Trang 1 / 2 12 Cuối cùngCuối cùng
Hiển thị kết quả từ 1 đến 10 / 13

Chủ đề: [Tài liệu dịch] MY TIME WITH HENRI CARTIER-BRESSON

  1. #1
    Tham gia
    14-10-2014
    Bài viết
    36

    [Tài liệu dịch] MY TIME WITH HENRI CARTIER-BRESSON

    Tác giả: ISHU PATEL
    nguồn: ishupatel. com/bresson.html
    (Em không rõ bài viết kiểu này thì post vào đâu phù hợp nhưng nói đến Henri Cartier-Bresson là nói đến huyền thoại ảnh đời thường rồi nên em post ở đây. Em chưa đủ 5 post nên không đưa link được, phải để dấu cách ở địa chỉ trong nguồn nói trên. Đây là tài liệu do em dịch nên không ngại là copy ở đâu về đâu ạ.)

    Những năm đầu tại Viện Thiết kế Quốc gia Ấn Độ và sự nghiệp làm phim hoạt hình tại Ban Điện ảnh Quốc gia Canada tại Montreal khiến tôi tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực, nhưng tôi chưa từng mất đi sự hứng khởi với nhiếp ảnh. Cảm hứng và ảnh hưởng từ Henri Cartier-Bresson vẫn tràn đầy trong tim. Giờ đây tôi vẫn tiếp tục sự hứng khởi ấy với cảm xúc và đam mê được nhen mới. Tôi tận hưởng những tự do mới trong việc xử lý ảnh mà thế giới nhiếp ảnh kỹ thuật số đem lại. Và tôi vẫn yêu sự gần gũi của những bức hình chân thực, yêu việc ghi lại những khoảnh khắc đó.

    Sau khi tốt nghiệp năm 1963 từ Khoa Nghệ thuật, Đại học Baroda, Ấn Độ, tôi thật may mắn được Gira Sarabhai chọn đào tạo như một "thực tập sinh" tại Viện Thiết kế Quốc gia (NID) tại Ahmedabad, Ấn Độ. Đó là nơi diễn ra câu chuyện về những kỷ niệm đáng nhớ với Henri Cartier-Bresson.

    Mục đích của việc này là lựa chọn một nhóm sinh viên tốt nghiệp ngành Nghệ thuật và Kiến trúc và cho thực tập các môn thiết kế để lập ra khoa tương lai cho Viện Thiết kế Quốc gia. Trong những năm đầu thú vị đó những cây đa cây đề về thiết kế đương đại trên toàn thế giới được mời đến Viện, ở lại mỗi đợt nhiều tháng, thậm chí là cả năm, để làm giảng viên và hướng dẫn, cố vấn và chủ nhiệm dự án. Đó là những ai? Có thể kể một vài gương mặt, như nhà thiết kế Ray & Charles, kiến trúc sư Louis Khan, nhà thiết kế nội thất Nakashima, nhà thiết kế đồ họa Armin Hoffman, Bob Gill, Leo Leonni, và Ivan Chermayeff, nhà làm phim hoạt hình Gullio Gianini, thợ in Adrian Frutiger, nhà thiết kế dệt Alexander Gerard và Helena Perhentupa, nhà soạn nhạc John Cage...

    Cho nên không ngạc nhiên khi tháng 12 năm 1965, nhiếp ảnh ra huyền thoại HCB từ Paris đã tới NID. Ở lần tới Ấn Độ trước đó năm 1947 ông đã chụp lại những khoảnh khắc quan trọng của Tự do, sự chia cắt của Ấn Độ, và những tháng sau đó là đám tang của Mahatma Gandhi. Những bức hình đó rất nổi tiếng trên toàn cầu. Lần này là lần thứ năm ông tới Ấn Độ. Lần này ông sang chủ yếu để chụp lễ hội Kumbha Mela được tổ chức 12 năm 1 lần, và phiên họp Quốc hội tại Jaipur sẽ được Thủ tướng Ấn Độ là bà Indra Gandhi tiến hành.

    Điều ngạc nhiên là tất cả công việc kỹ thuật về tráng phim và rửa ảnh của HCB sẽ được thực hiện tại NID dưới sự giám sát ngặt nghèo của ông. Người ta biết rằng tráng phim một cách chính xác là cực kỳ quan trọng với HCB. Thực tế là việc tráng phim ông chỉ tin tưởng vào duy nhất một phòng lab ở Paris. Bạn thân và là đồng nghiệp của tôi, P.M. Dalwadi được yêu cầu lãnh thử thách này và anh đã tráng thành công vài "mẫu" phim cho HCB, người, đáng ngạc nhiên là, đã rất hài lòng với các thành phẩm.

    Dalwadi lúc đó chuyên về nhiếp ảnh. Tôi được đào tạo về ngành thiết kế, nhưng may mắn là nhiếp ảnh lại là một trong số các môn học mà chúng tôi buộc phải học. Hai năm sau, khi xây dựng triển lãm New York Nehru Exhibition do Ray & Charles Eames thiết kế, tôi đã dành 6 tháng trong phòng tối tại NID để ngày đêm rửa ảnh cho đến khi các đầu ngón tay và móng tay chuyển sang màu nâu của thuốc lá và không thể bay được mùi hóa chất. Thật không thể biết được khối lượng công việc mà chúng tôi làm, vì lúc đó chúng tôi còn trẻ và sẵn sàng học bất cứ thứ gì. Vi thế việc HCB đến là một việc ly kỳ, và việc cộng tác với anh bạn Dalwadi thật là một điều tuyệt vời, đó là khởi đầu cho tình bạn trọn đời của tôi với họ.

    Không như những cố vấn khác đến NID, HCB giữ vẻ khiêm nhường. Chẳng có bài giảng, không có "khoa trương và diễn thuyết", và không có đưa tin báo đài. Việc bố trí một thành viên cấp cao của viện để hỗ trợ và đồng hành với ông trong các chuyến chụp ảnh đã xong, và mọi chuyện diễn ra tốt đẹp.
    ...

  2. #2
    Tham gia
    14-10-2014
    Bài viết
    36
    (tiếp)
    Các buổi chụp trong thành phố Ahmedabad bắt đầu tại sông Sabarmati gần học xá của NID và dọc sông tới tu viện của Gandhi, tới những thành quách cổ của thành phố, bao gồm các chợ cóc, chợ lớn và cảnh đường phố chật chội. Ngày qua ngày ông chụp những di tích lịch sử, làng mạc, thị trấn, lễ hội và triển lãm quanh đó. Trong khi anh bạn Dalwadi tráng phim cho HCB và làm những bản in tiếp xúc (contact print). Lần nào Dalwadi cũng cho tôi xem các bản in tiếp xúc này, dù không ai là thực sự được phép nhìn hoặc chạm vào phim hay các bản in tiếp xúc, trừ HCB. Với tôi việc xem các bản in tiếp xúc là một đặc ân lớn. Tất cả các ảnh đều hoàn hảo và những “khoảnh khắc quyết định” thực sự nằm trong đó, được ghi lại trong mỗi khuôn hình. Điều khiến tôi ngạc nhiên là không có bức nào là close up và chân dung.
    Trong suốt thời gian này tôi không gặp HCB. Tôi chỉ nhìn ông từ xa. Ông là một người gầy gò, tóc ngắn và đeo kính không vành, mặc thường phục, cầm một chiếc máy ảnh nhỏ và rất ít nói. Rất khó để ý đến ông. Nhưng không lâu sau tôi gặp ông trong một hoàn cảnh khá trớ trêu.
    Đó là vào tháng hai, và ngày lễ Maha Shivaratri diễn ra trong tháng này. Tất cả các đền thờ Shiva của Ấn Độ chuẩn bị “bhang” để dâng lên thần Shiva và chia những phần nhỏ cho những người đi lễ. Bhang được làm bằng cách nghiền lá cây cần sa, hạnh nhân và sữa trong các bát bằng đồng. Nó rất nặng nếu uống hơn 1 chén nhỏ.
    Một buổi họp kín dành cho HCB được tổ chức tại nhà thành viên cấp cao, người đã theo ông trong các buổi chụp hình. Dalwadi, tôi và một số thực tập sinh được mời để thử bhang được làm cho mẹ của chủ nhà. Chúng tôi dùng hơi nhiều hơn quy định, HCB cũng được mời, ông uống một ngụm nhỏ 1 cách thận trọng. Nhưng ngay sau đó ông cảm thấy rã rời và không thể chịu được. Chúng tôi hoảng lên và đưa ông tới nhà bác sỹ gia đình, và thế là bữa tiệc kết thúc! Đó là lần đầu tiên tôi gặp trực tiếp HCB. Hôm sau chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng ông không hề hấn gì.
    Vài tuần sau tôi được gọi đến văn phòng của thư ký NID và được thông báo rằng tôi đã được chọn để phụ tá HCB trong buổi chụp tại phiên họp quốc hội sẽ được diễn ra tại thành phố Jaipur. Tôi chẳng biết sao mình lại được chọn. Tôi sẽ phải bắt tàu tới Jaipur trước HCB 1 ngày, đợi ông tới sân bay Jaipur, xem ông có cần gì không và theo, hỗ trợ ông khi ông chụp phiên họp quốc hội của thủ tướng Indira Gandhi. Tôi sẽ không được hỏi gì và vị thư ký NID nhắc nhở tôi rằng đây là cơ hội lớn của tôi được làm việc với một bậc thầy. Thực ra với tôi đây là cơ hội cả đời. Tôi phấn khích, sợ hãi, và nóng lòng muốn đi. Tôi phải sẵn sàng khi được thông báo đột xuất.
    Vài ngày sau HCB đến bàn tôi và đề nghị đi 1 vòng trong NID. Ông ngồi trên một chiếc ghế băng dưới cây me trong khi tôi đứng. Với giọng ân cần ông nói rằng ngày mai chúng tôi sẽ đi cùng nhau tới Jaipur bằng tầu sáng, và nếu muốn, tôi có thể mang theo máy ảnh nhưng không được chụp hình ông, cũng không được chụp tại khu vực ông đang tác nghiệp. Sẽ có vài thứ tôi phải giúp ông mà ông sẽ giải thích khi chúng tôi lên tàu. Tôi trả lời trong nỗi xấu hổ và khiếp sợ: “Thưa ông Cartier-Bresson, tôi sẽ sẵn sàng”. Ông nói: “Từ giờ hãy gọi tôi là Henri”.
    ...

  3. #3
    Tham gia
    14-10-2014
    Bài viết
    36
    (tiếp)
    Hôm sau Henri và tôi bắt tàu tới Jaipur. Khi đã yên vị tại buồng hạng nhất Henri tiết lộ với tôi rằng, do là một thực tập sinh, quy định của viện không cho phép cho tôi đi bằng máy bay cùng ông tới Jaipur, vì thế ông đã quyết định không bay mà đi tàu để chúng tôi được đi cùng nhau. Thêm nữa là việc tôi đi vé hạng nhất cũng là một ngoại lệ chỉ vì ông đã nài nỉ. Theo quy định của chính phủ thì tôi phải ngồi toa hạng ba.
    Khoảng 1 giờ sau tàu dừng tại một thị trấn nhỏ. Những người bán đồ ăn nhẹ, hoa quả và nước trà (chai walla) bu đầy xung quanh toa của chúng tôi. Chúng tôi mua một ít chuối và hai trà nóng từ một người bán dạo, và tàu lại nhanh chóng chuyển bánh. Chúng tôi thấy tỉnh hẳn và Henri nói rằng sau đây tôi luôn phải mua chỉ những loại hoa quả mà bóc vỏ được và thức uống đóng chai hoặc đun sôi. Suốt thời gian này chiếc Leica “chiến” bé nhỏ luôn trong tầm tay của ông.
    Ông rút một túi nylon nhỏ trong túi xách, nó chứa một cuốn sổ ghi chép, một thân Leica dự phòng bọc trong khăn mùi xoa, một ống kính góc rộng tiêu cự 35mm cũng được bọc trong khăn mùi xoa. Ông nói rằng tôi sẽ phải ghi chép vào sổ những mô tả về các địa điểm ông chụp một cách chính xác nhất có thể. Ông đưa hết cho tôi và chỉ dẫn rằng tôi phải luôn mang theo khi chúng tôi ra ngoài chụp. So với những đồ nhẹ và gần như vô hình đó của ông, tôi mang theo một chiếc Contarex to tướng mượn từ NID có cơ cấu màn trập rất ồn. Tôi thấy rất tệ.
    Mỗi khi tàu dừng Henri ra ngoài và chụp vài kiểu ảnh trong khi tôi ngồi trong buồng và trông đồ. Chúng tôi tới Jaipur lúc tối và về khách sạn. Henri xin lỗi và đề nghị tôi ở chung phòng vì tôi là thực tập sinh nên tôi không được thuê phòng riêng. Nhưng nếu muốn ở phòng riêng thì ông sẽ tự trả tiền. Tôi cảm ơn và nói: “không vấn đề gì đâu” và mang đồ lên phòng. Sau bữa tối chúng tôi trở về phòng và lần đầu tiên chứng kiến nghi lễ tối của ông.
    Sau khi thay đồ ngủ, ông ngồi lên giường và ghép 2 hộp phim Kodak lớn, mỗi cái ghi rõ ràng “Exposed” (đã chụp) và “Unexposed” (chưa chụp), một túi vải có phéc mơ tuya, một đống cuộn phim, kéo và một cuộn băng dính đen. Ông sắp xếp chúng gọn gàng trên giường và yêu cầu tôi không quấy rầy hoặc nói chuyện với ông trong vòng 1 giờ, mà chỉ ngồi xem ông làm và nếu có câu hỏi gì thì ông sẽ trả lời sau.
    (tham khảo: vnphoto. net/forums/showthread.php?t=48935&page=2)
    Ông kéo khóa chiếc túi đen và cho 2 hộp phim Kodak, các cuộn phim, và cuộn băng dính đen, sau đó khóa nó lại. Cái túi nạp phim vào ban ngày này có hai cái “lỗ tay” để cho tay vào để nạp phim. Ông cho hai tay qua hai cái lỗ tay của túi và bắt đầu lấy phim đã chụp ra khỏi các ống phim và cuốn lỏng chúng vào hộp phim thi chữ “Exposed”. Sau đó, cuộn phim từ hộp phim Kodak vào các ống phim để ngày hôm sau chụp tiếp. Trong lúc làm ông lẩm nhẩm các con số bằng tiếng Pháp.
    ...

  4. #4
    Tham gia
    14-10-2014
    Bài viết
    36
    (tiếp)
    Tôi đã quen với việc nạp vào và tháo phim ra khỏi ống phim vì tại NID chúng tôi đều phải học cách nạp phim vào ống phim của mình, nhưng chúng tôi làm việc này trong phòng tối rộng rãi, và thường là làm bừa bộn hết cả lên. Khi ông lúi húi làm việc này tôi cứ tự hỏi sao ông không mua quách nó các cuộn phim Kodak có sẵn cho nó nhanh. Lí do duy nhất mà chúng tôi tự cuộn phim vào ống là vì nó rẻ hơn.
    Ông cất riêng tất cả các thứ, trừ những ống phim mới nạp. Mỗi ống phim thò ra đuôi phim dài 3 inch (khoảng 7.62cm - ND). Ông cắt phần đuôi phim này còn 1 nửa thành một cái đầu để cuộn vào trục cuốn trên máy. Ông di ngón tay và làm ướt phim ở đầu cuộn. Ông cào xước phần đầu cuộn này với một dụng cụ bằng sắt như cái bút và viết ngày tháng và số của cuộn. Ông đánh dấu khoảng 20 cuộn như vậy và đưa cho tôi để nhét vào túi nylon trắng chưa thân Leica dự phòng. Mai tôi sẽ mang túi này đi cùng với sổ ghi chép.
    Henri giải thích phương pháp của ông: “Vì phải làm việc với phim nên tôi phải rửa tay bằng xà phòng và nước y như bác sỹ phẫu thuật trước khi động vào phim. Tôi tháo phim đã chụp từ ngày hôm trước ra khỏi ống phim và cuộn nó lại rồi cho vào hộp có chữ “Exposed film”. Sau đó tôi nạp phim mới vào các ống phim đã dỡ. Tôi không thích dùng các khay nạp phim ban ngày hiện có vì sợ làm xước phim. Tôi làm tất cả những điều này không phải để tiết kiệm tiền mà là để bảo vệ sản phẩm của mình. Trong những lần tới các đất nước và địa điểm khác nhau tôi chụp cả trăm cuộn phim. Chúng đề phải được gửi về lab ở Paris để tráng bởi người duy nhất mà tôi tin. Mua các cuộn phim thương phẩm có thể rất rủi ro và cồng kềnh. Chúng không được cất giữ đúng cách và có số lô khác nhau. Làm thế này thì tôi sẽ giảm thiểu kích thước và không bao giờ hết phim để chụp, dù ở nơi xa xôi thế nào.”
    Sau đó Henri lấy ra 1 dải phim 35mm nhỏ để cho tôi thấy cách ông gắn phim vào trục của ông phim và cách đếm số vòng trong túi như thế nào: “40 vòng như thế này sẽ có chính xác 36 phim cho mỗi cuộn. Gần như ngày nào tôi cũng làm như thế này, như một nhà sư vậy.” Tôi không hỏi thêm nữa. Tôi quá choáng ngợp với quá trình và sự kiên nhẫn của ông khi giải thích tất cả các chi tiết cho tôi.
    Sáng sớm hôm sau chúng tôi bắt một xe kéo tới trung tâm thành phố. Đột nhiên ông trở thành một người khác. Khi qua những phố nhỏ vào các hẻm, từ các chợ cóc vào những chợ lớn đông đúc, trong toàn bộ thời gian chụp, ông giấu mình hết mức có thể. Ông không mang theo túi đeo vai nên có thể di chuyển tự do trong các khu vực đông đúc. Ông không bao giờ đeo máy ảnh lên cổ như hầu hết những nhiếp ảnh gia khác. Thay vào đó, nếu không chụp ảnh, kể cả trong 1 thời gian ngắn, ông che chiếc Leica bằng một chiếc khăn mùi xoa và tiếp tục đi, tìm kiếm những tình huống hay ho để chụp. Khi thấy thứ mình thích, ông biến mất rất nhanh và tôi lại phải tìm. Khi vừa nhìn thấy thì ông lại biến mất. Ông bước đi rất nhanh và khi ai đó nhận ra họ đã bị ghi hình thì ông đã đi mất rồi.
    Rất hiếm khi ông chụp ảnh trong ánh nắng chói chang, thay vào đó ông thích chụp hình trong nguồn sáng phản chiếu hoặc trong vùng râm mát để tránh tương phản mạnh và để ghi lại được tất cả các chi tiết, cấu trúc và tông màu xám. Vì vậy ông hầu như luôn sử dụng phim Kodak Tri-X (400ASA). Cứ khoảng nửa giờ tôi lại đưa cho ông một cuộn phim mới và ghi chú vào cuộn phim đã chụp mà ông vừa đưa cho tôi. Tôi mừng vì mình không mang theo máy ảnh ngày đầu tiên đó. Tôi vui vẻ theo dõi ông hành động. Có rất nhiều thứ để học.
    ...

  5. #5
    Tham gia
    14-10-2014
    Bài viết
    36
    (tiếp)
    Tôi không thể tin được chiếc Leica của ông đơn giản đến thế nào. Thân máy không có cần cuộn phim. Để lên phim ông phải vặn cái núm tròn nhỏ 2 lần. Trên ống kính cũng không có vòng bắt nét. Ông phải tự tính khoảng cách và chọn thông số trên ống kính trong khi ghi lại những “khoảnh khắc quyết định” trong những nơi chật hẹp. Sau đó ông giải thích với tôi là cái này do cố tình. Sau nhiều năm ông đã đơn giản hóa phần kỹ thuật để phù hợp với cách chụp không gây chú ý của mình mà vẫn ra những bức ảnh hoàn hảo về kỹ thuật. Ví dụ, ông tính ánh sáng bằng mắt, mặc dù trong túi quần ông vẫn có để một cái đo sáng nhỏ. Vì ông chủ yếu chụp ở những chỗ râm nên ông để khẩu ở f/5.6 hoặc f/8 và tốc độ chụp từ 1/60s - 1/125s, như vậy ông có thể nhanh chóng chú ý đến chủ thể hơn. Ông giải thích: “kỹ thuật với tôi không quan trọng, mà là con người và hoạt động của họ.” Ông nói: “Hãy nghĩ về bức hình trước và sau khi, chứ không phải trong khi chụp. Bí quyết là tận dụng cơ hội nhưng phải rất nhanh.” Nói cách khác là không được cắt cúp ảnh, không được sử dụng những thủ thuật khi in. Hình ảnh được ghi lại trên phim tự nó phải có giá trị.
    Ngày lại qua ngày. Chúng tôi đến rất nhiều địa điểm ở Jaipur, bao gồm những địa điểm có rất nhiều người và các hoạt động. Vào buổi trưa khi quá nóng chúng tôi nghỉ 1 lát và ăn thứ gì đó an toàn tại chỗ luôn. Không thì chúng tôi ăn chuối, các loại hạt, nước đóng chai lạnh và trà nóng cả ngày. Mỗi ngày chúng tôi phải đi rất nhiều vì Henri chụp đến tận lúc mặt trời lặn. Tôi vẫn không đủ dũng cảm để dùng chiếc máy ảnh Contarex!
    Một quan chức cấp cao của Bộ thông tin bang Rajasthan mời chúng tôi tới nhà ăn trưa, và ông này cũng thuyết phục Henri phát biểu vào tối hôm đó tại buổi tụ tập của phóng viên địa phương. Sau khi chụp ảnh vào buổi sáng chúng tôi gặp vợ chồng ông này cùng hai đứa con gái tại nhà hàng. Henri biết rõ gia đình này qua những lần viếng thăm trước đó nên trong bữa trưa họ nói chuyện rất tình cảm. Hai bé gái gọi Henri là “Chú”.
    Sau bữa trưa ông chụp vài ảnh cho gia đình này. Rồi ông đưa tôi chiếc Leica, đứng chung với họ để chụp tập thể và yêu cầu tôi chụp một vài kiểu ảnh. Đây là lần duy nhất tôi chụp ảnh Henri, và dĩ nhiên là nó an toàn trong chiếc Leica của chính ông.
    Chiều hôm đó ông chợp mắt tại khách sạn và đến tối một chiếc xe của chính phủ đón chúng tôi tới một hội trường nhỏ có khoảng 50 phóng viên địa phương đang đợi Henri giữa một đống ghế gấp được dọn vội vàng. Bạn ông giới thiệu ông với các phóng viên và thông báo rằng họ phải tôn trọng sở nguyện của ông và không được chụp hình. Có thể thấy họ thất vọng thế nào trong những lời xì xào. Henri đứng dậy và xin lỗi vì hạn chế chụp hình, ông giơ cao chiếc Leica, nói rằng ông không thường xuyên phát biểu, mà chỉ đơn giản là cố gắng ghi lại sự thật với chiếc Leica nhỏ bé của mình. Ông chỉ có thông điệp là cố gắng ghi lại sự thật. Sau khi bắt tay, tán gẫu và ăn bốc, chúng tôi về khách sạn. Đêm đó Henri lại dành 1 giờ thực hiện công việc dỡ và nạp phim trong khi tôi ngồi xem.
    ...

  6. #6
    Tham gia
    14-10-2014
    Bài viết
    36
    (tiếp)
    Hôm sau là bắt đầu họp phiên tại một doanh trại quân đội ngoài thành phố Jaipur, phiên họp này sẽ diễn ra trong 5 ngày. Hàng trăm đại biểu và VIP đã tới vài ngày trước khi thủ tướng Indira Gandhi tới vào đêm trước, các tờ báo buổi sáng tràn đầy ảnh bà lúc đến nơi, và doanh trại có rất nhiều lều lớn. Thời gian khai mạc chính thức là 10 giờ sáng, nhưng chúng tôi đến sớm hơm nhiều vì Henri rất quan tâm đến đám đông xếp hàng dọc đường vào đợi để trông thấy đoàn xe hộ tống của Thủ tướng. Tôi vẫn chưa chụp một kiểu nào, nhưng Henri nài nỉ rằng tôi phải dùng máy ảnh của mình vào dịp này. Ông nói tôi phải chụp vài bức hình của bà Gandhi. Dù sao thì bà ấy cũng là thủ tướng nữ đầu tiên của chúng tôi. Tôi mừng vui khôn xiết.
    Sau khi chụp vài cuộn phim giữa đám đông, chúng tôi tới trước cái lều chính rất to. Chúng tôi được quý ông ăn trưa cùng hôm trước sắp xếp để vào với tư cách phóng viên. Cái lều chật ních những đại biểu quốc hội, đa số đội mũ Nehru trắng. Người ta làm một sân khấu tròn có hình nền Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru, xung quanh là hàng trăm quốc kỳ Ấn Độ. Dưới hình của hai đấng khai sinh ra nước Ấn Độ tự do, nữ thủ tướng đầu tiên, Indira Gandhi ngồi trên tấm đệm bọc vải hoa đặt trên thảm sàn cùng các bộ trưởng và cố vấn của bà. Không gian ngập những tiếng rì rầm vì theo dự kiến là bà Gandhi sẽ phát biểu trước các đại biểu.
    Henri và tôi chụp ảnh bà Gandhi và những người khác khi chúng tôi vào lều vào đi men theo sân khấu tới chỗ bà. Vì dùng cái Contarex rất ồn nên tôi đứng cách Henri càng xa càng tốt. Bà Gandhi nhận ra Henri từ xa liền đứng bật dậy và lật đật tới mép sân khấu cười tươi chào ông. Henri chắp tay trong tư thế Namaste và lại gần bà. Bà cúi người ở mép sân khấu, nắm lấy tay ông một cách trìu mến, họ nói chuyện thân mật bằng tiếng Pháp. Henri không quên giới thiệu tôi với bà. Thật khó mà dằn lòng. Tôi bị rúng động. Tất cả những gì tôi làm được là gật đầu với bà. Bà liền mỉm cười và nói bằng tiếng Hindi: “Unka achha khyal karo.” (“Chăm sóc ông ấy tốt nhé!”) Henri đưa chiếc Leica lên vẫy chào bà khi bà trở lại sân khấu. Năm ngày sau đó chúng tôi dường như là những người VIP nhất ở đó.
    ...

  7. #7
    Tham gia
    14-10-2014
    Bài viết
    36
    (tiếp theo và hết)
    Sau phiên họp 5 ngày chúng tôi dành những ngày còn lại chụp những làng gần đó trước khi bắt tầu về Ahmedabad. Tôi tiếp tục phụ tá Henri vài ngày nữa ở Ahmedabad, trong “phố cổ” và những nơi xung quanh. Tôi rửa một vài cuộn phim của mình ở Jaipur và cho ông xem các bản in tiếp xúc và ông dậy tôi một bài học. Ông dùng bút chì đánh dấu trên một vài tấm hình và yêu cầu tôi in ra ảnh 8x10. Ông xem các ảnh, lần lượt úp chúng xuống và chọn một tấm duy nhất. Ông cầm tấm ảnh, và lại úp nó xuống. Ông cho tôi thấy một “đường cong” thú vị mà các chủ thể tạo ra trong bố cục. Ông nói: “Tất nhiên là kiểu bố cục này chỉ tốt nếu nó có thêm nhiều thông tin, biểu đạt hay hành động thú vị trong ảnh.”
    Rồi một ngày ông tới và cảm ơn tôi đã giúp đỡ. Ông thông báo rằng ông sẽ đi Trivendrum ở Nam Ấn Độ, và sẽ không quay lại NID nữa. Ông đưa cho tôi địa chỉ nhà ở Paris và nói rằng nếu có dịp tới Paris, dứt khoát tôi phải cho ông biết. Tôi rất buồn khi ông đi và nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được thấy ông nữa.
    Ngạc nhiên thay, sáu tuần sau đó, vào đầu tháng 5 năm 1966 một bì thư lớn gửi tới NID cho tôi từ Henri chứa một vài trang hình ông chụp ở Pháp nhưng được xuất bản trên một tạp chí Đức. Trong đó có 4 bức ảnh màu khiến tôi rất ngạc nhiên. Các bức hình không được xuất bản theo kiểu viền đen điển hình của HCB cũng khiến tôi rất ngạc nhiên. Tôi cho các bạn học xem và đến nay vẫn giữ chúng như một kỷ niệm.
    Tháng đó tôi cũng có tin vui từ NID. Tôi cùng với hai bạn học được chọn đi Basel, Thụy Sỹ để học nâng cao về Thiết kế Đồ họa trong vòng 1 năm. Tôi cũng phải ký cam kết với NID. Tôi biên thư cho Henri để xin tư vấn và trong thư đáp ông trả lời quan điểm và yêu cầu tôi chi tiết về chương trình học.
    Một năm sau, vào tháng 9 năm 1967 tôi tới Basel cùng hai bạn học để học Thiết kế Đồ họa. Sau khi liên lạc với Henri, trong kỳ nghỉ tháng 3 năm 1968 tôi tới Paris bằng xe con với một trong các giáo viên của chúng tôi. Henri ân cần mời tôi tới nhà và tôi vui mừng khôn xiết khi thấy ông sau hai năm. Buổi tối ông đưa tôi đi xem cuộc sống đêm của Paris. Tôi đã rất choáng ngợp rồi nhưng sau đó ông còn đưa tôi tới Lido Club trứ danh. Chúng tôi ăn tối cùng nhau. Thật là quá sức tưởng tượng của tôi. Chúng tôi dành cả ngày ngắm cảnh, tới các hiệu sách, quán cà phê và chợ. Tôi sẽ không bao giờ quên sự hào hiệp và tử tế của ông với tôi.
    Trước khi rời Paris về Basel, ngày 16 tháng 3 năm 1968, Henri ký tặng vào một cuốn sách ảnh bỏ túi của ông về Cách mạng Trung Quốc và chế độ Mao Trạch Đông và đưa cho tôi. Tôi vẫn còn cuốn sách nhỏ đó và rất nâng niu, như nâng niu những kỷ niệm của tôi về Henri.
    Cảm ơn Henri.

  8. #8
    Tham gia
    14-10-2014
    Bài viết
    36
    Đây là một câu chuyện khá thú vị về người được coi là cha đẻ của thể loại "đời thường", một thể loại rất khó mà những người mới chụp tưởng dễ vì tên của nó.
    Cũng có nhiều người phàn nàn và thậm chí khó chịu khi ai cũng thần thánh hóa HCB, nhưng qua câu chuyện này có thể thấy ông là:
    - Người có con mắt nhìn bố cục thuộc loại thiên bẩm
    - Rất nghiêm túc trong công việc: ví dụ đi Ấn vì nể chủ nhà mà hút 'blang' để rồi say lăn quay ra, sau đó ông ta không dám ăn uống linh tinh mà dặn phụ tá mua đồ ăn bóc được vỏ và đóng chai hoặc đun sôi để tránh bị ảnh hưởng đến sức khỏe, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất lao động
    - Rất chịu khó: ví dụ ông chụp từ sáng sớm đến tối mịt, ăn uống ngay tại nơi vừa dừng chụp, một ngày đi rất nhiều
    - Chụp rất nhiều: một ngày ông dự phòng 20 cuộn phim, tức là 720 kiểu ảnh. Theo như tác giả bài viết thì ông thay mỗi nửa tiếng 1 cuộn, tức là ông có thể chụp tầm 10-15 cuộn/ngày, tương đương với số lượng ít nhất là 300-500 ảnh một ngày, bằng máy ảnh phim. Con số này cũng thuyết phục vì Ishu Patel cũng bảo là lúc ở giữa đám đông đón đoàn rước thì họ cũng đã chụp hết vài cuốn phim, tức là khoảng hơn 100 kiểu.
    Những thông tin này rất thú vị, vì thông thường theo quan điểm chung thì người dùng máy phim sẽ rất chắt chiu phim, vốn là thứ rất đắt thời nay và rất nhiêu khê khi rửa, tráng. Với hàng khủng như HCB thì ông này không có ảnh hỏng về kỹ thuật, nhưng rõ ràng là với những thông tin trên thì để ảnh "đạt", "tốt", đến khi có "khoảnh khắc quyết định" là rất nhiều mồ hôi.
    Quan điểm này khiến em thay đổi cách chụp ảnh đời thường hiện tại: em không sợ trong thẻ nhớ của mình có quá nhiều ảnh rác nữa (em đã từng chụp film, và bỏ).
    ---
    Nhân đây em post bài của Ken Rockwell về HCB, tất nhiên thông tin của Ken về HCB thì chưa chắc đã chuẩn và bài này thì em dịch từ khá là lâu rồi:
    Cartier-Bresson và máy Leica

    Biểu tượng của nhiếp ảnh Henri Cartier-Bresson được biết đến với việc chỉ sử dụng một chiếc máy ảnh, đó là một chiếc Leica rangefinder, và một ống kính, là ống 50mm, cho gần hết sự nghiệp của mình.

    Các nhiếp ảnh gia đã luôn nghĩ rằng điều này cho phép ông tập trung hơn và do đó ông luôn biết chính xác cái gì sẽ hiện ra trong khuôn hình mà không cần ống ngắm. Ông có thể xuống phố, vẽ ra chiếc máy trước mặt và chụp, tất cả chỉ trong 1 thao tác trơn tru và không bị phát hiện.
    Đó là điều mà những nhiếp ảnh gia chưa bao giờ mua ống Leica nghĩ.

    Có người gửi cho tôi một chiếc Leica M4-P để tôi có thể nhận xét về các ống kính Leica M. Chiếc máy này được gửi cùng với một ống 50mm.

    Nó cần phải đem đi sửa, nên tôi đã gửi trả lại. Quy trình của nợ này tiêu tốn của tôi hơn cả một chiếc Nikon D40 với ống kính!

    Tôi bắt đầu mua ống Leica vì tò mò.

    Chiếc ống cơ bản và rẻ tiền nhất là Leica 28mm f/2.8 bắt nét thủ công và điều khẩu thủ công trị giá 1 500 ôbama sau khi giảm giá tạm thời. Với tiêu cự 90mm, may là Leica tạo ra một dòng ống giảm giá. Chiếc ống cơ bản nhất là Leica 90mm f/2.5 chỉ trị giá 1 295 ôbama sau khi giảm giá tạm thời.

    Rất dễ để khuôn hình một ống kính có tiêu cự cố định bằng cách tiến và lùi. Những nhiếp ảnh gia kém cỏi, những người đã quen với các ống zoom mờ tịt, thường quên điều này. Tôi cũng bắt đầu nghĩ là sẽ như Cartier-Bresson và chỉ sử dụng mọt ống kính mình có để chính mình chụp, và mượn các ống còn lại khi kiểm tra cho các bạn.

    Và rồi tôi cũng sáng ra. Sau bao nhiêu thập kỷ nghĩ Cartier-Bresson chụp với chỉ một ống kính vì nó cho phép ông chụp nhanh và trơn tru hơn, tôi nhận ra là Cartier-Bresson thực ra, ờ, hóa ra là một nhà báo. Các nhà báo thì chẳng được trả cái gì. Họ chẳng phải là những kẻ sưu tầm giàu có mua các đồ Leica, lãng mạn hóa về sự huyễn hoặc và độc nhất của “cách nhìn Leica”, là cách mà các máy ảnh được đặt trong các hộp kính và các hộp trưng bày Đám cưới Hoàng gia Hà Lan.

    Rõ ràng là Cartier-Bresson đã đến một cửa hiệu máy ảnh của Paris, và mua chiếc Leica cùng với ống kính của ông sau bao lâu tằn tiện.

    Ông thích nó, và khi ông trở lại để mua một ống kính khác, thấy giá tiền, kêu lên: “Đcm!” và lập tức chuồn thẳng. Cartier-Bresson không bao giờ dám quay trở lại cửa hiệu máy ảnh đó.

    Đó là lí do vì sao ông chỉ chụp với một ống kính suốt cả sự nghiệp: đó là tất cả những gì ông có thể trả, và ông xuất thân từ một gia đình rất giàu có!

    Thế tại sao sau thứ ông chụp trông như của một chiếc máy đắt tiền? Cartier-Bresson bắt đầu chụp từ những năm 1930. Trong thập niên 30, Contax là máy ảnh tốt, và những phóng viên ảnh nghiêm túc chụp theo kiểu ứng biến (cả 3 lão hồi đó) thay vào đó phải dùng máy Leica. Lúc đó Nikon và Canon vẫn chưa được phát minh.

    Khi Cartier-Bresson bước vào cửa hiệu máy ảnh đó trong những năm 30, Leica là tất cả những gì mà những người phải lao động vất vả kiếm sống có thể chi trả. Cartier-Bresson lúc đó chỉ là một nhà báo, dù rằng giờ thì ông đã là một biểu tượng. Tôi được biết, chân dung của ông có thể tô vẽ tờ 100 Ơ.

    Nhưng đợi đã – giá đề xuất của chiếc Nikon D3X năm 2008 rất phi lí.

    Thử nghĩ xem: bạn có thể giật 8000 ôbama vào toilet với chiếc Nikon D3X. Một chiếc D3X không thể chụp hình cho đến khi bạn mua ống kính và thẻ nhớ, và nạp các cục pin.

    Chỉ với 8 080 ôbama, bạn có thể mua một chiếc Leica M7 mới hoàn toàn, và các ống 28mm, 50mm f/2 và 90mm. Bạn có thể có một bộ Leica đầy đủ với giá bằng với giá của thân máy Nikon trần trụi. Bạn có thể dùng ống 50mm f/2.8 (thay vì 50mm f/2 – ND) và tiết kiệm 200 ôbama, hoặc tiết kiệm 1 000 ôbama mà chả thèm đến ống 50mm. Bạn cũng có thể trả ít hơn nhiều khi tìm mua các thứ trên đã qua sử dụng.

    Bạn có thể chụp với bộ Leica trong nhiều năm.

    Trong 3 năm tới, chiếc Nikon D4 sẽ được công bố. Lúc đó, thân máy D3X sẽ có giá vào khoảng 775 ôbama. Bộ Leica của bạn? Ờ, nó sẽ vẫn tạo ra những bức hình đẹp, và với hiểu biết hạn hẹp của tôi về giá của Leica, với lạm phát, bộ Leica tương tự sẽ có thể có giá 10 000 ôbama, chứ không phải là 775 ôbama như chiếc D3X khi mất giá số (1).

    Leica có thể đắt, nhưng nó thật sự đáng tiền so với máy số.

  9. #9
    Tham gia
    14-10-2014
    Bài viết
    36

    Pin máy ảnh

    (Nhân tiện em post 1 bài em dịch cũng từ khá lâu, nhưng chắc là không cũ về pin cho các dòng máy film cổ)
    PIN MÁY ẢNH
    tác giả: Karen Nakamura
    nguồn: http://www.photoethnography.com/Clas...html~mainFrame
    (có điều cái nguồn này tèo rồi)
    CÁC CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT PIN

    Pin ô-xít thủy ngân (Mercury) : loại pin này được sử dụng rộng rãi cho rất nhiều máy ảnh cổ điển trong những thập niên 60 và 70 cho các hệ thống đo sáng CdS (cadmium sulfide). Những pin này cho dòng 1.35V ổn định trong suốt thời gian sử dụng. Điều này khiến máy ảnh không cần mạch điều chỉnh điện thế, khiến giá thành sản xuất giảm đáng kể. Không may là loại pin này bị cấm tại Mỹ trong thập niên 80 và đã ngừng sản xuất.

    Pin ô-xít mangan (Alkaline): Loại này cho dòng 1.5V giảm nhanh theo thời gian sử dụng. Chúng có sức điện động lớn nên không thể xả nhanh. Điều này làm giảm tính hữu dụng khi sử dụng với các thiết bị như flash hay motor drive.

    Pin ô-xít bạc: Từ thập niên 70, các nhà sản xuất máy ảnh bắt đầu chuyển sang dòng pin ô-xít bạc loại "cúc áo". Những pin này cho dòng 1.55V giảm dần theo thời gian sử dụng - không giảm nhanh như các pin alkaline, nhưng nhanh hơn pin ô-xít thủy ngân. Do đó các máy ảnh phải sử dụng thêm "mạch cầu" để giảm ảnh hưởng của việc giảm điện thế.

    Pin lithium: Tới thập niên 90, ngay cả những máy ảnh tương đối thuần cơ khí như Leica M7 cũng cần tới nguồn vì chúng có các bộ xử lí phức tạp. Các nhà sản xuất máy ảnh bắt đầu đẩy mạnh sử dụng các pin lithium. Sựa trên hóa chất kim loại nhẹ, các pin lithium có dung lượng rất lớn so với kích thước của chúng - gấp nhiều lần pin alkaline hay pin ô-xít bạc. Chúng hoạt động ở môi trường lạnh tốt hơn và có tuổi thọ trên 10 năm. Điểm không hay duy nhất là lithium gây ô nhiễm, nên bạn hãy vứt bỏ các pin lithium tại các trung tâm tái chế được cấp phép.

    Pin sạc: các pin Nickel-cadmium (NiCad) đang bị thay thế dần bởi các pin sạc loại mới hơn là Nicek-Metal-Hydride (NiMH). Với cùng kích cỡ AA phổ thông, các pin NiMH có thể có dung lượng tới 2400mAH. Không như các pin alkaline, loại NiMH có sức điện động thấp nên rất lý tưởng khi dùng cho flash (cảnh báo: không phải flash nào cũng tương thích với các pin NiCad/NiMH).

    CÁC LOẠI PIN CHO MÁY ẢNH CỔ ĐIỂN
    (Dưới đây chỉ liệt kê các loại pin đã ngừng sản xuất và giải pháp thay thế chúng cho các loại máy khác nhau.)

    Pin PX-27 (tên khác: EPX27, V27PX, 4NR43)
    Thông số:
    - Dung lượng: 5.6V
    - Loại: Mercury Silver
    - Kích thước: ...
    - Tình trạng: ngừng sản xuất
    ---
    Dùng cho các máy: Minox 35 GL và Minox
    ---
    Giải pháp thay thế:
    1) Dùng 4 pin SR44 1.5V, hoặc PX-28A hoặc PX28S cho các máy không bị ảnh hưởng bởi chênh lệch điện thế.
    2) Dùng bộ chuyển cho Minox 35 để dùng pin SR44.
    ---
    Pin PX-32 (tên khác: Eveready TR164, E164, Varta 164PX, National/Panasonic HM-4N, Rayovac RPX-32, ANSI 1404M, IBC 4NR52)
    Thông số:
    - Dung lượng: 5.6V
    - Loại: Mercury Silver
    - Kích thước: nặng 36g, đường kính 17.0mm, cao 44.5mm
    - Tình trạng: ngừng sản xuất
    ---
    Dùng cho các máy: Yashica GSN
    ---
    Giải pháp thay thế:
    1) Rất nhiều máy ảnh, bao gồm cả dòng GSN, có thể dùng pin alkaline loại PX-28A 6V kèm theo 1 lò xo để bổ sung phần thiếu trong hộc pin.
    2) Dùng 4 pin LR44 1.5V
    3) Dùng PX-32A
    4) Một vài máy (không phải máy GSN) cần hiệu chỉnh mạch đo sáng do sai khác giữa nguồn 5.6V và nguồn 6V
    5) Dùng bộ chuyển để dùng cho pin PX-28A. Các bộ chuyển này có chứa đi-ốt để hạ dòng xuống 5.6V
    ---
    Pin PX-400 (tên khác: Energizer E400N, ANSI 1116M, IBC MR42)
    Thông số:
    - Dung lượng: 1.35V
    - Loại: Mercuric Oxide
    - Kích thước: nặng 1.40g, đường kính 11.6mm, cao 3.6mm
    - Tình trạng: ngừng sản xuất
    ---
    Dùng cho các máy: Asahi Pentax Spotmatic SP, SPII, SPIIa...
    ---
    Giải pháp thay thế:
    1) Dùng pin Energizer E387S 1.55V
    2) Các pin nói trên dùng được với Spotmatic vì các máy này có mạch cầu điều chỉnh điện thế, với các loại cũ hơn có thể có vấn đề.
    3) Dùng bộ chuyển CRIS H-B và pin bạc 377. Bộ chuyển này có đi-ốt hạ điện thế, mặc dù với các máy Spotmatic là không cần thiết.
    4) Các pin kẽm-khí (Zn/O²) có điện thế ổn định khi sử dụng nên có thể dùng được cho nhiều máy ảnh cổ. Điểm bất lợi là dòng pin này chỉ sống được vài tháng.
    ---
    Pin PX-625 (tên khác: Eveready E625, ANSI 1123M, IBC MR9 PX13, EPX13, H-D, 1124MP, EPX625)
    Thông số:
    - Dung lượng: 1.35V, 450mAH
    - Loại: Mercuric Oxide
    - Kích thước: nặng 4.20g, đường kính 16.0mm, cao 6.2mm
    - Tình trạng: ngừng sản xuất
    ---
    Dùng cho các máy: Canon Canonet, Miranda Sensorex, Yashica Lynx 14, Yashica-Mat 124/124G
    ---
    Giải pháp thay thế:
    1) Nhiều máy có thể sử dụng trực tiếp pin PX-625A (còn gọi là Energizer E625G) 1.5V
    2) Một số loại khác dùng PX-625A với cách hiệu chỉnh cho mạch đo sáng. Nếu khéo tay thì bạn cũng có thể tự làm.
    3) Dùng pin kẽm-khí.
    4) Dùng bộ chuyển và pin 386. Các bộ chuyển này có chứa đi-ốt để hạ dòng xuống điện thế yêu cầu.
    ---
    Pin PX-640
    Thông số:
    - Dung lượng: 1.35V
    - Loại: Mercuric Oxide
    - Kích thước: nặng 7.94g, đường kính 15.9mm, cao 11.2mm
    - Tình trạng: ngừng sản xuất
    ---
    Dùng cho các máy: Minolta Hi-Matic, Yashica GX, Nikon F meter
    ---
    Giải pháp thay thế:
    1) Máy Yashica GX có thể dùng pin SR44 1.5V có chèn thêm lá đồng
    2) (có thể Hi-Matic cũng dùng được LR44)
    3) Làm thiết bị chuyển theo hướng dẫn của Paul Birkeland-Green cho Nikon F meter.
    ---
    Pin PX-675 (tên khác: EPX675, RPX675, KX675, HD675, MR44, H-C)
    Thông số:
    - Dung lượng: 1.35V, 210mAH
    - Loại: Mercuric Oxide
    - Kích thước: đường kính 11.6mm, cao 5.4mm
    - Tình trạng: ngừng sản xuất
    ---
    Dùng cho các máy: Petri Color 35, Konica T3, Konica Autoreflex A, Konica T2, Konica Auto S3
    ---
    Giải pháp thay thế:
    Một số máy có thể dùng pin SR55 1.5V có cùng chiều cao, nhưng đường kính bé hơn 1 chút.

  10. #10
    Tham gia
    14-10-2014
    Bài viết
    36
    Em xin chia sẻ thêm 1 video clip về ảnh phóng sự/đời thường do em nghe chép lại & làm phụ đề:

Trang 1 / 2 12 Cuối cùngCuối cùng

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •