Những chiếc ống kính có tiêu cự tương đương 50mm trên cảm biến fullframe là những ống kính thịnh hành nhất trong giới nhiếp ảnh; lý do đơn giản là chúng cung cấp một góc nhìn “vừa mắt”. Ngoài khả năng chụp được những bức ảnh đời thường, những chiếc lens “50mm” hỗ trợ rất tốt cho nhu cầu chụp chân dung ngoài trời miễn là khẩu độ đủ rộng.
Cho đến cuối năm 2016, hệ thống ống kính Micro Four Thirds đã cho ra đời hẳn 4 ống kính thuộc nhóm “50 milimét” này. Bài viết dưới đây sẽ so sánh chi tiết 2 ống kính có độ mở khẩu rộng nhất là: Olympus M.Zuiko 25mm f/1.2 PRO và Panasonic Leica 25mm f/1.4.
Thiết kế và sự dễ dàng khi sử dụng
Điểm đáng chú ý đầu tiên đó là kích cỡ và trọng lượng của hai ống kính này. Chiếc lens 25mm PRO của Olympus dài gần gấp đôi người anh em Panasonic. Và khi cầm trên tay cả hai ống kính thì bạn hẳn sẽ cảm nhận được ngay hàng PRO của Olympus nặng trịch và chắc chắn như thế nào; nguyên do đến từ bộ áo giáp kim loại xịn chống chọi thời tiết và rất nhiều lớp thấu kính đỉnh cao. Ống kính 25mm của Panasonic Leica (đứa con lai của Nhật và Đức) thì được bao phủ bởi một lớp vỏ nhựa cứng chắc chất lượng cao và không kém phần bền bỉ).
Một điểm nhấn khác cần được quan tâm chính là sự kiểm soát hoàn toàn mà Olympus đem lại cho người dùng ngay trên thân lens: hãng vẫn giữ vòng chuyển auto-manual focus trứ danh và tặng thêm một nút L-Fn tùy biến hoàn hảo cho người chụp. Vòng chuyển auto-manual focus hỗ trợ cực kỳ hữu hiệu cho những ai có thói quen lấy nét theo vùng (Zone Focusing).
Dù cả hai ống kính đều có cơ chế lấy nét vô hạn (fly-by-wire), nhưng qua sử dụng thì lens của Olympus nhỉnh hơn một chút về độ chính xác, và vòng lấy nét thì tất nhiên có cảm giác “cơ học” hơn. Trong khi đó thì lens Pana-Leica có xu hướng cân chỉnh độ chi tiết (fine-tuning) nên đôi khi tạo cảm giác lấy nét chậm.
Cả hai ống kính đều có ren vặn filter, và hiển nhiên là chiếc lens Panasonic Leica có phi nhỏ hơn nhiều so với người bạn to con Olympus (46mm vs. 62mm).
Dựa theo thông số kỹ thuật thì cả hai ống kính đều có tiêu cự lấy nét gần nhất là 30cm (0.3m) và độ phóng đại 0.11x, thực tế là lens 25mm PRO của Olympus cho hình ảnh với độ phóng đại cao hơn. Nguyên nhân có lẽ do độ sai tiêu cự (focus breathing) trên ống kính Olympus cao hơn.
Hai nhà sản xuất đều tặng kèm hood cho sản phẩm cao cấp của họ, và hood của hai ống kính này có vẻ ngoài hoàn toàn khác biệt. Trong khi hood của Olympus có bề ngoài tròn nhẵn thì hood của Panasonic (H-X025) lại có cấu tạo bát giác (octagon) và lại còn hơi to so với ống kính nữa. Một điểm hay ho nữa của hood Olympus LH-66B là nó có nút khóa hỗ trợ tháo lắp và xoay ngược hood tiện cho việc cất giữ và di chuyển; điều này hood của Pana-Leica không làm được vì nó chỉ có thể tháo ra ráp vào. Dù thế nào đi nữa thì cả hai hood đều có chất lượng cao và hỗ trợ tốt trong việc chống lóa cũng như bảo vệ thấu kính trước (tất nhiên là còn nhờ vào công nghệ tráng phủ Nano và ZERO độc quyền của Panasonic và Olympus).
Chất lượng quang học
Hai ống kính này có cấu trúc quang học hoàn toàn khác nhau. Ống kính Olympus 25mm PRO f/1.2 có cấu trúc cực kỳ phức tạp với 19 thấu kính trong 14 nhóm, trong đó có 8 thấu kính đặc biệt. Ống kính Panasonic Leica 25mm f/1.4 thì chỉ có 9 thấu kính trong 7 nhóm và có 3 thấu kính đặc biệt. Một điểm khác biệt dù không quá lớn nữa chính là số lá khẩu trên 2 lens: 9 cho Olympus và 7 cho Panasonic.
Cả hai ống kính đều có độ nét đỉnh cao, tuy vậy thì ống kính của Olympus vẫn nhỉnh hơn một chút ở khẩu độ mở rộng nhất (f/1.2 vs. f/1.4). Điều này cũng không đáng ngạc nhiên khi mà chiếc lens của Olympus gắn mác PRO và có giá bán lẻ gấp đôi người anh cao tuổi Panasonic.
Độ nét trung tâm
Khi ở khẩu độ rộng nhất thì ống kính 25mm của Olympus cho ảnh nét hơn hẳn so với Pana-Leica. Và cuộc chiến không cân sức kéo dài mãi đến f/5.6, lúc này thì độ nét trung tâm của cả hai ống kính mới ngang cơ. Khép khẩu lại từ f/8~f/11 thì bắt đầu xuất hiện nhiễu sáng, và ở khẩu f/16 thì độ nét trên hai ống kính đều không còn chuẩn nữa rồi.
Độ nét rìa ảnh
Ống kính 25mm của Panasonic bằng một cách nào nó lại có độ nét ở rìa ảnh tốt hơn hẳn Olympus ở những khẩu độ rộng nhất (f/1.4~f/2.8). Sau khi khẩu được khép nhỏ hơn f/2.8 thì độ nét rìa ảnh từ cả hai ống kính không còn chênh lệch.
Xóa phông
Nhờ có độ mở khẩu lớn hơn nên lens 25mm của Olympus cho hiệu ứng xóa phông mù mịt hơn, mịn màng hơn; một điểm thú vị là ở khẩu độ f/1.2 thì bokeh của Olympus lại có hình “mắt mèo” chứ không phải hình tròn. Từ khẩu f/2 tới f/2.8 thì bokeh thể hiện rõ ràng sự khác biệt giữa 9 lá khẩu của Olympus và 7 lá khẩu của Panasonic.
Quang sai
Hai ống kính cho ra hiệu ứng flare gần giống nhau: một chùm tia đa giác hoặc một khối cầu tím (thường bắt gặp với cảm biến Micro Four Thirds). Dù bạn có gắn lens hood thì vẫn gặp phải flare khi chụp trực tiếp vào mặt trời.
Viền tím đều xuất hiện ở cả hai lens cho đến khi chúng ta khép khẩu lens Olympus tới f/4 và lens Panasonic tới f/5.6.
Cả hai lens đều bị hiện tượng tối góc cho tới khi khép khẩu xuống f/2.8. Hiện tượng méo ảnh cũng được hỗ trợ căn chỉnh tốt trên file RAW.
Chụp đời thường và chụp chân dung
Tiêu cự 50mm là tiêu cự “kinh điển” của nhiếp ảnh chân dung; tất nhiên là chụp chân dung cận mặt với tiêu cự 50mm full-frame là điều không thể (chỉ trong trường hợp bạn cố tình tạo ra hiệu ứng đặc biệt). 50mm là tiêu cự đặc biệt phù hợp cho thể loại chân dung ngoại cảnh và sự kiện.
Với khẩu độ rộng f/1.2 thì việc ống kính Olympus xóa phông mù mịt là đương nhiên rồi, tuy nhiên thì lợi thế này chỉ rõ ràng khi chụp chân dung nửa người. Còn với chân dung toàn thân thì f/1.2 hay f/1.4 cũng không khác là bao.
Tốc độ lấy nét
Trong suốt bài test thì 2 lens của Olympus và Panasonic được gắn trên các thân máy OM-D E-M1, OM-D E-M1ii và Panasonic GX85; kết quả cho thấy dù được gắn trên body nào thì ống kính Olympus 25mm PRO vẫn nhỉnh hơn về tốc độ lấy nét với chế độ Single và Continuous. Sự khác biệt này âu cũng do tầm giá và khoảng cách tuổi tác 5 năm giữa hai lens. Dù có sự khác biệt nhưng trong điều kiện thiếu sáng hoặc ít tương phản thì cả hai ống kính này đều gặp khó khăn khi bắt nét.
Khi chuyển qua chế độ C-AF trong khi quay phim thì cả hai ống kính đều bắt nét đối tượng mới khá chậm; tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào body nữa.
Nếu chúng ta lấy nét Single khi quay phim thì mô-tơ của cả hai ống kính đều phát ra tiếng ồn khá khó chịu. Ống kính Olympus thì kêu “vo vo”, còn ống kính Panasonic thì kêu “kịch kịch”. Nghe cũng khá vui tai đó. Chuyển qua lấy nét Continuous thì cả hai ống kính đều lặng thinh câm nín.
Kết luận
Với mức giá gấp đôi ống kính Panasonic Leica thì sự vượt trội trên mọi mặt trận của ống kính Olympus là hoàn toàn dễ hiểu. Độ nét tốt hơn ở khẩu rộng nhất, bokeh mịn hơn, ít quang sai hơn, mô-tơ lấy nét nhanh hơn, hỗ trợ tốt cho ảnh tĩnh. Hơn thế nữa, ống kính 25mm PRO của Olympus có thiết kế cứng cáp hơn, vòng lấy nét chuẩn hơn, nút L-Fn đỉnh cao, và lens hood trở đầu được.
Nói tới lens 25mm của Panasonic Leica thì phải nói tới mức giá mềm mại yêu thương và sự gọn nhẹ lịch lãm của nó. Cũng bởi kích cỡ nhỏ nhắn mà ống kính 25mm của Panasonic dễ dàng mang theo bên mình, có nhiều người còn bỏ cả cái lens vô túi áo khoác. Nhiều người nói rằng ống kính 25mm PRO của Olympus cũng nhỏ gọn vậy, nhưng nhỏ gọn ở đây là so với các hãng khác, chứ không nhỏ vừa túi áo khoác đâu. Mặc dù lens Panasonic có chất lượng quang học “dưới cơ” nhưng mà nó vẫn đủ mạnh mẽ cho nhiều thể loại nhiếp ảnh.
Hãy mua M.Zuiko 25mm f/1.2 PRO nếu:
- Bạn muốn sở hữu ống kính tương đương 50mm full-frame xịn nhất trong hệ M4/3.
- Bạn là nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh cưới, ảnh sự kiện, và ảnh chân dung.
- Bạn hay lấy nét tay khi chụp và quay.
- Bạn thích yếu tố chống chọi thời tiết của nó
Hãy mua Panasonic Leica 25mm f/1.4 nếu:
- Bạn thích combo máy ảnh - ống kính của mình lúc nào cũng gọn gàng nhất.
- Bạn không đủ tiền mua cái vừa nêu ở trên.
Nguồn: https://www.mayanhlp.com/blogs/so-sa...AaTcNxckXeTNuM