Trang 4 / 6 Đầu tiênĐầu tiên ... 23456 Cuối cùngCuối cùng
Hiển thị kết quả từ 31 đến 40 / 52

Chủ đề: Via Pulchritudinis - Con đường của cái đẹp qua nghệ thuật tôn giáo

  1. #31
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Bác VK có hỏi về câu chuyện của Eliezer và Rebecca với tấm họa chụp ở Le Louvre. Câu chuyện này có ở trong Kinh Thánh. Đây là câu chuyện ông Abraham kiếm vợ cho con là I-sa-ác (Issac). Dân tộc Do Thái xem ông Abraham là tổ phụ. Và từ ông Abraham thì đến Issac, Isaac sanh ra Jacob (sau này đổi tên thành Israel), và từ Jacob ra đời 12 chi tộc Israel.

    Quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh là sách Sáng Thế - Genesis, trong đó chương 12 bắt đầu bằng việc Thiên Chúa gọi ông Abraham và chọn dân tộc này làm dân riêng của Chúa.

    ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.

    Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”
    (St 12:1-3)

    Ông Abraham từ miền đất Ur (Iraq ngày nay), và đây là hành trình của ông mà em chụp từ cuốn Atlas of the Bible của National Geographic. Đức Giáo Hoàng Francis trong lần đến thăm Iraq tháng 3 năm nay cũng đã có ghé đến Ur.


    Ông Abraham đã đến vùng đất ngày xưa gọi là Canaan, và ngày nay là Hebron thuộc West Bank. Và khi ông muốn tìm vợ cho đứa con là Isaac thì ông đã muốn người quản gia Eliezer trở về quê, tìm người trong họ hàng mà tìm vợ. Và qua lời cầu nguyện với Thiên Chúa và một bài test mà ông đã tìm ra cô Rebecca.
    Cả câu chuyện này được viết trong chương 24 của sách Xuất Hành. Em xin để link để bác có thể vào đọc vì nó quá dài để post lên đây. Em cũng xin note là sách Sáng Thế được viết từ khoảng thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 10 TCN, vì vậy khi đọc sẽ thấy khác với lối viết văn thời nay.


    Ông I-xa-ác lấy bà Rê-bê-ca


    Và cũng nhờ bác VK hỏi mà em mới học được thêm một điều thú vị nữa. Đó là con lạc đà khi nghỉ uống rất nhiều nước, lên đến cả 20 gallons mỗi lần uống, tức là hơn 75L nước! Bởi vậy ông Eliezer mới dùng bài test này để tìm vợ cho Isaac. Có cô gái nào chịu khó cho một người xa lạ uống nước, và còn đi múc thêm 75L nước nữa cho lạc đà của ông? Cái vò các cô đựng được bao nhiêu lít nước và phải mất bao lâu mới múc đủ 75 lít? Vậy mà cô Rebecca còn làm hơn như thế nữa. Bởi vậy múc nước xong là ông lập tức đeo vàng vào tay cô ngay. Không chọn mới lạ.


    Bác có hỏi về tấm Le Repas chez Simon của Pierre Subleyras mà bác cũng chụp được ở Louvre. Để tối về hoặc sáng mai em sẽ viết lên đây, vì....đang tìm tư liệu :-)
    Được sửa bởi joseph.luong lúc 10:17 PM ngày 03-11-2021
    hm...

  2. #32
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Bài viết hôm nay dài. Các bác pha ly trà trước rồi hãy ngồi xuống đọc :-)

    Vì bức tranh nằm ở trang trước nên em xin post lại tấm tranh của bác Văn Khoa để dễ theo dõi.

    L1030405 by Dat's Photos, on Flickr
    Tấm tranh của hoạ sĩ Pierre Subleyras với tựa đề Le Repas chez Simon - Bữa ăn tại nhà ông Simon vẽ rất đẹp và là một bức tranh dài với nhiều cảnh khác nhau. Em nhớ có lần bác đã có post ảnh này khi viết về VBT Le Louvre của bác và em đã cho rằng người phụ nữ trong tranh là bà Maria Magdalena. Nhưng nay tìm hiểu rõ hơn thì không phải vậy.

    Em cũng tìm hiểu được là câu chuyện người phụ nữ lau chân Chúa Giêsu đã được kể lại trong cả 4 sách Tin Mừng. Nhưng theo lời chú thích em đọc được, và dựa trên các nhà chú giải Kinh Thánh thì có đến 2 sự kiện xảy ra, tuy cũng có người phụ nữ lau chân Chúa và cũng tại nhà một người tên Simon, nhưng ở 2 thời điểm và địa điểm khác nhau. 3 sách Tin Mừng Matthew, Mác-cô, và Gioan là kể về cùng một sự kiện và gắn liền với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Trong khi đó Tin Mừng Luca cũng kể về một câu chuyện tương tự, nhưng ở một nơi khác, và có một ý nghĩa hoàn toàn khác.

    Để hiểu thêm về bức hoạ trên (mà em thấy hoạ sĩ đã gộp lại cả 2 câu chuyện thành 1) thì cần phải đọc lại các đoạn Kinh Thánh.

    Em xin trích Tin Mừng Gioan về câu chuyện bữa ăn tại nhà ông Simon. Tin Mừng Matthew (Mt 26,6-13) và Mác-cô (Mc 14,3-9) cũng tương tự như vậy:

    Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” (Ga 12: 1-8)

    Và em xin crop lại tấm ảnh bác VK chụp để cho thấy rõ hơn:


    - Trong Tin Mừng Matthew và Mác-cô thì không ghi rõ tên người hỏi, chỉ nói là các môn đệ lấy làm bực tức. Nhưng Gioan thì ghi rõ là Judas, và danh hoạ Pierre Subleyras làm rõ nhân vật với biểu tượng tay cầm túi tiền (cũng như được viết trong Kinh Thánh) đứng sau lưng Chúa Giêsu.

    *1 cân Roma = 327.5 gr. *300 quan tiền là số tiền tương đương 300 ngày công. Vì vậy Judas (và các môn đệ) mới không hiểu và cảm thấy phí phạm.

    - Trong bức tranh còn có một chi tiết nữa, đó là chiếc bình bị đựng dầu bị đập vỡ dưới đất. Tin Mừng Mác-cô có đoạn ghi: “Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người”.

    - Và 3 Tin Mừng bắt đầu cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu với việc cô Maria lấy dầu thơm quý giá đổ lên chân và đầu (theo Tin Mừng Matthew và Mác-cô) Chúa Giêsu là cử chỉ để mai táng Chúa. Vì chỉ khoảng 5 ngày sau thì Chúa sẽ chịu đóng đinh và chết trên thập giá để chuộc tội cho con người.

    - Và giờ em xin trích đoạn Tin Mừng Luca viết về câu chuyện xảy ra ở một không gian và thời gian khác:

    Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

    Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm.”

    Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ, những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.” (Lc 7:36-50)

    - Theo chú thích em đọc được thì ý nghĩa của câu chuyện này Luca ghi lại muốn nhấn đến thái độ sám hối của người phụ nữ và tấm lòng bao dung của Đấng Cứu Độ. Đây là một đề tài mà Luca rất thích đề cập tới.

    - Luca ở đây không ghi tên người phụ nữ. Chỉ cho biết là “một người tội lỗi trong thành”. Câu này có lẽ ám chỉ đây là một cô gái điếm. Vì vậy trong bức tranh chúng ta thấy cô gái mặc áo hở cả một bên vai vì đây là biểu tượng cô gái điếm. Cũng vì nghĩ cô ta là gái điếm nên nhiều người (trong đó có em) lầm tưởng cô gái đó là Maria Magdalena. Truyền thống từ xưa cho rằng cô Maria Magdalena làm nghề đó. Và vì đoạn sau lại nhắc đến tên Maria Magdalena nên dễ lầm tưởng nhân vật này chính là cô ta. Không thể chắc chắn nhân vật là ai, nhưng em nghĩ nó không quan trọng bằng đề tài của Luca muốn chuyển đến độc giả. Hơn nữa, em nghĩ Luca để nhân vật không tên để chúng ta có thể thấy hình bóng mình trong nhân vật tội lỗi đến với Chúa.

    - Trình thuật Luca dài, có 3 nhân vật chính: Chúa Giêsu, người phụ nữ tội lỗi và Simon. Ông Simon là người mặc áo đỏ ngồi bên kia bàn tiệc trong bức tranh.

    - Đọc chú thích của Kinh Thánh do nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ biên dịch rất thú vị. Em xin chia sẻ với các bác:
    - Ông Simon là người Pharisee, và người Pharisee nắm một vài nguyên tắc đạo đức rõ ràng và đơn giản: thế gian được chia làm 2: người tốt lành và kẻ tội lỗi. Người tốt lành là những người tuân giữ Lề Luật, còn kẻ tội lỗi là những kẻ vi phạm những điều khoản hệ trọng. Thiên Chúa yêu thương người tốt, người không yêu thương kẻ tội lỗi; Người xa lánh họ. Ông Simon là một người “tốt”: ông xa lánh kẻ tội lỗi. Mà bởi vì Đức Giêsu không xa lánh người đàn bà tội lỗi, nên kẻ dẫn dắt Người, đối với ông Simon, không phải là Thần Khí của Thiên Chúa.

    - Đây cũng là chuyện dễ hiểu vì trước đó cả một trào lưu trong Sách Thánh mời gọi người công chính xa lánh người tội lỗi, và người ta nghĩ rằng sư “ô uế” của kẻ này tất sẽ làm cho kẻ kia bị lây nhiễm. Chúa Giêsu cho thấy rằng nhu cầu tự tách biệt mình và ước muốn trừng phạt người tội lỗi đều do không biết gì về đức khôn ngoan của Thiên Chúa cũng như thực tại của làm người.

    - Thiên Chúa biết chúng ta cần có thời giờ để kinh nghiệm cái tốt cái xấu, và chọn một hướng đi dứt khoát. Những sai lầm của chúng ta đâu phải là điều nghiêm trọng nhất, nếu cuối cùng chúng ta biết rõ hơn chúng ta là những con người xấu xa, và Chúa mới là Đáng mà chúng ta cần đến. Chính vì thế Người dễ dàng bỏ qua những tội lỗi và quá quắt của chúng ta, khi mà, bất chấp những điều ấy, hoặc là chính vì những điều ấy, chúng ta đạt tới tình yêu chân chính.
    Trong cuộc đối đáp với Chúa Giêsu, Chúa có nói câu “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Câu này, đối chiếu với dụ ngôn Chúa vừa kể, thì có thể hiểu rằng lòng yêu mến là thành quả và dấu hiệu của ơn tha thứ. Vì được tha thứ nhiều nên cô ta yêu mến nhiều hơn. Và câu tiếp theo Chúa nói “ai được tha ít thì yêu mến ít” thì có lẽ Chúa đang mỉa mai ông Simon, ‘ông tưởng ông mắc nợ ít, nên ông yêu ít chứ gì’.

    - Chúa Giêsu đặt đối lập với nhau hai điều: một bên là kiểu đạo đức của người Pharisee, tính toán theo công và tội, một bên là Tin Mừng chỉ biết có giá trị của tình yêu và lòng tin tưởng. Nói chung thì càng ý thức mình được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta càng yêu mến nhiều.

    - Trở về với bức tranh hoạ, em thấy Chúa Giêsu đang giơ tay ban phép lành. Cử chỉ này cũng là cử chỉ các vị linh mục làm dấu Thánh Giá sau khi đọc lời tha tội trong bí tích Hoà Giải (Sacrament of Reconciliation):
    “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an, vậy cha tha tội cho con ✝ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

    Như vậy bức tranh Le Repas chez Simon đã lồng 2 câu chuyện vào một. Em thích câu chuyện của Thánh Luca hơn. Và vì vậy, đối với em, bức tranh này mang ý nghĩa về sự tội lỗi, lòng sám hối và ơn tha thứ của Thiên Chúa.
    Bức tranh này quá lớn, và còn nhiều những chi tiết khác hoạ sĩ muốn vẽ mà em không thấy/hiểu được hết.
    hm...

  3. #33
    Tham gia
    05-10-2011
    Bài viết
    4,833
    Trong bài mở đầu, bác JL đã trích lại lời phát biểu của ĐGH Benedictô XVI như sau mà em nhận thấy đúng.

    ”Đôi khi anh chị em đứng trước một bức tượng, một bức tranh, hoặc nghe một bài thơ hay một bản nhạc, anh chị em đã cảm thấy xúc động, hân hoan, và anh chị em đã thấy rằng trước mặt mình không chỉ có vật chất, một tảng đá hay một pho đồng, một tấm vải, một đống chữ viết hay một chùm âm thanh, nhưng là có cái gì cao cả hơn, cái gì đang 'nói', có khả năng đụng chạm đến con tim, chuyển thông một sứ điệp, nâng cao tâm hồn. Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của óc sáng tạo của con người đi tìm hiểu ý nghĩa của một thực tại, và chuyển thông qua ngôn ngữ của hình thể, màu sắc, âm thanh. Nghệ thuật có khả năng diễn tả nhu cầu con người muốn đi xa hơn cái mình đang thấy, biểu lộ sự khao khát và tìm kiếm cõi vô biên. Nghệ thuật là một cánh cửa mở đến vô biên, mở ra đến cái đẹp và sự thật vượt lên đời thường. Một tác phẩm nghệ thuật có thể mở mắt của trí tuệ và con tim, thúc đẩy lên cao.”

    Cốc cà phê đã cạn, bài đã đọc xong và em cảm thấy lâng lâng, không biết vì say cà phê hay vì ý nghĩa của câu chuyện được bác JL kể lại. Hay quá! Nếu biết có ngày nay thì em dùng cái “chấm đỏ” nhiều hơn để được lâng lâng nhiều hơn và lâu hơn. Khi đi thăm các VBT, em chụp những bức tranh mà cá nhân em thấy thích, do đó em bỏ qua nhiều tấm tranh mà có thể người khác thích vì đẹp hoặc có ý nghĩa. Vì không biết nhiều về TCG nên có thể em đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội chụp những bức họa thâm thúy hơn.

    Em rất thích câu chuyện Eliezer và Rebecca! Thời buổi này mà em biết có một Rebecca như thế ở đâu thì đích thân em sẽ mang trầu cau đến, thay vì vòng và nhẫn vàng như Eliezer cầm trong tay. 😊 Không đọc bài của bác JL thì không để ý đến chi tiết nhỏ này. Tương tự, nếu bác JL không phóng lớn góc bên trái của tấm ảnh Le Repas chez Simon thì em không biết là tranh đi theo sát câu chuyện trong Thánh Kinh như thế nào! Điều này làm em nghĩ đến hai giả thuyết: một là họa sĩ phải uyên thâm về Thánh Kinh để làm đề tài hoặc nguồn hứng để vẽ, hai là được các nhà bảo trợ (Giáo Hội) chỉ dẫn tận tình hoặc yêu cầu bao gồm những chi tiết nào trong tranh.

    Đối với trường hợp của Nicolas Poussin thì có lẽ cả hai. Danh họa lớn nhất của Pháp này là một người học sâu hiểu rộng, rất rành rõi về Thánh Kinh cũng như chuyện thần thoại cổ Hy Lạp. Em tìm được một bức nữa của ông ta trong album “Le Louvre”. Bức tranh tả Chúa Giêsu đang chữa cho người mù. Em thích Nicolas Poussin vẽ người mù thứ hai, bỏ cả gậy và vịn vào vai người mù thứ nhất để biết đường. Em có câu hỏi bác JL: Chúa Giêsu biết trước mình có phép lạ chữa bệnh hay chỉ là sự tình cờ?

    The Healing of the Blind of Jericho by Nicolas Poussin.

    L1030365 by Dat's Photos, on Flickr

  4. #34
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Em thấy vui vì đã có người cùng hiểu được cảm giác của em về ý nghĩa của Via Pulchritudinis. Ban đầu em cũng chưa hiểu rõ ý nghĩa này. Phải sau khi em mua cuốn Bible của Word on Fire xuất bản thì mới thấy cái hay. Khác với các Bible thường, Word on Fire Bible còn có những bức tranh hoạ khác nhau và có một vài câu diễn giải về bức hoạ đó. Và được xếp ngay vào đoạn Tin Mừng kể về câu chuyện bức tranh diễn tả. Vừa được giải thích những cái hay của tranh và vừa được nối kết với câu chuyện trong Tin Mừng mới thấy thật thú vị. Cảm giác cũng “lâng lâng” như bác Văn Khoa đã kể.

    Đây là tấm ảnh đầu tiên làm em có cảm xúc đó khi đọc Bible. Một tác phẩm của Caravaggio: The Calling of Saint Matthew. Chắc bác Văn Khoa chưa chụp được tấm này vì nó nằm trong nhà nguyện Contarelli, thuộc nhà thờ San Luigi dei Francesi ở Rome. Hy vọng lần nào được đến Rome em sẽ tìm đến nơi này để xem tận mắt.

    hm...

  5. #35
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Bác VK có hỏi em: Chúa Giêsu biết trước mình có phép lạ chữa bệnh hay chỉ là sự tình cờ?

    Em xin trả lời là Có. Chúa Giêsu là Chúa, là Đấng Tạo Hóa và vì thế Ngài có quyền năng trên hết mọi sự. Ngài đã dùng quyền năng của Ngài mà làm những phép lạ khi rao giảng cho muôn dân.

    Em xin được mở rộng thêm đề tài này một chút.

    - Trong thời Cựu Ước, có những người được Thiên Chúa chọn để sai đi loan báo lời Thiên Chúa và giảng dạy để giúp dân Chúa tìm về đường ngay nẻo chính. Những người này được gọi là prophet, tiếng Việt ngày nay gọi là ngôn sứ, nghĩa là sứ giả mang lời Chúa đến. Những vị sứ giả này khi đến với dân Chúa cũng đã thực hiện những phép lạ - miracles, để minh chứng rằng mình được Thiên Chúa giao sứ mạng. Và họ đã loan báo là sẽ có Đấng Cứu Độ - Messiah đến để giải thoát mọi người.

    Đến thời Chúa Giêsu, khi Chúa rao giảng Tin Mừng thì chính Ngài cũng đã làm rất nhiều phép lạ. Phép lạ là một dấu chỉ. Thánh Gioan Tông Đồ, tác giả Tin Mừng Gioan, không dùng từ "phép lạ" mà dùng "dấu lạ" - "signs":

    Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người. (Ga 20:30-31)

    Đó là lý do Chúa Giêsu đã làm những "phép lạ". Và cũng để minh chứng rằng Ngài là Thiên Chúa và có quyền năng trên hết mọi sự. Ví dụ trong câu chuyện Chúa Giêsu dẹp yên biển động, sau khi Chúa làm biển hết sóng gió qua một lời nói thì mọi người đã ngạc nhiên mà hỏi: "Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?"

    - Nhưng khác với các Ngôn sứ ở chỗ: Chúa Giêsu là Chúa. Và vì vậy những phép lạ Chúa thực hiện đều từ uy quyền của Ngài. Hãy thử so sánh hai phép lạ và cách 2 nhân vật "làm" phép lạ. Một là ngôn sứ Êlia - Elijah từ thời Cựu Ước và một là từ Chúa Giêsu:

    - Ông Ê-li-a trả lời: “Bà đưa cháu cho tôi.” Ông bồng lấy đứa trẻ bà đang ẵm trong tay, đem lên phòng trên chỗ ông ở, và đặt nó nằm lên giường. Rồi ông kêu cầu ĐỨC CHÚA rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy phải chết sao?” Ba lần ông nằm lên trên đứa trẻ và kêu cầu ĐỨC CHÚA rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó!” ĐỨC CHÚA nghe tiếng ông Ê-li-a kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống. Ông Ê-li-a liền bồng đứa trẻ từ phòng trên xuống nhà dưới, trao cho mẹ nó, và nói: “Bà xem, con bà đang sống đây!” Bà nói với ông Ê-li-a: “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa, và lời ĐỨC CHÚA do miệng ông nói ra là đúng.” (1V 17: 19-24)

    - Đức Giê-su đến gần cửa thành đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói : “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.” (Lc 7:11-16)


    - So sánh giữa 2 câu chuyện này, Tin Mừng cho thấy Đức Chúa Giêsu là Chúa và chỉ cần một lời phán của Chúa thì người chết vẫn có thể sống lại.

    -----

    Trở lại với bức tranh The Healing of the Blind of Jericho của Nicolas Poussin, thì đây là câu chuyện trong Tin Mừng Matthew. Tin Mừng Máccô và Luca cũng có câu chuyện này, nhưng chỉ là 1 người mù (có tên là Batimê).

    - Khi Đức Giê-su và môn đệ ra khỏi thành Giê-ri-khô, dân chúng lũ lượt đi theo Người. Và kìa có hai người mù ngồi ở vệ đường, vừa nghe Đức Giê-su đi ngang qua đó, liền kêu lên rằng: “Lạy Ngài, lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương chúng tôi!” Đám đông quát nạt, bảo họ im đi, nhưng họ càng kêu lớn hơn nữa: “Lạy Ngài, lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương chúng tôi!” Đức Giê-su dừng lại, gọi họ đến và nói: “Các anh muốn tôi làm gì cho các anh?” Họ thưa: “Lạy Ngài, xin cho mắt chúng tôi được mở ra!” Đức Giê-su chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người. (Mt 20: 29-34)

    Và đây là tường thuật của Tin Mừng Mác-cô:

    - Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!” Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. Người hỏi : “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi. (Mc 10: 46-52)

    Khi nghe Chúa Giêsu kêu đến thì liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy. Đây là một hành động quả quyết của anh mù. Rũ bỏ hết những gì còn lại của bản thân mà lập tức theo Chúa. Lúc này vẫn chưa biết Chúa có chữa lành cho mình hay chưa nữa.

    - Và bác VK thật tinh mắt khi nhìn thấy chiếc gậy của anh mù thứ 2 mà Poussin đã vẽ. Em nghĩ cũng cùng một ý nghĩa với chiếc áo choàng của anh mù Batimê. Thử nghĩ, mình mù thì cái gậy nó quan trọng như thế nào với mình. Mà các anh này là ăn xin, thì tài sản có cái gì khác nữa ngoài cây gậy. Mất gậy thì lấy gì mà đi đường để ăn xin? Nên nghĩ kỹ, anh mù thứ 2 bỏ cả cây gậy mà chạy đến với Chúa mới thấy được lòng tin của anh vào Chúa Giêsu. Em thử đặt mình vào vị trí anh mù thời đó, không biết có đủ đức tin để gào lên "Xin ông Giêsu thương xót con" hay không nữa. Lòng tin của anh mù này rất mạnh. Những phép lạ Chúa làm đều đòi hỏi đức tin. Vì vậy Chúa thường nói sau khi chữa lành bệnh tật là: "Con hãy đi. Lòng tin của con đã cứu chữa con."

    - Hai anh mù này chỉ mù đôi mắt nhưng về đức tin thì lại rất sáng. Giữa bức tranh có một nhân vật đang nhìn chằm chằm, để xem Chúa chữa lành cho mắt anh ra sao. Không biết có phải Poussin có ý vẽ nhân vật này đại diện cho những người nghi ngờ - skeptics hay không? Những người sáng đôi mắt nhưng mù đức tin? Và ở bên phải bức tranh còn có một anh mù khác bên vệ đường. Không biết có phải anh này bi thương hơn, khi mù cả về thể lý lẫn đức tin?
    Một bức tranh đẹp và ý nghĩa.
    hm...

  6. #36
    Tham gia
    05-10-2011
    Bài viết
    4,833
    Cám ơn bác JL đã cắt nghĩa tường tận theo đúng tranh vẽ. Phép lạ chữa bệnh của Chúa là chủ đề được nhiều họa sĩ lấy làm nguồn cảm hứng, tuy với cách vẽ để thể hiện câu chuyện khác nhau. Cũng như Caravaggio, Ruben, và Bernini, Poussin theo trường phái Baroque, thịnh hành nhất vào thế kỷ thứ 17 và 18. Tranh và tượng theo trường phái này rất phức tạp và nhiều chi tiết, theo kiểu “thấy sao vẽ vậy” giống như “freeze” các cử động lại để vẽ hoặc tạc, rất khó thực hiện.

    Một bức tranh nữa được vẽ bởi Orazio Gentileschi (1563-1639), một danh họa người ý cũng theo trường phái Baroque. Bức tranh mang tên “Lot và Hai Cô Con Gái”. Em đã tìm hiểu qua về chuyện này trong Wiki và đọc các chương liên quan trong sách Sáng Thế, một câu chuyện tình tiết éo le và cảm động, nhưng cũng gây nhiều bàn luận nếu nhìn qua quan điểm luân lý đương thời. Nhưng em cũng muốn biết thêm về câu chuyện qua lăng kính TCG của bác JL. Bản đồ Cuộc Hành Trình của Abraham mà bác chụp lại trong Atlas of the Bible của National Geographic cũng giúp hiểu câu chuyện của Lot, một câu chuyện cũng được vẽ lại bởi nhiều danh họa. Em rất thích tấm tranh này về màu sắc và phong thái tự nhiên.

    Lot and His Daughters by Orazio Gentileschi (Getty Center.)

    Lot and His Daughters by Orazio Gentileschi by Dat's Photos, on Flickr

    Bác JL cứ từ từ, em ngại bác mất nhiều thời giờ để nghiên cứu. Sau bức tranh này em sẽ chậm lại vì … đi chơi. 😛
    Được sửa bởi Văn Khoa lúc 01:33 PM ngày 06-11-2021

  7. #37
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Cám ơn bác giải thích thêm về nghệ thuật theo trường phái Baroque. Phần này thì em mù tịt. Chỉ biết xem tranh họa nhưng không biết các trường phái có những đặc điểm gì, khác biệt ra sao. Nếu hiểu hơn thì chắc khi xem tranh sẽ lại thấy hay hơn một bậc.

    Mấy tuần nay em rảnh nên dư thời giờ để tìm hiểu. Hơn nữa, nhờ bác hỏi em mới có cơ hội vừa refresh kiến thức và cũng vừa học thêm những điều hay. Nên em lúc nào cũng hoan nghênh bác, cũng như mọi người post các tranh ảnh, tượng vào topic.

    Thật thích khi bác lại sắp được đi chơi. Em thì phải đợi đến khi nào Canada và Mỹ bỏ cái vụ test trước khi ra phi trường thì mới bay sang US được. Còn post thì khi nào bác có thời gian thì cứ lai rai lên đây post sau.

    ___

    Trở lại với câu chuyện ông Lót bác VK thắc mắc:

    - Câu chuyện của ông Lót nằm trong sách Sáng Thế, là sách đầu tiên trong phần Cựu Ước của Kinh Thánh. Và Cựu Ước là một phần khó đọc ngay cả cho đối với các Kitô Hữu. Lý do là vì cả bộ sách trong phần Cựu Ước này đã được viết rất lâu, xa nhất cũng phải hơn 3000 năm và ở một nơi xa xôi. Lắm lúc lối hành văn cũng như những câu chuyện được kể khi đọc khó mà hiểu được rõ ràng. Không cần nói đâu xa, những tác phẩm Việt Nam như Kiều, Chinh Phụ Ngâm chỉ cách đây bao nhiêu năm mà nhiều khi đọc vẫn chưa hiểu hết nghĩa. Vậy một tác phẩm hơn 3000 năm, viết ở một nền văn hoá khác, viết cho độc giả khác thì không hiểu rõ cũng là điều đương nhiên. Điều gây thắc mắc nhiều nhất là trong phần Cựu Ước có ghi chép về chiến tranh, anh em giết nhau, hận thù, nô lệ, ngoại tình, loạn luân vv. Đầy những tội lỗi bất công thì làm sao có thể hiểu được đây là Lời Chúa.


    Một giải thích mà em học được đó là câu chuyện của ông Lót cuối chương 19 còn có một ý nghĩa khác: “Nguồn gốc người Mô-áp và Ammon”. Nếu bác xem bản đồ chuyến di cư của ông Abraham, thì sẽ thấy khi ở vùng đất Canaan (Do Thái ngày nay), thì còn có 2 dân tộc khác bên kia biển Chết: Ammon & Moab.

    Theo Đức Cha Khảm giải thích trong “Thánh Kinh 100 tuần” về câu chuyện này như sau:
    Điều câu chuyện muốn diễn tả là nguồn gốc của 2 dân tộc. Muốn nhấn mạnh 2 điều:
    a) Giữa dân tộc Israel và 2 dân tộc Mô-áp và Ammon có mối liên hệ với nhau. Vì ông Lót là cháu của ông Abraham. Abraham là tổ phụ của dân Israel.
    b) Qua câu chuyện này người ta muốn nhấn mạnh là dù có liên hệ với nhau, thì Israel chiếm ưu thế. Còn 2 dân kia không bao giờ được nhìn nhận là thành viên của cộng đoàn dân riêng của Chúa. Nếu mở sách Đệ Nhị Luật (Đnl 23:4) sẽ có đoạn:
    Người Am-mon và người Mô-áp không được vào đại hội của ĐỨC CHÚA; cả đến đời thứ mười, chúng cũng không được vào đại hội của ĐỨC CHÚA, và mãi mãi như vậy.


    Cho nên điều muốn diễn tả không phải vấn đề luân thường đạo lý, mà muốn nói đến nguồn gốc của 2 dân tộc và so sánh với dân tộc Israel. Tuy có mối liên hệ với nhau nhưng không được kể là dân riêng của Chúa.

    - Đối với những gì em được dạy thì khi đọc Kinh Thánh (nhất là phần Cựu Ước) thì cần nhớ rằng cả cuốn sách là một Lịch sử Cứu Độ của Thiên Chúa, và cần tìm ý nghĩa tôn giáo trong những câu chuyện. Các chương đầu muốn cho ta biết rằng cái ác, sự dữ đã xâm nhập vào trái tim con người, và vì vậy ta sẽ đọc thấy rất nhiều tội lỗi đã xảy ra. Nhưng qua đó mà Kinh Thánh lại làm nổi bật lòng Thương Xót của Thiên Chúa, khi Ngài từ từ dạy bảo dân Chúa qua bao nhiêu thế kỷ và cao điểm là Chúa Giêsu đã làm người và chịu chết để đền tội cho mọi người.
    Ví dụ trong câu chuyện của ông Lót bác VK đọc trong chương 19 sách Sáng Thế, thì trước đó cuối chương 18 đã kể một câu chuyện rất hay về ông Abraham đã “mặc cả" và cầu xin với Thiên Chúa, và lời đáp trả của Thiên Chúa cho thấy lòng nhân từ bao dung của Chúa rất bao la.

    Bác có thể đọc thêm ở đây: Ông Áp-ra-ham can thiệp cho thành Xơ-đôm

    Và qua lăng kính đó thì có thể hiểu được những tội lỗi xảy ra đều đến từ con người. Con người muốn giành lấy quyền của Thiên Chúa (qua câu chuyện Adam & Evà) đã đánh mất mối tương quan hài hoà với Thiên Chúa, và vì vậy cũng đánh mất đi mối tương quan với nhau. Thế gian đầy tội lỗi hận thù nhưng chúng ta vẫn có thể cây trông vào Chúa Giêsu, đã xuống thế làm người, chịu khổ hình, chết để xoá tội trần gian. Và qua Người, chúng ta sẽ tìm lại sự sống mới.
    hm...

  8. #38
    Tham gia
    05-10-2011
    Bài viết
    4,833
    Em có hai tấm ảnh chụp tranh vẽ vào hai thời điểm: trước khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá và sau khi Chúa được hạ xuống. Tấm đầu tiên mang tên Christ presented to the People, em có thắc mắc về ý nghĩa của hàng chữ presented to the people. Có thể hiểu rằng Chúa bị dắt qua các phố cho dân chúng xem trước khi bị đóng đinh?

    Christ presented to the People by Correggio (The National Gallery, London.)

    L1020123e by Dat's Photos, on Flickr

    Em đoán những người chung quanh Chúa là Đức Mẹ, Magdalene cùng với Thánh Joseph đang đang an ủi Đức Mẹ. Còn những nhân vật còn lại có thể là những ai hả bác JL?

    The Lamentation of Christ by Otto van Veen (Le Louvre.)

    L1030355 by Dat's Photos, on Flickr

  9. #39
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Chào bác Văn Khoa đi chơi trở về :-)
    Em xin trả lời về tấm hình 1 trước.

    Tấm hoạ Christ presented to the People bác VK chụp ở National Gallery, London được Correggio vẽ lại dựa trên đoạn Tin Mừng theo Th. Gioan, khởi đầu chương 19, như sau:

    Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do-thái: “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy.” Vậy, Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ: “Đây là người!” Khi vừa thấy Đức Giê-su, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Phi-la-tô bảo họ: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.” Người Do-thái đáp lại: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa.” (Ga 19:4-7)

    “Đây là người” tiếng Latin là “Ecce Homo”. Và cũng có rất nhiều tranh được vẽ theo chủ đề Ecce Homo này. Ngoài Chúa Giêsu là tâm điểm của bức hoạ thì Correggio đã vẽ thêm 4 nhân vật nữa:

    - Người ở hậu cảnh đội nón xanh và đang đưa tay cử chỉ muốn như nói câu “Ecce Homo” chắc chắn là quan Philatô (Pontius Pilate). Và chỉ có mỗi quan Philatô là nhìn thẳng vào người xem. Điều này có lẽ hoạ sĩ muốn người xem cảm nhận chính mình đang ở giây phút đó, muốn người xem hoà vào với dân chúng, và cũng là đề tài để suy tư, chiêm niệm câu “Đây là người”.

    - Còn 3 nhân vật kia Tin Mừng Gioan không đề cập đến, nhưng có thể đoán được rằng người phụ nữ mặc áo xanh chính là Đức Mẹ Maria. Khi Chúa Giêsu hấp hối trên cây thập giá thì Đức Mẹ (và thánh Gioan tông đồ) đã đứng dưới chân thập giá thì làm sao lúc Chúa bị xét xử Mẹ lại không có mặt?

    - Nhân vật bên cạnh đỡ Đức Mẹ thì theo National Gallery, họ ghi là Thánh Gioan Tông Đồ. Có lẽ vì Đức Mẹ và Thánh Gioan tông đồ là 2 người duy nhất đứng dưới chân thập giá nên người đỡ Đức Mẹ là Gioan? Riêng với cảm nhận cá nhân em thì lại thấy nhân vật có một dáng người phụ nữ hơn là một người nam trẻ tuổi (Gioan là tông đồ trẻ nhất nên thường được vẽ một người thanh niên trẻ). Em chỉ đoán có thể là bà Maria Madalena, cũng là một trong những người phụ nữ có mặt lúc Chúa chịu nạn, và là người đầu tiên được thấy Chúa Phục Sinh (như tấm Noli me Tangere mà bác VK đã từng chụp).

    - Nhân vật cuối cùng râu ria xồm xoàm chắc chắn là một người lính La Mã. Nhưng nhân vật ấy là ai mà Correggio đã vẽ nhìn thẳng vào Chúa Giêsu nhưng không có biển hiện ác tà, hung dữ (thường khi vẽ quân La Mã hay có khuôn mặt hung dữ, vì họ tra tấn và đóng đinh Chúa Giêsu). National Gallery cho biết có thể nhân vật này là Th. Longinus:

    Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.” (Mc 15:37-39)


    Viên đại đội trưởng đã tuyên xưng đức Tin của mình và nhận ra được Đức Giêsu là ai sau khi chứng kiến Chúa tắt thở. Tên người này không được nhắc trong Kinh Thánh, nhưng truyền thống đã cho rằng tên của anh là Longinus. Và truyền thống cũng cho rằng anh ta là người đã đâm vào cạnh sườn của Chúa trong trình thuật Tin Mừng Gioan. Thánh tích lưỡi đòng của Th. Longinus hiện nay đang được lưu giữ tại VCTĐ Thánh Phêrô ở Vatican. Trong VCTĐ có bốn bức tượng lớn. Một trong 4 bức tượng đó là Th. Longinus. Tiếc là mấy năm trước đi lại không chụp ảnh lưu lại.

    Nhắc đến Ecco Homo làm em lại nhớ về chuyến hành hương Đất Thánh. Trong tu viện Ecce Homo cũng có một bức tương cẩm thạch trắng rất đẹp. Em post lên chia sẻ với các bác.
    Ecce Homo by Joseph luong, on Flickr
    hm...

  10. #40
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Em xin tiếp với bức tranh thứ 2: The Lamentation of Christ by Otto van Veen bác VK chụp ở Le Louvre:
    L1030355 by Dat's Photos, on Flickr
    - Không tính Chúa Giêsu, thì có 7 nhân vật. Bác đoán đúng là có Đức Mẹ Maria, bà Th. Maria Magdalena, còn gọi là Magdala, và có một nhân vật tên là Joseph. Ông Joseph này không phải là Thánh Joseph, cha nuôi của Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Trời ở tuổi 30 thì có lẽ Thánh Giuse đã qua đời rồi, vì Kinh Thánh không còn nhắc đến ông nữa.

    note: Trong Kinh Thánh em tìm hiểu thì có 13 nhân vật tên Joseph. Trong bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt được dùng hiện nay là của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ thì đã được các tác giả dịch phiên âm chữ “Joseph” thành 2 nhóm: “Giu-se” và “Giô-xếp”. “Giuse” được dùng cho ông Giuse con tổ phụ Giacóp (Jacob) phần Cựu Ước, và một người nữa là Th. Giuse, dưỡng phụ Chúa Giêsu. Còn lại những nhân vật khác thì hiện nay được phiên âm là “Giô-xếp”. Tiếng Anh thì chỉ có một phiên âm “Joseph” mà thôi.

    - Kinh Thánh có tường thuật về việc mai táng Chúa Giêsu. Đây là đoạn Tin Mừng theo Gioan và Luca:

    Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống. Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân một dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái. (Ga 19: 38-40)

    Khi ấy có một người tên là Giô-xếp, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành A-ri-ma-thê, một thành của người Do-thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng.
    Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. (Lc 23: 49-55)



    Đọc hết phần tường thuật lúc Chúa hấp hối và khi mai táng trong 4 sách Tin Mừng thì nhân vật nam gồm có ông Giô-xếp Arimathê, ông Ni-cô-đê-mô, và tông đồ Gioan. Tin Mừng Luca cũng cho biết khi Chúa tắt thở thì “đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su” (Lc 23:49). Như vậy ngoài những nhân vật được nhắc đến thì chắc hẳn cũng có những người theo Chúa cũng như các tông đồ khác cũng có mặt.

    - Vậy người đàn ông mặc áo xanh lá cây là ông Giô-xếp Arimathê. Còn người đỡ Đức Mẹ thì em không chắc là ai. Tông đồ Gioan thì như em biết, là vị tông đồ trẻ nhất, và thường được vẽ là một người trẻ không có râu. Vị đỡ Đức Mẹ Maria thì lại nhìn “già” để có thể là tông đồ Gioan.

    - Em nghĩ tông đồ Gioan có thể là người mặc áo đỏ bên phải hình. Người này nhìn trẻ, màu da thẫm (giống như màu da đàn ông của hai người kia) nên chắc phải là nam. Mà nếu là nam và trẻ trung thì rất có thể đây là tông đồ Gioan.

    - Trở lại người đàn ông đỡ Đức Mẹ thì chỉ còn có ông Ni-cô-đê-mô. Nhưng em lại cảm thấy nó không “make sense”. Theo thường tình, nếu ông ấy có mặt thì việc nâng đỡ, an ủi Đức Mẹ cũng là điều đương nhiên. Vì vậy có thể hoạ sĩ đã vẽ theo hướng đó? Nếu theo Kinh Thánh thì nó lạ, bởi vì 2 nhân vật này không gặp bao giờ, và cũng chẳng có gì gợi ý rằng ông Ni-cô-đê-mô quen biết với Đức Mẹ. Nhìn theo các biểu tượng cho các nhân vật Kinh Thánh, thì em lại thấy có nét giống tông đồ Phêrô (Peter). Nên em nghĩ cũng có thể đây là thánh Phêrô, người mà Chúa trao Hội Thánh cho sau khi Chúa Phục Sinh chăng?

    - Về nhân vật nữ thì trong 4 sách Tin Mừng cho biết rõ những người có mặt là:
    Mattheo: bà Maria Mác-đa-la, bà Maria mẹ các ông Giacôbê và Giôxếp (một Joseph khác nữa), và bà mẹ các con ông Dêbêđê (Zebedee).
    Mác-cô: bà Maria Mác-đa-la, bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Giôxết, cùng bà Salômê.
    Gioan: ...có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la.
    Như vậy ngoài Đức Mẹ và bà Maria Magdalena, thì có 2 bà Maria, bà vợ của Zebedee và bà Salômê.

    - Trong 4 nhân vật nữ thì em nhận ra 2 người: Đức Mẹ Maria và bà Maria Magdalena. Đức Mẹ hiển nhiên là người mặc áo đỏ với áo khoác xanh dương. Còn bà Maria Magdalena thì em lại nghĩ rằng là người phụ nữ mặc áo xanh lá cây đang xõa tóc dưới chân Chúa. Cảnh này nhắc đến bức tranh Le Repas chez Simon - Bữa ăn tại nhà ông Simon, mà mọi người vẫn liên kết rằng người đàn bà tội lỗi đổ dầu lau chân Chúa là bà Maria Magdalena (mặc dù ngày nay các nhà chú giải KT cho rằng 2 câu chuyện khác nhau thời gian, không gian, và không phải là bà Maria Magdalena).
    Còn hai nhân vật kia thì chắc chắn là một trong 4 người: 2 bà Maria, bà mẹ các con ông Zebedee và bà Salômê.
    hm...

Trang 4 / 6 Đầu tiênĐầu tiên ... 23456 Cuối cùngCuối cùng

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •