Hiển thị kết quả từ 1 đến 2 / 2

Chủ đề: Khán giả

  1. #1
    Tham gia
    27-11-2005
    Bài viết
    642

    Khán giả

    Khán giả



    Hình tôi chụp một ban nhạc đang chơi trên một bãi biển ở bờ Tây nước Mỹ, nhìn hình làm tôi nhớ đến một kỷ niệm hơn hai mươi năm về trước ở VN.

    Hồi đó tôi có quen ban nhạc chơi cho một vũ trường nổi tiếng nhất ở Sài Gòn và tôi rất thích xem họ tập luyện. Ban nhạc mà tôi quen thường hay tập luyện với ca sĩ vào ban ngày ngoài những tối trình diễn. Thỉnh thoảng tôi thường đến xem họ tập, khi xem tôi mới thật sự thấy nên gọi là “ lao động nghệ thuật “ thì mới xứng đáng với công sức luyện tập mà họ phải bỏ ra. Tôi thường là khán giả độc nhất của những buổi luyện tập của ban nhạc ngày ấy, ngồi lọt thỏm vào lòng một trong hàng trăm chiếc ghế nệm thật êm trong không gian rộng lớn của vũ trường. Ở phía trên gần sàn nhảy là ban nhạc cùng cô ca sĩ đang luyện tập, lần đầu xem tôi hơi bất ngờ vì không nhận ra khi đi cùng cô ấy ở hành lang dẫn vào vũ trường. Có thể là do cách ăn mặc và trang điểm làm cho tôi thấy cô ấy gần gũi hơn là dưới ánh đèn màu vào buổi tối.
    Chỉ là một bài hát chưa đầy mười phút vào những buổi tối mà ban nhạc chia ra rất nhiều đoạn để luyện tập, có khi ca sĩ chỉ hát được vài câu là anh trưởng ban nhạc khi đó là anh chơi trống đã bắt ngưng và chơi lại để ra lệnh khi thì cho bass, khi thì saxophone, lúc thì guita phải chơi như thế này hay thế kia…Có lẽ vì vậy mà khả năng thẩm âm của tôi khá tốt từ dạo đó. Sau nhiều lần ngừng đột ngột, cuối cùng thì họ cũng chơi trọn bài hoàn chỉnh. Có lẽ ngoài ban nhạc và ca sĩ ra thì người khán giả duy nhất là tôi thật sự cùng ngây ngất với những âm thanh ngập tràn lúc đó, nhiều khi con tim tôi gần như loạn nhịp trong lồng ngực muốn vỡ tung vì cảm xúc. Không nhiều khán giả, không đèn màu, không tạo khói nhưng những con tim đam mê âm nhạc gần như thổn thức cùng một nhịp trong không gian được thiết kế hoàn hảo dành cho âm thanh. Hồi đó tôi thích nhất một nam ca sĩ khi hát bài “ Hotel California “ Chất giọng của anh và cách chơi trống của trưởng ban nhạc khá giống với ban nhạc Eagles. Tôi sẽ để đường dẫn để các bạn có thể nghe lại bài hát, dạo đó tôi không bao giờ nghỉ có thể vì mê bài hát định mệnh đó mà sau hơn hai mươi năm, trời khiến đêm nay tôi phải ngồi ở chính cái bang Cali để gõ những dòng chữ này…

    Phàm ở đời cái gì nó cũng có chu kỳ và quy luật của nó, sau một thời gian cực thịnh thì tất cả những vũ trường ở VN dạo đó cũng thoái trào, rất nhiều vũ trường đã đóng cửa, những nơi tôi quen biết cũng không ngoại lệ. Một hôm tôi tình cờ gặp lại L. một anh bạn làm bartender trong vũ trường mà tôi đã có lần nhắc đến trong bài viết ở đường dẫn ở dưới

    Sau một thời gian khá lâu gặp lại tôi hỏi thăm L.:

    - Dạo này khỏe không L. Giờ làm ở đâu để anh đến thưởng thức cocktail của em pha chế cái coi.

    - Em bỏ nghề rồi anh.

    Nói xong L. nhìn xuống những giọt cà phê màu đen đang rơi xuống từ cái phin trong ly cà phê như số phận của mình. Bấy giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ, L. giờ trông khá tiều tụy, nước da trắng như con gái giờ đen xạm. Sau này tôi mới biết L. bị đau khớp cổ tay khá nặng, theo anh em làm trong vũ trường mà tôi gặp sau này cho biết là có thể do vắt cam với số lượng khá nhiều nhưng dạo đó đâu có máy. Mà thật khi bước vô bếp vào ban ngày dạo đó tôi thấy L. như đánh vật với những xô nhựa chứa cam cao gần tới bụng tôi mà dụng cụ thì chỉ là cái đồ vắt cam bằng nhựa ở giữa nhô lên như trái khế mà ở nhà tôi vẫn thường dùng để vắt cam ở nhà. Do đau khớp cổ tay nên hể cứ cầm đến bình lắc pha chế cocktail là những cơn đau sẽ hành hạ L. đến mất ăn, mất ngủ. Sau khi nghe L. nói tôi nói lảng qua chuyện khác:

    - Ban nhạc của vũ trường giờ còn không? Họ chơi ở đâu vậy L.?

    - Mỗi người một nơi rồi anh. Tội nhất là anh H. chơi saxophone mà anh mê nhất đó.

    L. nói làm tôi nhớ đến hình ảnh cây saxophone bóng loáng của anh H. như tỏa hào quang dưới ánh đèn chớp tắt của vũ trường.

    - Anh H. giờ làm ở đâu vậy L.?

    L. nhìn tôi với ánh mắt buồn rầu pha chút xót xa và nói:

    - Anh em trong ban nhạc khuyên hoài mà anh ấy không chịu nghe. Anh coi, tìm việc thì chịu khó chờ một chút, nhất là cái nghề của anh H. gấp gì đi nữa thì cũng đâu cần phải đi thổi kèn cho đám ma. Anh biết rồi đó, đã một khi đi thổi cho đám ma thì có vũ trường nào dám mời anh ấy chơi nữa đâu. Giờ gặp anh ấy là anh nhìn không ra đâu, ốm và đen hơn em nữa…

    Sau lần gặp lại L. tôi không còn gặp lại một ai trong vũ trường hay ban nhạc. Một hôm tôi đang tìm một cái ghế cóc bên hông của một quán cà phê nằm bên cạnh một con hẻm nhỏ bổng một giọng nói trầm ấm rất quen thuộc mà như lâu lắm mới ghe lại làm tôi giật thót mình:

    - Không còn nhận ra anh phải không V?

    Quay phắt lại nhìn ra sau lưng nơi tiếng nói phát ra. Tôi thấy một người đàn ông mặc nguyên một bộ đồ trắng, trên đầu đội một cái nón bánh tiêu màu đen đang nhìn tôi cười mà không nhận ra là ai. Đến khi tôi thấy cây saxophone xỉn màu dựng trên một cái ghế cóc cạnh cái ghế để ly cà phê đen thì người tôi bắt đầu nổi gai và khẽ kêu lên :

    - Trời ơi! Có phải anh Hùng sắc xô hông?

    Vì quá bất ngờ trong sự mừng vui tôi gọi đúng cái ghề của anh H. một cách hết sức tự nhiên.

    - Anh đây, anh Hùng đây em.

    Vẫn cái giọng trầm ấm như được phát ra từ tận cõi lòng nơi người đàn ông mặc đồ trắng đang ngồi làm nước mắt tôi như muốn trào ra .

    - Có lẽ em không nhận ra anh cũng đúng, bộ đồ anh mặc là đồng phục của ban nhạc đám ma nên nó hơi giống như mấy anh đạo tỳ ngoài kia. Mà em đi đâu đây, lâu lắm rồi không gặp.

    Người đàn ông hỏi tôi với ánh mắt hiền hòa và thân thiện. Dần nhận ra những nét quen thuộc trên mặt anh H. tôi trả lời:

    - Em đi đám của người nhà một thằng bạn, em đốt nhan rồi giờ ra đây ngồi chờ động quan để tiễn đến nơi hỏa táng. Anh cũng thổi cho đám này phải không?

    Tôi vừa nói vừa nhìn qua bên đường nơi một nhà đang có đám ma.

    - Ừ, anh thổi cho nhà đó và qua đây ngồi chờ, trong quán đông quá, với lại mình mặc đồ vầy vô trong hông có tiện.

    Thấy tôi cứ lấy tay sờ cây kèn anh để trên ghế anh H. nói:

    - Giờ chắc em hông còn phái nó nữa rồi phải hông, hồi xưa nó bóng loáng bao nhiêu giờ nó phong trần bấy nhiêu giống như anh vậy.
    Tôi rụt tay lại và nói:

    - Không những còn phái mà thêm quí nữa đó anh. Em đang suy nghĩ để tìm cách nào cho nó có màu đen luôn đó anh.

    - Chi vậy V.?

    - Đồng đen vốn quí hiếm mà anh, thổi đám ma mà dùng kèn bằng đồng đen là oai nhứt xứ Ba Xuyên đó nha anh.

    - Thôi em làm vậy nhiều khi mất luôn nó thì tội cho anh. Gia tài, sự sản, bạn bè giờ còn lại có mình nó đó…

    Hôm đó anh em tôi nói chuyện rất nhiều để ôn lại những kỹ niệm cũ và qua đó tôi cũng được biết là không như L, và anh em ban nhạc nghĩ về anh H. Thật sự anh ấy rất hài lòng về công việc hiện tại, anh như người tìm được sứ mạng của mình là thổi để tiễn người đi và chuyển những thông điệp của người đã mất cho người còn ở lại. Phần tôi thì cảm thấy nhẹ lòng khi biết được anh H. đã thật sự hạnh phúc và cảm thấy có giá trị với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình, dù cho đó là nghề thổi kèn cho những đám ma. Đến giờ phút này tôi vẫn thầm cám ơn anh về buổi nói chuyện với anh bên lề của một con hẻm giữa trung tâm Sài Gòn, nó như một lời nhắn gởi của một người anh cho một đứa em để nó biết trân quí những giây phút hiện tại và những gì còn trong tầm tay. Năm tháng có thể qua đi nhưng tiếng saxophone qua bài “ Lòng mẹ “ của anh hôm đó như vang mãi trong lòng tôi cho dù ở một phương trời xa cách. Cầu mong cho anh, những anh em trong ban nhạc, những người thân quen và tha nhân mãi hạnh phúc và bình an trong cuộc sống và nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn cho dù nó như thế nào đi nữa…

  2. #2
    Tham gia
    16-09-2008
    Bài viết
    826
    Nghe chuyên cua anh hay quá . Ngày xua choi Thuy Sinh o Viet Nam có môt bác hình cung lây nick Codai. Bây gio thây nick cua anh và nhung câu chuyên cüng goi nhiêu kỹ niêm ! Thanks for share!

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •