thể thích thú với việc kẻ trên bức ảnh đường trung bình theo tỉ lệ hay các hình thù khác và ta sẽ nhận thấy rằng bằng cách bấm máy ở thời điểm đó ta đã ấn định một cách bản năng những địa điểm hình học chính xác mà nếu thiếu chúng bức ảnh sẽ không có hình dạng và không có sức sống. Bố cục phải là mối quan tâm thường trực, nhưng vào thời điểm chụp, nó chỉ có thể là trực giác, bởi vì chúng ta phải đối diện với những khoảnh khắc trốn chạy mà ở đó các mối liên quan biến đổi. Để áp dụng tỉ lệ theo qui tắc vàng thì chiếc compas của người chụp ảnh chỉ có thể là con mắt của mình. Dù không cần phải nói ra nhưng mọi phân tích hình học, mọi sự giản lược về một sơ đồ chỉ có thể được thực hiện một khi bức ảnh đã được chụp, tráng rửa, phóng ra, và nó cũng chỉ có thể nhằm đem tới một cơ sở cho sự suy ngẫm. Tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy ngày mà các nhà sản xuất bán những chiếc máy có những sơ đồ được khắc sẵn trong khuôn ngắm. Sự lựa chọn khổ máy đóng một vai trò quan trọng việc thể hiện của chủ đề, vì vậy, khổ vuông bằng sự đồng dạng của các cạnh có xu hướng trở nên tĩnh, vả lại gần như không có các bức họa vuông. Nếu chúng ta cắt gọt dù ít dù nhiều một bức ảnh tốt, ta phá hủy một cách định mệnh các mối tỉ lệ, và mặt khác rất hiếm khi một bố cục kém lúc chụp lại có thể được cứu vớt bằng việc tìm cách lập bố cục mới trong buồng tối, cắt xét âm bản dưới máy phóng, sự toàn vẹn của cái nhìn khồn còn nữa. Ta hay nghe nói đến các góc cạnh chụp, nhưng các góc cạnh duy nhất là các góc cạnh của hình học của bố cục. Đó là các góc cạnh duy nhất có giá trị chứ không phải những góc cạnh của một quí ông bằng cách quăng mình lăn lê bò toài để thu được những hiệu ứng hay những thứ lố lăng khác.



    KỸ THUẬT. Các phát hiện về hóa học và quang học mở rộng phạm vi hành động của chúng ta, tùy thuộc vào chính chúng ta áp dụng kỹ thuật của mình để hoàn thiện hơn. Nhưng luôn luôn có một sự sùng bái chủ nghĩa xoay quanh vấn đề kỹ thuật. Kỹ thuật phải được tạo ra và thích ứng với mục đích duy nhất là thực hiện một cách nhìn, nó quan trọng ở chỗ ta phải làm chủ được nó để tái tạo điều mà ta nhìn thấy; chỉ có kết quả mới quan trọng, tang vật để lại bởi bức ảnh, nếu không ta sẽ phải miêu tả mãi không hết tất cả những bức ảnh chụp hỏng và chúng chỉ tồn tại trong mắt của người chụp..Nghề nghiệp của chúng ta mới chỉ có từ chừng 30 năm nay, nó hoàn thiện lên nhờ những máy ảnh nhỏ, rất dễ sử dụng, với những ống kính có khẩu độ lớn và với những cuộn phim có hạt mịn và rất nhạy, được phát triển nhờ những nhu cầu của điện ảnh. Máy móc với chúng ta là một công cụ chứ không phải là một thứ đồ chơi cơ học xinh xắn. Chỉ cần cảm thấy thoải mái với chiếc máy phù hợp với cái mà ta muốn chụp. Thao tác máy ảnh, chỉnh khẩu độ, vận tốc, vân vân phải trở thành một phản xạ, như là thay đổi tốc độ với xe hơi vậy, và cũng không cần phải thao thao bình phẩm về tất cả những thao tác đó, ngay cả những thứ phức tạp nhất, chúng được phát biểu với một sự chính xác của nhà binh trong cuốn hướng dẫn sử dụng kèm theo bởi tất cả các nhà sản xuất cùng với chiếc túi đựng bằng da bò.Cần thiết phải vượt qua giai đoạn đó, ít nhất là trong các cuộc đàm thoại. Cũng cần phải như vậy trong việc phóng những bức ảnh xinh xinh. Trong phóng ảnh, ta phải tôn trọng các giá trị của thời điểm chụp, hoặc là để phục hồi những giá trị đó, thay đổi bức phóng theo ý tưởng đã hình thành tại thời điểm chụp. Cần phải phục hồi lại sự cân đối mà con mắt không ngừng làm giữa một vùng tối và một vùng sáng, chính vì điều đó mà những khoảnh khắc cuối cùng của việc sáng tạo nhiếp ảnh diễn ra tại buồng tối. Tôi vẫn thấy buồn cười bởi suy nghĩ mà một số người về kỹ thuật trong nhiếp ảnh, suy nghĩ đó được thể hiện bởi một cái gu thái quá về sự sắc nét của hình ảnh, phải chăng đó là một đam mê về sự tỉ mỉ, sự tinh tế, hay là họ hi vọng bằng thứ ảo ảnh thị giác đó có thể nắm lấy hiện thực sát nhất ? Tuy nhiêni họ cũng xa rời vấn đề thực giống như cái cách mà một số người của một thế hệ đã cuồng nhiệt với cái khái niệm mờ nghệ thuật với một lô các giai thoại.

  8. #48
    Tham gia
    11-03-2005
    Location
    hanoi
    Bài viết
    1,231


    KHÁCH HÀNG. Máy ảnh cho phép giữ lại một cái như là nhật kí thị giác. Chúng ta những người phóng viên ảnh là những người đem tin tới cho một thế giới bận bịu, bị đè nặng bởi các mối quan tâm khác nhau, thiên về sự lộn xộn, rất nhiều người có mong muốn có hình ảnh bên cạnh. Sự rút ngắn của tư tưởng, nét đặc trưng của ngôn ngữ nhiếp ảnh có một quyền lực lớn, nhưng chúng ta có một đánh giá đối với điều mà chúng ta nhìn thấy và điều này kéo theo một trách nhiệm lớn. Nằm ở giữa công chúng và chúng ta là công nghiệp in ấn, đó là phương tiện truyền bá những ý tưởng của chúng ta, chúng ta là những người thợ thủ công cung cấp các nguyên liệu cơ bản cho các tạp chí có minh họa. Tôi đã thực sự xúc động khi bán bức ảnh đầu tiên (cho tạp chí "Vu"), đó là điểm bắt đầu cho một mối liên kết lâu dài với các ấn phẩm có minh họa, chính chúng đặt đúng tầm quan trọng điều mà chúng ta muốn nói, nhưng đôi khi, rất đáng tiếc, bóp méo nó, tạp chí phát hành điều mà người chụp muốn thể hiện, nhưng đôi khi xảy ra chuyện anh ta để mặc cho họ gia công các tấm ảnh của mình theo các nhu cầu và gu của tạp chí. Trong một phóng sự, các dòng thuyết minh phải là bối cảnh lời của các hình ảnh, hoặc xuất hiện để khoanh vùng cái điều mà ta không thể nắm bắt trong chiếc máy ảnh; nhưng trong các phòng biên tập, thật đáng tiếc là có thể xảy ra một vài sai sót mà không phải lúc nào cũng vô hại, và thường thì độc giả coi chính anh là người chịu trách nhiệm duy nhất. Đó là những điều có thể xảy ra. Những bức ảnh phải qua tay của người tổng biên tập và người lên trang..Người biên tập phải chọn lựa trong số thường là hàng trăm bức ảnh tạo nên một phóng sự ảnh (nó cũng giống như việc cắt tỉa một văn bản để lấy ra những lời dẫn). Phóng sự có những khuôn khổ cố định như là tin tức và sự lựa chọn của người biên tập sẽ phải dàn trải ra trên hai, ba hoặc bốn trang tùy theo mức độ quan trọng mà anh ta giành cho nó và sự ảnh hưởng của những đợt khủng hoảng về giấy. Chúng ta không thể, trong khi đang thực hiện phóng sự, nghĩ đến việc lên trang về sau của nó.



    Nghệ thuật lớn của người lên trang là biết cách lựa ra từ lô ảnh của mình bức ảnh xứng đáng nguyên một trang, hay nguyên hai trang, và biết gài vào tài liệu sẽ đóng vai trò kết nối trong câu chuyện. Anh ta sẽ thường xuyên phải cắt gọt một bức ảnh để chỉ giữ lại phần mà anh ta cho là quan trọng nhất, bởi với anh ta sự nhất quán của của trang là quan trọng nhất, và nhiều khi bố cục tạo bởi người chụp ảnh vì thế bị phá hỏng, nhưng rút cục thì ta phải mang ơn người lên trang vì một sự trình bày tốt, ở đó các tài liêu được đóng khung với lề có khoảng cách đúng đắn, và mỗi trang có kiến trúc riêng và nhịp điệu của nó thể hiện tốt câu chuyện mà ta đã tạo ra. Cuối cùng, nỗi lo chốt của người chụp ảnh được giành cho anh ta là lúc anh ta mở trang tạp chí, khám phá ra phóng sự của mình. Tôi vừa lan man một ít về một khía cạnh của nhiếp ảnh, nhưng tất nhiên có nhiều khía cạnh khác, từ những bức ảnh chụp làm các catalog quảng cáo cho đến những hình ảnh cảm động đã ngả vàng nằm sâu trong những chiếc ví. Ở đây tôi không hề tìm cách định nghĩa nhiếp ảnh nói chung. Một bức ảnh đối với tôi là sự nhận biết đồng thời, trong một phần nhỏ của một giây, một mặt, ý nghĩa của một sự kiện và, mặt khác, sự tổ chức chặt chẽ của các hình dạng được nhận thức một cách thị giác, cái biểu đạt sự kiện đó. Chúng ta vừa sống vừa khám phá, đồng thời với việc chúng ta khám phá thế giới bên ngoài; nó có thể đẽo tạc ta, nhưng chúng ta cũng có thể tác động nên nó. Một sự cân bằng cần phải được thiết lập giữa hai thế giới đó, nội tâm và bên ngoài, những cái (thế giớii) mà trong một cuộc đối thoại thường trực chỉ tạo thành một, và chính cái thế giới đó là cái mà ta muốn truyền đạt. Nhưng điều này chỉ liên quan đến nội dung của hình ảnh và, đối với tôi, nội dung không thể tách ra khỏi hình thức. Bởi hình thức, tôi muốn nói đến một sự tổ chức tạo hình chặt chẽ mà thông qua nó, và chỉ riêng nó, những quan niệm và cảm xúc của chúng ta trở nên cụ thể và có thể truyền được. Trong nhiếp ảnh, sự tổ chức thị giác này chỉ có thể là kết quả của một cảm tính tự nhiên về các nhịp điệu tạo hình.

    HCB

  9. #49
    Tham gia
    15-03-2005
    Bài viết
    17,702
    Quote Được gửi bởi SUNSIM
    Thật là 1 topic quá hay sao nằm trong tán gẫu, xin được cám ơn tất cả các bác đã tạo nên topic này....cảm ơn, cảm ơn
    Một lần nữa phải cám ơn Anh Lysonx, anh Fridaycafe, Anh CrayCow, Anh Hậu, Anh Loayhoay và Anh Hạnh... đã có bài chia sẽ, Anh Đức có hình minh họa.

    Tôi không thuộc lòng từng câu chữ, chỉ nhớ Trương Tam Phong dạy Vô Kỵ rằng: "Kiếm đánh theo ý, không đánh theo chiêu" "Học xong chỉ còn nhớ ý, không nhớ chiêu số là thành".

    Chào Anh Hiển: Nó nằm trong mục Thảo Luận anh à. Và chính vì "Thảo Luận" nên có rất nhiều Anh tham gia với nhiều bài viết rất hay.

    @ Anh Đức: Link anh đưa rất hay. Tôi cũng có tham dự hôm đó.
    Được sửa bởi 11002 lúc 08:08 PM ngày 15-09-2006
    Chúc Bình An
    FaceBook

  10. #50
    Tham gia
    03-09-2005
    Bài viết
    1,551
    Quote Được gửi bởi nguyen huu hanh
    .
    @ anh Hậu !" Ảnh đời thường mang nội dung tái hiện tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình" - Xin anh giải thích rõ hơn và khi nào xảy ra tính cách điển hình, hoàn cảnh điển hình .
    Đó là em trích nguyên văn từ bài viết của một trong những nhà nghiên cứu, biên soạn lịch sử nhiếp ảnh VN !
    Thú thật em cũng chẳng hiểu định nghĩa này là sao nữa nên mới đưa lên đây để thảo luận! :thua:
    Thế giới thật rộng lớn và kiến thức thật vô tận! Thật may mắn cho em được tham gia VNphoto cùng các bác, được hiểu thêm rất nhiều điều từ các bác. Thật tình là em đã nghiền ngẫm cái định nghĩa trên trong suốt thời gian qua nhưng chẳng hiểu được mấy. Đến khi có cái topic này và xem các ý kiến đóng góp của các bác em ngộ được con đừơng mình sắp đi!

    Em đồng ý với ý kiến của bác Crazycow: cần phải có cảm xúc trước khi có cú bấm quyết định. Cảm xúc của mỗi người rất khác nhau , nó có sẳn đâu đó trong tiềm thức của chúng ta, nó có thể là những trải nghiệm trong cuộc sống. Nó đến bất chợt khi ta chứng kiến một hoạt động, một khung cảnh diễn ra trước mắt. Cảm xúc giúp ta thăng hoa, hoà quyện vào những gì đang diễn ra, nó điều khiển lý trí để làm nên cú bấm quyết định!
    Được sửa bởi huynhphuchau lúc 10:46 PM ngày 16-09-2006

Trang 5 / 304 Đầu tiênĐầu tiên ... 345671555105 ... Cuối cùngCuối cùng

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •