Hiển thị kết quả từ 1 đến 5 / 5

Chủ đề: Philip Jones Griffiths và tình thương với đất nước, con người Việt Nam

  1. #1
    Tham gia
    07-09-2010
    Location
    HCM city
    Bài viết
    101

    Post Philip Jones Griffiths và tình thương với đất nước, con người Việt Nam

    Mình xin phép được đăng một bài viết về từ blog của mình trên VN Photo để anh em cùng tham khảo. Xin mời anh em thăm blog để có được những links bài viết hữu ích. Tại Đây
    --


    Bức hình được chọn làm bìa sách cuốn Vietnam Inc., Nam Việt Nam. chụp năm 1967

    Mình xin mở đầu bài viết về Philip Jones Griffiths (gọi tắt là Griffiths) và tình thương tới người Việt Nam ngày hôm nay bằng vài dòng chữ trích từ bài tưởng niệm Griffiths viết bởi nhà báo John Pilger sau khi Griffiths qua đời (Tạm dịch - Xin mời tham khảo lời gốc ở đây):

    “Tôi chưa từng thấy một người ngoại quốc nào lại quan tâm tới người Việt Nam, hay tới tất cả những người dân bình thường khắp mọi nơi đang sống dưới gót giày của sức mạnh khổng lồ, được như Philip Jones Griffiths. Ông là nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất, là một trong những nhà báo ưu tú nhất tôi được biết đến trong đời, và cũng là một nhà nhân đạo.”

    Bài viết này có liên quan tới bài viết trước, khi mình bày tỏ quan điểm về “Nhiếp ảnh là gì?” - mình đã nhắc tới Griffiths và ảnh hưởng của ông tới sự nhìn nhận về nhiếp ảnh của cá nhân mình. Do đó, mình muốn chia sẻ thêm về nhiếp ảnh gia Philip Jones Griffiths, vì mình cũng tin rằng ông cần được biết tới nhiều hơn.

    (Mình xin cảnh báo trước là bài viết này có chứa hình ảnh tàn khốc về chiến tranh)


    Trong bài này mình sẽ nói sơ qua về tiểu sử của ông, tư tưởng trong nhiếp ảnh và hơn hết là quá trình thực hiện bộ ảnh trong cuốn sách Vietnam Inc. Mình cũng xin được đề cập những dự án sau này của ông có liên quan tới Việt Nam, để các bạn tham khảo thêm.

    Sơ lược cuộc đời Griffiths tới năm 1966


    Philip Jones Griffiths sinh năm 1936 tại thị trấn Rhuddlan, xứ Wale. Ông bắt đầu làm quen với nhiếp ảnh ở trại hè Golden Sands, thị trấn Rhyl. Nhưng sau đó ông được bố mẹ ông gửi đi học dược ở trường đại học Liverpool. Tuy đi học dược, nhưng ông lại luôn hướng tới công việc nhiếp ảnh. Ông vừa học tại Liverpool, vừa làm nhiếp ảnh gia bán thời gian cho tờ báo Manchester Guardian (Nay là The Guardian).

    Vào năm 1961, ông trở thành nhiếp ảnh gia toàn thời gian của tờ báo The Observer. Bộ ảnh ông chụp cuộc cách mạng Algérie năm 1962 là bộ ảnh đầu tiên được tờ báo The Observer dành nguyên một trang để đăng tải.

    Sau đó ông chuyển tới sống ở Trung Phi. Từ đó ông đi khắp thế giới để đưa tin ảnh cho các tờ báo/tạp chí như: Daily Telegraph, The Sunday Times, Collier's và Life.

    Rồi cũng đến một ngày ông mệt mỏi với việc làm việc cho các tờ báo/tạp chí. Ông nghĩ đã tới lúc ông nên dành thời gian và sức lực của mình cho một dự án ảnh cá nhân - một dự án ảnh thực sự của riêng ông. Ông nảy ra ý định tới Việt Nam để tìm kiếm những bức hình cho riêng mình. Ông tin rằng sẽ có nhiều câu chuyện quan trọng cần được kể đang diễn ra ở Việt Nam.

    Năm 1966, sau vài chuyến công tác ở Singapore và Nam Việt Nam. Ông nhận thấy rằng những điều ông được nghe kể trước đó về những gì đang diễn ra tại Việt Nam hoàn toàn khác với những gì ông trải nghiệm. Ông đã quyết định tự mình đi tìm kiếm sự thật.

    Sau một thời gian tìm hiểu, Griffiths đã phát triển một tình cảm sâu sắc đối với người dân Việt Nam.

    Cũng vào năm 1966, ông ra nhập tổ chức Magnum Photos với tư cách là cộng tác viên. Cùng với việc bán tác quyền những bức ảnh ông chụp chuyến thăm đền Angkor Wat, Campuchia của Jacqueline Kennedy và Ormsby-Gore. Ông tiết kiệm được một khoản tiền để tiếp tục hành trình ghi lại ảnh hưởng của những xung đột đang diễn ra ở Việt Nam.

    Tuy nhiên, những hình ảnh về Việt Nam đó đã rất khó kiếm được lợi nhuận trong một thị trường truyền thông bị lấn át bởi những tập đoàn của Mỹ.


    Lực lượng cứu hoả Sài Gòn được giao nhiệm vụ thu lượm thi thể sau sự kiện Tết Mậu Thân. Bé gái bị giết hại bởi hoả lực trực thăng Hoa Kỳ, phía xa là hình ảnh em trai của cô bé đau buồn khi tìm thấy xác chị mình. Thời báo New York đăng tải tấm hình này với hàm ý rằng cô bé không bị giết bởi hoả lực Hoa Kỳ. Nam Việt Nam, 1968

    May thay, Griffiths đã đưa những tấm hình đó vào một cuốn sách mà đã góp phần tái định nghĩa lại nhiếp ảnh phóng sự.

    Cuốn sách Vietnam Inc. (Xuất bản lần đầu năm 1971)

    Những năm 1960s, thời kỳ chiến tranh cục bộ ở Việt Nam. Đó là thập kỷ mà những diễn biến xung đột tại Việt Nam được quan tâm sâu sắc bởi những nhiếp ảnh gia chiến trường. Griffiths diễn tả viễn cảnh Việt Nam lúc đó là “một vùng đất vô tội bị cướp bóc bởi một con quái vật cơ giới”. Và đó cũng là cuộc chiến tranh cuối cùng mà nhiếp ảnh gia được phép tới chụp với tư cách nhiếp ảnh gia tự do.

    Với Griffiths, mặc dù phương tiện tác nghiệp thời đó thô sơ hơn ngày nay rất nhiều, nhưng ít nhất khi đó những nhiếp ảnh gia như ông được hoạt động một cách tự do nhất có thể.

    Theo lời kể hóm hỉnh của Griffiths. Ông kể lại một dịp lính Mỹ đang chuẩn bị lên máy bay trực thăng để đi đốt làng mạc, Griffiths cũng leo lên trực thăng với mong muốn chụp hình lại những gì sắp xảy ra.

    Một anh lính e ngại và hỏi chỉ huy của anh ta qua bộ đàm rằng:

    - Thưa sếp! Chúng ta có một người mới ở đây, anh ta muốn đi cùng trực thăng của chúng ta.

    - Nói anh ta là anh ta không được đi theo, chúng ta không muốn ai biết được chuyện chúng ta đang làm ở đây. - Người chỉ huy trả lời qua bộ đàm mà không biết rằng Griffiths cũng có thể nghe được toàn bộ cuộc hội thoại.

    Anh lính tắt bộ đàm và tự cằn nhằn:

    - Tôi ghét như vậy, đáng lẽ ra chúng ta nên tự hào với mọi việc chúng ta làm ở đất nước này mới phải.

    Và rồi anh ta cố thuyết phục chỉ huy để Griffiths theo cùng:

    - Thưa sếp, có lẽ sếp sẽ nghĩ lại, vì anh ta chỉ là một nhiếp ảnh gia thôi.

    - Ồ, vậy sao, chỉ là một nhiếp ảnh gia thôi à. Được, anh ta có thể theo chúng ta.


    Những người lính mỹ thường thể hiện lòng thương với những người lính Việt Cộng. Bởi họ nhận thấy những phẩm chất tốt đẹp và lòng dũng cảm của những người lính đó. Người lính Việt Cộng trong ảnh này đã cầm cự được 3 ngày liền với ruột của anh ta bị lòi ra ngoài, chỉ được đậy lại bằng một cái xoong nấu ăn buộc trên bụng. Việt Nam, 1968

    Trong thời gian tại Việt Nam, Griffiths đã luôn luôn là một người cần mẫn, chăm chỉ. Nhưng hầu hết các nhà báo, hay nhiếp ảnh gia khác đều chưa từng được tận mắt chứng kiến ông tác nghiệp. Ông không có thú vui giao du, trò chuyện với những nhà báo khác, ông chỉ chăm chú tự làm mọi thứ một cách thầm lặng.

    Ông coi tất cả những con người đang tham gia và chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tại Việt Nam đều là nạn nhân. Những người lính Mỹ, Việt hay người dân, họ đều là trung tâm của sự tàn nhẫn, là nạn nhân của những thế lực họ không hiểu và không thể kiểm soát. Tất cả những việc họ làm là phục vụ đất nước và nghĩa vụ. Do đó, tuy hành trình của ông rất khó khăn, đôi khi tới mức ông phải chọn chữa một cuộn phim hay một tô mỳ, ông vẫn hăng say bám trụ.


    Người dân trong trận chiến Sài Gòn, chụp năm 1968.

    Những hình ảnh trong cuốn sách Vietnam Inc. đã thể hiện được sự thật đó. Cho tới mức Henri-Cartier Bresson phải ca ngợi

    “Từ thời của Goya tới giờ, không ai miêu tả chiến tranh được như Philip Jones Griffiths”.

    Ảnh hưởng của cuốn sách quá lớn và bất ngờ. Đến cả tổng thống Nam Việt Nam lúc đó là Nguyễn Văn Thiệu còn phải thốt lên rằng “Có nhiều người tôi không muốn họ quay trở lại đất nước này, nhưng tôi sẽ phải đảm bảo rằng Philip Jones Griffiths là cái tên nằm trên đầu danh sách”.

    Agent Orange: “Collateral Damage” in Vietnam (2003) và Vietnam at Peace (2005)


    Ba anh em có hội chứng dị dạng điển hình, xuất hiện đầu gối và cùi trỏ kép. Các em đã bị mẹ bỏ rơi. Trại mồ côi số 6, thành phố Hồ Chí Minh, chụp năm 1980.

    Sau Vietnam Inc., Griffiths có tham gia đưa tin về Chiến tranh Yom Kippur. Rồi làm việc ở Campuchia từ năm 1973 tới 1975. Sau đó ông sống ở Thái Lan và nhận trách nhiệm đưa tin khu vực châu Á. Từ năm 1980-1985, ông tới New York nhận trách nhiệm làm chủ tịch hội Magnum Photos.

    Những phóng sự ảnh do Griffiths thực hiện, thường là những câu chuyện do ông tự tìm hiểu, đã đưa ông đi hơn 120 nước trên thế giới. Ông tiếp tục cộng tác với những ấn phẩm lớn như tạp chí Life và National Geographic. Nhưng ông vẫn không ngừng sự quan tâm của mình đối với đất nước và con người Việt Nam, ông quay trở lại Việt Nam hơn 20 lần, khám phá hậu quả chiến tranh, dẫn tới 2 cuốn sách về Việt Nam tiếp theo là Agent Orange (Chất độc màu da cam) và Vietnam at Peace (Việt Nam thời bình).


    Những em nhỏ kỷ niệm kết thúc chiến tranh ở một sự kiện gần thành phố Hồ Chí Minh, chụp năm 1985. Đây là bìa sách cuốn Vietnam at Peace.

    Griffiths mất ngày 19 tháng 3 năm 2008, Vietnam Inc., Agent Orange và Vietnam at Peace là bộ 3 cuốn sách ảnh được đánh giá là di sản lớn nhất của Griffiths để lại cho lịch sử thế giới. Những di vật của ông bao gồm contact sheets, máy ảnh, tư liệu, giấy tờ và vật dụng cá nhân đang được lưu giữ tại thư viện quốc gia xứ Wales.


    Vài em trai chơi quanh khu đổ nát của một toà nhà bị đánh bom gần Vinh. Máy bay mỹ đánh mọi tất cả các toà nhà, kể cả khu vực hẻo lánh. Chụp năm 1987.


    Đối với bản thân mình, khi biết về Griffiths trong một buổi học về lịch sử nhiếp ảnh 3 năm trước. Đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của mình về nhiếp ảnh. Mình cũng đã nung nấu làm điều gì đó ý nghĩa cho đất nước của mình từ lúc đó.

    Mình có mong muốn cái tên Philip Jones Griffiths được biết tới nhiều hơn. Với hình tượng một nhiếp ảnh gia tài ba, hiểu biết và có tư tưởng độc lập, luôn đi tìm và nói lên sự thật.

    Bài viết này được góp nhặt từ nhiều phỏng vấn, phim tài liệu, đã tối giản rất nhiều, tất cả mình đã có link cụ thể và đầy đủ. Mình mong các bạn tham khảo thêm từ những link gốc mình cũn tổng hợp lại ở cuối bài.

    Link tham khảo:

    http://inmotion.magnumphotos.com/essay/warsgriffiths
    https://vimeo.com/62143655 (Bài phỏng vấn trước lúc từ trần của Griffiths)
    http://www.photohistories.com/interv...ones-griffiths
    http://www.beetlesandhuxley.com/arti...1936-2008.html
    http://www.amateurphotographer.co.uk...e-of-war-55738
    http://johnpilger.com/articles/a-tri...ace-and-people
    http://pro.magnumphotos.com/C.aspx?V...RID=24KL535HON (Hồ sơ Griffiths trên Magnum Photos)
    http://pro.magnumphotos.com/C.aspx?V...ID=2K7O3RP3N9U (Bộ ảnh trích từ cuốn Vietnam Inc.)
    http://pro.magnumphotos.com/C.aspx?V...D=29YL535H15JA (Bộ ảnh trích từ cuốn Agent Orange)
    http://pro.magnumphotos.com/C.aspx?V...D=29YL5346LT03 (Bộ ảnh trích từ cuốn Vietnam at Peace)
    Được sửa bởi DannyB lúc 07:47 PM ngày 05-06-2017
    Tôi là một kẻ đam mê kể chuyện.
    Xin mời bạn ghé thăm website của tôi: www.DannyBach.com

  2. #2
    Tham gia
    28-01-2005
    Location
    HCMC, Vietnam
    Bài viết
    30,985
    Hay quá, cám ơn bác DannyB đã chia sẻ.
    Phạm An Dương
    Whatever has been done, can be outdone.

  3. #3
    Tham gia
    01-01-2017
    Bài viết
    41
    Cảm thấy mình thật may mắn khi sinh ra trong thời bình. Cám ơn tác giả bài viết.

  4. #4
    Tham gia
    24-11-2015
    Bài viết
    48
    Hay quá, mong có nhiều bài thêm nữa. Cảm ơn bác DannyB đã chia sẻ

  5. #5
    Tham gia
    07-09-2010
    Location
    HCM city
    Bài viết
    101
    Quote Được gửi bởi apham View Post
    Hay quá, cám ơn bác DannyB đã chia sẻ.
    Quote Được gửi bởi quocdu0201 View Post
    Cảm thấy mình thật may mắn khi sinh ra trong thời bình. Cám ơn tác giả bài viết.
    Quote Được gửi bởi zero00 View Post
    Hay quá, mong có nhiều bài thêm nữa. Cảm ơn bác DannyB đã chia sẻ
    Cảm ơn các bác, em cũng muốn up nhiều bài như này mà lười lắm ạ :P Nếu có cơ hội thì em mời các bác qua chỗ em chơi, đọc trong sách có nhiều điều hay mà đôi khi không có thời gian ngồi để dịch và up lên mạng. Có cơ hội thảo luận trực tiếp sẽ vui hơn các bác ạ.
    Tôi là một kẻ đam mê kể chuyện.
    Xin mời bạn ghé thăm website của tôi: www.DannyBach.com

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •