Bộ ảnh này thuộc cuốn sách ảnh tôi chụp trong năm 2016 về cách mạng cần sa tại Úc. Bộ sách chia làm hai phần, tôi xin được giới thiệu như sau:
Phần 1: S.H.A.M.E: Serious hippie and mother Earth? (Tạm dịch: Bà hippie nghiêm túc và mẹ Trái Đất?)
Đây là câu chuyện của Heather Gladman - một trong nhiều nhà cung cấp cần sa từ thiện tại Úc. Họ là những con người trực tiếp đấu tranh cho việc sửa đổi luật sử dụng cần sa tại xứ sở Kangaroo - nơi mà cần sa và nhiều chất kích thích khác bị liệt vào danh sách hàng quốc cấm từ những năm 1970.
Vào ngày 15 tháng 2 năm 2016, nhà Heather bị năm cảnh sát khám xét. Và bà đã bị bắt vì tội nuôi trồng hơn 40 cây cần sa. Mặc dù Heather cung cấp cần sa miễn phí hơn 30 năm qua, nhưng bà vẫn có nguy cơ bị phạt tù vì hành vi nuôi trồng trái phép. Ngay hôm đó, Heather quyết định tuyệt thực. Mục tiêu của bà là muốn kêu gọi luật ân xá cho những người cung cấp cần sa từ thiện như bà. Bởi vì có quá nhiều người bệnh đang chết dần, trong khi y học hiện đại đã bó tay với những căn bệnh của họ. Tuy nhiên, chính phủ Úc luôn tìm cách trì hoãn việc thông qua đạo luật cho phép nghiên cứu và sử dụng cần sa trong y học.
Trong năm 2015, đã có một người bạn rời xa Heather vĩnh viễn vì thất bại trong việc xin phép sử dụng cần sa trong điều trị ung thư. Hơn nữa, việc mua cần sa từ chợ đen là quá mạo hiểm. Số cần sa Heather bị thu giữ, là để dành chủ yếu làm thuốc cho một bé trai 8 tuổi đang điều trị u não (Bố mẹ em bé xin được giấu danh tính).
Chân dung Heather, chụp trong ngày thứ 5 từ khi bà tuyên bố tuyệt thực. Ảnh chụp tại nơi bà ở, là một toa tàu cổ đã được sửa thành một ngôi nhà nhỏ.
Trong những ngày tiếp theo, Heather cắm trại biểu tình tại trung tâm thành phố Melbourne. Càng ngày bà càng yếu dần đi và không thể ngồi được lâu nữa. Trong ảnh có bạn bà là ông Ral đang nói chuyện với một người đi đường về tình hình của Heather, người này đang ký tên ủng hộ Heather.
Mặc dù nhịn đói nhiều ngày liền, tinh thần của Heather vẫn luôn tốt vì có sự ủng hộ liên tục của nhiều người bạn mới của bà.
Ngày thứ 18 và cũng là ngày cuối tuyệt thực của Heather. Bà cùng nhiều bệnh nhân, nhà từ thiện khác tổ chức một buổi biểu tình trong hoà bình ngay trước mặt toà nhà nghị viện, trung tâm thành phố Melbourne.
Gia đình Heather đã thuyết phục bà dừng việc tuyệt thực để giữ gìn sức khoẻ. Họ luôn đứng sau ủng hộ việc làm của bà là đấu tranh cho cuộc cách mạng này.
Heather trở về "toa tàu" của bà, chờ tới ngày bà phải ra toà xét xử. Trong ảnh là bà đang đọc một đoạn nói về thứ thảo dược thần kỳ được nhắc tới trong kinh thánh. Người đàn ông bên phải là Stephen - thợ sửa bếp lò, chuẩn bị cho toa tàu sẵn sàng cho mùa lạnh.
Sau ba lần ra toà, Heather cuối cùng đã nhận được phán xử cuối cùng. Rằng bà chỉ phải nhận 30 giờ làm việc công ích. Đối với Heather, đó là một thành công lớn. Bà đã được nhiều kênh truyền thông phỏng vấn, đặc biệt là kênh quốc gia ABC của Úc - trước bà, kênh ABC chưa từng đưa tin về bất kỳ nhân vật nào khác đấu tranh vì cần sa.
"Tôi sẽ sống và chiến đấu tiếp, cho tới khi tất cả người dân Úc được quyền sử dụng cần sa một cách an toàn." - Sau tất cả, bà được mời làm việc tại Đại Sứ Quán Gai Dầu Úc, trụ sở chính tại Nimbin.
Phần 2: Nimbin - Home for the healing souls (Tạm dịch: Nimbin - ngôi nhà của những tâm hồn đang hàn gắn)
Nimbin, quê hương của lễ hội cần sa nổi tiếng thế giới MardiGrass và lễ hội âm nhạc Nimbin Roots. Cũng là một địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng vùng phía Bắc bang NSW, Úc.
Nimbin cũng là một mảnh đất hội tụ những con người theo lối sống thuận theo tự nhiên (hippie), họ hội tụ tại đây từ đầu những năm 1970. Đây cũng là nơi đặt đại bản doanh của một đảng chính trị mang tên Đảng Gai Dầu Úc (Hemp Party), một trong những Đảng chính trị ủng hộ việc tái hợp pháp cây gai dầu, cần sa tại Úc.
Mục tiêu tối cao của Đảng Gai Dầu là nghiên cứu và tuyên truyền về công dụng của các giống cây họ cần sa trên ba tiêu chí: Phục vụ giải trí, phục vụ sản xuất công nghiệp và phục vụ y học.
Đảng Gai Dầu có trụ sở chính đặt tại Đại Sứ Quán Gai Dầu (Hemp Embassy) ở Nimbin. Nơi tiếp nhận và tư vấn trả lời hàng trăm email, điện thoại và hàng chục lượt bệnh nhân hàng ngày.
Từ vài thập kỷ qua, Nimbin luôn được coi là một trại tị nạn cho những con người bị xã hội ruồng bỏ, chỉ vì họ "khác biệt". Với vẻ đẹp thanh bình của Nimbin, đây cũng là nơi mà nhiều nghệ sĩ tài ba Úc chọn làm nhà. Nimbin tuy nhỏ bé nhưng lại có rất nhiều phòng tranh và triển lãm nghệ thuật diễn ra thường xuyên. Nơi đây cũng là nhà của các thanh niên "chuyên cần". Nơi họ được sống, làm việc, yêu và lại được yêu.
Series ảnh này muốn nhấn mạnh vào vẻ đẹp rực rỡ màu sắc của Nimbin và mong muốn kể lại một số câu chuyện của những thiện nguyện viên làm việc tại Đại Sứ Quán Gai Dầu.
Nimbin - nơi ta được làm người trở lại.
Đường phố Nimbin tràn ngập những biển hiệu vẽ tay, những chiếc xe kỳ lạ và nhiều màu sắc.
Hình vẽ bên tường của toà nhà Đại Sứ Quán Gai Dầu.
Nimbin là nơi dừng chân yêu thích của nhiều nghệ sĩ đường phố trên thế giới.
Buổi chiều buông trên thị trấn hippie Nimbin.
Tối thứ 6 hàng tuần, người dân Nimbin tụ tập trên phố chính để chơi trống và nhảy múa tự do.
Chân dung một nhạc công trong lúc nghỉ ngơi.
Hình ảnh cuộc nói chuyện giữa thị trưởng của Nimbin, cũng là chủ tịch của Đảng Gai Dầu Úc, chính trị gia Michael Balderstone (giữa), và vợ ông là hoạ sĩ Elspeth Jones (trái) với cộng sự mới là Heather Gladman (phải). Đây là nhà riêng của Michael, cách trung tâm Nimbin khoảng hơn 5km đường bụi rậm.
Chân dung Dave "Cần Sa" - một tình nguyện viên làm việc tại Đại Sứ Quán Gai Dầu.
Chân dung nghệ sĩ đường phố nổi tiếng Johny Ganja. Một người tị nạn từ Indonesia. Johny nhận được sự giúp đỡ từ Đại Sứ Quán Gai Dầu từ nhiều năm nay, nếu không có cần sa, ông thường lên cơn co giật và mất khả năng làm việc.
Trong ảnh là Aaron, anh là thổ dân Úc. Mắc chứng nghiện rượu, nhưng nhờ có những con người ở Nimbin. Giờ đây anh đang trong quá trình cai nghiện. Thời gian sống ở Nimbin, anh giúp xây dựng vườn Mingle - một địa điểm du lịch nhỏ tại Nimbin.
Chân dung Rosemary - một thổ dân Úc khác đang sinh sống tại Nimbin. Cô từng bị ung thư tử cung, sau thời gian điều trị thất bại bằng hoá trị. Cô quyết định chuyển sang điều trị bằng cần sa. Tới thời điểm chụp bức chân dung này, cô đã thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo được ba tháng.
Sau đây là phiên bản sách điện tử của cuốn sách này (chỉ có phiên bản tiếng Anh): TẠI ĐÂY
Hãy ủng hộ tác giả để thực hiện được nhiều bộ ảnh ý nghĩa như vậy nữa bằng cách mua sách TẠI ĐÂY
Xin cảm ơn!
Bạch Nam Hải