Trang 1 / 3 123 Cuối cùngCuối cùng
Hiển thị kết quả từ 1 đến 10 / 22

Chủ đề: Nikon Nikkor-P 800mm f/8 review: Quá khứ giao hòa hiện tại

  1. #1
    Tham gia
    17-12-2008
    Location
    Sydney
    Bài viết
    978

    Thumbs up Nikon Nikkor-P 800mm f/8 review: Quá khứ giao hòa hiện tại

    Trong lịch sử phát triển của mình, Nikon đã để lại dấu ấn với những siêu tele lens mà chỉ nghe qua ai cũng có thể phải mơ ước. Đứng đầu bảng trong danh sách là khủng long Nikon Reflex 2000mm f/11, nhì hạng là Nikon P ED IF 1200-1700mm f/5.6-8.0, thứ ba là Nikon 1200mm f/11 và tới là dòng Nikon 800mm.

    Tất nhiên không kể tới dòng 600mm, 500mm và 400mm với hàng loạt các mẫu khác nhau cho tới tận ngày nay.



    Nguồn: http://www.flickr.com/photos/tracer/91277229/

    Trải qua gần 40 năm phát triển dòng 800mm, từ đầu những năm 1973 cho tới nay, Nikon đã cho ra mắt fan hâm mộ vài đời khác nhau của dòng siêu tele này.

    Trong các sản phẩm dòng 800mm MF có thể điểm danh nhanh các anh em: Nikkor-P 800mm f/8, 800 mm f/8 Nikkor ED-IF [AI], 800 mm f/8 Nikkor ED [lens head: chỉ có đầu lens], Nikkor 800mm f/5.6 ED-IF [AIS]. Trong đó chiếc 800mm f/5.6 ED-IF AIS được coi là khủng long đầu đàn với cân nặng lớn nhất.

    Về chất lượng các lens dòng 800mm, có một số bài viết giới thiệu sơ qua về vài chiếc lens, và có một số ảnh giới thiệu trên một số website chia sẻ về ảnh chụp từ các lens này. Nói chung là dòng lens 800mm này được đánh rất tốt ở chất lượng.

    Tuy nhiên, một khó khăn khi bổ sung thông tin cho bài viết này, đó là không có một bài review chính thức đầy đủ nào trên website <nhờ Google, Yahoo và Baidu.com tìm hộ mà không ra> viết về chiếc Nikkor-P 800mm f/8. Có chăng chỉ là các ảnh và thông tin đa phần của chiếc 800mm f/5.6 ED-IF đại bác.

    Vì vậy, với mong muốn nhỏ là góp vui cùng forum một bài viết review thực sự đầy đủ, nhằm giới thiệu tổng hợp và cụ thể về chiếc lens Nikkor-P 800mm f/8, em tham khảo các website và viết bài này.

    Bài review sẽ gồm 4 phần:

    1- Giới thiệu chung về lens Nikkor-P 800mm f/8

    2- Các thử nghiệm với lens.

    3- Kết luận


    Và bây giờ, xin mời các bác bắt đầu với bài review.

    1- Giới thiệu chung về lens Nikkor-P 800mm f/8



    Nguồn: http://www.mir.com.my/rb/photography...hoto/800mm.htm

    Mặc dù tính năng MF là một trong những khó khăn khi so sánh với ống kính AF hiện đại, nhưng chiếc Nikkor–P 800mm này đã là một trong những ống kính rất hữu dụng cho nhiếp ảnh thể thao và thiên nhiên.

    Ống kính 800 P f/8 này được giới thiệu đầu tiên vào năm 1964 và kết thúc vào năm 1973. Có ba nhóm ống được ra đời với cùng tên gọi Nikkor-P 800mm f/8 lần lượt là 800/8 P Auto NKJ với kết cấu thấu kính sau nhỏ, 800/8 P Auto NKJ với kết cấu thấu kính sau lớn, và 800/8 P Auto Nikon.



    * Nếu tính theo số Serial, thì số lượng sản xuất ra của các ống kính trên còn ít hơn so với con số mà chính website này cung cấp. Tuy nhiên, vệc tìm số liệu này rất khó vì đa phần ống kính sản xuất đã lâu, nên chấp nhận việc lấy con số tương đối này làm tham khảo chính

    Với cấu trúc gồm 5 thấu kính với 5 nhóm, thiết kế quang học đặc biệt apochromatic đã làm giảm tối đa hiện tượng quang sai và đảm bảo chất lượng tuyệt vời của ảnh.

    Ống kính được gắn vào camera thông qua thiết bị focus riêng, phần thiết bị focus này có thể dùng chung cho 3 chiếc đầu ống kính siêu tele là Nikkor-P 800mm f/8, Nikkor-P 600mm f/5.6 và Nikkor-Q 400mm f/3.5 <Kenrockwell>.

    Tuy nhiên theo Mir.com thì cái CU-1 này còn có thể dùng chung cho thêm cả cho đầu ống kính siêu tele 1200mm (tổng cộng là chung cho 4 đầu ống). Điều này có lẽ là chính xác hơn cả, bởi thông tin này từ forum lớn hơn với nguồn thông tin rộng hơn, và đồng thời chính tác giả bài viết cũng đã kiểm chứng khi theo dõi hai phiên đấu giá lens 1200mm trên Ebay. Cấu trúc phần đuôi của lens 1200mm là tương tự với Nikkor-P 800mm f/8 khi cùng dùng CU-1.


    Ảnh minh họa lens Nikkor 1200mm f/11



    Nguồn: Ebay.com



    Khoảng có thể focus gần nhất là 19m (ước gì nó là 1.9m) khi sử dụng với thiết bị focus CU-1 và 20mm khi dùng với AU-1.

    Trên phần thân của thiết bị CU-1 có gắn vòng chỉnh khẩu độ với các giá trị từ f/3.5 tới f/22. Nếu dùng với đầu ống kính nào thì giá trị khẩu độ đó sẽ có tác dụng.

    Ví dụ: nếu dùng với Nikkor-P 800mm f/8 thì dù có cài đặt ở f/3.5 trên thân CU-1 cũng vẫn chỉ có giá trị là f/8 chứ không thể thay đổi khẩu độ về f/3.5. Giá trị này chỉ tác dụng với đầu ống 400mm f/3.5 Nikkor-Q.

    Sau khi dòng ống kính siêu tele ED 600mm f/5.6, 1200mm f/11 ED ra đời, việc sử dụng CU-1 không còn phù hợp để nâng tối đa chất lượng của dòng ED lên, vì thế NIkon đã sản xuất ra dòng thiết bị focusing unit thế hệ thứ hai là AU-1.



    Nguồn: Mir.com


    Sự khác biệt cơ bản giữa CU-1 và AU-1 là AU-1 có gắn thêm tay cầm cũng như là chân đế gắn tripod, thuận lợi hơn khi sử dụng.

    Hơn nữa, AU-1 được cải tiến để có thể sử dụng filter 52mm bình thường, điều này vượt trội khi CU-1 không thể gắn thêm filter vào trong được.

    Và một khác biệt nữa là vòng khẩu độ của AU-1 sẽ bắt đầu từ f/4.5 tới f/22 chứ không giống f/3.5 tới f/22 như của CU-1.
    Phiên bản ống Nikkor-P 800mm f/8 được cho là chỉ có một lớp coating trong khi các dòng ống sau đó đã được Nikon nâng cấp với multi-coating.



    Được giới thiệu vào khoảng 1973, và dù chỉ hai năm sau, 1975, Nikon đã giới thiệu phiên bản 800mm ED multi-coating, nhưng chiếc Nikkor-P single coating này vẫn được bán cho tới tận năm những năm 1977-1978.

    Trong thời kỳ máy film, khi sử dụng ống kính này, việc dùng kết hợp với Màn ngắm kiểu G4 hoặc H4 trên thân máy Nikon F, Nikon F2 và Nikon F3 SLRs sẽ giúp ngắm chính xác hơn và đem lại kết quả tốt nhất cho các nhiếp ảnh gia.

    Đương nhiên, với riêng khối lượng đầu ống kính vào khoảng 3.5kg, thì việc dùng tripod hoặc monopod là một yếu tố góp phần vào chất lượng ảnh thu được.

    Thông số về ống kính:

    Tiêu cự: 800mm.
    Dải khẩu độ: f/8 – f/22 (f/64 với cài đặt manual *)
    Cấu trúc: 5 thấu kính trong 5 nhóm.
    Góc nhìn: 3 độ.
    Khoảng focus: 19m với CU-1 (20mm với AU-1)
    Kích thước filter trước: 122mm, xoáy ren.
    Lens hood: kiểu gắn liền.
    Kích thước: 135mm đường kính x 711.5mm dài
    Khối lượng: 3.5kg
    Thiết bị đi kèm: 133mm cáp gắn liền bằng da phía trước và sau, focusing unit, hộp gỗ.


    Tham khảo phần giới thiệu và phần 1.

    1. http://www.mir.com.my/rb/photography...hoto/800mm.htm
    2. http://www.naturfotograf.com/lens_tele.html
    3. http://www.flickr.com/photos/tracer/91277229/
    4. http://www.kenrockwell.com/nikon/cu-1.htm
    5. http://www.mir.com.my/rb/photography...cusingunit.htm
    6. http://www.photosynthesis.co.nz/nikon/serialno.html

    Phần 2. Các thử nghiệm với lens – Vị trí thử nghiệm tại Green Lake, một chiều đẹp nắng.

    Chiếc Nikkor-P 800mm f/8 mà em sở hữu có số hiệu SN: 800471. Thoạt tiên lúc mới nhận em nó về, cảm giác rất sung sướng là hầu như ống kính này chưa được sử dụng quá 5%, nó còn quá mới để gọi là 2nd hand. Chỉ có chiếc hộp đựng là có vẻ hơi nhuốm màu thời gian, nhưng vẫn còn nguyên đai kiện và cực kỳ chắc chắn. Hộp kim loại có hai quai cầm dọc và ngang để có thể cầm theo chiều nào tùy ý. Trong có lót mút bảo vệ ống kính khi di chuyển.
    Đây là hình ảnh thực của ống kính, so sánh với hình dáng của hai chiếc 180mm f/2.8 AF-D và 200-500mm Tamron AF LD IF để thấy độ lớn và dài của nó cỡ như nào, body D700 trên ống 800mm, body D2xs trên hai ống còn lại.



    Bây giờ em xin đi vào chi tiết các hạng mục đánh giá chung về kết cấu và chất lượng:

    2.1. Kết cấu:

    - Vỏ ống kính:

    Cấu trúc vỏ được làm bởi kim loại hoàn toàn khiến cho ống kính trở nên cứng cáp và khỏe mạnh, nhìn như súng chống tăng, và cầm vào thì đúng là không giống bất kỳ chiếc ống kính nào mà em đã từng sở hữu, cảm giác khác lạ hoàn toàn.

    Trong khi đứng thử nghiệm ống tại Green Lake, ai đi qua cũng nói “wow, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy cái quỉ này, nó là cái gì vậy?”. Rất nhiều người dừng lại hỏi thăm và đề nghị được ngắm qua ống kính 1 lần và đứng tán gẫu về với em về máy ảnh, cũng khá vui.

    Không nằm ngoài dự đoán, trọng lượng của ống kính đáng được đưa vào hạng “tạ cầm tay”. Nếu chỉ dùng 1 tay nắm vào thân ống kính, bạn cần phải có một bàn tay đủ to và khỏe mạnh. Nếu không, hãy chọn giải pháp hợp lý hơn cả là cầm vào giá đỡ ống kính với thiết kế kiểu như chuôi kiếm vậy :D

    - Hood:

    Hood của ống kính khác biệt hoàn toàn so với ống hiện đại, đó là nó sử dụng ren xoáy cho hood ở cả hai vị trí đóng và mở hood, vì thế, nếu do nặng quá mà vô tình rơi cắm đầu ống kính xuống đất thì cũng không đáng ngại do hood sẽ vẫn giữ ở vị trí kéo dài của nó.

    - Caps:

    Nắp phía trước bằng da dày có chữ Nikon ôm khít ống. Đặc trưng của ống Nikon cũ, nắp sau nhựa.

    - Ngàm (mount):


    Như đã nói ở phần 1, CU-1 có ngàm non-AI. Vì vậy, khi gắn vào Nikon D700 hoặc D2xs phải sử dụng hệ thống Non-CPU lens để lắp đặt. Tất nhiên với các đời máy như D100 và entry level của Nikon thì không có hệ thống hỗ trợ đo sáng manual, nên ống này sẽ phải đo sáng bằng niềm tin trên các body đó.

    Riêng với hai body em đang dùng là D700 và D2xs thì không có gì khó khăn khi làm việc này, đặc biệt nhanh và tiện dụng trên D700 (kinh nghiệm cho thấy là chỉ việc cài số hiệu ống với giá trị tiêu cự là 800mm và khẩu độ lần lượt là f/8, f/11, f/16 và f/22 – những giá trị khẩu độ hay dùng của ống kính – thì bất cứ khi nào lắp vào D700, chỉ việc chọn số hiệu ống kính tương ứng với khẩu độ tương ứng rất nhanh, nhanh hơn nhiều lần so với D2xs).

    Sau khi chỉnh xong thì D700 đo sáng chính xác, còn D2xs phải tăng +1EV mới đúng sáng.

    - Focus:

    Vì ống kính em đang sử dụng có gắn thêm giá đỡ để lên tripod, nên khi focus nó hơi khác nếu không gắn phần này vào. Cụ thể là nó có con ốc xoáy ở đuôi nhằm cố định vị trí cái giá đỡ này vào ống kính nhằm ổn định ống, nhưng ngược lại khi focus thì sẽ xung đột với cái đuôi này, và em phải loay hoay khá lâu mới tìm ra vị trí tương đối ổn của cái ốc đó sao cho focus được mềm mại hơn.

    Ấy thế mà khi ra chiến đấu thực tế, thì vòng focus vẫn có nhược điểm, đó là nó sẽ chỉ mềm mại trong khoáng 1/2 của vòng ngắm (ví dụ: từ 60ft tới 120ft, hoặc từ 300ft tới vô cực), còn lại hơi cứng 1/2, lại phải chỉnh chỉnh, nói chung là vòng focus không thực sự thuận tiện, hơi cứng tay.

    Hơn nữa, nếu đang chụp mà lại phải thay đổi vị trí ngắm kiểu như ngửa mạnh lên trời, hoặc cắm xuống đất, thay vì nằm ngang, thì vòng focus sẽ đôi lúc tự dưng hơi cứng đi chút, và lại phải chỉnh chỉnh (quen thì nhanh thôi, em mới dùng cũng quen ngay được, không thấy khó chịu).

    Ống kính chỉ focus vào vật thể với tầm từ 19m trở ra, thực sự gian nan nếu bỗng dưng có em xinh như mộng đi qua trong khoảng 15m, hoặc chụp vật thể di động ngược lại phía ống kính :D

    - Vòng chỉnh khẩu độ (aperture ring):

    Như đã nói ở phần 1, vòng chỉnh khẩu độ có ở cả trên đầu ống kính và đuôi CU-1. Nhưng thực tế cho thấy là dù đuôi CU-1 thì vòng khẩu của nó vẫn có giá trị từ f/4.5 tới f/22. (Trong khi trên diễn đàn Mir.com lại nói là nó từ f/3.5 – f/22 với CU-1 và từ f/4.5 tới f/22 với AU-1).

    Vòng chỉnh khẩu trên đầu ống cực kỳ nhẹ nhàng chỉ với 1 ngón tay, trong khi vòng chỉnh khẩu ở trên đuôi CU-1 nặng hơn, phải dùng cả bàn tay nắm vào xoay mới được.

    Với các giá trị như thế, nên ống này có thể stop down xuống tận f/64 (được sử dụng duy nhất khi em bắn ngược thẳng mặt trời)

    2.2. Chất lượng ống kính:

    Sự khác biệt giữa các tiêu cự (vật ngắm là điểm tâm của ảnh- không thể nhìn thấy ở tiêu cự 14mm, cách xa khoảng 130m)

    Nikon D700, ISO 400, AUTO WB, tripod, f/8



    - Sắc nét (Sharpness)


    Với ống MF hạng siêu tele, người ta vẫn nói tới khái niệm “learning curve” (học sử dụng ống MF). Mặc dù đã sử dụng ống tele 80-200mm MF một thời gian, nhưng khi dùng ống 800mm này lại khác biệt hẳn.

    Có lẽ đang trong giai đoạn học sử dụng nên thực tế kết quả cho ra hỏng nhiều hơn đạt. Tuy vậy, vẫn có thể nói ngắn gọn là ống kính có độ sắc nét tốt trong điều kiện ánh sáng đầy đủ. Tại khẩu độ f/8, ảnh cho ra đạt yêu cầu, ở giá trị f/11 thì ảnh sắc nét hơn. Tại khẩu độ f/16, không rõ sự khác biệt nhiều so với f/11 và f/22 (không test khẩu lớn hơn vì thực sự không dùng tới)

    Nikon D700; ISO 400, f/8, speed 1/500s, AUTO WB, tripod - Cách xa khoảng 100m



    Crop trung tâm 100%



    Crop rìa phải 100%



    Crop corner 100%



    Dễ thấy là nếu ngắm chuẩn, thì ảnh cho ra đạt độ nét gần như đều trên toàn ảnh, ở phần rìa và góc hơi soft hơn trung tâm một chút (mới chỉ test ở khẩu độ f/8 là khẩu độ dùng thường xuyên nhất).

    - Độ méo (Distortion)

    Trong dòng ống 800mm, chưa thấy ai nói tới ống này bị méo trong các review, và bản thân em cũng thấy là độ méo có thể coi là bằng không.
    Để kiểm tra, em phải dùng tạm cái cửa kéo của garage nhà hàng xóm chụp từ xa lại vì không có cái nào phù hợp nhu cầu.

    Nikon D700; ISO 400, f/11, speed 1/60s, AUTO WB, tripod- cách xa 20m



    - Bóng ma (Ghost) và lóe sáng (Flare)

    Nhằm thẳng mặt trời, bắn. Hoàn toàn không có dấu hiệu nào của ghost trong ảnh, có thể nói đây là ưu điểm rất lớn của ống này.

    Với sự hữu dụng của hood gắn liền, hiện tượng Flare được kiểm soát rất tốt. Nếu nhằm hướng mặt trời và chỉ cần chếch khỏi đĩa mặt trời, thì hầu như không còn hiện tượng flare xuất hiện.

    Nikon D700, ISO 400, AUTO WB, tripod



    - Viền tím (CA)

    Nhiều review có nói tới vụ CA của các ống một lớp coating (single-coating) thủa xửa của Nikon rất nặng. Tuy nhiên, với chiếc 800mm f/8 P này thì dường như sự kết hợp với D700, chiếc body có chế độ khử CA khá tốt, đã đem lại kết quả tốt hơn rất nhiều so với mong đợi, mặc dù không có UV filter hay bất cứ filter nào khác.

    Trong các ảnh có độ tương phản ánh sáng cao mà lại không ngược sáng thì khó nhận biết CA bằng khổ ảnh trung bình (trừ khi in lớn, mà nếu in lớn đã có PS rồi và lượng CA cũng không đáng kể).

    Tuy nhiên, nếu chụp ngược sáng thì CA sẽ xuất hiện nhiều. Có lẽ sử dụng thêm UV filter sẽ cho kết quả ưng ý hơn.

    Ảnh xem ở mục trên: Ghost and Flare

    - Bokeh

    Với khẩu độ thường chụp ở f/8 hoặc f/11, thì bokeh của ống đương nhiên không phải là điều mà chủ nhân của nó quan tâm.

    Tuy nhiên, nếu chọn được nền phía sau của chủ thể là một nền trải xa và rộng như là bầu trời hoặc mặt hồ hoặc nền cát, thì cũng vẫn tạo ra nền bokeh mịn màng khá đẹp, còn ngược lại thì mọi thứ đều khá rõ ràng ở nền ảnh và tạo ra bức ảnh với bokeh vào loại trung bình.

    Nikon D2xs; ISO 400, f/8, speed 1/500s, AUTO WB, tripod - cách xa khoảng 80m



    Nikon D2xs; ISO 400, f/8, speed 1/400s, AUTO WB, tripod - cách xa cỡ 60m



    - Màu (Color):

    Ống kính tái hiện màu sắc khá trung thực theo hướng tươi tắn. Trên body D700, ảnh cho ra tương đối đúng màu thực và tươi màu hơn so với màu theo phong cách nền nã và đằm thắm với hướng gam màu ấm trên body D2xs, tất nhiên body D2xs vẫn cho ra màu rất chuẩn. Điều này không khó giải thích khi mà D700 cài đặt ở chế độ Vivid còn D2xs thì dùng mode I (portrait) để chụp.
    [B][COLOR="Blue"][SIZE="3"]

    3. Kết luận:

    Ống 800mm Nikkor-P này không có điều gì phải phàn nàn về cấu trúc, quá chắc chắn và khỏe khoắn, nặng vừa tầm so với tiêu cự của nó.

    Chất lượng ảnh cho ra là tốt nhất trên body FX nhưng lại bình thường khi sử dụng trên body DX (như là D1x, D5000). Khi dùng với body DX là D2xs, chất lượng ảnh cho ra tốt hơn hẳn so với D1x và D5000.

    Để loại bỏ bớt CA, tốt nhất là mua một chiếc 122mm UV filter cũng đồng thời để bảo vệ ống.

    Có lẽ việc sử dụng viewfinder rộng hơn từ body FX là lợi thế khiến cho việc focus được chính xác hơn, dẫn tới tỷ lệ chụp chính xác nhiều hơn trên body FX.

    Với tiêu cự dài 800mm, ống chỉ phù hợp với chụp vật thể ở xa và rất xa.
    Chụp thể thao thì phải đảm bảo là bạn đứng cách cầu thủ khoảng 60m trở lên tới 150m, điều này dễ thấy là không phải môn thể thao nào bạn cũng có thể vác nó ra chụp.

    Ánh sáng là điều cực kỳ quan trọng với ống này. Nếu trong điều kiện thông thường có mặt trời, sáng rõ thì viewfinder sẽ rất sáng, thuận tiện ngắm. Ngược lại, ống này không phù hợp dùng trong điều kiện lowlight.

    Là một chiếc ống cũ từ hơn 40 năm, nhưng khi đi cặp với body đời mới, kết quả vẫn rất tốt, điều này đem lại sự thú vị rất lớn.

    Nếu bạn là người yêu thích chụp động vật, chụp vật thể ở xa và rất xa, lại không ngại mang vác nặng, kết hợp với điều kiện ánh sáng luôn phải tốt, và có thể chung sống với CA một chút tùy vào điều kiện chụp, thì đây đáng là một chiếc ống trong bộ giàn của bạn.

    Đặc biệt khi giá của ống này hiện tại không cao, chỉ cần bỏ ra khoảng $900-$1,200 thì bạn sẽ có một chiếc như thế này với điều kiện còn rất mới – nhưng cũng rất khó tìm vì số lượng ít. So với ống 800mm f/5.6 mà tôi quan sát gần đây thì giá của chiếc 800mm f/5.6 đấu giá đắt gấp gần 4 lần so với chiếc 800mm f/8 này ($3,900 tại thời điểm 4/2010).



    * Ảnh chụp bằng ống Nikon Nikkor-P 800mm f/8


    Và dưới đây là một vài ảnh chụp thực tế từ cả hai body D2xs và D700. Nhóm ảnh này sẽ nằm ở phần cuối của bài viết, nhưng vì hiện giờ mới update xong phần 2, còn phần 3 và 4 sẽ viết tiếp sau, nên em tạm thời để ảnh luôn.

    1. Vũ điệu với nước - cách xa cỡ 130m

    Nikon D700; ISO 400, f/8, speed 1/640s, AUTO WB, tripod



    2. Nikon D700; ISO 400, f/8, speed 1/1000s, AUTO WB, tripod - cách xa khoảng 145m



    3. Nikon D2xs; ISO 400, f/8, speed 1/400s, AUTO WB, tripod - cách xa khoảng 60m



    4. Nikon D700; ISO 400, f/8, speed 1/800s, AUTO WB, tripod - cách xa khoảng 150m



    5. Cha con - cách xa khoảng 60m

    Nikon D2xs; ISO 400, f/8, speed 1/400s, AUTO WB, tripod



    6. Nikon D2xs; ISO 400, f/8, speed 1/400s, AUTO WB, tripod - cách xa khoảng 130m



    7. Nikon D700; ISO 400, f/8, speed 1/640s, AUTO WB, tripod - cách xa khoảng 130m



    8. Nikon D700; ISO 400, f/8, speed 1/640s, AUTO WB, tripod cách xa khoảng 130m




    9. Nikon D700; ISO 3200, f/8, speed 1/200, AUTO WB, tripod



    10. Nikon D700; ISO 3200, f/8, speed 1/200, AUTO WB, tripod



    11. Nikon D700; ISO 3200, f/8, speed 1/200, AUTO WB, tripod



    12. Nikon D700; ISO 3200, f/8, speed 1/200, AUTO WB, tripod

    Được sửa bởi vqscorpions lúc 04:51 AM ngày 23-04-2010 Reason: bổ sung thông tin
    Eyes seeing, heart shooting


    http://enter-nikon.blogspot.com

  2. #2
    Tham gia
    30-11-2009
    Bài viết
    185
    Hay qúa, cảm ơn bác Bọ cạp.
    - 04/01/2010: 500D
    - Now: 500D, 5D, 5D2, 24-105L, 70-200L, 50/1.4, 85/1.8, 55/1.8, 135/3.5, 70-210

  3. #3
    Tham gia
    28-05-2009
    Bài viết
    77
    Nhiều ống cứ như là kính viễn vọng, viết tiếp đi bác

  4. #4
    Tham gia
    17-12-2008
    Location
    Sydney
    Bài viết
    978
    Quote Được gửi bởi fitter View Post
    Nhiều ống cứ như là kính viễn vọng, viết tiếp đi bác
    em sẽ tranh thủ thời gian để chụp thử nghiệm và post tiếp phần tiếp theo. Cảm ơn các bác đã ghé qua
    Eyes seeing, heart shooting


    http://enter-nikon.blogspot.com

  5. #5
    Tham gia
    20-10-2008
    Location
    Sài Gòn
    Bài viết
    482
    bác lại làm cho ối người thèm trong đó có em , nhân tiện bác cho em hỏi lens MF có tương thích với mấy TC1.4II hay 1.7II đời mới không? sở dĩ em hỏi vậy vì k muốn mua thêm TC vì đã có TC AFS rồi. thanks

  6. #6
    Tham gia
    17-12-2008
    Location
    Sydney
    Bài viết
    978
    Quote Được gửi bởi suji View Post
    bác lại làm cho ối người thèm trong đó có em , nhân tiện bác cho em hỏi lens MF có tương thích với mấy TC1.4II hay 1.7II đời mới không? sở dĩ em hỏi vậy vì k muốn mua thêm TC vì đã có TC AFS rồi. thanks
    chào bác, câu trả lời em gửi bác có 2 phần.

    1. Lý thuyết:

    Về lý thuyết, thì không nên dùng MF loại non-AI (chắc bác muốn hỏi Non-AI thôi, chứ còn AI hay AIS thì lắp bình thường vì mount của nó không có gì khác với mount loại AF hay AFS quá nhiều) với body DSLR Nikon, vì nhiều lens non-AI có đuôi dài và ngàm thừa đó sẽ chạm vào các mạch tiếp xúc của body/tele.

    2. Thực tế

    Mặc dù lý thuyết nói vậy, nhưng em (cũng như nhiều người) đã dùng bình thường non-AI lens trên các loại body DSLR của Nikon từ D1x, D40, D80,...., D700, D3...

    Tuy vậy, không phải lúc nào cũng làm được điều này nếu như lens có đuôi dài đặc biệt => phải gọt bớt đi một chút phần đuôi.

    Và từ đó suy ra thì dùng tele converter A F S với non-AI thì vẫn có thể, chỉ cần chú ý một tí thôi, nếu nó vặn quá chặt thì không nên cố gắng làm gì, có thể làm hỏng tele converter.

    VD: em vẫn dùng cái 55mm non-AI với cái AF S tele 2x. Bình thường.
    Eyes seeing, heart shooting


    http://enter-nikon.blogspot.com

  7. #7
    Tham gia
    20-10-2008
    Location
    Sài Gòn
    Bài viết
    482
    Quote Được gửi bởi vqscorpions View Post
    chào bác, câu trả lời em gửi bác có 2 phần.

    1. Lý thuyết:

    Về lý thuyết, thì không nên dùng MF loại non-AI (chắc bác muốn hỏi Non-AI thôi, chứ còn AI hay AIS thì lắp bình thường vì mount của nó không có gì khác với mount loại AF hay AFS quá nhiều) với body DSLR Nikon, vì nhiều lens non-AI có đuôi dài và ngàm thừa đó sẽ chạm vào các mạch tiếp xúc của body/tele.

    2. Thực tế

    Mặc dù lý thuyết nói vậy, nhưng em (cũng như nhiều người) đã dùng bình thường non-AI lens trên các loại body DSLR của Nikon từ D1x, D40, D80,...., D700, D3...

    Tuy vậy, không phải lúc nào cũng làm được điều này nếu như lens có đuôi dài đặc biệt => phải gọt bớt đi một chút phần đuôi.

    Và từ đó suy ra thì dùng tele converter A F S với non-AI thì vẫn có thể, chỉ cần chú ý một tí thôi, nếu nó vặn quá chặt thì không nên cố gắng làm gì, có thể làm hỏng tele converter.

    VD: em vẫn dùng cái 55mm non-AI với cái AF S tele 2x. Bình thường.
    thanks bác, lens của em là 500mm f4 P, dòng này là AI và có chip matrix metering nên đuôi có vài điểm tiếp xúc của mạch điện, em đọc trong specs và tham khảo từ vài trang web thì nó tương thích với các TC đời củ mà chính xác là cho dòng MF, nếu vậy thì khi gắn các TC của dòng MF vào lens này thì hệ thống matrix metering sao hoat động dc?

  8. #8
    Tham gia
    17-12-2008
    Location
    Sydney
    Bài viết
    978
    Quote Được gửi bởi suji View Post
    thanks bác, lens của em là 500mm f4 P, dòng này là AI và có chip matrix metering nên đuôi có vài điểm tiếp xúc của mạch điện, em đọc trong specs và tham khảo từ vài trang web thì nó tương thích với các TC đời củ mà chính xác là cho dòng MF, nếu vậy thì khi gắn các TC của dòng MF vào lens này thì hệ thống matrix metering sao hoat động dc?
    em chỉ nói là lắp vào chụp bình thường (cho ra ảnh đẹp, không làm hỏng body) với những cái mà em sử dụng, chứ không nói là nó sẽ đảm bảo hoạt động hết các function của body.

    vì em chưa dùng cái TC 14 và 17 mà bác đề cập tới, cũng như chưa dùng cái 500mm f/4 P mà bác đang sử dụng.

    bởi vì việc dùng tele converter là vấn đề rất khó nói nếu chỉ dùng lý thuyết, thực tế có nhiều cái khác biệt mà thậm chí nhà sản xuất cũng không nói hết.

    để làm rõ vấn đề này, có lẽ bác nên qua forum thiết bị post lên hỏi, sẽ có nhiều người sử dụng rồi nói cho bác hơn em.
    Eyes seeing, heart shooting


    http://enter-nikon.blogspot.com

  9. #9
    Tham gia
    17-12-2008
    Location
    Sydney
    Bài viết
    978

    Talking update toàn bộ phần 2: thử nghiệm ống kính

    xin mời các bác ghé lại đọc vui phần lớn nhất, phan 2: THỬ NGHIỆM ỐNG KÍNH tại Green Lake, Syracuse, New York.


    Em sẽ hoàn thành nốt 2 phần nhỏ là phần 3 (so sánh với ống tele + tele converter) và 4 (kết luận) trong thời gian sớm nhất, mong các bác thông cảm..

    Chúc vui vẻ
    Được sửa bởi vqscorpions lúc 02:00 AM ngày 04-04-2010
    Eyes seeing, heart shooting


    http://enter-nikon.blogspot.com

  10. #10
    Tham gia
    20-07-2005
    Bài viết
    996
    Em phục cái đam mê thẫm du thiết bị của bác. Em có thích cũng ko thể vác nỗi cái ống kính này đi chụp! hihi

Trang 1 / 3 123 Cuối cùngCuối cùng

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Những chủ đề tương tự

  1. Bài review về Nikon D70
    By apham in forum Trao đổi về các loại máy ảnh và thiết bị nhiếp ảnh
    Trả lời: 33
    Bài viết cuối: 21-12-2014, 12:27 AM
  2. Review giúp Nikon AF 20-35mm f/2.8 D IF
    By 908s in forum Trao đổi về các loại máy ảnh và thiết bị nhiếp ảnh
    Trả lời: 3
    Bài viết cuối: 03-04-2009, 10:33 PM
  3. Nikon D300 review
    By MDH in forum Trao đổi về các loại máy ảnh và thiết bị nhiếp ảnh
    Trả lời: 83
    Bài viết cuối: 02-03-2009, 11:08 AM
  4. New review cho NIKON D40
    By trong_pw in forum Trao đổi về các loại máy ảnh và thiết bị nhiếp ảnh
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 06-12-2006, 06:32 PM

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •