Nhân đọc bài báo "Nhiếp ảnh Việt Nam bao giờ trưởng thành?" của tác giả Hoài Hương trên báo Công an TPHCM, mặc dù có một số vấn đề tác giả phê bình đúng, nhưng có những điều hơi thái quá đối với nhiếp ảnh và những người chụp ảnh. Tôi chỉ là một người yêu chụp ảnh rất đỗi bình thường, chưa có tác phẩm nào gọi là nghệ thuật, nhưng tôi cảm thấy một nỗi bức xúc. Tôi mạn phép viết lên đây suy nghĩ cá nhân để chia sẻ, thảo luận nhưng không biết có đặt topic đúng chuyên mục không?
Tôi không biết tác giả bài báo đã giành được bao nhiêu giải thưởng nhiếp ảnh cao quý hơn những giải thưởng do những tổ chức/hội ảnh có uy tín hơn FIAP, PSA, hay ISF... cho thể loại ảnh nghệ thuật; hay PX3, IPA, Pulitzer... cho thể loại ảnh báo chí; cũng không biết trình độ-hiểu biết về nhiếp ảnh-lĩnh vực ảnh của tác giả Hoài Hương thâm sâu, cao cấp đến đâu, mà tác giả không ngần ngại chê bai các giải thưởng, các tác phẩm đạt giải thưởng do các tổ chức/hội ảnh này bảo trợ, thậm chí còn thấp hơn cả "một bộ phim VN được chiếu rạp (cho dù bị xem là thảm họa)". Ở đây tôi không nói tới các giải thưởng nhiếp ảnh trong nước, chỉ nói đến giải thưởng quốc tế.
Đành rằng dân tộc tính cần được khai thác sáng tác trong nhiếp ảnh, nhưng đó cũng chỉ là một khía cạnh mà thôi, cuộc sống còn có vô vàn khía cạnh đẹp khác chứ không thể mãi đóng khung trong vấn đề dân tộc tính. Cũng không thể phủ nhận, ảnh sáng tác ở VN "vẫn cứ là ông bà già dân tộc nhăn nheo, ruộng bậc thang, sương phủ mây che núi non, váy áo dân tộc, đánh cá quăng chài tung lưới, đồi cát gánh gồng hay những sắp đặt bình - lọ gốm sứ..." mà theo tác giả Hoài Hương là "nhàm chán, chẳng có một tư duy sáng tạo nào mới mẻ hơn..."; tác giả có vẻ không chấp nhận hay không nhận biết rằng (ví dụ điển hình về thể loại chân dung): trong ảnh chân dung nghệ thuật, các yếu tố như những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt chai sần vì nắng gió, đôi mắt đơn sơ nhưng có hồn hay đôi môi sần sùi... của người dân tộc có phải chính là điểm nhấn thu hút đặc sắc hơn là làn da lụa là mềm mịn?
Riêng về thể loại ảnh báo chí, nếu không có chiến tranh, nếu không có thời cuộc (điều khiến cho thế giới nhìn về VN) và nếu không cầm máy đi theo chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tôi không biết rằng cụ Võ An Ninh có được biết đến là nhiếp ảnh gia (báo chí) không nữa? Nên tác giả khẳng định "Cho dù lúc đó chưa có tác phẩm nào được trao giải ảnh báo chí thế giới WPP hay Pulitzer nhưng ảnh báo chí VN đã ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn đến thế giới như một sự công nhận thành công của ảnh báo chí VN" là không thuyết phục. Tác giả Hoài Hương thẳng thừng chê "bộ ảnh The Pink Choice của Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) đoạt giải nhất WPP ở hạng mục Vấn đề đương đại (Contemporary Issue), thì cho dù vui đấy nhưng đành “ngậm đắng nuốt cay” bởi không thể vinh dự và tự hào với bộ ảnh đồng tính mà bối cảnh phần lớn rất nhếch nhác, bừa bộn, nghèo nàn...," là không tôn trọng nỗ lực lao động và thành quả của người khác. Tôi cho rằng ai cũng quyền đưa ý kiến nhận định của mình, nhưng cần phải tôn trọng người khác. Ban giám khảo của hội ảnh quốc tế không phải là những thứ bỏ đi mà tác phẩm họ chấm thưởng là không giá trị; cũng như công sức của người sáng tác ảnh.
Ngành nhiếp ảnh không thể tự tồn tại và phát triển mà bị chi phối bởi xã hội. Những thập niên trước đây, không ít các hội ảnh nghệ thuật hoạt động với sự bảo trợ của doanh nhân, của xã hội. Người chụp ảnh không chỉ sống được với nghề mà còn có nhiều điều kiện thuận lợi khác cho phép họ "chơi" ảnh, sáng tác ảnh dự thi. Một cá nhân không thể làm cho nhiếp ảnh phát triển được mà cần có các hội ảnh. Nhưng những năm về sau này, và mới chỉ vài năm gần đây xuất hiện được hội ảnh Gia Định tổ chức thi ảnh quốc tế ở VN.
Trước đây 40 năm, theo tôi biết, nhiếp ảnh VN rất dồi dào, phong phú các tác phẩm-tác giả và đạt giải thưởng quốc tế không phải là ít; nhưng nay hiếm hoi quá thì đúng là "phải có một cuộc cách mạng thay đổi toàn diện những gì đang tồn tại, thì mới mong “hội nhập” đích thực với toàn cầu" như tác giả bài báo kết luận.
Nguyên văn bài viết: Nhiếp ảnh Việt Nam bao giờ trưởng thành?
Thứ bảy, 14/03/2015 08:50
(CATP) Ngành nhiếp ảnh VN kỷ niệm 62 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 147/SL thành lập “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam” (15-3-1953 - 15-3-2015). Ngày 16-12-2002, Bộ Nội vụ đã ra Thông báo số 1021/BNV-TCPCP đồng ý lấy ngày 15-3 hàng năm là ngày Truyền thống nhiếp ảnh VN. Nhưng nhiếp ảnh VN vẫn chông chênh như người chưa trưởng thành trong vị thế không chỉ với quốc tế mà ngay cả trong đời sống văn hóa của đất nước.
Lịch sử nhiếp ảnh thế giới ra đời kể từ khi viện sĩ Arago, Viện Hàn lâm khoa học Pháp công bố phát minh của Daguèrre vào ngày 19-8-1839. Và 30 năm sau, ngày 14-3-1869 (tức ngày 2-2 âm lịch năm Kỷ Tỵ), ông Đặng Huy Trứ, một danh sĩ triều Nguyễn đã đưa kỹ thuật nhiếp ảnh vào VN, mở hiệu ảnh đầu tiên lấy tên là Cảm hiếu Đường tại phố Thanh Hà, Hà Nội, mở đầu cho việc phổ biến nhiếp ảnh khắp cõi Việt. 146 năm nhiếp ảnh có mặt ở VN và 62 năm thành lập ngành nhiếp ảnh VN (NAVN) thì không thể nói ngành này ở VN là non trẻ.
Nhiếp ảnh nghệ thuật chỉ là sân chơi nghiệp dư
Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) VN hiện có gần 1.000 hội viên khắp các tỉnh, thành với rất nhiều tước hiệu của VN và Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế - FIAP như: AVAPA, EVAPA, AFIAP, EFIAP..., chưa kể nhiều hơn nữa những NSNA không phải hội viên với số lượng ảnh khổng lồ chụp hàng năm thì ảnh nghệ thuật VN vẫn chỉ là sân chơi riêng của những nhà nhiếp ảnh, gần như không có một ảnh hưởng nào đến đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà. Công chúng có thể nhớ một ca khúc VN hay trong năm, nhớ một bộ phim VN được chiếu rạp (cho dù bị xem là thảm họa)..., nhưng hỏi có biết hay có nhớ đến bức ảnh VN nào đoạt giải vàng - bạc quốc tế, hay NSNA nào của VN đang “hot”? Trong bao nhiêu sự kiện văn hóa - nghệ thuật, những cuộc triển lãm ảnh có được bao nhiêu người xem? Có dấu ấn gì trong lòng công chúng? Có ảnh hưởng sâu rộng tạo thành “sự kiện” văn hóa - nghệ thuật gây dư luận? Hay chỉ là một hoạt động mang tính phụ trợ, thêm nếm hương sắc, bên cạnh các hoạt động văn hóa - nghệ thuật chính...
Trơ trọi 2 - HCV FIAP Phần Lan 2012 - Trần Phong
Những tác phẩm ảnh đoạt giải vàng - bạc trong nước hay quốc tế mà tuyệt đại đa số do FIAP bảo trợ đôi khi được các NSNA “vống” lên thành “tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao” đó liệu có tồn tại mãi với thời gian và tạo nên một diện mạo đa dạng, phong cách, xu hướng của nền NAVN? Thậm chí có được bảo tàng ở VN mua trưng bày như một tác phẩm đại diện của thời đại? Hay đó chỉ là những bức ảnh đặc tả con người, phong cảnh, được “sắp đặt” theo khuôn mẫu, thậm chí còn rập khuôn ý tưởng bởi có “chung mẫu” mà thiếu đi những bức ảnh sống động gắn liền với cuộc sống đương đại đầy màu sắc và đa dạng của đất nước VN? Không biết có nên cười nên vui khi bộ ảnh được phong tước xuất sắc EVAPA/G (Excellence Artist of Vietnam Association of Photographic Artist - Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc) là bộ ảnh nude? Và bao nhiêu năm nay, ảnh nghệ thuật VN đoạt các giải nghệ thuật của Hội NSNA VN hay quốc tế - FIAP vẫn cứ là ông bà già dân tộc nhăn nheo, ruộng bậc thang, sương phủ mây che núi non, váy áo dân tộc, đánh cá quăng chài tung lưới, đồi cát gánh gồng hay những sắp đặt bình - lọ gốm sứ... đến nhàm chán, chẳng có một tư duy sáng tạo nào mới mẻ hơn...
Ảnh báo chí bao giờ chuyên nghiệp?
Năm 1945, bộ ảnh nạn đói của cố NSNA Võ An Ninh đã gây tiếng vang trong ngoài nước, thậm chí như là một bằng chứng lịch sử sống động để nước Nhật sau cả nửa thế kỷ đã dựa vào đó mà xin lỗi VN. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ và các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của VN cũng đã có biết bao nhiêu tấm ảnh báo chí của các phóng viên chiến trường “mạnh hơn vũ khí nguyên tử” gây chấn động thế giới, để thế giới hướng về VN, ủng hộ nhân dân VN. Những tên tuổi đã trở thành “bảo tàng” mà mỗi khi nhắc đến là nhiều người còn nhớ đến tác phẩm của họ, như Nụ cười Thành cổ - Đoàn Công Tính, Mẹ con ngày gặp mặt - Lâm Hồng Long... Lúc đó, ngay cả các phóng viên của AP, AFP, Reuters, BBC... đều xem phóng viên ảnh báo chí VN như những “huyền thoại của Việt Cộng”, họ đã dùng ảnh của VN như một tác phẩm báo chí có tác động mạnh mẽ. Cho dù lúc đó chưa có tác phẩm nào được trao giải ảnh báo chí thế giới WPP hay Pulitzer nhưng ảnh báo chí VN đã ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn đến thế giới như một sự công nhận thành công của ảnh báo chí VN.
Kéo lưới - HCV FIAP Tây Ban Nha 2014 - Lý Hoàng Long
40 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, bao nhiêu sự kiện xảy ra ở VN nhưng chưa có một tác phẩm ảnh báo chí nào của chúng ta được thế giới quan tâm, chú ý như thời chiến tranh. Với gần cả ngàn tờ báo in, hình, điện tử nhưng hiện tại VN chưa có một giải thưởng ảnh báo chí thật sự uy tín, đúng nghĩa mang tầm quốc gia, ngoài giải ảnh báo chí nằm trong khuôn khổ giải báo chí quốc gia hàng năm, mà ảnh đoạt giải nhiều khi chỉ mang tính chất minh họa sự kiện chứ chưa hẳn là một tác phẩm báo chí thật sự theo đúng “chuẩn” chuyên nghiệp. Ngay cả với giải ảnh báo chí quốc gia hàng năm, mấy năm liền đều không có giải A, thậm chí có năm không cả giải B bởi không có tác phẩm ảnh báo chí nào thực sự mạnh mẽ, giàu tính thông tin, tạo hình ấn tượng..., chấm cho giải chỉ là vì “so bó đũa chọn cột cờ” mà thôi.
Theo nhà báo - NSNA Việt Văn, người từng đoạt giải vàng ảnh báo chí quốc tế danh giá PX3 (Prix de la Photographie Paris), Bằng danh dự IPA (International Photography Awards) cho bộ Tướng trận thời bình, nhận xét về ảnh báo chí VN: “Nhược điểm chung của nhiều phóng viên ảnh VN không chỉ là chụp ảnh đơn còn nghèo nàn, thiếu thông tin mà chụp ảnh bộ còn tệ hơn. Tính thống nhất trong kết cấu một bộ ảnh cũng chưa được chú ý đúng mức, như phần thông tin đi kèm ảnh và bộ ảnh vẫn thiếu, có khi vẫn chung chung không đủ 6W như cơ bản. Với ảnh báo chí, tính thông tin phải được thể hiện ngay từ tít ảnh”.
Đoạt giải ảnh báo chí thế giới danh giá World Press Photo (WPP) hàng năm của truyền thông VN kể từ khi giải ảnh này tổ chức từ năm 1955 và nhất là từ sau năm 1975 đến nay như một khát khao trong mơ, nhưng đến năm 2014, khi bộ ảnh The Pink Choice của Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) đoạt giải nhất WPP ở hạng mục Vấn đề đương đại (Contemporary Issue), thì cho dù vui đấy nhưng đành “ngậm đắng nuốt cay” bởi không thể vinh dự và tự hào với bộ ảnh đồng tính mà bối cảnh phần lớn rất nhếch nhác, bừa bộn, nghèo nàn..., không phản ánh trung thực xã hội VN đương đại, đây cũng chỉ là sự “tỏa sáng” cá nhân chứ chưa thể nói điều gì về ảnh báo chí VN đối với thế giới.
Trong suốt lịch sử phát triển của NAVN, dù tuổi đời khá dài nhưng luôn ở phía sau rất xa so với các quốc gia khác...
Để thật sự trưởng thành và trở thành chuyên nghiệp, chắc chắn ngành NAVN phải có một cuộc cách mạng thay đổi toàn diện những gì đang tồn tại, thì mới mong “hội nhập” đích thực với toàn cầu.
HOÀI HƯƠNG