Ảnh Đường phố
Chắc không phải bàn thêm rằng ảnh Đường phố là một thể loại vô cùng phong phú và luôn chất chứa nhiều cảm xúc, nó không quá khắc khe đòi hỏi nhiều về thiết bị và hơn nữa nó bình đằng với mỗi chúng ta. Ở đâu có sự sống thì ở đó có thể cho ảnh. Khác với những phóng viên ảnh chuyên nghiệp khi họ có nhiệm vụ ghi lại những sự kiện, biến cố trong đời sống loài người thì chúng ta chỉ đơn thuần ghi lại cảm xúc riêng tại nơi mình sống hay đi qua. Ảnh Đường phố phản ảnh tâm trạng, tình cảm và cách đối diện của người chụp với cuộc sống nên nó luôn là những tấm ảnh không thể lặp lại dù chúng ta đến cùng một nơi, ngay cả khi chụp cùng một thời điểm. Nếu cuộc sống là một bản nhạc thì ảnh Đường phố ghi lại những giai điệu ấy bằng hình ảnh giúp chúng ta có thể nghe lại hay chia sẽ những cảm xúc đó thông qua thị giác.
Tại sao lại là RangeFinder và ở trong Box film?
Xin được quote lại một đoạn mà Trauvang đã dịch từ tài liệu do bác Bonny gửi lên:
Ảnh đường phố không giới hạn người nghệ sĩ sử dụng thiết bị gì, bằng kĩ thuật số hay một công nghệ nào đó trong tương lai. Nó cũng sẽ không bị ảnh hưởng ngay cả khi mỗi người trên hành tinh đều có máy ảnh và thường xuyên chụp. Ngày nay mỗi chúng ta đều có bút nhưng đâu phải vì thế mà văn học phát triển đúng không.
Thiết bị hay công nghệ cũng chỉ giúp ta đưa đến một kết quả cuối cùng là ảnh, điều đó cũng hoàn toàn đúng, thiết bị không ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc khi bấm máy cũng không sai. Tuy nhiên nó lại gián tiếp hỗ trợ quá trình hình thành tư duy về nhiếp ảnh. Việc lựa chọn thiết bị phù hợp sẽ giúp chúng ta đến được cái đích gần nhất với thời gian ngắn nhất. Hẳn chúng ta không còn lạ với câu nói nổi tiếng của Robert Capa:
“If your pictures aren’t good enough you’re not close enough”
Hay một đúc kết sau một đời cầm máy của người đã từng tác nghiệp ở 120 nước trên thế giới, tác giả cuốn sách ảnh nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, Vietnam Inc vừa mới qua đời là Philip Jones Griffiths:
"Điều duy nhất mà các phóng viên ảnh chúng tôi thực sự mong muốn hơn cả sự sống, hơn cả sex và hơn mọi thứ khác đó là được trở thành vô hình".
Đối với người yêu ảnh Đường phố thì những đúc kết đó hẳn sẽ ngấm sâu vào tận xương tủy. Tại sao? Nếu bạn đã từng ngồi tàu và bỏ cả bến xuống của mình để theo bám một gương mặt nơi chất chứa cái cảm xúc mà bạn muốn ghi lại thì lúc đấy bạn mới hiểu và cảm thấy một chiếc máy nhỏ gọn với tiếng shutter thật êm là cần thiết đến mức nào. RangeFinder cho ta những tính chất cần thiết ấy. Bé nhỏ và không ồn ào giúp ta tiến gần hơn với cái ước mơ lớn nhất của Philip đó là trở thành vô hình.
RangeFinder và film là một sự kết hợp hoàn hảo cho thể loại Đường phố?
RangerFinder.
Có lẽ để đánh giá tính phù hợp của mỗi dòng thiết bị thì cách tốt nhất là đem chúng để so sánh với một dòng khác. Cụ thể ở đây ta so sánh RF và SLR là hai dòng máy gần nhau và tương đối phổ dụng.
- Focus: RF rất khó canh nét so với SLR vì chỉ có một điểm rất nhỏ và mờ ở giữa. Khó khăn này buộc người dùng phải tập luyện kĩ năng scale focus, đoán trước khoảng cách từ vị trí chụp đến đối tượng. RF luôn được hiểu chụp cùng lens fix mà phổ biến nhất là hai tiêu cự 50 và 35mm. Với khả năng đoán trước được khoảng cách và quen với góc nhìn thì sau một thời gian tập luyện cho phép người chụp nhìn trước được khuôn khổ tương đối của tấm ảnh mình sẽ chụp trong không gian.
- Viewfinder: Trong khi SLR cho ta sự yên tâm vì tấm ảnh là sự toàn vẹn của những gì ta nhìn thấy trong khung ngắm thì RF lại không thế, những gì thực sự được ghi nhận vào film lại chỉ là một phần diện tích của khung ngắm mà thôi. Điều này đôi lúc gây sự hoang mang và mất tập trung cho những lần đầu sử dụng máy, nhưng khi đã quen thì nó cho ta một tầm quan sát rộng hơn, biết trước được đối tượng nào đang di chuyển vào trong khung hình hoặc những sự việc xảy ra từ bên ngoài nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến những đối tượng bên trong khung ngắm. Như em đã từng viết ở đâu đó: Theo tài liệu của Leica thì cách tốt nhất để ngắm với RF là mở cả hai mắt, tập luyện được kĩ năng này sẽ cho ta duy trì được tầm nhìn mà không bị cản trở bởi thiết bị, ảnh ghi nhận chỉ là một phần rất nhỏ so với toàn bộ những gì ta nhìn thấy. Hay nói một cách khác bức ảnh cuối cùng chính là một crop từ một tấm ảnh lớn, do đó nó chỉnh chu và xúc tích hơn.
- Đo sáng thủ công: Với các máy manual của cả RF và SLR đều thường tích hợp sẵn hệ thống đo sáng trong máy. Tuy nhiên, thực tế với ảnh Đường phố việc setup khẩu/tốc sau khi đưa máy lên đôi khi là không đủ thời gian để bắt khoảng khắc, việc đo sáng thủ công để cho ra một kết quả tương đối không chỉ đơn thuần giúp ta tác nghiệp nhanh hơn mà thông qua cường độ ánh sáng, sự chênh lệch giữa shadow và highlight còn giúp ta quyết định có theo đuổi khung hình đó hay không hoặc phải chọn một góc khác phù hợp.
Trong một tấm ảnh nếu đối tượng chính được bao quanh nó bởi một đường viền thì ta tạm gọi nó là “vùng chính”, phần còn lại trong khung hình là “vùng phụ”. Người mới chụp luôn có xu hướng tập trung tối đa vào “vùng chính” trong khi những người có kinh nghiệm lại quan tâm rất nhiều đến “vùng phụ”. Vùng phụ thường là vùng quyết định nhiều đến thành công của một tấm ảnh bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến bố cục và ánh sáng.
Mọi thứ đều thủ công và tại sao lại phải khổ như thế?
Kết quả của sự khổ luyện KHÔNG PHẢI đem đến cho chúng ta sự KHÁC NGƯỜI mà giá trị đích thực của nó đem lại đó là: Kĩ năng NHÌN.
Nếu như sự trải nghiệm và cảm xúc của chúng ta về cuộc sống được thể hiện thông qua toàn bộ các tác phẩm mà chúng ta đã chụp thì sự NHÌN lại ảnh hưởng trực tiếp đến từng tấm ảnh đó. Kĩ năng NHÌN là yếu tốt số một quyết định sự thành công của nhiếp ảnh Đường phố, ảnh Đường phố không có các bài tập setup ánh sáng như thể loại Studio, càng không thể chủ động bố cục như thể loại Still life nên việc nhìn-thấy-tấm-ảnh trước khi ta đưa máy lên là vô cùng quan trọng. Để có được kỹ năng NHÌN tốt thì ngoài cảm xúc, sự trải nghiệm chúng ta cần thêm sự hiểu biết sâu sắc về kĩ thuật của từng khung hình với KHÔNG một thiết bị nào hỗ trợ, hay nói cách khác ta có thể chụp ảnh với KHÔNG chiếc máy ảnh nào trong tay. Khi tập luyện được kĩ năng nhìn ta có thể tác nghiệp được mọi lúc mọi nơi (chỉ trừ khi ngủ) và điều khác biệt duy nhất là ta ghi lại hình ảnh đó như thế nào, vào kí ức hay sensor/film mà thôi.
Film.
Một tấm ảnh thành công là kết quả của một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu. Nó thể hiện sự hiểu biết về nghệ thuật của người chụp với thể loại ảnh đó chứ không chỉ đơn thuần là một cú bấm máy. Với ảnh Đường phố thì điều đó càng đúng hơn bởi đó là cách cảm nhận về cuộc sống. Chúng ta thậm chí phải dành cả đời để có được sự trải nghiệm, hiểu biết về cuộc đời trong khi để bấm máy đúng kĩ thuật thì thời gian cần nhiều lắm là vài ba tháng mà thôi. Đánh giá nghiêm túc, khắt khe những tấm ảnh của mình và học hỏi các tấm ảnh đã thành công khác là yếu tố quan trọng cho những người muốn đi xa hơn trong thể loại ảnh Đường phố. Và như vậy film luôn là một gợi í tốt bởi tính nghiêm túc xuyên suốt từ quá trình ghi nhận ánh sáng tới việc đánh giá và phản biện tác phẩm.
Cuối cùng, ảnh Đường phố thể hiện sự hiểu biết và tình cảm của chúng ta đối với cuộc sống thông qua kĩ năng nhìn. Để có được kĩ năng nhìn thì còn vô vàn cách khác, sử dụng thiết bị nào và có thật sự cần đến chiếc camera hay không? Những câu hỏi đại loại như vậy thì chỉ có bạn mới tìm được câu trả lời cho chính mình. Bài viết này chỉ dừng lại ở việc tập hợp kiến thức và những trải nghiệm chủ quan của cá nhân nhằm chia sẻ với những người yêu mến thể loại ảnh Đường phố, có cùng nhận định về tính phù hợp của dòng máy RF chụp film cho việc tập luyện kĩ năng nhìn. Topic cũng là nơi để chúng ta cùng nhau post, bình ảnh và thảo luận những vấn đề liên quan đến ảnh Đường phố nó riêng và các đời máy dòng RF nói chung.
Trauvang xin lỗi vì không có nhiều thời gian nên viết hơi bị dài và lủng củng, sợ tới đây bận hơn sẽ càng không viêt được nên viết cố, có gì chưa đúng mong các bác điều chỉnh giúp. Hơn nữa như các bác biết đấy, chúng ta có chung một cái bệnh là... đều lười viết như nhau.
Nice weekend to all,
Trauvang.