Tự vấn nhân ngày quốc tế thiếu nhi!

Mấy hôm nay nhìn báo đài đăng tin ồ ạt việc tổng thống Hoa kỳ Obama đi thăm Việt nam mà người dân háo hức chào đón, không có cảnh biểu tình phản đối... Tất cả mọi người từ chủ nhà lẫn khách đều rất hoan hỉ nhiệt thành, không giống cảnh đón tiếp các vị nguyên thủ đến từ Trung quốc. Dường như mọi người đã quên hẳn quá khứ rằng 2 đất nước Việt – Mỹ đã từng là cựu thù và cũng không còn nhớ rằng Việt – Trung đã từng là anh em, đồng chí... nếu có chăng thì chỉ là những từ sáo rỗng được viết vung vít trên mấy trang báo mà không ai còn muốn đọc.
Người Việt không hề quên nỗi đau chiến tranh, nhưng chiến tranh đã là quá khứ. Muốn đi lên phía trước có mấy người vừa đi vừa ngoảnh mặt lại phía sau (trừ những kẻ được khiêng bằng kiệu hay bị dị tật bất thường...). Trên đường đi đó chúng ta có kẻ thù hiện hữu, kẻ luôn tranh giành, kẻ đã ra tay cướp đi một số vùng trời vùng biển của con dân đất Việt. Chính những kẻ đó là kẻ thù trước mắt, do chúng mạnh và đầy dã tâm nên chúng cũng là kẻ thù lâu dài.
Một nước Mỹ không có bề dày lịch sử nhưng đã trở thành một quốc gia hùng mạnh trên thế giới. Họ hoàn toàn có thể tự quyết vấn đề an ninh, kinh tế cho con dân đất họ. Nhìn lại nước mình lại thấy nỗi buồn mênh mông. Cũng rừng vàng, cũng biển bạc, cũng người dân hiền lành lao động thuần lương... nhưng mình nghèo quá, mình yếu quá... Kẻ thù ngang nhiên khai thác hải sản, đào khoét thăm dò dầu khí, đâm va ngư dân của mình, ra lệnh cấm đánh bắt trên vùng biển của nước mình... họ lộng hành ỷ mạnh hiếp yếu nhưng chúng ta cũng chỉ dám phản ứng yếu ớt. Cùng lắm cũng chỉ dám viết về các chiến hạm của Mỹ đi tuần trong khu vực và đảm bảo về việc khẳng định quyền tự do hàng hải...
Vậy từ đâu nên nỗi mà người dân mình trở nên yếu đuối nghèo hèn đến vậy?
Dân tộc ta đã từng có quá khứ hào hùng, đã từng đánh thắng nhiều kẻ địch mạnh, đã từng có trường đại học sớm so với nhiều dân tộc khác. Nhưng thực tế hiện tại nền kinh tế của chúng ta chỉ nằm ở ngưỡng trên mức nghèo trong bảng xếp hạng thế giới. Vậy thử nhìn nhận tại sao mình lại nghèo và chậm tiến?
Nhiều người sống bằng cách ăn bám vào chính trị thì thường đổ lỗi cho chế độ này, lãnh đạo nọ... nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ thực trạng của dân tộc mình qua các thời kỳ khác nhau từ phong kiến, dân chủ và XHCN đều có rất nhiều cường hào ác bá, nhiều tham nhũng bất công... quan tham và dân gian.
Tại sao lại như vậy?
***
Chúng ta mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau nhưng với quan điểm cá nhân của tôi thì lỗi là do chính chúng ta. Chúng ta đã và đang làm cho thế hệ con cháu của chúng ta càng ngày càng hèn kém đi. Dẫn chứng:
- Dậy dỗ thế hệ trẻ sự dối trá, đổ lỗi và không biết tự mình sửa chữa lỗi lầm của mình. Cảnh này chắc nhiều người chúng ta từng thấy: Khi đứa cháu /con đang chập chững tập đi chẳng may té ngã, thay vì để con cháu mình tự đứng dậy người thân trong gia đình thường vội vàng chạy tới nâng con/cháu dậy và nựng „ôi bà đánh chừa cái mảnh đất này nó làm cháu bà ngã“... mảnh đất nó chẳng có lỗi gì ở đây cả. Thay vì để con cháu mình tự ghi nhận và học hỏi từ những vấp ngã đầu tiên, vì tình yêu thương mà ông bà, cha mẹ đã đánh yêu mảnh đất để vừa lòng đứa cháu. Đó chính là hành động gián tiếp dậy cho đứa trẻ sự lệ thuộc người ngoài và dậy dối trá, đổ thừa cho người / vật khác.
- Dậy con trẻ ỷ mạnh bắt nạt yếu: Trong gia đình ý kiến của cha mẹ là tiên quyết. Hầu như trong gia đình Việt nam nào cũng có những mệnh lệnh phải thi hành và không bàn cãi. Con phải làm cái này, cấm không được làm cái kia... có một số ít gia đình giải thích tại sao cấm. Các mệnh lệnh đó sẽ duy trì đến khi đứa trẻ trưởng thành. Một số ít vẫn dùng quyền cha mẹ dậy con dù những đứa con có khi đã trở thành cha thành mẹ. Cha Mẹ luôn dùng quyền của kẻ mạnh ra lệnh cho người phụ thuộc mình (kẻ yếu). Vô tình bậc làm cha mẹ đã huấn luyện con mình thành những kẻ tuân lệnh, nếu đứa trẻ không nghe lời liền bị trừng phạt bằng đòn roi hoặc nhiếc móc xỉa xói. Thử hình dung những đứa trẻ đó sẽ hành xử thế nào khi trưởng thành và có quyền ra lệnh? Câu trả lời rõ nét nhất bạn có thể tìm thấy bất kỳ đâu trên mảnh đất thân yêu của chúng ta kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, kẻ có quyền hoạnh họe người dân, kẻ có tiền hiếp đáp người nghèo khó... và tất cả đa số những „kẻ yếu“ sẽ phải phục tùng như một sự hiển nhiên trong đời sống của họ.
- Gián tiếp định hướng sai lầm hành xử sai cho tương lai và tạo thói quen ỷ lại: Hình ảnh người mẹ, người bà cho trẻ ăn thường dỗ dành nựng nịu để cho con cháu mình ăn đủ khẩu phần (theo thước đo của mỗi bậc phụ huynh rất phổ biến mà chẳng ai là không biết). Khi đứa trẻ đã đến lúc tự xúc ăn được nhiều bậc cha mẹ vẫn xúc mớm cho con, thậm chí cá thể còn đút cơm đến tuổi đi học. Đến lúc con đi học lại xin xỏ trường hay, lớp tốt... quà cáp giáo viên để chăm lo cho con mình hơn... ép con trẻ học tất cả những gì mà bậc phụ huynh cho là tốt. Khi lớn hơn thậm chí đến việc chọn nghành, chọn trường, chọn nghề đều theo thói quen từ bé là dựa vào quyết định của cha mẹ. Chưa kể đến một số đã không ngần ngại „phong bì“ cho giáo viên hoặc người có ảnh hưởng để con mình có „kết quả“ học tập tốt hơn. Từ lúc là đứa trẻ đến lúc chập chững vào đời rồi ra xã hội đều dựa vào quyết định của người khác, rồi đến lúc thực sự chèo chống trong cuộc đời đa phần vẫn theo con đường cũ là dựa vào cấp trên, dựa vào người hoặc tập thể có thế lực nào đó... Nhiều người quên đi rằng chỉ có đôi chân bạn mới nâng đỡ chính bản thân bạn, người ta chỉ dựa dẫm hoặc cần trợ giúp khi bạn là người tàng tật về thể chất hoặc thiểu năng về trí tuệ mà thôi.
- Giáo dục chệch hướng: Đất nước ta rất nhiều người có học hàm, học vị... nhiều cử nhân...! Nhưng có bao nhiêu phần trăm trong số đó khi tốt nghiệp có thể sử dụng kiến thức để thực hành trong nghề nghiệp thực tế. Nhiều người tốt nghiệp ngành này khi ra trường lại làm công việc khác (việc này lãng phí rất nhiều tài nguyên về trí tuệ, lãng phí thời gian của cả cá nhân gia đình và xã hội).
So sánh với một nền giáo dục khác như là Iceland (một nước nhỏ thuộc Bắc Âu). Từ lúc đi mẫu giáo, tiểu học, trung học đứa trẻ được dậy và hướng dẫn thực hành nhiều lĩnh vực khác nhau ngoài các môn dậy chính trẻ được dậy các môn khác như vẽ, hội họa, thêu, may, đan, nhạc, thực hành làm các vật dụng kim loại, gỗ, thạch cao... Các đứa trẻ cũng được dậy các môn thể dục như bóng đá, bóng rổ, bơi... Tùy theo thiên hướng của từng trẻ thì sẽ có giáo viên phù hợp để kèm cặp cho cháu phát triển theo những gì mà đứa trẻ đó có năng lực. Việc một đứa trẻ học trung học cơ sở và được học môn nào đó ở trường Đại học là việc bình thường ở đây, nếu cháu giỏi về môn học đó và đã hoàn thành các bài học theo chương trình cơ bản. Cũng từ các hoạt động thể thao trong nhiều lĩnh vực khác nhau nên việc tìm kiếm tài năng cho các môn thể thao cũng không có gì là trở ngại. Máy móc phục vụ cho giáo dục luôn được đổi mới và cập nhật. Ngày nay Ipad được sử dụng giảng dạy trong lớp để cho các cháu làm quen với công nghệ, bài học luôn được cập nhật qua hệ thống chung... Việc không hạn chế khả năng của trẻ và trợ giúp trong giáo dục giúp cho trẻ phát triển phù hợp với năng lực của mình. Tại trường dậy nghề, các thí sinh được thực hành với các mô hình giả định như thật. Các thiết bị, vật liệu thực hành là những thứ đang được sử dụng và phổ biến ngoài thị trường. Khi học xong nghề, học viên đó có thể ra đi làm ngay theo nghề đó không có gì bỡ ngỡ bởi họ sẽ làm y như những gì mà họ đã học, sử dụng các dụng cụ mà họ đã từng dùng... Trong quá trình học tập các cháu được thực hành rất nhiều các hoạt động theo nhóm. Tùy theo năng lực, thiên hướng, có các đề tài để các cháu cùng nghiên cứu và học tập... và đương nhiên chúng ta sẽ không được nghe các bài tả về con mèo và về người mẹ đáng yêu na ná giống nhau: nhà em có một con mèo... nhà em có một bà mẹ...
Một ví dụ khác về cách dậy trẻ học ở đây ví dụ môn địa lý: cô giáo chia các em theo các nhóm nhỏ trong các bài học về các nước thuộc Bắc Âu chẳng hạn, các em trên cơ sở là bài học trong sách giáo khoa và các em sẽ tìm kiếm thông tin thực tế trên internet và cùng làm một báo cáo riêng của từng nhóm. Chẳng hạn Đan mạch nằm ở đâu, dân số, ngôn ngữ, và các nghành công nghiệp của họ và chúng ta có thể biết các sản phẩm của Đan mạch đang bán tại Iceland... các nhóm sẽ cử đại diện của mình lên trình bày các bản báo cáo của nhóm trước lớp, tùy theo năng lực mỗi nhóm có thể trình bày bằng hình vẽ, live show trên power point, hay chỉ đọc các báo cáo... Việc làm này giúp các cháu: 1. Nhớ bài học rất lâu. 2. Hoạt động phối hợp nhóm tốt. 3. Học được cách tìm hiểu thông tin dựa trên các tài nguyên để củng cố cho kiến thức thuộc bài học của mình. Chẳng hạn có trẻ thích về bóng đá chúng có thể viết về nền bóng đá Đan mạch các đội bóng đó nằm ở đâu, nơi đó dân số ra sao, thành phố đó có những gì đặc biệt về tài nguyên và môi trường... Trẻ khác thích âm nhạc, kiến trúc, hội họa.. đều có thể viết về đề tài mà chúng thích và củng cố thêm cho bài học về một đất nước Đan mạch có địa lý, tài nguyên, con người một cách đa dạng mà không nhàm chán. Với trẻ học là nghiên cứu và trình bày nghiên cứu của mình với bạn khác và với cả lớp...
Với tôi điểm (3) này là điểm mạnh nhất. Sự khác biệt lớn nhất so với nền giáo dục ở trong nước là ở chỗ các đứa trẻ được giáo dục sự tìm tòi sáng tạo riêng và tận dụng được các thông tin hữu ích từ các nguồn khác. Bạn thử hình dung trẻ ở VN có thể nhớ và đọc vanh vách các kiến thức trên sách địa lý nhưng các cháu sẽ làm gì với những cái đó sau này khi cháu không theo học hoặc nghiên cứu tiếp theo lĩnh vực đó? Cách học của chúng ta là các cháu nào chịu khó và chịu học thuộc thì sẽ có kết quả học tập tốt, kết quả là các cháu có thể làm tốt, học tốt trên cơ sở những kiến thức người ta đã viết ra sẵn cho chúng đọc và chúng học... dù chúng có trả lời tốt đến đâu thì vẫn trên cơ sở sẽ không có gì vượt quá kiến thức mà người ta đã viết sẵn, không cần tìm tòi, không cần sáng tạo. Hay được hiểu theo cách khác là nền giáo dục của mình đang dạy các đứa trẻ trả lời các câu hỏi theo một số đáp án có sẵn khác với cách học là phải tìm tòi và vận dụng tư duy sáng tạo để làm sáng tỏ chủ đề bài học. Cốt lõi khác biệt của 2 cách: 1 chủ động tìm tòi và kia là thụ động trả bài!
- Dậy tư duy bè cánh, lợi dụng chức vụ: „một người làm quan cả họ được nhờ“ đó là câu nói truyền tai nhau từ đời này sang đời khác. Ngày nay chúng ta đã quá quen với các câu chuyện được buôn lúc trà dư tửu hậu rằng ồ thằng ấy là em của xếp A đấy, chớ động vào nó con của ông B đấy... và cứ thế một người không có nhiều năng lực, kém tài hơn kẻ khác cũng sẽ thênh thang trên con đường chinh phục „đỉnh cao“ quan lộ. Rồi khi có được cái „ghế“ quyền lực trong tay thì lại tạo oai hùm bao trùm cho nhiều kẻ khác. Rồi những kẻ yếu thế hơn lại nhờ che trở vào các bóng to hơn, các bóng đó lại núp vào cái ô to hơn... rồi cứ thế tạo thành các lớp nang của một bè cánh theo các chức vụ mà hình thành. Một kẻ ZZ nào đó nếu dựa vào mảng bè này thì sẽ được cất nhắc giữ một vị trí tốt hơn kẻ XX khác mà không dựa vào ai dù XX có trình độ học vấn, đạo đức nghề nghiệp... hơn ZZ đó là cái mà chúng ta nhìn thấy ở hầu như bất cứ đâu, bất cứ cơ quan nào... với chức vụ của mình ZZ với quyền hành trong tay lại tạo thành một thế lực, lại ban ơn mưa móc cho những kẻ muốn nép vào ô cánh của mình... cứ thế và cứ thế „một kẻ làm quan cả họ được nhờ...“
- Còn nhiều những thứ khác nữa ảnh hưởng đến tính cách thế hệ tương lai chúng ta theo cách nhìn nhận của mỗi cá nhân. Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin dừng lại tại đây.

***
Vậy chúng ta có thể làm gì?
(Mục đích ví von dưới đây chỉ mang tính minh họa)
- Bạn sẽ làm gì khi „mảnh ruộng“ đầy cỏ dại, đá hộc,... và có độ cao thấp khác nhau: Việc đầu tiên tất cả là chúng ta cần dọn các „vật“ cản trở có hại và ngăn trở sự phát triển cho cây trồng.
- Hình dung như việc trồng „lúa nương“ chúng ta cần be bờ, cân bằng „cao thấp“... và mục tiêu chính là cấy cày thu hoạch cho dù ruộng nương cao – thấp cũng phục vụ chung một mục đích là đem lại lợi ích của đồng bào, đem lại ấm no cho tất cả.
- Cần ánh sáng: Cây muốn trưởng thành phải cần đủ ánh sáng. Ánh sáng cũng giúp ta có thể soi dọi các ngóc ngách để tìm ra được „sâu bệnh“. Ánh sáng đó chính là sự minh bạch trong đời sống kinh tế và chính trị. Khi nào còn nhiều góc khuất, thì khi đó „sâu bọ“ còn nơi ẩn nấp và đục khoét.
- Cho dù là cơ chế nào, kỹ thuật nào cũng phải nhằm để cây cối phát triển tốt nhất theo khả năng. Mọi sự hạn chế, rào cản không cần thiết nên loại bỏ.


- Nhưng con người không phải những cái cây và xã hội loài người không phải là rừng rậm. Cái tôi viết ra đây cũng chỉ nhằm để ai đó nhìn lại chính mình và xem liệu mình có thể làm được gì để giúp cho con cháu mình bước qua được những rào cản đã và đang làm chúng ta trì trệ, yếu kém, chậm phát triển.
Thay vì luôn chạy lại nâng đỡ con cháu mình mỗi khi chúng vấp ngã, hãy dạy hoặc để con trẻ tự đi trên đôi chân của chúng. Chúng sẽ tự rút ra bài học chính xác cho mỗi lần vấp ngã của mình.
Đừng dậy chúng cách trả lời mà hãy dậy chúng cách tự tìm ra câu trả lời.
Chúng ta ai cũng thương con cháu mình giống nhau, nhưng chúng ta sẽ không thể nào để chúng có được đời sống hạnh phúc và an toàn khi xung quanh toàn dối trá lọc lừa và toàn thú dữ. Nếu bạn sợ con mình chết đuối hãy dậy chúng bơi, khi sợ con bạn bị thú dữ ăn thịt hãy dậy và cùng với chúng tiếp bước trong việc thuần chủng hay tiêu diệt. Dù bạn thương con cháu bạn đến mấy thì bạn cũng không thể đi cùng với chúng đến cuối con đường, bạn sẽ dừng chân ở một nơi nào đó nhưng con cháu bạn sẽ đi tiếp con đường đó với sức mạnh hay sự yếu đuối là do chính bạn có hành động theo hướng này hay hướng khác mà thôi.

Nhân ngày tết thiếu nhi chúc cho thế hệ trẻ của chúng ta vững bước đến tương lai tươi sáng và luôn ngẩng cao đầu như một người Việt nam chân chính!

Iceland 01.06.2016
DMD