Tốc độ màn trập là một trong ba yếu tố rất quan trọng mà những ai mới bước chân vào nghành nhiếp ảnh đều phải tìm hiểu. Sau đây mình sẽ giải thích rõ ràng hơn về thuật ngữ Digital này. Tìm hiểu tầm quan trọng, và lưu ý để sử dụng đúng cách khi chụp ảnh.

1. Màn trập là gì?

Màn trập hay còn được gọi là cửa trập, là lớp màn bằng kim loại được đặt trước cảm biến. Trong những máy ảnh mirrorless, màn trập luôn mở cho đến khi bạn bấm nút chụp. Cách để thấy màn trập: tháo lens, bấm nút chụp, bạn sẽ thấy 1 tấm kim loại xuất hiện che cảm biến lại. Với những chiếc máy ảnh dslr, bạn sẽ khó nhìn thấy màn trập hơn, do cảm biến của máy nằm phía trên của gương lật.

2. Tốc độ màn trập/Shutter Speed là gì?

Khi chụp một bức hình, màn trập sẽ mở và cho phép ánh sáng chiếu qua thấu kính đi đến cảm biến, thời gian màn trập mở gọi là tốc độ màn trập. Nếu màn trập mở ra trong thời gian ngắn được gọi là tốc độ màn trập nhanh, và ngược lại.

Tốc độ màn trập được tính bằng giây, hoặc phần của một giây. Ví dụ, tốc độ màn trập 1/200 có nghĩa là 0,02 giây. Đây cũng được gọi là “thời gian phơi sáng”, vì đó là khoảng thời gian mà cảm biến tiếp xúc với ánh sáng.

3. Hiệu Ứng Của Tốc Độ Màn Trập

Tốc độ màn trập thấp:

Máy ảnh cần nhiều thời gian hơn để tạo ra một bức ảnh. Điều này tạo ra hiệu ứng làm mờ chuyển động (motion blur). Hiệu ứng này được dùng để mang lại cảm giác chuyển động cho bức ảnh, thường thấy trong các bức ảnh quảng cáo ôtô. Ngoài ra, tốc độ màn trập thấp còn được sử dụng để chụp ảnh dòng sông, thác nước nhằm đem chuyển động của nước vào ảnh mà vẫn giữ được độ chi tiết của bức ảnh.

Tốc độ màn trập cao:

Tốc độ màn trập cao sẽ tạo hiệu ứng đóng băng chuyển động (freeze motion). Hiệu ứng này giúp bạn chụp được những chủ thể di chuyển nhanh một cách rõ nét, không bị mờ. Thậm chí bạn có thể chụp rõ nét một ly nước đang đổ - điều mà mắt thường không thể làm.

4. Cách tính tốc độ màn trập

Tốc độ màn trập thường được đo bằng một phần của giây, tức là thể hiện dưới dạng phân số. Ví dụ: 1/60 giây, 1/250 giây,... Chúng tôi khuyên bạn nên để tốc độ màn trập lớn hơn 1/125 giây để đảm bảo rằng ảnh không bị rung khi bạn cầm máy bằng tay. Còn nếu bạn cần chụp ảnh với tốc độ màn trập thấp, thì bạn nên sử dụng tripod.

5. Chọn tốc độ màn trập tốt nhất?

Nếu bạn chụp ở chế độ tự động, máy ảnh sẽ đoán tốc độ màn trập tốt nhất cho cảnh bạn muốn chụp. Tuy vậy điều này lại không phải lúc nào cũng đúng khiến cho bức hình dễ kém sáng hoặc bị mờ. Vậy nên, bạn hãy chuyển sang chế độ chỉnh bằng tay và tự kiểm sát tốc độ màn trập. Để điều chỉnh bạn chỉ cần xoay bánh răng phụ trên thân máy hoặc các nút bấm tương ứng để thay đổi tốc độ màn trập. Bạn có thể tham khảo một số cách chọn tốc độ màn trập sau đây:

Tốc độ 1/4000s: đóng băng mọi chuyển động
Tốc độ 1/2000s: bắt “dính” hình một chú chim đang bay
Tốc độ 1/1000s: đóng băng chuyển động của xe hơi, xe máy.
Tốc độ 1/500s: đóng băng chuyển động của các vận động viên, xe địa hình hoặc người đang chạy bộ.
Tốc độ 1/125s: dùng để chụp panning xe máy, xe hơi (bắt dính đối tượng đang chuyển động với phông nền nhòe tạo cảm giác chuyển động)
Tốc độ 1/60s: chụp panning xe địa hình đang di chuyển gần ống kính
Tốc độ 1/30s: chụp panning vận động viên đua xe đạp ở khoảng cách xa ống kính
Tốc độ 1/15s: chụp panning người chạy bộ, trẻ em đang nô đùa hoặc các con thú
Tốc độ 1/8s: làm mờ dòng nước đang chảy xiết gần ống kính
Tốc độ 1/4s: làm mờ chuyển động của người đi bộ
Tốc độ 1/2s: Làm mờ dòng nước đang chảy chậm.
Tộc độ 1 giây hoặc chậm hơn: chụp phơi sáng, hiệu ứng “Sông Ngân Hà”

6. Một số vấn đề cần chú ý

Rung máy

Là tình trạng dễ xảy ra khi bạn dùng tay để giữ máy ảnh khiến cho máy không ổn định và hệ quả là ảnh bị mờ hoặc thiếu độ sắc nét. Để hạn chế điều này, bạn có thể đặt tốc độ màn trập nhanh hơn. Cần chú ý là khi dùng ống kính có tiêu cự dài, càng dài thì bạn càng phải tăng tốc độ màn trập để tránh rung máy.

Theo quy tắc ngón tay cái bạn nên chọn tốc độ màn trập tối thiểu là 1/ độ dài tiêu cự. Ví dụ với một ống kính 200mm, sử dụng tốc độ màn trập ít nhất là 1/200.

Chuyển động mờ

Sẽ xuất hiện khi bạn chụp ảnh một đối tượng đang chuyển động. Nếu bạn sử dụng tốc độ màn trập chậm, đối tượng chụp sẽ di chuyển qua khung hình trong khi màn trập đang mở, tạo ra một vệt mờ trong bức hình chụp được.

Bạn cần lưu ý: trên thực tế không phải lúc nào chuyển động mờ cũng là điều cần phải được loại bỏ bởi đây cũng có thể là một hiệu ứng đẹp để truyền tải nội dung về sự di chuyển và tốc độ của chủ thể trong bức ảnh. Bạn cũng có thể điều chỉnh xoay máy để giữ chủ thể sắc nét và làm mờ nền.

Phơi sáng

Tốc độ màn trập chậm hơn sẽ cho ánh sáng nhiều hơn, trong khi tốc độ màn trập nhanh hơn cho ánh sáng ít hơn. Vì vậy tốc độ màn trập phù hợp sẽ giúp hình ảnh tránh tình trạng quá sáng (thừa sáng) hoặc tối (thiếu sáng), đồng thời các chi tiết, chủ thể chính trong bức ảnh phải được thể hiện rõ ràng.

Hiệu ứng sáng tạo

Bằng cách sử dụng tốc độ màn trập rất ngắn hoặc rất dài, bạn có thể mang vào bức ảnh của mình nhiều hiệu ứng sáng tạo rất thú vị. Chụp ảnh với phơi sáng dài là khi màn trập mở lâu hơn so với bình thường từ vài giây đến vài phút. Tốc độ chụp rất chậm có thể tạo ra các hiệu ứng trừu tượng thú vị như làm cho nước xuất hiện sương mù và “mịn màng” hơn.

7. Kết Luận

Tốc độ màn trập tạo ra hiệu ứng đóng băng chuyển động, làm mờ chuyển động và còn có tác động trực tiếp lên độ sáng của một bức ảnh. Hi vong sau khi đọc bài viết này, bạn có thể tự mình làm chủ được tốc độ màn trập trong nhiếp ảnh.