Hiển thị kết quả từ 1 đến 7 / 7

Chủ đề: Vãn cảnh Yên Tử

  1. #1
    Tham gia
    15-09-2005
    Bài viết
    301

    Vãn cảnh Yên Tử

    Chủ Nhật rỗi rãi, lại đang cầm cái D70 của anh bạn, bèn đi vãn cảnh Yên Tử. Hi vọng có gì đóng góp cho cái đề mục mà tôi rất thích xem này. Nói vậy để các bác lượng thứ cho về nghệ thuật ảnh.
    Đây là lần thứ 4 tôi đi Yên Tử. Lần đầu phục vụ truyền tin chiến đấu (1978), chỉ giao nhận vật tư thiết bị ở chân núi mà không có điều kiện lên. Rừng núi âm u, mây mù, ướt, rét.Các đồng đội của chúng tôi ở trên đỉnh cũng vất vả lắm.
    Lần 2, 1994, đã là một khu du lịch tâm linh. Ngày hội đã đông người, nhưng đường đi vẫn là đất trơn lầy. Có trẻ nhỏ nên đoàn chúng tôi cố vào tới chùa Giải Oan rồi quay ra. Mưa xuân làm cho chiếc xe lao lên dốc rồi lại trượt xuống mấy lần. Cứ tưởng không qua được, mọi người xuống hết cho nhẹ. Cuối cùng cũng thoát.
    Lần 3, 2000, đường đi đã tốt hơn, nhưng bãi xe vẫn là nền đất. Ngày hội người đông như nêm. Người đi lễ có nhiều đồ thường đi tay không, chỗ khó dò từng bước, cẩn thận kẻo ngã xuống dốc núi thành thương. Đồ đạc phải thuê người gánh. Người đi vãn cảnh thanh hoặc trung niên thường tự mang đồ. Một chuyến đi thong thả phải 2 ngày, đêm ngủ lại các nhà trọ cạnh chùa trên núi: Hoa Yên, Bảo Sái, Vân Tiêu. Người ta kể có khi trời mưa, hết chỗ trọ, chỉ có ngồi chật dưới mái chùa qua đêm. Trừ dân địa phương gánh thuê có thể lên xuống hai lần trong ngày. Lần đó chúng tôi rời Hà Nội từ sáng, qua Kiếp Bạc, Côn Sơn nên trưa mới tới chân núi. Đêm ngủ chùa Bảo Sái, hôm sau lên chùa Đồng rồi xuống núi ra về.
    Lần này đã có cáp treo tới chùa Hoa Yên. Đỡ được gần nửa đường lên chùa Đồng. Nhưng những đoạn khó nhất vẫn phải đi chân bởi độ dốc lớn không thích hợp làm cáp treo. Tuy nhiên với mục đích vãn cảnh nên tôi dự định sẽ đi chân lên Hoa Yên thì quay lại, có thể bằng cáp nếu mệt quá.
    Rời Hà Nội từ 8 giờ, ghé thăm Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử vốn là chùa Lân, mới được xây dựng lại thành Thiền Viện.
    Lối vào Thiền Viện


    Sau điện thờ Phật và Tam Tổ Trúc Lâm là khu Thiền Định dành riêng cho tăng lữ



    Ra khỏi Thiền Viện đi tiếp con đường vào chân núi Yên Tử



    Con đường đã tốt hơn trước rất nhiều. Mặt đường bằng bê tông, chẳng sợ trời mưa lún trôi như đường nhựa.

    Đã nhìn thấy rõ đỉnh Yên Tử, trên cùng là nơi đặt chùa Đồng, thấp hơn một chút là Vân Tiêu, quãng giữa là Hoa Yên, nhìn kỹ thấy cáp treo từ phía trái đi lên (ảnh gốc, để toàn cỡ thì thấy)



    Vào đến bãi xe đã 11 giờ, chỉ có 2 xe đỗ sẵn trong bãi mênh mông. Giờ này tốt nhất là ăn nghỉ rồi hãy leo. Một đĩa thịt nhím, một chai bia lạnh, cơm, rau cải luộc và nước rau 100K Đồng. Riêng đĩa thịt đã 80K, phần còn lại 20K thì cũng không rẻ. Ăn chơi một mình tự cho phép tốn kém tí. Đoàn khách vào sau, đi theo hướng dẫn đặt ăn thường có 25K/suất chưa có uống.

    Gần 13 giờ, bụng đã xuôi xuôi, bỏ áo len trong xe, áo khoác cho vào ba lô, D70 đeo trước ngực bắt đầu đi lên.

  2. #2
    Tham gia
    15-09-2005
    Bài viết
    301
    Nhanh chóng nhận ra mấy năm qua đường lên núi đã được cải tạo nhiều. Một cây cầu bắc qua suối gần chùa Giải Oan để tránh cho người già trẻ con khỏi phải đi trên những hòn đá. Nhiều chỗ đường được nắn lại, để tránh có những chỗ quá dốc.
    Trời đã vào mùa đông, lại đang có đợt rét gió mùa. Đêm trời lạnh 15 độ C, ngày có ấm hơn nhưng với nhiều người đi chơi ngoài gió không có gì thú vị. Lại chả phải Hội nên người đi hầu như không có. Cả chuyến đi của tôi chỉ gặp mấy đôi nam nữ tha thẩn tình tự và một nhóm mươi bạn trẻ trường Trung cấp Mỏ. Không kể hai nhóm khách từ phía Nam ra, một nhóm 14 người theo tour và một nhóm 3 người tự đi bằng xe cơ quan. Hai nhóm này sẽ lên Hoa Yên bằng cáp treo, ngắm cảnh rồi quay xuống.
    Con đường đi lên lát bậc đá rộng rãi, nhưng nếu là ngày hội thì chật những người. Đang quay xuống chụp ảnh mấy tán thông chợt nghe tiếng người nói sau lưng. Quay lên đã thấy hai anh chị vừa đi vừa nói chuyện, tay trong tay thật là nhàn nhã. Ngại hỏi xin chụp ảnh, tranh thủ lúc họ ở xa, tôi dùng chiêu chụp trộm đã học trên site này



    Khi đôi bạn đi qua rồi thì chụp lại một cái "đàng hoàng", từ ... sau lưng.



    Tôi chọn đường đi bộ một phần vì ấn tượng lần trước về khúc Đường Tùng.



    Theo giới thiệu, hàng cây tùng này cùng thời với thiền phái Trúc Lâm, 700 năm. Không biết thực những cây đó bao tuổi, nhưng bộ rễ của chúng nổi trên mặt đất bị người đi dẫm nhẵn bóng thì thật ấn tượng.



    Rễ cây bị nước chảy trôi đất mà trồi ra, rồi bị người ta dẫm đạp lên mà mất một phần vỏ chỉ còn phần lõi mộc trơ ra đó, nhẵn thín.



    Lần trước đến đây nhằm ngày hội, không thể nào chiêm ngưỡng chi tiết. Lần này đi một mình tha hồ nhìn ngắm và chụp ảnh. Nhưng quả thực cảm giác được "sở hữu" một đoạn đường so với nhìn ngắm lại những bức ảnh khá là khác nhau.
    Đoạn đường này người ta không lát đá để còn phô bày những cái rễ này.
    Được sửa bởi thiennhan lúc 01:02 PM ngày 22-11-2005

  3. #3
    Tham gia
    10-05-2005
    Bài viết
    3,934
    Em có cảm giác hơi thiếu sáng, màu thì hơi nhợt nhạt. Bác thử kéo sáng và contrast lên một chút xem

  4. #4
    Tham gia
    15-09-2005
    Bài viết
    301
    Cám ơn bạn Khot đã hướng dẫn.
    Vì dùng máy mượn của bạn nên tôi cứ để tự động rồi bấm. Chắc là ánh sáng loang lổ, nó cũng bị "rối trí" một chút. Theo gợi ý, tôi dùng Photoshop Elements, tăng Bright +30, Contrast +30. Chắc có tốt hơn.



    Đi hết đường Tùng thì cảnh vật không có gì đặc sắc lắm. Cắm cúi leo một hồi, khoảng 14 giờ thì tới tháp Huệ Quang, ngay dưới chùa Hoa Yên. Tháp là nơi thờ Đệ nhất Tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông). Đây có lẽ là nơi rất thiêng, xét theo tâm linh, của vùng này. Mình là người vãn cảnh, vái các chỗ thờ tự cho phải phép rồi ngắm nhìn cảnh vật xung quanh.
    Có vài chục tháp lớn nhỏ quanh tháp Huệ Quang, có lẽ đều để thờ các phật tử xuất thân Trần triều. Như tháp Trường Quang thờ Vương phủ thị nội Cung tần Trần Thị Ngọc Loan. Một tháp được một đôi tình nhân chọn làm chỗ tình tự.



    Gần đấy có một mẹ gà dẫn con đi kiếm ăn, như không có chuyện cúm trên đời.



    Sau tháp Huệ Quang, hai bên đường lên chùa Hoa Yên còn có hai cái ao, nước còn ít, mọc mươi bông hoa súng.



    Chùa Hoa Yên, là nơi vua Trần Nhân Tông trụ trì và chất phát cho đến lúc qua đời (hiển phật). Nay là chùa lớn nhất trong các chùa trên núi Yên Tử.



    Chùa trưng bày cả đồ hình tôn tạo chùa Đồng



    Trong chùa, một cô bé đang thành kính khấn cầu


  5. #5
    Tham gia
    15-09-2005
    Bài viết
    301
    Ôi trời, viết nốt, phiên làm việc lâu quá, khi submit bị báo lỗi invalid, mất cả. Khi khác làm nốt vậy, chả lẽ đã đi mà không đến thì chán.

  6. #6
    Tham gia
    30-05-2005
    Location
    Prague Czech Republic
    Bài viết
    2,604
    Em thích cái ảnh chùa quá bác, cám ơn bác đã cho một chuyến đi rất chi tiết, nốt đi bác. Em chờ...
    www.sondoan.com | another way of telling

    Người ta có thể may mắn chụp được một tấm ảnh đẹp nhưng nhận ra nó đẹp thì không.

  7. #7
    Tham gia
    15-09-2005
    Bài viết
    301
    Chùa Hoa Yên có bốn đường đi tới. Một từ dưới lên. Một rẽ trái đi đường cụt tới thác Ngự Dội, am Thiền Định và Thác Vàng, không kể có một nhánh đi ga cáp treo. Một bên phải đi chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, ... Một lối lên chùa Vân Tiêu, đường này rất dốc, ngày hội người ta quy định để đi một chiều xuống cho khỏi tắc đường. Tuy nhiên với những người thường xuyên lên đỉnh thì ngày thường đi đường này cho gần, họ “sống chung với dốc” rồi.



    Lần trước tôi đã lên chùa Đồng, qua đường chùa Một Mái, Bảo Sái đi lên, nhưng chưa qua nhánh Thác Vàng. Chuyến này rong chơi thong thả, nhất thiết phải đi cho biết.



    Tận cùng của nhánh đường này là thác Vàng, là một khe núi hẹp, dốc. Đường không dốc nhưng một bên vách dựng, một bên vực sâu. Không có đường lát đá và lan can thì cũng nguy hiểm đấy, đặc biệt vào ngày mưa



    Hai cái thác không có cảnh sắc gì đặc biệt, mùa này chả có mấy nước. Am Thiền Định đang tu bổ, mới đến đoạn làm nền nên chả có gì. Quay trở lại chùa Hoa Yên, mới gần 15 giờ. Nếu bây giờ quay trở lại thì hơi sớm. Thời đang còn, sức đang hăng, đi thêm Một Mái, Bảo Sái, Vân Tiêu rồi về cũng được.
    Bên phải chùa Hoa Yên, phía đi Một Mái, có một dãy “phố”, nhà lầu đàng hoàng. Đó là dãy nhà trọ. So với mấy năm trước dịch vụ trọ ở đây đã tốt lên nhiều. Có nhiều nhà hơn, nhà tốt hơn. Chỉ có điều gần chùa quá, “tục” và “thiền” sát sạt cạnh nhau. Nhà chùa “sắc sắc không không” chắc không lấy thế làm điều, nhưng giá như xa ra vài ba trăm mét. Dù rằng các nhà trọ ở thấp hơn nền chùa, từ chùa không nhìn thấy, nhưng ...



    Chùa Một Mái ở nép vào một vách đá nghiêng thành mái, nên chỉ còn phải làm một mái ngói phía ngoài. Hôm nay nhà chùa đóng cửa không đón khách.



    Đường lên từ đây rất dốc, hình như núi đá là vậy, càng lên càng dựng. Có đoạn đi được mươi mười lăm bậc đá lại đứng lại thở. Thế mà một chốc bắt kịp nhóm bạn trẻ khi nãy cùng trong nhà hàng ăn. Hỏi chuyện mới biết là học sinh Trung cấp Mỏ. Họ đi sau tôi khá nhiều thế mà lại vượt trước, khi tôi đi Thác Vàng. Vừa đi vừa nói chuyện và thở. Cũng có những chỗ quang, lộ ra tầm nhìn đẹp



    Đến chùa Bảo Sái, hết có 30 phút từ Hoa Yên sang đây. Các bạn trẻ ngỏ ý muốn tôi chụp cho vài kiểu ảnh. Sẵn lòng thôi, vì khó nhất là trả ảnh thì họ cũng có thư điện tử. Sắp thành công nhân lái máy xúc, và các nghề khác ở mỏ than thế mà họ cũng biết dùng mạng. Có bạn còn có cả web site, sẵn sàng cho mật khẩu để tôi có thể đăng ảnh của họ vào đấy giùm. Với tôi tiện hơn cả là mail.



    Rời Bảo Sái, các bạn trẻ phải điều chỉnh hành trình. Họ định lên tận chùa Đồng, nhưng giờ này đi sao kịp khỏi tối khi còn đang xuống núi. Rồi họ còn phải về tận gần Cẩm Phả nữa. Thế là cùng nhau đi sang Vân Tiêu. Bây giờ đi chỉ có xuống. Chả mấy chốc đến chùa Vân Tiêu.



    Chùa Vân Tiêu ở vào một mỏm núi. Đứng ở đấy có thể nhìn quanh gần 270 độ cảnh núi trập trùng, như ở mũi tầu Titanic nhìn sóng vậy. Máy chụp hình nếu không có fish-eye thì đành bó tay không lấy được cảnh này. Tuy nhiên cái mũi tàu thực sự lại ở khu tháp phía dưới chùa, cũng là lối đi xuống Hoa Yên



    Đường dốc dựng, mấy cây lau làm tiền cảnh cho tấm ảnh cuối cùng tôi muốn giới thiệu. Phía dưới là bãi xe, với đường vào khá rộng phân đôi. Bên trái là nhà ga cáp treo được xây dựng như một ngôi chùa.



    Tôi đi chân xuống đến cửa vào dịch vụ quãng 16h30 cùng với hai bạn trẻ. Các bạn khác chồn chân rơi rụng dọc đường rồi.
    Gần 17 giờ tôi rời Yên Tử, vừa đi vừa theo dõi tin bóng đá Việt Nam Singapore ở Seagames 23. Bây giờ chỉ mới chồn chân, hai ngày sau mới đau bắp. Và hẹn một chuyến đi cáp treo lên Hoa Yên để đi nốt phần còn lại, An Kỳ Sinh, Chùa Đồng.
    Được sửa bởi thiennhan lúc 08:50 PM ngày 02-12-2005

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •