Trang 11 / 25 Đầu tiênĐầu tiên ... 91011121321 ... Cuối cùngCuối cùng
Hiển thị kết quả từ 101 đến 110 / 243

Chủ đề: 02-2020 Hành hương về Đất Thánh

  1. #101
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Các bác có thể xem hình bên dưới để dễ hình dung hơn. Em khoanh lại hotel Casa Nova để các bác thấy mọi thứ đều dính vào nhau. Từ hotel chỉ qua một cánh cửa là đến sân nhà thờ Thánh Catherine, và qua thêm một lớp cửa nữa sẽ sang đến nhà thờ Giáng Sinh.



    Nhà thờ Thánh Catarina - St. Catherine nằm sát vách nhà thờ Giáng Sinh. Muốn đi sang hang đá Giáng Sinh thì ngoài lối đi chính bên ngoài (số 2 ở hình trên) còn có thể đi sang từ nhà thờ Thánh Catherine. Đại lễ đêm Giáng Sinh 24 tháng 12 được trực tiếp live stream là ở nhà thờ Thánh Catherine. Nếu ai đi hành hương theo Cha vào mùa Noel, thì còn sẽ được tham dự đại lễ này.

    Ở sân trước của nhà thờ Thánh Catherine là một bức tượng của Thánh Giêrônimô - Jerome (340 - 420). Thánh Jerome là người đã dịch toàn bộ bản Kinh Thánh sang tiếng Latin. Công trình trình vĩ đại này được gọi là bản dịch Vulgate. Ngài đã đến đây và sống 32 năm khổ hạnh cho đến chết trong hang đá bên cạnh hang đá Giáng Sinh. Và hang đá đó hôm nay nằm ở nhà thờ Thánh Catherine. Vì lúc này dịch đang dần dần khiến chính quyền lo lắng nên việc thăm viếng nhà thờ bị hạn chế rất nhiều.
    Nhà thờ Thánh Catarina by Joseph luong, on Flickr

    Bên trong nhà thờ Thánh Catherine.
    Nhà thờ Thánh Catarina by Joseph luong, on Flickr

    Nhà thờ Thánh Catarina by Joseph luong, on Flickr

    Nhà thờ Thánh Catarina by Joseph luong, on Flickr


    Nhà thờ Thánh Catherine là của Công Giáo, do các thầy dòng Phanxicô cai quản.
    Còn nhà thờ Giáng Sinh hiện nay thuộc Giáo hội Chính Thống Giáo cai quản.
    hm...

  2. #102
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Nhà thờ Giáng Sinh - Church of the Nativity đầu tiên được xây năm 326 bởi hoàng hậu Helen, mẹ vua Constantine xây. Sau đó Hoàng đế Justinian đã cho xây lại vào năm 529.

    Đến thời quân Ba Tư xâm chiếm Palestine thì họ đã cho phá hết tất cả các đền thờ. Nhưng chỉ có đền thờ này là không bị tàn phá. Câu chuyện là khi vào thì họ thấy một bức tranh mosaic có hình ba vua trong câu chuyện Giáng Sinh. Ba vị này mặc trang phục Ba Tư nên họ đã không phá hủy nhà thờ. Vì vậy đây là đền thờ lâu đời nhất ở Đất Thánh này.
    Sau đó thì quân Thập Tự Chinh đã tu sửa và nâng cấp nhà thờ vào các thế kỷ 11-13. Hai Giáo hội lớn tranh giành hang đá này là Công Giáo Roma và Chính Thống Giáo Hy Lạp.
    Đến 1757, nhà thờ rơi vào tay Chính Thống Giáo và họ làm chủ cho đến ngày nay.
    Trong thời kỳ tranh chấp, các thầy dòng Phanxicô đã đào một đường hầm thông qua hang đá Giáng Sinh và đường hầm này phát xuất từ nhà thờ Thánh Catherine.
    Sáng hôm nay, đoàn tập họp ở lobby của hotel và cùng nhau sang nhà thờ Giáng Sinh từ con đường ở nhà thờ Thánh Catherine.


    Nhà thờ Giáng Sinh của Chính Thống Giáo thì làm sao Công Giáo lại có thể dâng lễ ở nơi đây? Thưa là vì Hiệp Ước Status Quo vào năm 1757. Đất Thánh là vùng đất linh thiêng của Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo. Vì vậy tranh chấp rất nhiều và rất quyết liệt. Hiệp Ước Status Quo này quy định phần nào của ai đã và sẽ tiếp tục làm chủ, và những quyền lợi của các tôn giáo về các nơi Thánh, nhất là khi có hơn hai tôn giáo cùng nắm giữ một phần đất.

    Ví dụ nhà thờ Giáng sinh ở Bêlem trong Status Quo có đoạn ghi:
    “Briefly speaking, the Orthodox Church claims exclusive ownership of the Church as a whole, but parts of the Church belong to the Latin and Armenian Churches, and the right to hold religious services under certain conditions is shared by Latins, Armenians, Copts and Syrian Jacobites.”

    Em tạm dịch:
    “Vắn tắt, Giáo hội Chính Thống Giáo là bên sở hữu độc quyền Nhà Thờ nói chung, nhưng có những phần của Nhà Thờ thuộc về các Giáo hội Latin (tức Công Giáo Roma) và Armenia, và quyền được tổ chức các nghi thức phụng tự trong những điều kiện cụ thể cùng được chia sẻ với các Giáo hội Latin, Armenia, Copts và Syrian Jacobites.”

    Vì vậy mỗi ngày Công Giáo Roma được dâng 1 lễ ngay trước hang đá Giáng Sinh. Và đoàn hành hương Kẻ Đi Tìm chưa bao giờ mất lễ ở đây cả, tương tự như lễ ngay trước hang đá Truyền Tin ở Nazareth. Rất quý các Thánh Lễ này. Các đoàn hành hương khác hầu như không thể nào book được lễ này.

    Ai cũng biết đến có hang đá Giáng Sinh nhưng không biết đối diện là máng cỏ Giáng Sinh.
    “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”

    (Ảnh lấy từ internet) Các bác thấy bên trái là hang đá Giáng Sinh. Và khu vực bao quanh lại, nơi ông lão ngồi, là máng cỏ Giáng Sinh. Nơi đây các mục đồng từ cánh đồng Thiên thần cách 2km đã đến thờ lạy. Nơi đây ba vua cũng đã đến thờ lạy.


    Và điều rất ít người biết, đó chính là máng cỏ Giáng Sinh thuộc về Công Giáo Roma.



    Các quy cũ về cử hành lễ ở đây được chấp hành nghiêm ngặt và rất gắt gao. Em nghe nói một phần cũng là vì Status Quo.
    - Khi qua làm lễ thì Cha phải đợi ở trong phòng áo ở bên nhà thờ Thánh Catherine. Khi đã mặc áo lễ rồi thì phải có một thầy Phanxicô dắt qua chứ không thể tự ý đi qua.
    - Đến nơi thì vị linh mục chỉ được làm lễ ở trong máng cỏ Giáng Sinh mà thôi. Đến lúc rước lễ thì linh mục chỉ được đứng ở trong ban Mình Thánh chứ không được ra ngoài, dù chỉ một bước.
    - Và khi làm lễ thì tuyệt đối không được hát. Công giáo Việt Nam mình xưa nay lễ vẫn hay hát. Câu đầu tiên “Chúa ở cùng anh chị em” là linh mục đã cất giọng xướng rồi. Giáo dân thì cũng hát đáp trả: “Và ở cùng Cha.” Nhưng nơi đây thì không được hát. Thành ra lần đầu tiên vừa làm lễ cũng phải nhớ giữ giọng đọc monotone chứ không lên xuống giọng để khỏi bị hiểu lầm là hát. Nhưng khi linh mục đi khỏi thì người hành hương đâu có lệ thuộc vào luật nên nếu không có ai vẫn có thể hát như thường.


    Đoàn vào dâng lễ trong hang đá Giáng Sinh. Trước mặt là hang đá Giáng Sinh. Bên tay phải (nơi tấm khăn vàng phủ) là máng cỏ Giáng Sinh, nơi Cha đứng làm lễ.
    Hang đá Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr


    Sau khi rước lễ thì đoàn thay phiên nhau đến kính viếng hang đá Giáng Sinh.
    Nơi Chúa Giêsu chào đời được đặt ngôi sao bạc 14 cánh như Tin Mừng Thánh Matthew đã ghi: “Như thế, tính chung lại thì : từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.” (Mt 1,17)
    (ảnh của một bác trong đoàn chụp)
    EOS Rp by TV, on Flickr


    Trên ngôi sao bạc 14 cánh có ghi: Hic de Virgine Maria Jesu Christus Est - Nơi này Đức Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu Kitô.
    Ngôi sao bạc 14 cánh by Joseph luong, on Flickr

    Đây là góc nhỏ của máng cỏ Giáng Sinh.
    Máng cỏ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr

    Máng cỏ Giáng Sinh hiện nay được giữ tại VCTĐ Đức Bà Cả ở Rome. Trước Noel năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tặng cho nơi đây một mảnh gỗ nhỏ của một phần máng cỏ. Các bác có thể đọc tin ở đây: https://www.vaticannews.va/vi/world/...hua-giesu.html
    Và bây giờ đọc lại em mới hiểu tại sao dòng Phanxicô lại giữ Thánh tích và lại để ở nhà thờ thánh Catherine.
    Được sửa bởi joseph.luong lúc 08:45 PM ngày 07-04-2020
    hm...

  3. #103
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Như em có trích một bài dẫn về Ơn xá thì thứ Sáu Tuần Thánh này các tín hữu có thêm cơ hội nhận Ơn xá thông qua việc cùng đọc Kinh Cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu với tổng giáo phận Los Angeles.
    Các bác có thể đọc thêm tin ở đây hoặc xem video thông tin ở đây.

    Ngoài ra các bác muốn tìm hiểu thêm về Ơn xá có thể truy cập trang này của Tổng giáo phận Sài Gòn.




    Trở lại với nhà thờ Giáng sinh.
    Ở ngay bên cạnh hang đá Giáng Sinh 3 hôm mà lại không có cơ hội được sang mỗi ngày là một điều đáng tiết đối với em. Sáng sớm khoảng chừng 4:30, 5h sáng là có thể sang đứng trước hang đá để cầu nguyện. Còn chiều thì sau khi về vẫn có thể sang thăm viếng. Tuy nhiên, chuyện virus đã khiến điều đó không thể thực hiện theo ý muốn.
    Được dâng lễ ngay trước hang đá Giáng Sinh là một kỷ niệm tuyệt vời trong đời.
    Nhưng đã đến đây chẳng lẽ nào không thể xem được nhà thờ bên trên? Sáng hôm sau, tức là hôm check out hotel, em dậy sớm và cầu nguyện. Xin cho được một lần sang trông thấy ngôi nhà thờ ở bên trên.
    Trước khi ăn sáng, em cùng bx xuống lobby và thử đi qua bên nhà thờ. Cửa của hotel, nhà thờ Thánh Catherine và hang đá Giáng Sinh đều mở. Dưới hang đá đang có lễ nên vc em đứng ở bên trên bậc thang cầu nguyện lần cuối trước khi giã từ Bêlem.

    Bậc thang đi xuống hang đá nhà thờ. Chụp bởi một bác trong đoàn.
    EOS Rp by TV by Joseph luong, on Flickr

    Sau đó nhân lúc còn chút thời gian và sẵn nhà thờ đang vắng, em đã được dạo một phần lớn ngôi nhà thờ và thưởng lãm những bảo vật nghệ thuật rất đẹp của ngôi nhà thờ cổ này.

    Hoàng hậu Helen đã xây ngôi đền thờ đầu tiên trên hang đá Giáng Sinh vào thế kỷ 4. Đến thế kỷ 6, hoàng đế Justinian đã cho xây cất lại ngôi đền thờ lớn hơn.
    Sau đó quân Ba Tư (năm 614) chiếm đóng nhưng không tàn phá nhà thờ vì bức mosaic ba vua từ thời hoàng đế Justinian. Tiếc là bức mosaic đó nay đã không còn.
    Nhưng có một tác phẩm mosaic từ thời trước đó, tức là thời ngôi nhà thờ đầu tiên ở thế kỷ 4, vẫn còn sót lại. Đó là sàn nhà mosaic.
    Năm 1482 là năm cuối cùng nhà thờ được tu bổ. Từ đó trở đi nhà thờ dần dần xuống cấp. Nhất là khi ở thế kỷ 17 khi quân Thổ gỡ mái ngói bằng chì của nhà thờ để dùng sản xuất đạn thì nhà thờ bị xuống cấp trầm trọng. Phải mãi đến 2013 thì nhà thờ mới được trùng tu.
    Và sàn nhà mosaic này cũng đã được các chuyên gia phục hồi nguyên trạng và đến 2016 thì lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.

    Các tấm mosaic này được vây lại và nằm khoảng 1/2m dưới sàn nhà hiện nay. Tưởng tượng vào thế kỷ 4-6 thì cả sàn của nhà thờ đều là những bức mosaic nhiều màu như thế này.
    Em đọc được là để phết thêm một lớp sơn bảo vệ các viên gạch, các chuyên gia đã phải lấy cọ và tỉ mỉ sơn từng viên một. Không những vậy tùy theo màu trắng, đỏ, vàng hoặc cam mà cách pha chế lớp sơn cũng phải khác nhau.
    Nhà thờ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr

    Nhà thờ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr

    Nhà thờ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr

    Nhà thờ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr
    hm...

  4. #104
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Một báu vật khác trong nhà thờ là những bức tranh mosaic trên tường nhà thờ. Trước đây vì khói từ các đèn dầu cũng như sự xuống cấp qua thời gian đã làm các bức mosaic ám đen và phai màu.
    Đây là hình chụp lất từ internet khi nhà thờ chưa được tu sửa.
    (ảnh từ internet)


    Khi tu sửa nhà thờ từ năm 2013 các chuyên gia đã phát hiện ngoài lớp mosaic đen ngòm thì phía sau lớp vữa tường còn tìm thấy thêm một vài bức mosaic nữa.
    Suốt 15 tháng các chuyên gia đã hoàn tất công việc phục hồi các bức mosaic từ thế kỷ 12. Tổng cộng có khoảng 1345 sq ft /125 m2 được phục hồi theo nguyên trạng. Theo dự đoán thì thời Thập Tự Chinh thế kỷ 12 có đến 21528 sq ft/2000 m2 mosaic ở trên tường nhà thờ này. Nghĩa là cả nhà thờ là một tác phẩm nghệ thuật mosaic ánh vàng rực rỡ.

    Nhà thờ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr

    Nhà thờ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr

    Nhà thờ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr

    nơi người đang ngồi là bậc thang dẫn xuống hang đá Giáng Sinh.
    Nhà thờ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr

    Nhà thờ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr

    Nhà thờ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr

    Nhà thờ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr
    hm...

  5. #105
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Cửa khiêm cung nhìn từ bên trong.
    Nhà thờ Giáng Sinh by Joseph luong, on Flickr

    Không biết từ khi nào đã có cửa này và tại sao lại làm thấp như vậy. Cửa chỉ cao 1.2m. Khi vào thì ai cũng phải cúi khom xuống nên được gọi là cửa khiêm cung - door of humility.
    (ảnh từ internet)



    Nhìn bên ngoài thì thấy đường viền của một cánh cửa lớn hơn thời Thập Tự Chinh. Có nguồn nói rằng cửa được làm lại nhỏ hơn vào khoảng thế kỷ 16 để ngăn không cho người ta đẩy xe vào để cướp bóc.
    Còn có 2 truyền thuyết cũng được nhiều người nhắc đến: để ngăn quân lính cưỡi ngựa đi vào nhà thờ, để ai muốn vào phải cúi đầu tỏ lòng kính trọng.
    (ảnh từ internet). Đây là góc nhìn từ bên ngoài quảng trường với cửa chính của nhà thờ Giáng Sinh. Nếu không tìm hiểu trước thì khi đến nơi cũng không thể ngờ đây là cửa chính vào nhà thờ.


    Nhà thờ Giáng Sinh được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2012.

    Bêlem còn có những điều quan trọng khác mà ít người biết đến. Ta hãy đọc trích đoạn Kẻ Đi Tìm để tìm hiểu thêm:
    _________________
    Bêlem Trong Thánh Kinh
    Quy về Cựu Ước, Bêlem là cửa ngõ của cả hai biến cố: Dân Do Thái lưu đày qua Ai Cập và từ lưu đày trở về quê cha đất tổ. Tôi lấy ba biến cố của Cựu Ước đã nhắc đến tên Bêlem: David được phong vương, cuộc chiến với Philitinh, và những cuộc đổi tên.

    David được phong vương
    Bêlem là nơi sinh, cũng là nơi xức dầu phong vươnn của David, tổ phụ lập quốc của dân Do Thái: (1Sm 16:1-13)
    ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Ngươi còn khóc thương Sa-un cho đến bao giờ, khi ta đã gạt bỏ nó, không cho làm vua cai trị Ít-ra-en nữa? Ngươi hãy lấy dầu đổ đầy sừng và lên đường. Ta sai ngươi đến gặp Gie-sê người Bê-lem, vì Ta đã thấy trong các con trai nó một người Ta muốn đặt làm vua.” Ông Sa-mu-en thưa: “Con đi thế nào được ? Vua Sa-un mà nghe biết thì vua sẽ giết con!” ĐỨC CHÚA phán: “Ngươi hãy đem theo một con bò cái tơ và hãy nói : ‘Tôi tới đây là để dâng hy lễ lên ĐỨC CHÚA.’ Ngươi sẽ mời Gie-sê đến dự hy lễ; phần Ta, Ta sẽ cho ngươi biết điều ngươi phải làm, và ngươi sẽ xức dầu tấn phong cho Ta kẻ Ta sẽ nói cho ngươi hay.”
    Ông Sa-mu-en làm điều ĐỨC CHÚA đã phán; ông đến Bê-lem và các kỳ mục trong thành run sợ ra đón ông. Họ nói : “Ông đến có phải là để đem bình an không?” Ông trả lời: “Bình an ! Tôi tới đây là để dâng hy lễ lên ĐỨC CHÚA. Các ông hãy thanh tẩy mình và đến dự hy lễ với tôi.” Ông thanh tẩy ông Gie-sê và các con trai ông ấy và mời họ đến dự hy lễ
    .

    Cuộc tìm người xức dầu của Samuen xảy ra rất thích thú. Sách Samuen viết tiếp:

    Khi họ đến, ông thấy Ê-li-áp, ông nghĩ: “Đúng rồi ! Người ĐỨC CHÚA xức dầu tấn phong đang ở trước mặt ĐỨC CHÚA đây!” Nhưng ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng.” Ông Gie-sê gọi A-vi-na-đáp và cho cậu đi qua trước mặt Sa-mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói : “Cả người này, ĐỨC CHÚA cũng không chọn.” Ông Gie-sê cho Sa-ma đi qua, nhưng ông Sa-mu-en nói: “Cả người này, ĐỨC CHÚA cũng không chọn.” Ông Gie-sê cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Sa-mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói với ông Gie-sê: “ĐỨC CHÚA không chọn những người này.” Rồi ông lại hỏi ông Gie-sê: “Các con ông có mặt đầy đủ chưa?” Ông Gie-sê trả lời: “Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.” Ông Sa-mu-en liền nói với ông Gie-sê: “Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây.” Ông Gie-sê cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!” Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi. Ông Sa-mu-en đứng dậy và đi Ra-ma.


    David sinh ra ở Bêlem, cũng giống Chúa Kitô sinh ra ở đây. Trong trình thuật trên, ta thấy David là người bị lãng quên thì lại được phong vương. Đức Kitô cũng thế, phiến đá bị thợ xây loại bỏ lại trở thành phiến đá góc tường (Mt 21:42).
    David là vua dẫn dân về Giêrusalem lập quốc, khai sinh ra dân tộc Do Thái thế nào thì Đức Kitô cũng khai sinh nguồn một Nước Trời mới như thế.
    Ta thấy David là người chăn chiên tốt lành. Sách Samuen cho thấy David đang chăn chiên ngoài đồng thì được gọi về xức dầu phong vương để khai sinh ra cả một dân tộc. Trong hình ảnh đó, ý nghĩa Chúa Kitô là Đấng Chăn Chiên vừa thi vị vừa có một gốc tích Cựu Ước xa xưa, đẹp như câu chuyện cổ tích trong văn chương Do Thái. Tất cả đến từ Bêlem. Từ Bêlem, hai vì sao đã xuất hiện, ngôi sao David và ngôi sao Giáng Sinh của Chúa Kitô.

    Cuộc chiến với Philitinh
    Sách Samuen, quyển thứ 2 cho ta thấy chân dung David, một tâm hồn giàu lòng thương xót như sau: (2 Sm 23:13-17)
    Ba người trong Nhóm Ba Mươi làm thành một tốp đi xuống và đến gặp vua Đa-vít ở hang A-đu-lam, vào mùa gặt. Một đạo quân Phi-li-tinh đóng trại ở thung lũng người Ra-pha. Vua Đa-vít bấy giờ đang ở nơi ẩn náu, còn người Phi-li-tinh bấy giờ đóng đồn ở Bê-lem. Vua Đa-vít ước ao và nói: “Phải chi có ai cho ta uống nước lấy ở giếng tại cổng thành Bê-lem !” Ba dũng sĩ đã đột nhập trại Phi-li-tinh, lấy nước ở giếng tại cổng thành Bê-lem, đưa về cho vua Đa-vít. Nhưng vua không muốn uống mà đổ nước ấy làm lễ rưới dâng ĐỨC CHÚA. Vua nói : “Xin ĐỨC CHÚA đừng để ta làm điều ấy ! Đó là máu của những người đã liều mạng đi lấy!” Vậy vua không muốn uống nước. Đó là việc ba dũng sĩ đã làm.


    Chân dung David được sách Samuen tường thuật ở đây là một nhân đức xót thương người. Ông hơi lãn mạn, một ngày hanh nắng, khát nước, nhưng ông muốn uống nước của giếng cổng thành Bêlem. Tại sao phải là giếng cổng thành Bêlem? Phải chăng quân Philitinh đang chiếm đóng? Ông xót xa. Cái khát của ông là ngày nào ta chiếm lại được Bêlem cho Đức Chúa? Đức Kitô là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài đến nghìn năm sau David sẽ kiện toàn lòng thương xót này. Và bây giờ, ta thấy ý nghĩa hơn khi người mù Batimê trong Tin Mừng Máccô kêu đến lòng thương xót của Chúa, thì ông ta nhắc đến tên tổ phụ Người là David.
    “Lạy ông Giêsu, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:46-48)

    David là một vì vua yêu văn chương. Trong tội lụy ông đem hồn viết thành thơ. Ông lấy sám hối đưa thành sáng tạo viết lời thi ca. Tác giả của dòng văn chương Do Thái, tập thơ dài nhất Cựu Ước là người gốc quê từ Bêlem. Thánh vịnh dài nhất trong 150 thánh vịnh là Thánh vịnh 118. Theo sách Samuen quyển 2, thì toàn chương 22 là chính thánh vịnh này. Thánh vịnh 118 là lời tạ ơn được vua David cất lên sau chiến thắng quân Philitinh tại Bêlem.
    ______ trích Kẻ Đi Tìm

    ảnh chụp với lưng quay lại nhà thờ Giáng Sinh. Góc nhìn ở phía bên kia của quảng trường Máng cỏ. Cái vòm tròn với thánh giá là nơi có giếng nước Bêlem vua David ước ao được về uống.
    Bêlem by Joseph luong, on Flickr


    Sau khi đoàn dâng lễ ở hang đá Giáng Sinh thì mọi người về hotel lên xe bus để tiếp tục kính viếng các địa điểm trong ngày. Hôm nay đoàn sẽ lên núi Ôliu.
    hm...

  6. #106
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Đoàn lên xe bus tiến vê núi Ôliu.
    parked bus by Joseph luong, on Flickr


    Núi Ôliu - Mt Olives còn được gọi là núi Cây Dầu. Thời Chúa Giêsu nơi đây rất nhiều cây Ôliu. Cũng là nơi ép trái ôliu thành dầu. Núi Ôliu nằm bên hướng đông của Jerusalem. Giữa là thung lũng Kidron. Em gạch dưới "Garden of Gethsemane" để các bác có thể hình dung vườn Giêtsimani qua thung lũng Kidron đến tường thành Gierusalem chỉ có vài trăm mét. Vườn Giêtsimani nằm dưới chân núi, là điểm cuối của đoàn ở núi Ôliu.
    , on Flickr

    Xe chạy ngang qua thành Jerusalem. Ngày hôm sau đoàn sẽ ở 3 đếm cuối cùng của chuyến hành hương trong thành cổ Jerusalem.
    Jerusalem wall by Joseph luong, on Flickr

    Núi Ôliu ngày nay có rất nhiều nhà thờ. Xe bus thả đoàn từ trên núi và đoàn sẽ đi viếng vài điểm quan trọng theo thứ tự từ trên núi xuống.
    hm...

  7. #107
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Điểm đầu tiên là nhà nguyện Chúa Lên Trời, hay Chúa Thăng Thiên - Chapel of the Ascension.
    Nhà nguyện ngày nay do Hồi Giáo làm chủ. Họ thâu tiền vào cửa và bán đồ lưu niệm cho các khách hành hương.
    Lên bậc thang vào nhà nguyện Chúa Lên Trời. Các bác thấy có tháp của Hồi Giáo với vầng trăng trên đỉnh.
    Chapel of the Ascension by Joseph luong, on Flickr


    Bước vào là một khoảng sân khá rộng. Bao quanh sân là tường đá với những di tích còn sót lại từ thời Byzantine và Thập Tự Chinh. Ở giữa sân là một tòa tháp nhỏ vươn cao.
    Chapel of the Ascension by Joseph luong, on Flickr


    Bước vào trong sẽ thấy có một tấm đá lõm xuống. Đây là phiến đá nguyên thủy đánh dấu Chúa Giêsu Lên Trời sau khi Ngài Phục Sinh.

    Chapel of the Ascension by Joseph luong, on Flickr

    Chapel of the Ascension by Joseph luong, on Flickr

    Phúc Âm đã viết:

    Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. (Lc 24:50-51)

    ____

    Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”
    Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (Cv 1:6-11)



    Tuy Hồi Giáo làm chủ mảnh đất này nhưng mỗi năm một lần, vào ngày lễ Chúa Lên Trời thì nhiều nhóm Kitô Giáo tụ về đây và thay phiên nhau dâng lễ suốt ngày. Họ cắm trại vòng quanh tháp. Những cây, móc sắt được cắm vào tường thành là những điểm để họ dùng căng lều.
    Chapel of the Ascension by Joseph luong, on Flickr

    Chapel of the Ascension by Joseph luong, on Flickr


    Sau khi kính viếng nơi Chúa Lên Trời, đoàn đi đến điểm kế tiếp: nhà thờ Kinh Lạy Cha.
    hm...

  8. #108
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    nhà thờ Kinh Lạy Cha - Pater Noster church còn được biết đến là Eleona church.

    Eleona Church là tên của ngôi nhà thờ được xây lên thời Byzantine đầu thế kỷ 4. Nhưng sau đó bị tàn phá.
    Đến thời Thập Tự Chinh, họ xây lại đền thờ thì đổi tên thành Pater Noster Church. Pater Noster là kinh Lạy Cha trong tiếng Latin. Nhưng rồi đền thờ cũng bị phá hủy.

    Mưa nhiều và cả ngày. Trên núi còn có gió. Che dù vẫn chẳng ăn thua gì vì gió tạt mưa ướt hầu như cả người. Nhiều người phải mua áo mưa mặc. Với mấy anh bán dạo, ngày hôm đó áo mưa đắc hàng.
    Pater Noster by Joseph luong, on Flickr


    Năm 1880, công chúa nước Pháp, Aurélie de Bossi đã mua lại phần đất này. Bà đã cho xây cất ngôi nhà thờ ngày nay và thêm một Dòng Kín cũng ở đây. Sau đó bà tặng khu đất này cho chính phủ Pháp. Và nhà thờ được nước Pháp bảo vệ cho đến ngày hôm nay.
    Hôm nay đoàn được đến lãnh thổ Pháp mặc dù vẫn đang ở Do Thái.

    Pater Noster by Joseph luong, on Flickr

    Khắp hành lang nhà thờ là những bản kinh Lạy Cha của cả trăm ngôn ngữ khác nhau.
    Pater Noster by Joseph luong, on Flickr

    Pater Noster by Joseph luong, on Flickr

    Ở đây còn có tiếng Cree. Cree là ngôn ngữ của thổ dân Canada nhà em.
    Pater Noster by Joseph luong, on Flickr

    Pater Noster by Joseph luong, on Flickr

    Em thấy chữ English và một tấm bằng sắt chỉ bằng trang giấy. Không lẽ tiếng Anh kinh Lạy Cha chỉ nhỏ xíu vậy thôi sao? Không ngờ lại gần mới biết đây là tiếng Anh và Hípri theo hệ thống Braille. Bảng chữ cho những người khiếm thị. Hay thật.
    Pater Noster by Joseph luong, on Flickr
    Được sửa bởi joseph.luong lúc 10:49 PM ngày 09-04-2020 Reason: add photo
    hm...

  9. #109
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Trước khi vào nhà thờ, đoàn được Cha dắt vào một hang đá. Theo truyền thống Chúa Giêsu đã dạy kinh Lạy Cha ở nơi đây.
    Pater Noster by Joseph luong, on Flickr

    Ta hãy đọc một trích đoạn viết về Kinh Lạy Cha:
    __________

    Đền thờ Pater Noster nằm trên đỉnh ngọn núi Ôliu, nghĩa là giữa đường từ Bêtania về Giêrusalem. Đứng ở đây nhìn thấy cả hai. Trước mặt là Giêrusalem thì sau lưng là Bêtania.

    Ai Nấy Về Nhà Mình

    Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng : “Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.
    Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?” Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” Họ đáp : “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.”
    Sau đó, ai nấy trở về nhà mình. Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. (Ga 7:40-53; 8:1)


    Nhờ đoạn trình thuật này ta biết bầu khí và lòng người Giêrusalem bấy giờ ra sao. Rất sôi nổi. Một chi tiết tôi muốn dừng ở đây là câu Phúc Âm sau cùng:
    “Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.
    Còn Đức Giêsu thì đến núi Ôliu.”
    Câu này là một trình thuật rất tuyệt vời để dẫn vào những liên hệ riêng tư giữa Chúa với các môn đệ, trong liên hệ đó có Kinh Lạy Cha. Tranh cãi, hoang mang, tính toán, lý luận, chống đối, đi theo, sau một ngày dài như thế, mọi người trở về nhà mình. Còn Đức Kitô thì đến núi Ôliu.
    Mọi người về nhà mình. Tại sao Đức Kitô không về nhà mà lại đến núi Ôliu?
    Lý do đơn giản là vì Ngài không có nhà.
    Đến núi Ôliu thì ở đâu?

    Đến Núi Ôliu

    Tôi lên đến nơi, mặt trời đứng bóng. Trời nắng. Chung quanh đền thờ là tường thành Dòng Kín. Tường đá cao khôg thấy gì bên trong. Nắng chảy mồ hôi. Tôi đi vòng vòng. Không nơi nào có bóng mát. Đức Kitô không có nhà nên Người đến núi Ôliu. Tôi đến núi Ôliu tìm nhà.
    Cánh của gỗ dầy nặng như một tường thành. Khép chặt. Tôi đi qua mấy lần. Trời đã đổ nắng gay. Tìm không thấy chỗ ăn trưa. Tôi bỏ khu đền thờ, trở lại cánh cửa Dòng Kín cách cổng đền thờ chừng năm mươi mét, đẩy thử. Tôi thử thôi, không hy vọng có chỗ nghỉ chân. Không ngờ cánh cổng nặng nề từ từ xê dịch. Tôi đẩy nữa, mạnh hơn. Có ai ngờ đâu, cổng đã không khóa chốt bên trong. Chỉ vì thấy cánh cổng dầy nặng khép kín mà tôi bỏ đi qua mấy lần. Quả thật giống như cuộc đời. Chỉ vì người ta không đẩy cửa chứ cuộc đời có nghẽn lối đi đâu.
    Tôi lách vào, khép lại. Ngồi ăn và lau mồ hôi. Tôi tiếp tục nghĩ, trong cuộc sống nhiều khi cổng đời không khóa chỉ vì người ta không đẩy thử mà thôi.

    Pater Noster – Nơi Kinh Lạy Cha Ra Đời

    Trình thuật của các Phúc Âm cho chúng ta biết tình thế những ngày trước khi chết của Chúa. Ban ngày Chúa giảng trong đền thờ. Gây tranh luận. Gây phản ứng người chống, kẻ theo. Ngài giảng với quyền uy. Đây là hình ảnh Đấng Mêsia được sai đến. Nhưng khi đêm đến, “ai nấy trở về nhà mình, thì Đức Kitô đến núi Ôliu.” Phúc Âm Luca cho chúng ta những chi tiết như sau: “Ban ngày, Đức Giêsu giảng dạy trong Đền Thờ; nhưng đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Ôliu. Sáng sớm, toàn dân đến với Người trong Đền Thờ để nghe Người giảng dạy” (Lc 21:37-38).
    Khi người ta về nhà thì Chúa qua đêm ở núi Ôliu.
    Chúa không có nhà. Tại sao?
    Rất có thể lúc này không ai dám cho Chúa ở trọ. Những bài giảng của Chúa gây nhiều chống đối quá. Những bài giảng ấy động đến quyền lực. Những bài giảng ấy xác định một giáo lý rõ ràng. Ladarô, chỉ vì được Chúa cho sống lại mà người ta cũng tìm cách giết. Bởi đó, cho Chúa ở trọ lúc này có thể là một nguy hiểm rất lớn. Nhất là những người có địa vị càng sợ ảnh hưởng công việc làm ăn và đường lối ngoại giao của họ. Ở điểm này ta lại thấy “thương” ba chị em Mácta, Maria và Ladarô hơn. Họ quý Chúa. Họ cho Chúa ở trọ. “Và Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô” (Mc14:9).

    Ở vùng Giêrusalem có ba hang đá:
    - Hang thứ nhất ở Bêlem. Chúa sinh ra ở đây vì không có nhà trọ.
    - Hang thứ hai ở Ôliu. Chúa ngày giảng, đêm về ngủ vì không có nhà trọ.
    - Hang thứ ba ở Gôngôtha. Chúa được chôn trong mộ mượn của ông Giosép người thành Arimathê (Mt 27:59).
    Một Thiên Chúa sao quá khổ vật? Không có nhà để được sinh ra. Không có nhà qua đêm khi giảng với những lời quyền năng. Chết không có mộ, nhờ mộ người khác.
    Tôi đã đến hang Bêlem. Tôi đã đến mộ chôn Chúa ở Gôngôtha. Và hôm nay, nơi Chúa qua những đêm giảng dạy cuối đời. Chúa ngủ qua đêm ở hang đất Ôliu.
    Xét trong khung cảnh này ta mới thấy ý nghĩa kho một kinh sư bảo Chúa:
    - Thầy đi đâu tôi cũng đi theo.
    Chúa bảo:
    - Con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu (Lc 8:20)
    Chúa thực sự không có chỗ tựa đầu. Sinh không nhà. Giảng không nhà. Chết không mộ. Nhưng tôi không nghĩ Chúa nói đến cái nghèo vật chất. Ở đây, Chúa không có chỗ tựa đầu vì hai lý do.
    - Ai dám cho Chúa ở trọ?
    Thứ nhất: Con người nghèo ánh sáng. Và đây là bản án: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: Các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa (Ga 3:19-21). Câu này Chúa trả lời ông Nicôđêmô. “Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do Thái. Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy” (Gn 3:1-3). Vì nghèo ánh sáng, con người thành nghèo nhân đức.
    Thứ hai: Sợ liên lụy đến quyền lợi. Giáo lý của Đức Kitô xẻ vào bóng tối nơi con người, động đến quyền lực. “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tàn sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Lc 20:46-47). Với những lời giảng như vậy làm sao họ để yên. Họ muốn giết Ladarô. Còn ông Nicôđêmô, phải lén gặp Chúa vào ban đêm.
    Nói vè cái nghèo ánh sáng cũng như nghèo vì sợ hãi, ta phải đặt câu Chúa trả lời ông Nicôđêmô vào thời gian để thấm thía cách trình thuật của Gioan. Khi ông Nicôđêmô lén gặp Chúa vào ban “đêm”
    thì Chúa lại nói về “ánh sáng”. Người ta không dám cho Chúa vào nhà vì sợ mất nhà. Phúc Âm Gioan nói rõ về điểm này: Ngay cả trong giới lãnh đạo Do Thái cũng có nhiều người đã tin vào Đức Giêsu. Nhưng họ không dám xưng ra, vì sợ bị nhóm Pharisêu khai trừ khỏi hội đường (Ga 12:42).

    Đặc điểm của Kinh Lạy Cha

    Nơi chốn và thời gian của kinh Lạy Cha là: “Mọi người trở về nhà mình, còn Chúa thì đến và qua đêm ở núi Ôliu.” Cả ngày Chúa giảng trong đền thờ. Đêm đến, Thầy trò kéo nhau về núi Ôliu. Bất giờ các môn đệ mới hỏi Chúa cách cầu nguyện. Bấy giờ Nicôđêmô mới đến hỏi Chúa làm cách nào một người được tái sinh. Như thế đặc điểm của kinh Lạy Cha là:
    - Thời gian: Kinh Lạy Cha ra đời lúc đêm đến.
    - Địa lý: Kinh Lạy Cha ra đời ở ngoài trời, chỗ không nhà, chứ không ở trong đền thờ.
    - Đối tượng: Kinh Lạy Cha ra đời giữa một nhóm người muốn được Chúa dạy. Nếu không có môn đệ nào hỏi thì chưa chắc đã có Kinh Lạy Cha.
    - Tình thế: Kinh Lạy Cha ra đời ở thời điểm bão tố không ai dám cho Chúa ở trọ.

    Lạy Chúa,
    Như vậy, khi con đọc kinh Lạy Cha hôm nay, con cần xin được hiểu:
    - Lời kinh này ra đời lúc đêm đến. Bởi đó, con phải thuộc về ánh sáng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện cho Danh Cha cả sáng.”
    - Lời kinh ra đời giữa đất trời, không nhà. Vì thế lời kinh này viết cho tâm hồn phải buông cánh cổng mở vào thế giới, không đền thờ.
    - Cám môn đệ xin được dạy cầu nguyện, kinh này mới ra đời. Vì thế lời kinh này chỉ dành cho ai muốn được Chúa chỉ bảo.
    - Tình thế là lời kinh ra đời trong thời điểm bão tố, nên lời kinh phải là tuyên xưng đức tin của ai dám cho Chúa ở trọ nhà mình.

    Lời bên núi đá

    Hỡi những hang đất đá biết thở và biết xót xa.
    Cành tre làm chỗ đậu cho cánh chim. Khe nước làm chỗ trọ cho con cá. Ngàn năm làm chỗ đậu cho trăm năm. Đêm tối cũng có chỗ trọ chung quanh là nỗi buồn. Người hát rong bảo rằng trên đời chốn nào cũng là chỗ trọ cho nhau.
    Hỡi những hang đất đá kia. Các người là chỗ trọ cho Thiên Chúa sinh ra. Là chỗ đậu cho Thiên Chúa những đêm không nhà. Là chỗ đón xác khi Người chết.
    Hỡi những hang đất bụi kia ơi, ta là người hành hương xa lạ. Ta có thể hỏi ngươi một lời. Ngươi là chỗ trọ cho Thiên Chúa. Điều ấy khó không? Ngươi là chỗ đậu cho con người, điều ấy khó không. Bởi vì:
    - Tại sao con người khó làm chỗ trọ cho nhau?
    - Tại sao tình yêu sâu thẳm nhất là vợ chồng cũng khó tìm được chỗ đậu?
    - Tại sao tôn giáo là chỗ trọ linh thiêng nhất cũng không chấp nhận được nhau?
    - Tại sao Thiên Chúa không có chỗ trọ trong nhà con người?

    __________ (Trích Kẻ Đi Tìm)


    Đoàn cùng đọc kinh Lạy Cha, lời kinh chính Chúa Giêsu đã dạy, ngay trong hang đá.
    Sau đó mọi người vào nhà thờ kính viếng và cầu nguyện thêm.
    hm...

  10. #110
    Tham gia
    30-04-2017
    Bài viết
    2,353
    Em vẫn chưa post ảnh kinh Lạy Cha bằng tiếng Việt. Lý do là vì bản kinh này không nằm ở ngoài hành lang mà ở ngay trong nhà thờ. Bên trong nhà thờ chỉ có chỗ cho 21 bảng. Việt Nam là một trong 21 bảng ấy.
    Pater Noster by Joseph luong, on Flickr

    Pater Noster by Joseph luong, on Flickr
    Bản kinh này đã cũ xưa. Không biết bác nào biết bản văn này không?
    Bản kinh Lạy Cha hiện nay Giáo hội Việt Nam dùng là:
    Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng.
    Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
    Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.
    Xin tha nợ cho chúng con. Như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con.
    Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.


    Pater Noster by Joseph luong, on Flickr

    trên cung thánh là bản kinh Lạy Cha bằng tiếng Latin.
    Pater Noster by Joseph luong, on Flickr


    Sau khi kính viếng đền thờ Kinh Lạy Cha, đoàn đi tiếp xuống lưng chừng núi hướng về Đền thờ Dominus Flevit.
    hm...

Trang 11 / 25 Đầu tiênĐầu tiên ... 91011121321 ... Cuối cùngCuối cùng

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Tags for this Thread

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •