Trang 1 / 8 123 ... Cuối cùngCuối cùng
Hiển thị kết quả từ 1 đến 10 / 75

Chủ đề: Pin và những bí ẩn về eneloop

  1. #1
    Tham gia
    24-05-2009
    Location
    US
    Bài viết
    568

    Pin và những bí ẩn về eneloop

    Bước chân vào con đường ảnh ọt, sớm muộn sẽ tới ngày ta muốn có đèn flash và đương nhiên kèm theo là những bộ pin mạnh mẽ. Với vô số thương hiệu pin từ lớn tới nhỏ và đủ loại ổ sạc, không những các newbie mà ngay cả các cao thủ cũng có khi bối rối khi lựa chọn. Bài viết này tổng hợp nhiều thông nguồn thông tin, hy vọng sẽ giúp các bác gỡ rối khi chọn mua pin.

    Bài viết chú trọng vào chuẩn pin AA. Tuy nhiên nội dung có thể áp dụng cho các chuẩn pin khác.

    Chú thích: do các thuật ngữ khi dịch sang tiếng Việt rất dài dòng nên em sẽ sử dụng tiếng Anh:

    (1) Discharge: sự tiêu tốn điện năng của pin, ví dụ khi đang cấp điện cho thiết bị.
    (2) Self Discharge: sự tự tiêu tốn điện năng của pin khi không sử dụng.
    (3) Low Self Discharge (LSD): tốc độ tự mất điện chậm hay mức độ tự mất điện thấp.
    (4) Discharge Rate: Tốc độ cấp điện cho thiết bị.
    (5) Memory Effect: nếu sạc pin khi nó chưa hoàn toàn hết điện, lặp lại nhiều lần, dẫn đến pin sẽ không thể discharge 100% khi cần tiết.
    (6) Re-Brand: Cùng một sản phẩm nhưng được đóng gói và bán dưới một thương hiệu khác.
    (7) De-Rate: Cùng một sản phẩm nhưng sau khi Re-Brand sẽ mang đặc tính kỹ thuật thấp hơn hàng chính hãng (Brand Name)

    1. Phân loại:

    1.1 Pin dùng một lần, Alkaline: 1.5 volt

    Đây là loại pin phổ biến nhất thế giới và đó cũng chính là một trong hai ưu điểm lớn của loại pin này. Ta có thể tìm mua được pin Alkaline ở bất cứ hang cùng ngõ hẽm, từ thành thị tới nông thôn ở bất cứ quốc gia nào.

    Ưu điểm thứ hai: pin Alkaline gần như không bị mất điện nếu được lưu trữ trong điều kiện thoáng mát. Điều này có nghĩa là, bất kể ngày đêm, mưa gió lụt bão, ta vẫn có thể lấy bộ pin alkaline cất trong tủ từ vài năm trước ra dùng và nó vẫn mạnh mẽ y như mới mua ngày hôm qua.

    Tuy nhiên, loại pin này có nhiều nhược điểm như: chỉ dùng một lần, khi pin hết năng lượng ta phải bỏ đi. Điều này đồng nghĩa với ô nhiễm môi trường, hao tốn tài nguyên vì phải liên tục sản xuất pin mới và đáng kể nhứt là chi phí sử dụng cao do phải thay pin mới thường xuyên.

    Nhược điểm lớn khác rất khó chấp nhận đối với dân nhiếp ảnh đó là, pin Alkaline tụt điện thế rất nhanh ngay khi bắt đầu sử dụng. Việc này làm giảm tốc độ “lên đèn”, low discharge rate, dẫn tới bất tiện khi cần đánh flash nhanh và liên tục.

    1.2 Pin sạc

    1.2.1 Pin Nikel Cadium (Ni-Cd hay Ni-Cad) 1.2 volt


    Được phát minh năm 1898, lần đầu tiên pin có thể sạc và dùng lại. Giảm ô nhiễm môi trường và tiêu tốn tài nguyên. Tuy giá thành cao nhưng vì có thể dùng lại nhiều lần nên chi phí sử dụng thấp hơn pin Alkaline.

    Ưu điểm đáng kể nhứt là pin ít bị tụt điện thế trong suốt quá trình sử dụng. Tức là discharge rate cao và ổn định cho đến khi pin hết điện. Đối với dân nhiếp ảnh thì đây là đặc điểm rất quan trọng. Tốc độ hồi đèn nhanh và ổn định cho đến khi pin hết điện.

    Nhược điểm lớn nhất của pin Ni-Cd là Memory Effect.
    Nhược điểm thứ hai là mức độ self discharge cao. Sau khi sạc đầy, pin sẽ mất hết điện sau vài tuần dù không dùng đến.

    Do đặc tính cấu tạo của pin NiCd, nếu sạc quá nhanh hoặc tiếp tục sạc khi pin đã đầy sẽ làm giảm tuổi thọ của pin.

    1.2.2 Pin Nikel Metal Hybride (Ni-MH) 1.25v

    Đây là loại pin mới hơn và tốt hơn pin Ni-Cd. Pin Ni-MH có dung lượng cao hơn và điện thế cao hơn (1.25-1.4v). Pin Ni-MH cũng bị memory effect nhưng có thể phục hồi bằng cách sạc-xả 2,3 lần.

    Ngoài những ưu điểm giống như pin Ni-Cd, loại pin này có tốc độ self discharge thấp hơn. Pin Ni-MH gần như thay thế hoàn toàn pin Ni-Cd từ năm 1990.

    1.2.3 Pin Lithium ion (Li-Ion) 1.2v

    Pin Li-Ion xuất hiện vào năm 1991, nó nhanh chóng được ưa chuộng vì có dung lương cao, mang tất cả các ưu điểm của pin sạc thế hệ trước và gần như không bị memory effect. Nó được coi như là loại pin hàng đầu. Đến nay pin Li-Ion là loại pin đang được sử dụng rộng rãi nhất.

    1.2.4 Pin Lithium Ion Polymer (Li-Ion Polymer) 3.6v

    Tuy tên tuổi có phần giống với Pin Li-Ion nhưng nó mang một công nghệ khác hẳn. Pin Polymer không bị giới hạn bởi cấu trúc hình trụ như các loại pin khác. Pin Polymer được chứa trong túi mềm và có thể định hình theo bất cứ cấu trúc hoặc không gian nào. Đặc tính này tối ưu hoá dung lượng pin khi tích hợp vào các thiết bị cầm tay như laptop siêu mỏng, ĐTDĐ...

    Pin Poly-Li-Ion là loại pin cực kỳ tốt với những ưu điểm vượt trội so với các thế hệ pin trước. Tuy nhiên, vì mỗi cell của pin Poly-Li-Ion là 3.6v, nó chưa được sử dụng rộng rãi như pin 1.2v-1.5v.

    Tất cả những loại pin sạc kể trên, thế hệ sau tốt hơn thế hệ trước và ngày nay đang được sử dụng rất rộng rãi. Tuy nhiên, chúng đều có chung một nhược điểm: mức độ tự mất điện cao – High Self-Discharge. Chỉ sau vài tuần không sử dụng, pin sẽ mất hết điện.

    * Giả sử ta có một chiếc khoan điện, có khi vài tháng mới dùng đến một lần, nhưng khi đó pin đã bị mất hết điện, muốn dùng ta phải sạc lại pin, có khi mất vài giờ mới xong.

    * Dân nhiếp ảnh loại vui chơi như tuị mình, có khi vài tuần mới dùng đến đèn flash, lúc đó lại phải chờ sạc pin. Hoặc cứ vài tuần mình phải sạc lại pin dù không dùng đến, như vậy vừa bất tiện vừa làm giảm tuổi thọ của pin.

    Dù công nghệ sản xuất pin sạc đã lột xác biết bao lần, dù người dùng trông đợi mõi mòn, Low Self Discharge vẫn là đặc tính luôn được nắm giữ bởi pin Alkaline trong suốt gần trăm năm. Tuy nhiên, điều này đã hoàn toàn thay đổi...

    2. Sanyo Eneloop: Vua Pin

    Sanyo là một công ty ủng hộ tư tưởng Think GAIA. Năm 2005, ông Taishi Maeda, chế tạo thành công pin Eneloop. Nó là sản phẩm đầu tiên thể hiện tinh thần “think GAIA” của Sanyo và trở thành loại pin thành công nhứt cho đến ngày nay.

    Eneloop – loại pin sạc đầu tiên mang đặc tính Low Self Discharge.

    Tại sao LSD lại quan trọng như vậy?

    LSD không những là tính chất rất hữu dụng được người dùng mong đợi mà nó chính là vũ khí tối thượng để hạ bệ pin Alkaline, kẻ đại tội đối với môi trường.

    Đặc điểm nhận diện pin LSD bao gồm Eneloop và non-Eneloop: trên bao bì sẽ ghi một trong các nội dung sau:

    *Low Self Discharge
    *PreCharged
    *Ready to Use

    Eneloop là gì? Không ai biết. Em tạm phân tích như sau:

    * Ene là viết tắt của từ energy, tức là năng lượng.
    * Loop, có nghĩa là vòng tròn, là đi một vòng rồi quay về, sự việc diễn đi diễn lại có tính tuần hoàn.

    Kết hợp lại thành Eneloop, có nghĩa là năng lượng tái sinh.

    Pin Eneloop là phiên bản đặc biệt của pin Ni-MH, nó bao gồm tất cả các ưu điểm của pin sạc và pin Akaline cộng lại: Low Self Discharge, dung lượng cao, rất ít bị memory effect và có số lần sạc lại rất cao, tức là tuổi thọ cao.

    Sanyo phát minh ra Eneloop đồng thời đã khai sinh ra một dòng pin mới gọi chung là pin Low Self Discharge hay LSD. Công ty thứ hai bước vào cuộc đua này là Rayovac xuất thân Tàu cộng. Rayovac gọi nó là pin Alkaline Hybrid.

    *Eneloop thế hệ 1: từ năm 2005, Ký hiệu HR-3UTG (AA) và HR-4UTG (AAA) có dung lượng 2000mah, và có thể sạc 1000 lần. Nếu không sử dụng, sau 1 năm dung lượng còn lại 75%. "Lỗ thông hơi" ở cực + có hình tam giác.

    *Eneloop thế hệ 2: từ năm 2010, có thể sạc 1500 lần, dung lượng còn lại 85% sau 1 năm và 75% sau 3 năm. Cỡ pin C và D cũng được giới thiệu từ đây. "Lỗ thông hơi" ở cực + có hình bán khuyên.

    *Eneloop thế hệ 3: từ năm 2011, ký hiệu HR-3UTGB (AA) và HR-4UTGB (AAA)có thể sạc 1800 lần. Dung lượng còn lại 90% sau 1 năm, 80% sau 3 năm và 70% sau 5 năm. Không còn nhìn thấy "lỗ thông hơi" ở cực +.

    *Eneloop thế hệ 4: từ năm 2013, ký hiệu BK-3MMC (AA) và BK-4MMC (AAA), nâng số lần sạc lên 2100. Không còn nhìn thấy "lỗ thông hơi" ở cực +.



    Ngoài ra còn có Eneloop Pro thế hệ 1 ra đời năm 2011 với dung lượng 2500mah, sạc được 500 lần, dung lượng sau 1 năm là 70%. Năm 2013 Eneloop Pro thế hệ 2 ra đời gọi là Eneloop XX, dung lượng 2550mah, sạc 500 lần và dung lượng sau 1 năm là 85%.

    Tất cả pin Eneloop sau khi sản xuất đều được sạc bằng nguồn năng lượng mặt trời trước khi xuất xưởng.

    Rayovac là một công ty Tàu cũng bước chân vào thị trường pin LSD, họ gọi là pin Alkaline Hybrid. Đây cũng là một loại pin rất tốt, tuy nhiên tính phổ biến không cao như pin Eneloop.

    Chỉ sau một thời gian ngắn bước vào thị trường pin Eneloop trở thành Tiêu Chuẩn của pin sạc và là loại pin thành công nhứt từ xưa đến nay. Mỗi khi có một loại pin LSD mới nào xuất hiện trên thị trường thì câu hỏi đầu tiên luôn là: "Có tốt như Enellop không?"

    Việc này đồng thời cũng dẫn đến một tệ hệ quả khó tránh: pin Eneloop giả.

    Sanyo đã liên tục thay đổi bao bì cho mỗi thế hệ pin mới nhưng việc phân biệt pin Thật-Giả không phải lúc nào cũng dễ. Dưới đây là một vài đặc điểm nhận diện:

    Hiện nay chưa nghe nói đến pin Eneloop Pro giả cho nên phần tiếp theo bên dưới sẽ chỉ nói đến pin Eneloop loại 2000mah.

    Đây là bộ pin Eneloop Glitter, Limited Edition. Phiên bản này không có pin giả cho nên nó là pin thật 100%



    Đặc điểm quan trọng nhứt của pin Eneloop thật là trên thân pin có in chìm mã ngày sản xuất của pin. Phải nhìn thật kỹ dưới ành sáng chếch mới thấy được.



    Em chưa nghe nói đến pin Eneloop giả có mã in chìm này. Tuy nhiên nếu các bác vẫn còn nghi hoặc thì xin xem tiếp.

    Pin Eneloop thật, đầu cực + có màu trắng (White top), ngoại trừ Eneloop Pro cực + màu đen. Tuy nhiên, Eneloop giả cũng có thể white top.
    Pin thật đỉnh cưc + tròn, pin giả dỉnh cực + vuông



    Pin thật, white top bao quanh cực + chặc chẽ, pin giả white top không bao sát cực +. Ngoài ra phần kim loại ở cực + và - của pin thật "nổi hạt" chứ không trơn láng.



    Cực âm cũng khác nhau giữa pin thật và giả. Các bác nhìn kỹ phần nhô cao nhé. Loại pin giả này cũng có cực âm "nổi hạt" nhé các bác.





    Pin giả có vỏ bọc không phủ tới đít pin tức cực âm.



    Thân pin cũng khác nhau như sau



    Các bác lưu ý các điểm đánh dấu đỏ trong nội dung in trên thân pin



    Ngoài ra, pin giả có các vết mực in lem màu xanh dương như hình trên.

    Có rất nhiều loại pin giả, có loại mang một vài đặc điểm giống pin thật nhưng không có loại pin giả nào giống y sì pin thật. Cho nên, các bác cần biết rõ tất cả các đặc điểm của pin thật để nhận diện pin thật hay giả. Nếu bác nào còn phân vân không biết pin của mình thật hay giả thì post hình lên để mọi người giúp xác định nhé.
    to be continued...
    Được sửa bởi ngocrebel lúc 10:47 AM ngày 18-02-2016

  2. #2
    Tham gia
    24-05-2009
    Location
    US
    Bài viết
    568

    Panasonic Eneloop những bí ẩn mù mờ mịt

    3. Panasonic Eneloop những bí ẩn mù mờ mịt


    Pin Eneloop là phát minh tuyệt vời của Sanyo và được sản xuất tại nhà máy duy nhất ở Nhật Bản: Twicell Factory, thành phố Takasaki. Khi đó nó được bán trên thị trường với thương hiệu Sanyo Eneloop.

    Năm 2009, Panasonic mua lại Sanyo. Tuy Panasonic là một công ty Nhật nhưng nó cũng là một đại tập đoàn quốc tế với hầu hết các nhà máy đặt tại Tàu cộng. Để bảo vệ phát minh của người Nhật, chính phủ Nhật Bản quyết định: Công nghệ pin Eneloop phải ở lại Nhật. Chuyện này rất phức tạp và em cũng không thể hiểu rõ. Em chỉ biết như sau:

    * Panasonic chỉ sở hữu thương hiệu Eneloop nhưng không sở hữu công nghệ sản xuất pin Eneloop (Eneloop Technology). Eneloop Technology và dây chuyền sản xuất pin Eneloop vẫn giữ nguyên tại nhà máy duy nhất ở Nhật: Twicell Factory, hiện tại sở hữu bởi tập đoàn FDK.

    * Pin Eneloop bán tại Nhật bắt buộc phải được sản xuất tại Nhật (liên minh châu Âu EU cũng có quy định này). Như vậy, Pin Panasonic Eneloop bán tại Nhật và EU phải được sản xuất tại Nhật bởi Twicell. Em gọi loại pin Panasonic Eneloop Made in Japan này là Eneloop Thật-Thật. Panasonic đương nhiên có quyền bán loại pin Eneloop Thật-Thật này trên toàn thế giới.

    * Rắc rối chính là việc Panasonic bắt đầu sản xuất pin Eneloop tại nhà máy WUXI _ Tàu cộng. Loại pin Eneloop Made in China này không phải Eneloop Technology nhưng lại mang “code name” và đóng gói giống hệt pin Eneloop Made in Japan. Em gọi nó là pin Eneloop Thật-Giả. Nghĩa là: nó là sản phẩm chính hãng của Panasonic (Thật) nhưng bản thân cục pin thì không phải Eneloop thật (chẳng khác nào pin Giả). Rất có thể pin Eneloop Made in China chính là sản phẩm Re-Brand của pin Panasonic Evolta.

    Một người dùng ở Úc từng mua được cả 2 loại pin Eneloop_Japan và Eneloop_China. Tuy “code name” giống nhau nhưng thông số kỹ thuật khác nhau. Cụ thể là dung lượng sau 1 năm của Eneloop_Japan cao hơn Eneloop_China. Anh ta đã email hỏi Panasonic, sau nhiều lần ậm ừ, cuối cùng Panasonic cũng thừa nhận: pin Eneloop_China không được sản xuất theo công nghệ Eneloop_Japan nhưng “chất lượng vẫn như nhau!?!”



    Đã có TEST cho thấy Eneloop_China tử vong sau 400 lần sạc và bị sụt thế trong quá trình sử dụng, việc này dẫn đến Low Discharge Rate, tức là tốc độ hồi đèn chậm không thích hợp khi cần đánh flash liên tục. (xem thêm post #22)

    Tóm lại:

    * Panasonic Eneloop có 3 chủng loại pin với các thông số như sau:



    * Panasonic Eneloop Made in Japan là loại pin Eneloop chính tông, được sản xuất theo công nghệ Eneloop được Sanyo phát minh vào năm 2005 và đã cải tiến đến thế hệ thứ 4. Pin được sản xuất tại nhà máy Twicell thuộc tập đoàn FDK. Tuy nhiên, loại pin tuyệt vời này đã và đang bị làm giả. Cho nên phải hết sức cẩn thận tránh mua nhầm pin Eneloop_Japan Giả-Giả

    *Panasonic cũng đồng thời sản xuất pin Eneloop tại Tàu. Loại pin này tuy có cùng code name với Eneloop_Japan nhưng nó không được sản xuất theo công nghệ Eneloop chính tông cho nên chất lượng chắc chắn không tốt như pin Eneloop_Japan.

    Những bí ẩn mù mờ mịt này làm cho việc chọn mua được một bộ pin Eneloop Thật-Thật Made in Japan quả là hết sức khó khăn.

    Các bác nhớ xem các post #20, #21, #22 và #24 để biết thêm các thông tin về Eneloop_Japan so với Eneloop_China.

    4. Những điều thú vị về Re-Brand

    Vấn đề Eneloop_Japan và Eneloop_China đã quá rõ ràng. Bây giờ em chỉ nói về Eneloop_Japan và họ hàng của nó. Em cũng xin nhấn mạnh trước: KHÔNG CÓ VÀ SẼ KHÔNG BAO GIỜ CÓ BẤT CỨ LỜI XÁC NHẬN CHÍNH THỨC NÀO TỪ NHÀ SẢN XUẤT VÀ CÁC THƯƠNG HIỆU VỀ CHUYỆN RE-BRAND NÀY. Nó được các “Mọt Pin” bỏ rất nhiều thời gian so sánh về: diện mạo, thông số kỹ thuật, đo đạt, dùng thử... và quan trọng nhứt là cho đến nay chỉ có 1 nhà máy sản xuất pin LSD được biết đến ở Nhật: Twicell Factory hiện sở hữu bởi tập đoàn FDK thuộc Fujitsu Group.

    Việc các sảm phẩm mang thương hiệu khác nhau nhưng lại giống hệt nhau, thực chất là chui ra từ một nhà máy duy nhất là chuyện bình thường. Trong lĩnh vực phụ kiện ngành ảnh thì việc Re-Brand lại càng phổ biến.
    Ví dụ như 2 cái tripod này:



    Nếu chúng ta bung vỏ của các loại màn LCD từ Dell, Apple, HP,... thậm chí là LaCie và Eizo thì thực chất bên trong nó chính là Samsung hoặc LG LCD panel.

    Eneloop là loại pin nổi tiếng và phổ biến nhất hiện nay bởi tính năng và chất lượng vượt trội. Cho nên chuyện pin Eneloop mang các lớp vỏ khác là chuyện đương nhiên.

    1.1 Đại gia đầu tiên mang áo mình bọc vào Eneloop không ai khác hơn là Duracell. Tuy nhiên, sự việc lại cũng dở hơi giống y như Panasonic. Duracell lại cũng bắt tay với Tàu cộng và mang cùng một loại áo bọc vào pin Rayovac. Thế là trên thị trường có 2 loại pin Duracell Precharged (LSD) mang nhãn hiệu và code name giống nhau nhưng có nguồn gốc khác nhau. Người dùng gọi chúng là Duraloop (tức Eneloop Re-Brand thành Duracell) và DuraVac (tức Rayovac Re-Brand thành Duracell). Cách phân biệt như sau:

    *DuraLoop: Made in Japan, White Top
    *DuraVac: Made in China, Black Top

    Phần nhô của cực âm khác nhau như hình bên dưới









    Tuy nhiên, Duracell 2450/2550mah thì chỉ có 1 loại Made in Japan, tức là Re-Brand của Eneloop Pro.



    Vậy, nếu các bác mua được Duracell Precharged (LSD) loại Made in Japan 2000mah thì đó chính là Eneloop_Japan 2000mah. Và Duracell Precharged 2450mah thì đó chính là Eneloop Pro. Tuyệt đối tránh Duracell Precharged, Made in China với đầu cực âm - màu đen tức Black top, vì nó chính là Rayovac Re-Brand.

    1.2 Đại gia Amazon

    Amazon nhảy vào thị trường pin LSD với thương hiệu Amazon Basic và Amazon Basic High Capacity. Hai loại pin này thực chất là Eneloop và Eneloop Pro Re-Brand. Pin Amazon Basic cũng có ngày sản xuất in chìm trên thân pin giống như Eneloop. Tuy nhiên, thông số kỹ thuật của pin Amazon Basic hiện tại ghi trên website của họ lại giống với Eneloop thế hệ 1. Trong khi viên pin không có “lỗ thông hơi” ở cực +. Em cho rằng, Pin Amazon thực chất là Eneloop thế hệ 4 De-Rate, tức là hạ thông số kỹ thuật trên bao bì để tránh cạnh tranh với hàng Brand Name, tức Eneloop chính hiệu.

    Amazon Basic 2000mah



    Amazon Basic 2450/2550mah



    1.3 Theo như hình của bác Toại ở post #20, #21 và #22 thì em tin rằng Pin Evolta Made in Japan cũng chính là Eneloop Re-Brand.

    1.4 The Holy Grail of Eneloop Tecnology

    Như em có nói ở trên, Khi Panasonic mua Sanyo vào năm 2009, nhà máy Twicell cùng với công nghệ pin Eneloop đã không nằm trong thương vụ. Đó là do luật anti-trust ở Nhật bản. Twicell sau đó được bán cho tập đoàn FDK Nhật bản và hiện tại FDK là thành viên của Fujitsu Group. Nói toạc móng heo ra thì: Fujitsu là chủ chính thức của nhà máy Twicell nơi sản xuất pin Eneloop lừng danh. Tuy nhiên, do những ràng buộc phức tạp, Fujitsu hay FDK không được công bố pin của họ được sản xuất theo công nghệ Eneloop chính tông. Mặt khác, Panasonic sở hữu thương hiệu Eneloop nhưng lại không sở hữu công nghệ Eneloop.

    Và rồi trên thị trường xuất hiện loại pin này:











    Pin Fujitsu Made in Japan, phân phối bởi FDK, mà FDK là chủ của Twicell. Đồng thời, pin Fujitsu mang tất cả thông số kỹ thuật của Eneloop_Japan thế hệ 4. Vậy cho dù không nói ra có lẽ cũng quá rõ thực chất pin Fujitsu chính là Eneloop chính tông.

    Ảnh dưới đây cho thấy Fujitsu và Eneloop giống nhau như 2 giọt nước





    Fujitsu 2450/2550mah và Eneloop Pro









    Đây là pin Fujitsu High Capacity và Duracell Ion Core High Capacity, Tức Eneloop Pro Re-Brand




    ĐỘC ở chổ, pin Fujitsu chưa có pin giả. Cho nên cách chắc chắn nhứt để mua được pin Eneloop chính tông với công nghệ mới nhứt chính là mua pin Fujitsu.

    Trên thị trường chắc chắn còn những thương hiệu khác thực chất là Eneloop Re-Brand. Nếu bác nào có thông tin xin vui lòng cập nhật để anh em cùng biết.

    Trước khi viết tiếp về Charger, em xin tóm tắt như sau:

    *Sanyo phát minh ra pin Eneloop vào năm 2005.
    *Pin Eneloop được sản xuất tại nhà máy Twicell, tp Takasaki Nhật Bản.
    *Panasonic mua lại Sanyo năm 2009 nhưng Twicell và Eneloop Technology không bao gồm trong thương vụ này. Do đó Panasonic chỉ sở hữu thương hiệu Eneloop.
    *Twicell được bán cho FDK, FDK là thành viên của Fujitsu Group.
    *Panasonic phải mua Eneloop_Twicell để bán tại Nhật và châu Âu theo luật.
    *Panasonic bắt đầu sản xuất Eneloop tại Tàu từ tháng 4/2014 theo công nghệ non-Eneloop.
    *Duracell White Top và Amazon Basic Rechargeable là sản phẩm Re-Brand của Eneloop_Japan.
    *Fujitsu sở hữu Twicell, nên pin Fujitsu chính là Eneloop chính tông.

    *** Mua pin Eneloop_Japan:
    -Mua tại Nhật
    -Mua tại châu Âu (coi chừng hàng giả)
    -Mua tại Costco _ Mỹ
    -Mua tại Amazon nhưng seller phải là Amazon
    -Mua Eneloop phiên bản Limited
    -Mua pin Amazon Basic Rechargeable
    -MUA PIN FUJITSU LSD ở bất cứ nơi nào trên thế giới
    Được sửa bởi ngocrebel lúc 01:19 AM ngày 20-02-2016

  3. #3
    Tham gia
    05-12-2011
    Location
    Seattle, WA
    Bài viết
    5,184
    Vào Costco mua là chắc chắn thật. Cám ơn bạn nhé. Mình cũng mới mua 16 cục trong Costco vì giá rẻ.
    Gear còn đang thiếu vài món.

  4. #4
    Tham gia
    09-12-2015
    Bài viết
    28
    Chỗ pinnuoinguon.com bán đồ thật hay giả vậy nhỉ? Em thấy giá chỗ đó có vẻ rẻ nhất, mà lại chuyên về đủ các loại pin.

    Bộ sạc Sanyo cũ của em mất toi, nên sẵn tiện đang định mua bộ Panasonic BQ-CC18 kèm 4 viên Eneloop 1900 chỗ đó. Balosaigon bán 619k, chỗ đó bán 560k.

  5. #5
    Tham gia
    09-12-2015
    Bài viết
    28
    Sẵn tiện có bác nào đã dùng bộ sạc Ansman Photocam IV (loại có màn hình LCD hiển thị mức pin từng cục) cho em xin chút đánh giá luôn với...

  6. #6
    Tham gia
    12-01-2013
    Bài viết
    14
    đang ở nhật. pin thì e thấy nó bán khắp kombini vs supa . giá cũng khá chát. cơ mà đúng chất thật. định cuối tháng lấy lương lên mapcamera mua con xe2 vs kit, mà xem ra cũng ko rẻ hơn so vs giá trị máy mới . nên đang phân vân ( bác nào cứ bảo mua đồ bên nhật rẻ e đi thấy ko hề hoặc chưa tìm đc . huhu )

  7. #7
    Tham gia
    20-02-2015
    Bài viết
    101
    Trước mình mua 4 viên Eneloop Pro màu đen ở cửa hàng trên phố Đội Cấn, search trên mạng thấy giá khả rẻ. Thấy viên pin toàn chữ tượng hình loằng ngoằng và chẳng ghi Made in bằng tiếng anh nên chịu chả hiểu thuộc thể loại nào.
    Qua bài này thấy phân vân ko hiểu ở đây bán đồ thật hay giả nữa.
    Được sửa bởi quangnd412 lúc 03:44 PM ngày 15-02-2016

  8. #8
    Tham gia
    11-02-2015
    Bài viết
    13
    cám ơn Bác, giờ thì em hiểu rõ tại sao Sanyo và Panasonic đều có pin Eneloop?

  9. #9
    Tham gia
    24-05-2009
    Location
    US
    Bài viết
    568
    Quote Được gửi bởi quangnd412 View Post
    Trước mình mua 4 viên Enelope Pro màu đen ở cửa hàng trên phố Đội Cấn, search trên mạng thấy giá khả rẻ. Thấy viên pin toàn chữ tượng hình loằng ngoằng và chẳng ghi Made in bằng tiếng anh nên chịu chả hiểu thuộc thể loại nào.
    Qua bài này thấy phân vân ko hiểu ở đây bán đồ thật hay giả nữa.
    Bác có thể chụp ảnh viên pin đó (đủ mọi góc cạnh nhé) post lên đây, có thể sẽ biết được thật giả. Bác có thấy ngày sản xuất in chìm trên thân pin không?

  10. #10
    Tham gia
    01-02-2009
    Bài viết
    174
    Mình muốn mua một bộ sạc cho pin eneloop có báo mức pin còn lại. Mua loại nào các bạn nhỉ?

Trang 1 / 8 123 ... Cuối cùngCuối cùng

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •