Hiển thị kết quả từ 1 đến 4 / 4

Chủ đề: In ấn chuyên nghiệp cho nhiếp ảnh: Công nghệ, Quy trình và Hoàn thành bản in

  1. #1
    Tham gia
    07-09-2010
    Location
    HCM city
    Bài viết
    101

    Red face In ấn chuyên nghiệp cho nhiếp ảnh: Công nghệ, Quy trình và Hoàn thành bản in

    Chào anh em,

    Hôm nay mình xin mạn phép đăng series bài viết của mình về in ấn đã được đăng tải trên website phòng in mỹ thuật VG-Lab tại đây. Mời anh em tham khảo.

    --

    GIỚI THIỆU



    Đối với tôi, một bức ảnh hoàn thiện là bức ảnh đã được in ra.

    Bản thân tôi cũng là một nhiếp ảnh gia nên việc in ấn càng trở lên thật sự quan trọng. Vì thế tôi xin được chia sẻ một chút kiến thức về in ấn đã học được trong thời gian học về Photo Imaging bên nước Úc.

    Trong thời đại analog (kỹ thuật xưa) thì công việc sản xuất ra một tấm hỉnh phải được thực hiện trong phòng tối với máy phóng, rọi, tráng ảnh, cùng với vô số các chất hoá học để thợ tráng có thể chỉnh sửa (retouching) theo mong muốn của mình hoặc của nhiếp ảnh gia.

    Ngày nay, trong thời kỳ digital (kỹ thuật số), việc xử lý hậu kỳ một tấm hình đã trở lên an toàn và gọn gàng hơn rất nhiều. Người thợ in giờ không còn phải tiếp xúc trực tiếp với những hoá chất độc hại để thực hiện công việc của mình nữa. Những chất hoá học đó đã được thay thế bằng những thiết bị của công nghệ kỹ thuật số.

    Cả 2 thời kỳ analog và kỹ thuật số đều có những kỹ thuật/công nghệ in đa dạng. Các bài viết trong series in ấn này sẽ tập trung chủ yếu vào công nghệ in trong thời kỳ kỹ thuật số.




    Bài viết này sẽ được chia làm 3 phần có tiêu đề như sau:

    Phần 1 - Các công nghệ in ấn trong ngành nhiếp ảnh kỹ thuật số.

    Phần 2 - Thiết lập môi trường làm việc và một workflow xuyên suốt, lựa chọn và cài đặt thiết bị đầu cuối chính xác. Monitor calibration, printer calibration, tiêu chuẩn sáng D50 là gì.

    Phần 3 - Quá trình hoàn thành bản in. Quá trình in: Chỉnh sửa, Softproofing, in thử (Proofing)-phân tích-cân chỉnh, in chính thức.

    PHẦN 1: CÔNG NGHỆ IN


    Không kể tới các phương pháp in công nghiệp/số lượng lớn như in off-set, tôi chia in ấn chuyên nghiệp cho nhiếp ảnh ra làm 2 loại thông dụng nhất hiện nay: truyền thống (Traditional C-print hoặc Wet Printing) và In mỹ thuật (Fine Art Printing hoặc Giclée Printing).






    A - In truyền thống (C-printing hay wet process):

    In truyền thống là in tốc độ cao bằng máy in laser/LED chiếu ảnh lên trên bề mặt những giấy phủ bạc nhạy sáng, ảnh được rửa hoá chất qua một quá trình khép kín. Những hãng tiêu biểu có thể kể tên như sau:



    - Fujifilm: máy in chủ đạo của hãng là Frontier được dùng ở BigW, Harvey Normal ở Úc; và các lab Fujifilm ở Việt Nam. Máy này nếu đúng tiêu chuẩn sẽ in trên giấy Crystal Archival của Fuji. Chất lượng in rất hài lòng, tôi thích chất liệu matte (giấy không bóng) hơn là Glossy (giấy bóng). Trên thực tế Matte của Fuji chỉ giống như semi-glossy (tạm dịch: hơi bóng) mà thôi. Hình ảnh in ra sắc nét, hài hoà, chỉ buồn là giấy hơi mỏng và ít lựa chọn. Nhưng tiền nào của nấy, không thể đòi hỏi nhiều khi in chi phí thấp.

    - Kodak: máy in chủ đạo là dòng Noritsu, được dùng ở Office Works ở Úc và các lab Kodak ở Việt Nam. Chất lượng in ko được như tôi mong muốn, bão hoà màu cao, ko sắc nét bằng Frontier. Chỉ sử dụng khi bất đắc dĩ :D

    - Chromira: máy in sử dụng phương pháp tráng, rửa ảnh cổ điển sử dụng hoá chất, kết hợp công nghệ kỹ thuật số; được dùng duy nhất ở lab ảnh chuyên nghiệp CPL Digital ở Úc và một số lab lớn khác trên thế giới, hiện tại Việt Nam mình chưa thấy có. Ảnh in bằng Chromira được tráng trên giấy đặc biệt của Fujifilm. Sản phẩm ảnh có thể nói là đạt được chất lượng cao nhất trong các dòng máy truyền thống tôi đã thử nghiệm.

    - Pegasus: máy in của hãng Kodak sử dụng phương pháp tráng, rửa tương tự Chromira. Ở Úc thì mình đã thử nghiệm máy in này tại lab Prism Imaging. Chất lượng sản phẩm in có thể nói là tương tự như CLAB nhưng bản thân mình vẫn thích ảnh được in từ CLAB hơn. Một điều nên được đề cập nữa là cả CLAB và Pegasus đều có thể in lên chất liệu giấy ánh kim (metallic) - một loại giấy đặc biệt bóng.

    Ngoài ra còn có offset/press printing, thường dùng để in sách báo. Tuy nhiên, tôi chưa có kinh nghiệm nhiều về press printing nên cũng chưa có đánh giá gì cụ thể.

    -------------


    Ảnh lab tại nhà của mình bên Úc năm 2012 khi mới bắt tay vào việc học và thực hành in ấn mỹ thuật.

    B - In mỹ thuật:

    In mỹ thuật ngày nay chủ yếu là in phun bằng máy in sử dụng mực pigment (tạm dịch: mực sắc tố), tiếng Anh có các tên gọi như Fine art printing, Giclée printing hay Archival pigment printing.

    Về phần thiết bị in, các máy in phun mỹ thuật thường sử dụng 8 đến 11 lọ mực màu khác nhau. Kích thước máy in từ để bàn khổ nhỏ (size A3+, A2, A2+), hoặc khổ lớn hơn (chủ yếu giấy cuộn khổ ngang 24 inches, 44 inches tới 64 inches, chiều dài kéo dài đến 100 inches và còn nhiều kích cỡ kém phổ biến khác).


    Khi sử dụng mực chính hãng, dựa trên dữ liệu của nhà sản xuất và một số phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về in ấn khác như Wilhelm Imaging Research, tuổi thọ của bản in có thể vượt qua 200 năm mới bắt đầu phai màu (tuỳ thuộc vào loại máy in, mực, giấy và điều kiện bảo quản). Trên thị trường hiện tại có 2 hãng cung cấp máy in phun mực pigment chính là Epson và Canon. Tôi đã có điều kiện trải nghiệm cả 2 hãng, tôi thấy 2 hãng đều cho ra sản phẩm có chất lượng tương đương nhau, chỉ phụ thuộc vào thói quen và sở thích của từng người mà chọn mua máy mà thôi


    Việc in ảnh (theo lối) mỹ thuật thực sự thú vị ở khâu lựa chọn giấy khi càng ngày càng có nhiều sản phẩm giấy in mỹ thuật, chủ yếu trên thị trường hiện tại là các hãng giấy phương Tây như: Ilford, Museo, Canson Infinity, Hahnemuhle, Epson, Canon, v.v.. Giấy in mỹ thuật được phân loại phong phú theo độ nặng (gsm), độ dày (thickness) và chất liệu (nhám/mịn/bóng) bề mặt.


    Một số bề mặt giấy in mỹ thuật phổ biến nhất. Nguồn ảnh: Pixelated Palette


    Với công nghệ in này, ảnh được in phun trên 2 định dạng giấy cơ bản:

    Giấy ảnh (Photo papers): Là các loại giấy có thông số bề mặt glossy, luster, pearl, satin và metallic tương tự như các loại giấy ảnh truyền thống, sử dụng tối ưu hoá mực Photo Black.
    Giấy matte (Matte papers): Là các loại giấy có thành phần là sợi cotton, bột giấy (alpha-cellulose) hoặc chất liệu canvas, sử dụng tối ưu hoá mực Matte Black.
    Hai loại giấy in này đều mang tính lưu trữ cao (archival). So với giấy in truyền thống (C-Prints) ở trên thì giấy in mỹ thuật có độ bền cao hơn rất nhiều lần.


    Việc phân loại giấy theo 2 định dạng trên chủ yếu để cho thợ in có thể xác định được loại mực để thực hiện việc in ấn được hiệu quả tối ưu. Còn với nhiếp ảnh gia, hoặc nghệ sĩ hình ảnh muốn chọn các loại giấy cho mình thì tôi nghĩ nên chọn loại giấy theo các tiêu chí sau:


    - Giấy phủ hoá chất (Resin coated/RC Papers) là loại giấy thông dụng nhất trên thị trường, chủ yếu được sử dụng cho in ấn bằng phương pháp truyền thống đã nói ở trên. Nhưng gần đây cũng đã được sử dụng trong việc in mỹ thuật chi phí thấp. Để nhận biết được loại giấy này, ta thường sẽ thấy trên tên của loại giấy thường có chữ RC (nếu không thì phải đọc kỹ thành phần cấu tạo giấy :D). Mục tiêu của việc phủ hoá chất là tăng độ bóng, trắng sáng và bền của giấy. Loại giấy này thường là giấy glossy và semi-gloss (đôi khi gọi là Lustre, Luster, Pearl). Giá rẻ mà vẫn cho ra được bản in đẹp, tương phản cao, có vùng đen và trắng sâu. Giấy RC thì chịu nước và va chạm tốt hơn so với các loại giấy khác. Ở Vietnam Giclée Lab, chúng tôi thường dùng loại giấy RC là Canon Premium RC Lustre và Ilford Smooth Pearl 310.


    - Loại giấy tiếp theo là giấy mỹ thuật cao cấp, gồm các loại giấy làm từ cốt sợi bông, bột gỗ hoặc tre (cotton rag, baryta, alpha-cellulose). Giấy này chất lượng cực cao và có rất nhiều loại có độ nhám và dày rất đặc trưng của các tác phẩm nghệ thuật. Tuỳ từng loại giấy mà khi in ra sẽ tạo ra một cảm giác riêng cho mỗi bức ảnh, cách xử lý màu sắc, vùng tối sáng của các loại giấy cũng khác nhau (Có thể nói là mỗi loại giấy có một "tiếng nói" riêng, chỉ phụ thuộc vào tác giả muốn "ai sẽ thuyết minh" cho tác phẩm của mình thôi). Giấy này thường được dùng trong việc lưu trữ trong bảo tàng, phòng tranh/ảnh nghệ thuật, triển lãm, ảnh kỷ niệm quý và cả trong sản xuất album ảnh cưới vì cái cảm giác nó đem lại khi xem, sờ lên ảnh và hơn hết là sự trường tồn của loại giấy này. Loại giấy này giá rất cao, và cách in và xử lý hậu kỳ rất phức tạp, do đó nó thường chỉ được sử dụng trong giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Đối với loại giấy nghệ thuật cao cấp này, tôi thường dùng là Ilford Gold Fibre Silk, Canson Rag Photographique 310 và Hahnemühle Bamboo Fine Art (Đặc biệt sản phẩm giấy Hahnemühle Bamboo này là giấy có sợi bột tre, rất thân thiện với môi trường) (Nguồn: Hahnemuble Website).


    - Một loại giấy mới có trên thị trường cũng khá thú vị đó là giấy ánh kim (Metallic papers), đây cũng là một dạng giấy RC. Nhưng loại giấy này rất đặc biệt ở chỗ nó có bề mặt cực bóng, dải màu rộng, tương phản cao. Rất thích hợp cho những tác phẩm nhiếp ảnh liên quan đến những vật liệu có độ bóng/phản chiếu cao. Tôi sử dụng Ilford Metallic Gloss Paper cho các bản in metallic.



    Trong dải màu mắt người có thể nhìn thấy được thì ProPhotoRGB hiện nay là hệ thống màu lưu trữ được nhiều màu nhất. Epson 2200 Prem. Luster là một loại giấy in phun của Epson. Rồi sau đó mới tới Adobe RGB 1998. Tiếp theo là Chromira: mức độ thể hiện màu của máy in truyền thống Chromira (C-Printer) cao cấp.


    In ấn mỹ thuật có ưu điểm là in được dải màu rộng (Adobe RGB 1998) tới siêu rộng (>Adobe RGB 1998) do nhiều lớp mực hơn, đa dạng về lựa chọn giấy, mỗi loại giấy lại có thể hiện khác biệt nhau về tác phẩm, góp phần tạo lên phong cách cho từng bức ảnh. Vài nhược điểm lớn nhất của kỹ thuật in Giclée này có thể kể tên ra là giá thành cho mỗi bản in cao hơn so với in truyền thống, cộng với quy trình in phức tạp (Sẽ giới thiệu ở các phần sau).


     Do đó ở Việt Nam, sự phổ biến của in ấn mỹ thuật chưa được rộng. Chủ yếu do công nghệ in Giclée này còn khá mới mẻ trên thế giới (Mới khoảng 30 năm tuổi).


    Việc in ấn mỹ thuật cũng kỳ công, người làm ảnh phải cân chỉnh màn hình (monitor calibration) bằng các thiết bị chuyên dụng và đúng cách. Người in ảnh phải tạo ICC profile máy in với giấy in tương ứng (Công đoạn này được gọi là printer calibration hoặc ICC profiling). Như vậy mới đảm bảo tạo ra một bản in chính xác và đẹp nhất có thể. Những điều đó, tôi sẽ nói ở phần sau.


    Các bạn đọc bài mà thấy cần bổ sung hay gì thắc mắc xin hãy chia sẻ. Chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau.



    Mời đọc phần 2 TẠI ĐÂY

    Mời đọc phần 3 TẠI ĐÂY



    Các nguồn đã tham khảo:

    Breathing Color Blog: - https://www.breathingcolor.com/blog/
    Hahnemuble Website: - https://www.hahnemuehle.com/en/index.html
    Ilford Website: - http://ilford.com/
    B&H Photo Video Pro Audio: - https://www.bhphotovideo.com
    Canson Infinity: - http://www.canson-infinity.com/
    Wilhelm Imaging Research: - http://www.wilhelm-research.com/
    Wikipedia về Giclée: - https://en.wikipedia.org/wiki/Gicl%C3%A9e
    Tôi là một kẻ đam mê kể chuyện.
    Xin mời bạn ghé thăm website của tôi: www.DannyBach.com

  2. #2
    Tham gia
    26-09-2017
    Bài viết
    14
    em nói thiệt nếu có nút thanks một ngày em vào forum 2 lần em note cái bài của bác em nhấn 1 ngày 10 lần khi nào ko nhấn nữa đc thì thôi.

  3. #3
    Tham gia
    07-09-2010
    Location
    HCM city
    Bài viết
    101
    Quote Được gửi bởi thangnguyen97 View Post
    em nói thiệt nếu có nút thanks một ngày em vào forum 2 lần em note cái bài của bác em nhấn 1 ngày 10 lần khi nào ko nhấn nữa đc thì thôi.
    hiihi cảm ơn bạn đã ủng hộ :D
    Tôi là một kẻ đam mê kể chuyện.
    Xin mời bạn ghé thăm website của tôi: www.DannyBach.com

  4. #4
    Tham gia
    22-09-2017
    Bài viết
    19
    cảm ơn bác đã chia sẻ

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Tags for this Thread

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •