Hiển thị kết quả từ 1 đến 7 / 7

Chủ đề: [Dịch] Nikon-Canon: câu chuyện về sự biến đổi công nghệ trong quá khứ và tương lai

  1. #1
    Tham gia
    29-08-2018
    Bài viết
    26

    [Dịch] Nikon-Canon: câu chuyện về sự biến đổi công nghệ trong quá khứ và tương lai

    Nhận thấy diễn đàn hoạt động tương đối ít, các bài viết có tính thảo luận không nhiều nên tôi cũng muốn đóng góp một phần nhỏ trong khả năng giới hạn của mình. Dưới đây là một bài viết mà bản thân tôi rất thích, bài này được đăng trên Medium (https://medium.learningbyshipping.co...e-45777098038c ) cách đây mấy tháng, nhưng giá trị của nó thì đến hiện tại vẫn còn.

    Cũng xin nói thêm là tôi chỉ lược dịch lại, còn tính đúng sai của thông tin trong bài thì xin phép chưa kiểm chứng.

    Nikon-Canon: câu chuyện về sự biến đổi công nghệ trong quá khứ và tương lai

    Nikon đánh mất vị trí dẫn đầu thị trường máy ảnh chuyên nghiệp vào tay Canon là một câu chuyện dài về sự thay đổi công nghệ qua suốt một hành trình hơn 30 năm.

    Chiếc máy ảnh cơ Canon F-1 năm 1971 có hơn 10,000 bộ phận. Nó được thiết kế nhằm đối chọi với chiếc máy Nikon F ra đời 12 năm trước đó (có ít bộ phận hơn), và mặc dù có thiết kế phức tạp như vậy nhưng F-1 cũng không tạo ra được sự cạnh tranh nào đáng kể cả.


    Sơ đồ thiết kế của máy Canon F-1


    Sơ đồ thiết kế của máy Nikon F.

    “Hệ thống” máy của Canon được thiết kế để cạnh tranh với hệ thống F của Nikon, đã có 10 năm phát triển trước đó.

    Chỉ ngay sau đó 1 năm, Nikon đã cho ra mắt thành quả của dự án được kéo dài trong 5 năm, chiếc máy ảnh F2, hoàn toàn vượt trội so với sản phẩm của Canon vốn chỉ nhằm cạnh tranh với chiếc F1 ra đời năm 1962.


    Ảnh: Hệ máy và ống kính của Canon F-1 năm 1971


    Ảnh: Ra mắt sau đó vài tháng, đây là hệ thống máy và trang thiết bị Nikon F2. Hoàn toàn vượt trội so với đối thủ, hệ thống này bao gồm ống kính với dải tiêu cự từ 6mm dến 2000mm. Những trang thiết bị đi kèm với hệ thống này thậm chí còn chưa được Canon nghĩ tới.


    Ảnh: Đây là hệ máy Nikon F năm 1962. Dễ thấy là Canon F-1 năm 1971 hầu như tương đương về quy mô với hệ máy này, cho thấy đây là điểm hướng đến lúc đó của Canon.


    Nikon đã rất cẩn trọng trong việc bổ sung thêm các tính năng để bảo đảm (cũng như bảo vệ) vị thế của mình trên thị trường máy ảnh chuyên nghiệp. 8 năm sau họ đã giới thiệu hệ máy Nikon F3, là chiếc máy đầu tiên *yêu cầu* pin, nhưng nó vẫn có hệ thống màn trập cơ cổ điển, và điều này được nhắc đến rất nhiều trong kế hoạch quảng cảo của họ.

    Nghe có vẻ điên rồ, nhưng các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhất là những người thực hiện các chương trình chụp ảnh thực tế National Geographic, luôn e ngại các máy ảnh dùng pin và Nikon lúc bấy giờ đã đáp ứng rất tốt yêu cầu này.


    Quảng cáo của Nikon đầy những lời lẽ đao to búa lớn, tập trung hoàn toàn vào giới chuyên nghiệp. Có vẻ như, ý tưởng quảng cáo của họ là hãy mua máy của chúng tôi vì dân chuyên sử dụng chúng.


    Ngược lại, Canon lại sử dụng các ngôi sao ngoài ngành (đa phần là các vđv thể thao) để quảng cáo cho tính dễ dùng và vẻ ngoài bắt mắt của các máy ảnh của mình.


    Với lợi thế này Nikon đã có những ý tưởng vượt trội với những chiếc máy ảnh không chuyên, nơi mà họ có thể *thử nghiệm* chúng. Nikon đã cho ra mắt hàng tá những mẫu máy với các chế độ đo và lấy sáng tự động, motor lấy nét trong và thậm chí là tự động lấy nét vào năm 1986. Có quá nhiều máy không chuyên so với số lượng các máy chuyên nghiệp cùng thời.


    Ảnh: Nikon đã có một số lượng lớn các máy ảnh bán chuyên và không chuyên, nhưng mục tiêu chủ yếu của họ vẫn là các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, với việc các hệ máy chuyên chỉ được nâng cấp một cách chậm rãi. Nikon F ra mắt năm 1959; F2 năm 1971; F3 năm 1980; F4 (có lấy nét tự động) năm 1988; và đỉnh cao của sự chuyển đổi công nghệ là máy F5 năm 1996.


    Ảnh: Đây là một bức ảnh chụp trong thế vận hội Olympic tại Tokyo năm 1964. Có thể thấy tất cả đều là máy Nikon. Những ống kính với vòng bạc là ống 85-250mm, tiền thân của hệ ống 80-200mm sau này. Những ống kính này được giới thiệu vào năm 1959 và là những ống zoom đầu tiên của Nikon.


    Ảnh: tên tuổi Nikon hầu như gắn liền với giới nhiếp ảnh. Đây là những bức ảnh từ năm 1960 đến 1970 của những nhân vật nổi tiếng sử dụng máy ảnh Nikon.


    Ảnh: Đến những năm 1980, Nikon vẫn là sự lựa chọn duy nhất dành cho các tay máy chuyên nghiệp.

    Ngoài ra, Nikon cũng rất bận rộn hợp tác với Kodak trong việc phát triển hệ máy ảnh số. Trong thập niên 1990 đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ trong những thân máy và ống kính của Nikon và hệ cảm biến của Kodak.


    Ảnh: Đây là bản mẫu của một chiếc máy ảnh số của Nikon với cảm biến Kodak, mọi bức hình chụp được truyền sang máy hiển thị qua hệ thống cáp nối. Hệ thống này cho phép hiển thị các bức ảnh đơn sắc và mất khoảng 30 giây để tải trọn vẹn bức hình. Vào năm 1995 thì đây là một đột phá về công nghệ.


    Nikon cũng là hãng đầu tiên cho ra đời dòng máy ảnh số chuyên nghiệp với chiếc máy cực kỳ được trông đợi, là chiếc Nikon D-1 năm 1999.


    Ảnh: Nikon D-1 là sự tích hợp hoàn hảo của công nghệ máy ảnh số được phát triển từ đời F3. Trong quá trình ra mắt Nikon đã tránh giới thiệu quá nhiều về chiếc máy này vì lúc đó các nhiếp ảnh gia khó tính vẫn đang rất băn khoăn về chất lượng ảnh. Các cảm biến của máy ảnh số có độ phân giải thấp hơn nhiều so với máy phim cùng thời và họ (các NAG) chìm trong các cuộc tranh cãi bất tận về điều này. Điều hài hước là rất nhiều NAG sử dụng sự “nhiễu hạt” như một yếu tố nghệ thuật trong ảnh của mình. Trong khi giới chuyên nghiệp còn đang mải cãi nhau ỏm tỏi thì với giới phóng viên D-1 là một đột phá thực sự về công nghệ, và rất nhiều người đã không ngần ngại chuyển sang hệ máy mới.

    Canon đơn giản là không thể chen nổi vào phân khúc cao cấp lúc bấy giờ. Nikon vừa phát triển nhưng cũng vừa cẩn trọng giữ chân các NAG chuyên nghiệp gắn bó với hệ thống của mình. Một ưu điểm vượt trội là sự tương thích của các ống kính, thậm chí là các ống từ năm 1959 vẫn có thể hoạt động trên các thân máy mới nhất hiện nay, D850.



    Về phần mình, Canon đã có một bước đi đầy mạo hiểm, thiết kế lại toàn bộ hệ thống của mình dựa trên một hệ *lấy nét tự động* hoàn toàn mới. Các NAG chuyên nghiệp và giới truyền thông đã rất gay gắt phê phán quyết định từ bỏ hệ ống FD cũ của Canon (đã gắn liền với 3 dòng ống kính của Canon kể từ năm 1960). Hệ ống mới này giúp cho việc lấy nét tự động trở nên dễ dàng hơn và nhanh hơn, hoàn toàn phù hợp với các chế độ đo sáng theo chế độ màn trập “shutter priority” hay tự thiết lập “programmed”, trong khi các máy ảnh chuyên nghiệp của Nikon chỉ hỗ trợ một chế độ đo sáng theo khẩu “aperture priority” cho đến tận đời máy F4 ra đời năm 1988, mặc dù vào năm 1983 máy FA đã hỗ trợ các chế độ khác. Tại thời điểm này có thể thấy ý kiến của các NAG chuyên nghiệp không hẳn là chân lý, nhất là việc những thay đổi công nghệ này diễn ra nhanh và khó lường hơn trước.

    Vào năm 1987, Canon tập trung hoàn toàn vào nhóm người dùng không chuyên với mục tiêu là dễ dùng, sử dụng công nghệ số và từ đây, họ bắt đầu chiếm lĩnh trị trường với các hệ ống kính lấy nét tự động của mình.



    Canon thực sự đã giành lấy một phần thị trường nơi mà Nikon vốn không quá chú tâm đến.

    Mặc dù Nikon hầu như đã sáng tạo ra (sản xuất và thương mại hóa) các công nghệ máy ảnh từ đo sáng, lấy nét tự động cho đến kỹ thuật số, nhưng Canon đã dùng chính các công nghệ này để dần giành lấy trị trường, trong khi Nikon vẫn đang đắm chìm trong suy nghĩ liệu có nên phục vụ đám không chuyên hay dồn toàn lực vào dân chuyên nghiệp. Kết quả sẽ ra sao?

    Đến năm 2000, ngay khi Nikon cho ra đời chiếc máy ảnh kỹ thuật số mới nhất của mình, thì Canon cũng cho ra mắt chiếc máy tương tự nhưng có hệ thống lấy nét tự động vượt trội, và họ sẵn sàng từ bỏ một phần *chất lượng ảnh* để tập trung vào tốc độ lấy nét. Kể từ đây dòng máy KTS Canon EOS ra đời.


    Ảnh: Chiếc máy Canon EOS D30 nhỏ gọn và không quá chú trọng vào việc đáp ứng các yêu cầu bền bỉ của giới chuyên nghiệp, mà thay vào đó nó được trang bị khả năng lấy nét tự động tân tiến nhất của Canon và một hệ thống đầy đủ các ống kính lấy nét tự động đủ các tiêu cự.

    Rất nhanh chóng, giới NAG và nhất là những tay máy chụp thể thao nhận ra sự vượt trội về tốc độ và ưu thế của hệ thống lấy nét tự động. Canon đã cho ra mắt một hệ thống đầy đủ các ống kính đi kèm với các máy ảnh của mình, và họ từ đây cũng bắt đầu sơn trắng lên hệ ống kính của mình.


    Ảnh: Đến đây thì chắc mọi người cũng đã quá quen với hình ảnh này, tại các đường biên ngập tràn mầu trắng đặc trưng của Canon. Màu trắng này theo Canon cho biết giúp phản chiếu lại ánh sáng và không bẻ cong đường sáng đi trong ống kính (chả biết thật hay phét).

    Bằng những thay đổi một cách đột ngột, Canon đã hoàn toàn chiếm lấy thị trường máy ảnh chuyên nghiệp. Đây là hệ thống thân máy và ống hiện tại của Canon. Các con số thống kê cho thấy Canon đang chiếm tới hơn 60% thị phần, và với tầm nhìn của họ khả năng còn cao hơn thế. Sự chiếm chỗ này đi theo 2 bước – đầu tiên là chậm rãi rồi tăng tốc nhanh chóng.


    Đúng là một câu chuyện vô cùng thú vị, Nikon, kẻ đã sáng tạo hầu như toàn bộ và từng đi đầu trong việc phát triển công nghệ, lại tụt lại phía sau chính những thành công của mình – họ quá mải mê tập trung vào hiện tại, vào những giới hạn và sự tương thích với quá khứ mà quên đi tương lai.

    Nói vậy thôi nhưng người đi vào vũ trụ vẫn là Nikon!


    Ảnh: Mặc dù Hasselblad được mang lên mặt trăng nhưng Nikon đã có mặt trên vũ trụ từ cuối thập niên 1960 thông qua các giao dịch với NASA, điều này cũng được Nikon chém tung trời đất trong các quảng cáo của mình thời bấy giờ, tương tự như việc họ cho rằng người dùng ắt hẳn sẽ mua máy ảnh của mình vì các tay máy chuyên nghiệp đều dùng hàng Nikon.


    Đến thời điểm hiện tại, cả Nikon và Canon đều đang phải nhanh chóng theo bước Sony, kẻ đã thức thời phát triển hệ thống máy ảnh không gương lật và đang chiếm lĩnh miếng bánh béo bở này. Cũng như trong quá khứ, các NAG chuyên nghiệp luôn miệng quan ngại sâu sắc về hệ thống này, ôi thì đủ thứ, từ việc pin kém, ít khe gắn thẻ nhớ, menu bố trí không dễ dàng hay đơn giản là cầm không đầm tay như cục tạ … thì trên thị trường, các máy ảnh không gương lật vẫn ngày càng trở nên phổ biến, dẫn đầu là Sony, với Fuji và các hãng khác mon men bám theo.

    Nikon mới đây cũng đã giới thiệu Z6/Z7 mà như mọi khi, họ vẫn chém tung trời với hệ thống mới của mình. Canon cũng đang úp mở về chiếc máy ảnh không gương lật của mình sẽ ra mắt vào cuối năm 2018. Điều này hứa hẹn những bước tiến mới cho công nghệ máy ảnh kỹ thuật số, những thay đổi lớn cho người dùng và rất có thể, cả những thay đổi về thị trường.

    Cũng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một xu thế nữa, một xu thế có thể giết chết toàn bộ giới nhiếp ảnh cũ kỹ già khọm vẫn đang xoay trần chụp từng tấm ảnh. Đó chính là điện thoại. Những chiếc điện thoại thế hệ mới đang ngày càng cho ra những bức ảnh đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn, đi kèm với đó là sự nhanh chóng, dễ dàng chia sẻ.

    Điều này có ý nghĩa sống còn trong thời đại công nghệ thông tin, thời đại mà thông tin được cập nhật thay vì từng ngày là từng giờ, từng phút, từng giây. Hệ máy ảnh du lịch bỏ túi hầu như đã tắt thở, xuôi tay chui vào quan tài chờ ngày hạ huyệt, các hãng máy ảnh cũng đang phải chật vật thay đổi để bắt kịp với thời đại, thì những chiếc máy ảnh – điện thoại đang biến những trang mạng xã hội thành sân chơi của riêng mình.

    Sẽ là quá sớm để nói đến cái chết của máy ảnh truyền thống, hay thậm chí là cái chết của máy ảnh không gương lật trước sự xâm lấn của điện thoại thông minh, nhưng đó là thực tế. Nếu một ngày nào đó Sony, Canon, Nikon hay các tên tuổi cây đa cây đề khác như Hasselblad … không còn nữa, mà thay vào đó các NAG sẽ cãi nhau xem iPhone hay Xiaomi cho chất ảnh đẹp hơn, và con cháu chúng ta lúc đó, nhìn lại cảnh cha ông chúng vác những balo máy ảnh nặng nề trên lưng, sẽ cười khẩy và nhìn vào một tương lai xa hơn nữa, nơi mà con người có thể chụp bằng mắt và lưu giữ hình ảnh vào não bộ, sau đó tải trực tiếp lên một hệ thống mạng chia sẻ liên hành tinh. Biết đâu đấy!

  2. #2
    Tham gia
    14-03-2005
    Location
    Sunshine State
    Bài viết
    3,601
    Cảm ơn bác đã bỏ công dịch bài này. Đọc rất thú vị. Nikon đã để mất thị phần máy ảnh pro vào tay Canon vào đầu thập niên 90s vì Canon lấy nét nhanh hơn hẳn đặc biệt là ảnh thể thao. Nhưng định nghĩa của chữ pro là những người kiếm sống bằng nghề ảnh. Dể dàng thấy Nikon đã đánh mất thị phần ở người chụp ảnh thể thao nhưng vẫn có rất nhiều pro chuyên chụp các thứ khác vẫn dùng Nikon. Nhưng có vẻ khoảng 10 12 năm trở lại đây Nikon lấy nét cũng tốt như Canon và đã chiếm lại được 1 phần khách hàng từ Canon. Nay lại đến mirrorless thì Sony tung hoành nhưng Nikon và Canon cũng đang chạy theo. Ai hơn ai thì chắc phải thêm 5 10 năm nữa mới biết được. Nhưng mà trong tương lai gần thì mirrorless vẫn chỉ cho dân chơi ảnh amateur thôi chứ sẽ không chiếm được thị phần pro vì còn rất nhiều hạn chế trong công nghệ.
    Nikon ... Nikkor ... Nikkor ...

  3. #3
    Tham gia
    21-10-2005
    Bài viết
    18
    Bài Viết rất hay thanks bạn

  4. #4
    Tham gia
    29-08-2018
    Bài viết
    26
    Cám ơn mọi người đã đọc và ủng hộ, tôi cũng đang muốn viết thêm vài chủ đề nữa mà thời gian chưa cho phép và phải thu thập thông tin tài liệu nên chắc cũng lâu lâu mới đăng tiếp được.

    Máy không gương lật (mrl) ở thời điểm này mà nói thì về mặt công nghệ hầu như không thua kém DSLR nữa rồi, với lợi thế của mình thì mrl giành lấy thị phần pro là chuyện sớm muộn thôi. Nhìn cái a7 a9 hay z6 z7 công nhận là cũng ... phát thèm.

  5. #5
    Tham gia
    28-01-2005
    Location
    HCMC, Vietnam
    Bài viết
    30,985
    Bài dịch quá hay, nguồn bài viết rất chuẩn. Cám ơn bác tung.pham đã bỏ thời gian ra sưu tầm và dịch cho anh em.
    Phạm An Dương
    Whatever has been done, can be outdone.

  6. #6
    Tham gia
    02-08-2013
    Bài viết
    67
    Canon cũng mới trình làng EOS-R, cuộc chiến MRL càng khốc liệt, nhưng tổng thể thấy EOS-R ngon hơn Z6, Z7 của Nikon về ngoại hình

  7. #7
    Tham gia
    06-05-2020
    Bài viết
    60
    Lâu lâu chiêm nghiệm quá khứ mấy dòng máy ảnh rất hay, cảm ơn bác dịch bài nhá, hy vọng bác tìm nguồn nhiều hơn nữa ạ.
    Tròn House

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •