15 Kinh nghiệm Chụp ảnh cưới cho người mới bắt đầu

5 năm trở lại đây, nghề chụp ảnh cưới đang rất được chú ý khi ngày càng nhiều photographer khởi nghiệp với nghề này… Hôm nay Lavender xin được chia sẻ một số kinh nghiệm chụp ảnh cưới dành cho những người khởi nghiệp với nghề chụp ảnh cưới. Những kinh nghiệm này được DARREN ROSE- Một nhiếp ảnh gia và blogger nổi tiếng người Úc chia sẻ từ những lần ông chụp ảnh cưới cho khách hàng, bạn bè và gia đình của mình. Chúc các bạn có thêm những kiến thức thật thú vị, bổ ích và tạo ra những bức ảnh cưới tuyệt vời nhất!
1. Tạo một danh sách những kiểu ảnh mong muốn

Điều quan trọng đầu tiên là đề nghị các cặp đôi suy nghĩ về những kiểu ảnh họ muốn được chụp và soạn thành một danh sách. Nhờ đó, bạn sẽ có thể kiểm tra lại để hạn chế thiếu sót hình ảnh. Đặc biệt là với loạt ảnh gia đình, hẳn bạn không muốn bỏ lỡ hình ảnh cặp đôi với ông bà họ!


2. Khảo sát địa điểm



Địa điểm đẹp và ánh sáng tốt đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chụp ảnh

Bạn nên đến trước để quan sát địa điểm chụp ảnh, có thể bạn sẽ có ý tưởng về một số vị trí hoặc góc máy đẹp, và nhớ tìm hiểu về hướng ánh sáng- Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chụp ảnh.
3. Chụp ảnh cưới – giai đoạn chuẩn bị là quan trọng nhất!


Chuẩn bị kỹ lưỡng: tối quan trọng!

Rất nhiều điều không mong đợi có thể xảy ra vào ngày hôm đó, nên bạn hãy chuẩn bị kỹ lưỡng và kem theo phương án dự phòng.

Hãy đảm bảo pin được sạc đầy, thẻ nhớ hoàn toàn trống; hãy kiểm tra trước đường đi và thời gian để đến nơi; bạn cần nắm rõ toàn bộ lộ trình di chuyển để lên kế hoạch cho từng chặng đường hoặc khoảng thời gian sẽ diễn ra sự việc.

Trong ngày cưới, nếu bạn có thể tham dự buổi tổng duyệt sẽ tốt hơn cho buổi chụp chính thức. Qua đó bạn có thể tìm những vị trí đặt máy cho góc chụp tốt, ánh sáng đèn và thứ tự của buổi lễ. Những điều biết trước luôn cho bạn lợi ích nhất định mà!

4. Đặt ra kỳ vọng đối với Cô Dâu Chú Rể



Hãy định hướng trước cho cô dâu chú rể để tăng sự chủ động hơn khi chụp

Hãy cho họ xem trước những bộ ảnh bạn từng chụp và giải thích rõ về phong cách của bạn. Đồng thời, bạn nên tìm hiểu ý muốn của họ như: Chủ đề ảnh họ mong muốn, số lượng ảnh họ cần, những chi tiết quan trọng hoặc hình thức ảnh họ đặt. Cuối cùng, đừng quên rõ ràng về các khoản chi phí!


5. Học cách sử dụng ánh sáng khuếch tán
diffuser-giup-tan-sang-khi-chup-anh.jpg
Học cách sử dụng đèn flash đi kèm khuếch tán sáng

Khả năng sử dụng đèn flash và khuếch tán ánh sáng là vô cùng quan trọng. Trong tiệc cưới, nhiều nơi dù chuyên tổ chức Tiệc Cưới nhưng ánh sáng rất yếu.
Nếu bạn được phép sử dụng đèn flash, hãy nghĩ về việc sử dụng thêm công cụ khuếch tán ánh sáng (flash diffuser) để làm giảm cường độ đèn flash khi cần. Ngược lại, nếu điều kiện không cho phép, hãy: Sử dụng ống kính với khẩu độ lớn; tăng chỉ số ISO, bên cạnh đó bật chế độ chống rung của ống kính sẽ giúp ích rất nhiều đấy.
6. Chụp ảnh bằng file RAW

Nhiều người e ngại việc chụp ảnh bằng file RAW vì sẽ tốn công hơn trong khâu xử lý ảnh và chiếm dung lượng để lưu trữ. Tuy nhiên, Đám Cưới là dịp chỉ có một lần trong đời nên việc chỉnh sửa ảnh kỹ lưỡng sau khi chụp sẽ cho hiệu quả cao hơn nhiều. Những buổi Tiệc Cưới thường có hiệu ứng ánh sáng từ đèn gây khó khăn cho nhiếp ả̉nh gia; vì vậy, xử lý tình trạng phơi sáng cũng như cân bằng trắng là rất cần thiết. Định dạng file RAW sẽ giúp ích cho bạn đáng kể.

7. Chọn khung nền cho ảnh


Hãy tìm những khoảng trống khi chụp để tránh sự xuất hiện không mong muốn!



Trong tiệc cưới, khách mời thường di chuyển khắp mọi nơi, và rất có thể họ sẽ đi qua background khi bạn đang ngắm chụp. Thường nên chuẩn bị sẵn một phông nền (backdrop) để khách mời thoải mái tạo dáng chụp ảnh cùng Cô Dâu Chú Rể. Nhưng tốt hơn hết, nhiếp ảnh gia nên tìm những khoảng trống để tránh sự xuất hiện không mong đợi của bất kỳ ai.
8. Đừng loại bỏ những bức ảnh bị lỗi

Ưu điểm nổi bật khi dùng máy kỹ thuật số là bạn có thể dễ dàng xem lại những gì đã chụp và xóa đi những bức ảnh không ưng ý. Tuy nhiên, bạn có thể “lỡ tay” xóa mất một số tấm thú vị mà bạn không ngờ đến. Hãy luôn nhớ bạn hoàn toàn có thể cắt ghép hoặc tác động hiệu ứng để biến chúng trông nghệ thuật và trừu tượng hơn. Biết đâu chúng có thể góp thêm phần hay ho cho quyển album ảnh cưới của Cô Dâu Chú Rể.
9. Thay đổi góc chụp

Bạn nên cố gắng sáng tạo hơn trong lúc chụp. Phần lớn bộ ảnh sẽ có thể bao gồm những kiểu ảnh trang trọng và bình thường như mọi Đám Cưới khác, vì vậy, hãy pha trộn một chút nét mới lạ vào một vài bức ảnh cưới độc đáo với việc chụp từ góc nhìn rất thấp, rất cao hoặc góc ảnh rộng hết mức có thể ..v.v..


10. Chụp ngược sáng / hắt sáng (fill flash)


Những bức ảnh chụp ngược sáng thường mang tính nghệ thuật cao



Khi chụp ảnh ngoài trời, bạn hãy nhớ luôn mang theo đèn flash hoặc tấm phản quang (hắt sáng). Bạn có thể chỉnh chế độ phơi sáng giảm một hoặc hai nấc khẩu độ, và nhớ là chế độ chụp ngược sáng (fill flash) hoặc bù trừ ánh sáng là phương án tối ưu trong điều kiện ánh sáng ngược hoặc thời gian giữa trưa khi có nhiều bóng đổ.

11. Chế độ chụp liên tục (continuous shooting)

Khả năng chụp nhiều ảnh với tốc độ nhanh là rất cần thiết vào Ngày Cưới, vì vậy hãy chuyển máy ảnh sang chế độ chụp liên tục. Đôi khi bức ảnh bạn chụp chỉ-vài-giây-sau-một-bức-ảnh-nghiêm-trang-chỉnh-tề, khi mọi người vừa mới thả lỏng cơ thể, lại là bức ảnh thật sự ghi lại khoảnh khắc đẹp tuyệt vời!
12. Sử dụng hai máy ảnh

Sử̉ dụng hai máy ảnh (nếu không có sở hữu cho riêng mình, hãy mượn hoặc thuê chúng!) và chuẩn bị hai ống kính (lens) khác nhau. Bạn nên chuẩn bị một ống zoom góc rộng (tiêu cự 24 – 35mm) cho những ảnh chụp bất ngờ tự nhiên trong không giạn hẹp (đặc biệt đối với giai đoạn chuẩn bị trang trí cho Tiệc Cưới); cùng một ống kính tele (tiêu cự 70 – 200mm).


13. Từ bỏ sự rụt rè

Sự rụt rè sẽ không giúp bạn có được một bức ảnh nào, vì vậy bạn cần phải kiên định và mạnh mẽ hướng dẫn những chủ thể khi chụp ảnh. Tuy nhiên, thời gian là điều quan trọng nhất và hãy suy tính trước về những khoảnh khắc quan trọng để không làm gián đoạn buổi lễ. Bạn có thể di chuyển máy giữa những hoạt động của buổi lễ, như là lúc khách mời tham gia hát góp vui. Hãy chắc chắn về những khung ảnh bạn muốn chụp, và có thể táo bạo thực hiện chúng sau khi đã trao đổi ý kiến với Cô Dâu Chú Rể. Đôi lúc, nhiếp ảnh gia chính là người điều khiển buổi lễ (để có bộ ảnh đẹp); vì vậy, bạn cần cố gắng để mọi việc diễn ra thật tự nhiên.
14. Đón nhận những sự cố
-Xem thêm bài viết:Đất nền sân bay Long Thành

Những sự cố có thể trở thành những điều tuyệt vời

“Có rất nhiều chuyện sẽ không như ta dự tính, nhưng chúng có thể là phần tuyệt vời nhất trong ngày!” Khi Đám Cưới diễn ra, sẽ luôn có những chi tiết ngoài mong đợi. Ví dụ như việc chàng Phù Rể quên mang theo nhẫn, một cơn mưa “ghé thăm” vào cuối ngày, Chú Rể hoặc Cô Dâu chợt quên lời nguyện thề của họ, và vô số sự việc bất thình lình khác có thể xảy ra. Những giây phút này có thể khiến bạn (và họ) bối rối, nhưng chúng sẽ trở nên đáng nhớ trong tâm trí mọi người. Hãy cố gắng lưu giữ những khoảnh khắc đó để có được những bức ảnh thật sự vui vẻ và hài hước.
15. Just have fun!!


Just have fun!

Đám Cưới là dịp để chúc mừng, vì thế hãy cứ vui vẻ! Nhiếp ảnh gia càng thoải mái, những bức ảnh sẽ càng đẹp. Cách tốt nhất khiến mọi người cười tươi khi chụp ảnh có thể là cho họ thấy nụ cười của chính bạn đó.