Trang 1 / 12 12311 ... Cuối cùngCuối cùng
Hiển thị kết quả từ 1 đến 10 / 113

Chủ đề: Nhiếp ảnh sản phẩm – Bắt đầu từ đâu ?

  1. #1
    Tham gia
    05-09-2008
    Location
    Hà Nội
    Bài viết
    155

    Lightbulb Nhiếp ảnh sản phẩm – Bắt đầu từ đâu ?

    Mình đã và đang nghiên cứu lĩnh vực này được một thời gian, mình lập topic này để chia sẻ các kiến thức của mình về Nhiếp ảnh sản phẩm nói riêng và Nhiếp ảnh nói chung. Mong các bác ủng hộ và góp ý để topic được hoàn thiện hơn. Em xin cảm ơn.

    Nhiếp ảnh sản phẩm – Bắt đầu từ đâu ? (Phần 1) – Sách

    Nhiếp ảnh sản phẩm nói riêng hay nhiếp ảnh nói chung đều liên quan tới việc hiểu và sử dụng ánh sáng. Đặc biệt với lĩnh vực ảnh sản phẩm, ẩm thực nói riêng, do đặc thù có thể kiểm soát được ánh sáng và tạo ra thứ áng sáng theo nhu cầu với từng loại vật liệu khác nhau nên việc hiểu về tính tương tác giữa sản phẩm và ánh sáng là điều quan trọng nhất.

    Trong series cho người mới bắt đầu, mình sẽ đề cập tới các bước đầu tiên để chúng ta có thể bắt đầu với lĩnh vực này theo tuần tự cần phải có. Mở đầu chắc nên nói về sách, và kiến thức nền tảng.

    Lĩnh vực ảnh sản phẩm cũng như các lĩnh vực khác, nó có vô vàn các sách khác nhau viết về Product Photography (Tablettop Photography) cũng như các khóa học của các nhiếp ảnh gia có tiếng. Sau khi đọc và tham khảo nhiều nguồn, mình thấy các cuốn sách sau sẽ thực sự cần thiết và thiết thực cho những ai đã và đang có ý định theo lĩnh vực này.


    -Light Sciene & Magic – An Introduction to Photographic Lighting: Sách được thiết kế theo một khung chương trình đào tạo về ánh sáng. Ở chương đầu, sách giới thiệu các tính chất cơ bản và đặc tính của ánh sáng. Từ các chương sau trở đi, sách tập trung phân tích về các loại ánh sáng khác nhau và đặc tính của nó khi tác động lên các loại vật liệu. Cuốn sách cũng đi rất chi tiết và phân tích tỉ mỉ các hiệu ứng, làm sao để một sản phẩm được tạo khối, làm sao để mô tả được các văn hoa bề mặt. Đặc biệt có 2 chương riêng biệt được viết cho 2 loại vật liệu khó nhằn nhất là Kim loại bóng(VD inox) và Thủy Tinh. Với từng mục, sách đều có minh họa và sơ đồ bố trí ánh sáng để người đọc có thể tham khảo và thực hành. Quyển sách thực sự mang nhiều kiến thưc hàn lâm, mỗi lần đọc lại sẽ giúp chúng ta vỡ ra các vấn đề mới.





    - The Photographer’s Eye: Composition and Design for Better Digital Photos: Cuốn sách thú vị nhất ở các chương 1 và 3, ở các chương này, cuốn sách mô tả chủ yếu về cách và hiệu ứng mang lại khi chúng ta thưc hiện crop ảnh. Vượt qua các giới hạn và các qui tắc vàng 1/3, mạnh dạn crop ảnh với các bố cục khác nhau sẽ mang lại cho bức ảnh các cảm nhận mới. Các chương khác thì cũng không có gì nổi bật lắm. Nếu muốn đọc về bố cục và các thành phần căn bản trong nhiếp ảnh thì mình thấy quyển Photographic Composition của Tom Grill là khá căn bản(các bạn ở EU có thể mua used với giá gần như cho không).





    - Plate to Pixel: Digital Food Photography & Styling: Cuốn sách khá hay bàn về Chụp thực phẩm, đồ ăn. Cũng như các quyển sách khác, tác giả bắt đầu với việc đặt vấn đề, các thiết bị cần khi chụp đồ ăn, các kịch bản bố trí ánh sáng để làm nổi bật cũng như sự ngon miệng. Sau cùng, tác giả chia sẻ cách để người đọc trình bày được đồ ăn cũng như các mẹo để fake đồ ăn, làm sao để chúng được tươi ngon nhất. Sách này khá là dễ đọc và có nhiều hình minh họa, có cả dạng ePub rất tiện xem trên tablet.

    - Một nguồn tham khảo rất lớn nữa không thể không kể đấy là Youtube. Với từ khóa Product, jewelry, splash photography…. sẽ trả về các clip. Chúng ta có thể thêm vào từ khóa Tuttorial để có được các clip dạy cách chụp. Tuy nhiên theo kinh nghiệm cá nhân, khi xem một clip training, vấn đề chúng ta cần rút ra sau khi xem là tại sao với cách setup A lại cho ra kết quả A1, nếu ta thay đổi thành setup B thì liệu sẽ ra sao ? Có cách nào setup ra đẹp hơn được hay không hay làm sao để ra được kết quả A1 với tối thiểu trang thiết bị. Với đặc thù của nhiếp ảnh sản phẩm là yêu cầu rất nhiều trang thiết bị studio, nếu đơn thuần chỉ coi clip thì chúng ta sẽ ít có cơ hội thực hành do điều kiện trang thiết bị không có. Trong nhiếp ảnh sản phẩm này, có hẳn 1 trường phái làm đồ tự chế “Do It Yourself” (DIY) để chụp nhưng làm sao để chúng ta có thể tự làm ra các đồ tự chế phục vụ cho nhu cầu của chúng ta với các loại sản phẩm khác nhau thì kiến thức về ánh sáng lại là điều tiên quyết.

    Mình sẽ tiến hành thu thập dần và dịch các trang viết có ích trong các sách này sang tiếng Việt để chúng ta có thể tham khảo. Tuy nhiên cũng như các lĩnh vực khác, cùng với việc đọc thì thực hành cũng là nhân tố chính giúp chúng ta làm chủ được kiến thức.

    (hết phần 1)
    Được sửa bởi chimkudo lúc 03:40 AM ngày 09-01-2014
    Keep calm and take a shot.

  2. #2
    Tham gia
    05-09-2008
    Location
    Hà Nội
    Bài viết
    155

    Post Nhiếp ảnh sản phẩm – Bắt đầu từ đâu ? (Phần 2) - Chọn máy ảnh và ống kính



    Câu hỏi này có vẻ sẽ là hơi ngô nghê với những người đã có kinh nghiệm trong chụp ảnh nhưng đây cũng là câu hỏi phổ biến cho những ai đến với lĩnh vực chụp ảnh sản phẩm nói riêng. Có nhiều câu trả lời nhưng nói chung thì có 2 câu trả lời phổ biến, 2 câu này trái ngược nhau nhưng việc đúng hay sai thì tùy vào góc nhìn và tính chất của người chụp hơn là có một câu trả lời chung cho tất cả.

    - Máy ảnh không quan trọng, một bức ảnh đẹp là nhờ vào người chụp là chính: Ok, cái này cũng đúng, cho một người không biết gì cầm máy ảnh thì máy ảnh tốt tới đâu cũng không có ý nghĩa lắm. Với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ngay cả khi trong tay họ chỉ có một chiếc máy ảnh điện thoại 1M thì họ cũng có thể cho ra những bức ảnh nhìn được.

    - Máy càng xịn, chụp càng đẹp: Không phủ nhận việc sở hữu các máy ảnh kĩ thuật số tiên tiến cho phép chúng ta tùy biến nhiều hơn một cách tiện dụng và dễ dàng hơn. Tuy nhiên hiểu và sử dụng các tùy biến này để đạt được hiệu quả mong muốn thì không phải ai cũng làm được.

    Vì thế, đại khái chúng ta có thể tóm tắt như sau:

    - Máy bình thường + người dùng có kinh nghiệm: Ảnh đẹp trở lên

    - Máy bình thường + người dùng bình thường: Ảnh đạt mức cơ bản trở lên

    - Máy xịn + người dùng có kinh nghiệm: Ảnh chất lượng rất cao

    - Máy xin + người dùng bình thường: Ảnh đạt mức cơ bản trở lên.

    Sự khác nhau giữa người chụp ảnh chuyên nghiệp và nghiệp dư, ham vui là ở chỗ chất lượng ảnh của người chuyên nghiệp thường khá đều và đẹp trong khi số còn lại cũng sẽ có các bức ảnh đẹp nhưng một cách ngẫu nhiên. Người chuyên nghiệp sẽ biết và hiểu cách làm sao để tạo ra hay chờ đợi bối cảnh mà họ mong muốn hơn là chụp một cách “ăn may”. Hơn nữa, trước khi chụp, các nhiếp ảnh gia đều có ý tưởng, hàm ý, mục đích mà họ muốn truyền tải trong bức ảnh. Đó là cũng Liên Kết Ảnh khi họ chọn lọc để tạo thành 1 bộ sưu tập hay album. Đó là lý do tại sao khi xem một bộ ảnh của các nhiếp ảnh gia, chúng ta đều cảm nhận thấy một nội dung chung và thống nhất.

    Quay trở lại với nhiếp ảnh sản phẩm, cái gì là nhân tố quan trọng để chọn một chiếc máy ảnh, tốt cho thể loại này ?Mình liệt kê theo các tiêu chí mà mình thấy cần thiết cho một chiếc máy ảnh chụp sản phẩm. Mình cũng loại trừ các máy ảnh dòng Medium Format vì chắc ít người quan tâm và không phổ biến(mặc dù giá cao nhưng nó cho chất lượng ảnh xuất sắc)



    - Độ phân giải: Cái này cũng tùy vào nhu cầu nhưng nói chung càng cao thì càng tốt, bây giờ hầu hết các máy ảnh đều đủ cho nhu cầu, nên thì lớn hơn 10M.

    - Manual, A(Av), S(Tv) mode: Hầu hết ảnh sản phẩm chụp ở M mode vì ánh sáng và điều kiện đã ổn định.

    - Điểm lấy nét: Càng nhiều thì càng tốt, sẽ rất hữu dụng trong chụp focus stacking

    - ISO: Cái này phụ thuộc vào chất lượng và kích cỡ của sensor và công nghệ chế tạo sensor. Sensor càng nhỏ thì noise càng nhiều, các máy full frame thường sẽ cho chất lượng ảnh và noise tốt hơn là các máy crop. Do tiến bộ của công nghệ chế tạo, các sensor đời sau thường cho ít noise hơn các sensor đời trước.

    Còn về ống kính, với các loại sản phẩm và mục đích khác nhau thì sẽ chọn các ống kính khác nhau. Hữu dụng nhất trong chụp ảnh sản phẩm thì là các lens macro tiêu cự quanh 100mm, tuy nhiên nên có thêm các lens rộng hơn như 50 cho các không gian chụp hạn chế. Nếu không có ống kính macro thì có thể dùng các tube để tăng khả năng phóng đại của ống kính. Khả năng AF có hay không cũng không ảnh hưởng nhiều lắm vì môi trường chụp studio thường ít thay đổi.



    Kết luận: Tại thời điểm này, các máy ảnh dslr hầu hết đều có khả năng trên, nếu tiết kiệm chi phí và chụp theo sở thích thì các máy Nikon d3x00, d5x00, Canon 40D, 550D….cũng đã đủ. Cao cấp hơn thì có thể Nikon D90, D7x00 D300s, D600, D800… hay các máy tương đương của Canon. Tương tự với máy của các hãng khác, miễn là đáp ứng được các nhu cầu đề cập ở trên là được. Với các máy ảnh PnS, chúng ta vẫn có thể dùng được để chụp ảnh sản phẩm nhưng tính năng sẽ hạn chế hơn, đặc biệt khi chụp các đồ vật nhỏ vì ống kính đi kèm các máy PnS không thể thay đổi được và có độ phóng đại không lớn. Chúng ta có thể crop sau khi chụp nhưng sẽ làm giảm độ nét, độ chi tiết của sản phẩm. Lens chính hãng thì nói chung là giá khá cao, nếu không có tiền đầu tư thì Tokina, Sigma, Tamron cũng là các lựa chọn rất tốt. Đặc trưng của chụp ảnh sản phẩm phụ thuộc nhiều hơn vào các công cụ để thay đổi, điều chỉnh và tao ra các ánh sáng mà chúng ta mong muốn hơn là máy ảnh.

    (hết phần 2)
    Keep calm and take a shot.

  3. #3
    Tham gia
    05-09-2008
    Location
    Hà Nội
    Bài viết
    155
    Xin lỗi bạn vì lâu lâu mình mới vào lại VNPhoto. Đây là phần 3. Bạn có thể track các bài viết của mình ở Blog ở chữ kí của mình.

    Nhiếp ảnh sản phẩm – Bắt đầu từ đâu ? (Phần 3) – Lighting equipment, thế nào là đủ ???



    Có 2 câu trả lời cho câu hỏi này, mặc dù chúng trái ngược nhau nhưng cả 2 đều đúng khi xét trên các khía cạnh riêng biệt.

    - Chả bao giờ là đủ: Không có một nhiếp ảnh gia nào luôn có đủ phụ kiện để thực hiện bất cứ một dự án nhiếp ảnh nào. Bạn luôn luôn cần nhiều hơn những gì đã có. Nếu bạn đã có softbox, beauty dish, strobes….bạn sẽ cần hơn thế ví dụ như các thiết bị lighting 3D hay hazylight softbox….

    - Luôn luôn là đủ: Hầu hết các nhiếp ảnh gia đều biết cách tận dụng những vật liệu sẵn có xung quanh mình để tạo ra được các loại ánh sáng mà mình mong muốn. Ví dụ chúng ta có thể tạo ra 1 softbox bằng cách chiếu đèn qua 1 lớp vải hoặc giấy trắng mỏng, dùng gương để tạo direct reflection, dùng vải nhám đen để dìm background….

    Với Nhiếp Ảnh Sản Phẩm, các thiết bị giúp thay đổi ánh sáng là điều quan trọng nhất. Về nguồn sáng, thông thường chúng ta có các nguồn sáng sau có thể được sử dụng, mỗi nguồn sáng đều có ưu và nhược điểm của nó, lựa chọn của chúng ta tùy thuộc vào các tiêu chí mà chúng ta ưu tiên:

    - Ánh sáng liên tục(continuous light): Đây là loại ánh sáng liên tục, điển hình là các bóng đèn bàn. Ưu điểm lớn của loại bóng đèn này là GIÁ RẺ và nhìn thấy ngay được kết quả trước khi bấm máy. Nhược điểm của nó là sinh rất nhiều nhiệt trong quá trình vận hành và có công suất phát sáng không cao, dễ gây cháy. Để có thể đáp ứng được tạm tạm nhu cầu chụp, chúng ta cần các bóng đèn đỏ cỡ 200W trở lên. Ánh sáng phát ra từ đèn này khá gắt nên chúng ta sẽ cần tán ánh sáng bớt ra để có được ánh sáng mềm hơn sử dụng các reflector, softbox.



    - Ánh sáng flash(flash light): Đây là loại ánh sáng chớp, khi phát sáng, ánh sáng được phát ra trong một khoảng thời gian rất ngắn (1/250s-1/8000s) nhưng có công suất phát rất lớn. Ưu điểm lớn nhất của loại ánh sáng này nằm ở công suất, giúp tạo ra 1 lượng ánh sáng lớn. Nhược điểm của loại này là chúng ta không thấy được kết quả khi chúng ta bố trí chụp, giá cả của flash cũng đắt hơn đèn compact. Nguồn sáng từ flash nói chung cũng rất gắt, tán sáng luôn là điều cần thiết.



    Như vậy, chúng ta có 2 loại nguồn sáng như trên, vậy tự đặt câu hỏi rằng nếu có một loại thiết bị nào đó kết hợp được ưu điểm của cả 2 loại trên không thì câu trả lời là , và tất nhiên, giá cả cũng là tổng của 2 loại trên cộng lại ), điển hình là monolight(mình không bàn tới power pack và flash head vì nó ko phổ biến ở VN).



    Monolight là một loại sinh ra ánh sáng flash. Nó bao gồm 2 thành phần chính:

    + Flashtube/strobe bulb: Đây là bóng đèn sinh ra ánh sáng flash, độ sáng của đèn phụ thuộc vào các mức công suất phát(tính bằng W/s).

    + Modeling bulb: Đây là bóng đèn như bóng đèn đỏ, còn gọi là đèn dẫn hướng. Nó cho chúng ta cái nhìn trực quan khi chúng ta tiến hành bố trí ánh sáng. Đèn modeling luôn được bật(trừ phi ta tắt nó đi bằng công tắc), bất kể là đèn flash có nháy hay không vì thực chất đèn flash khi nháy lên thì ánh sáng từ modelling light chả ăn vào đâu được ). Ngoài ra các monolight thường đi kèm các reflector để hướng ánh sáng đi ra theo 1 hướng, tập trung. Tuy có nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng Monolight sẽ đưa trình độ sử dụng ánh sáng lên một tầm cao mới vì chúng ta có thể quan sát được trực quan ánh sáng biến đổi ra sao khi chúng ta thay đổi các thông số và vị trí sắp đặt, nhiều ý kiến cho rằng một pro photographer sẽ có ý tưởng trước, setup được trong đầu và mường tượng ra được hiệu ứng sẽ mang lại trước khi có được hình ảnh. Tất nhiên để đạt tới trình độ đó, chúng ta đã phải làm việc rất lâu dài mới có được.



    Vì vậy, tùy thuộc vào túi tiền của chúng ta mà chúng ta sẽ có các lựa chọn khác nhau. Với mục đích tạo ra một góc nhỏ để chụp ảnh với giá cả hầu như ai cũng có thể mua được, đi từ rẻ tới đắt theo mình đề xuất sẽ là:

    - Continuous light: Các bóng đèn compact công suất >50W của Điện Quang hay Rạng Đông sẽ cho ánh sáng cỡ khoảng 200W so với đèn đỏ, 2 bóng / nguồn sáng. Tuy nhiên nguồn sáng này khá yếu sau khi qua tản sáng, chỉ phù hợp với các sản phẩm vừa và nhỏ(kiểu nhẫn hay vòng tay..v..v). Thông thường, chúng ta cần khoảng ít nhất 4 nguồn sáng(8 bóng). Giá cả tầm 400k/2 bóng.



    - Flash light: Các flash manual của Yongnuo như các dòng YN 460 hoặc 560 cho hiệu suất khá tốt và chất lượng cũng khá. Theo mình không cần TTL ở đây làm gì cho nó tốn ra, manual là được rồi. Giải pháp này tất nhiên chúng ta sẽ phải mua thêm các bộ kích(trigger) flash, ngon bổ rẻ thì là Yongnuo RF-603. Tất nhiên với flash thì chúng ta ko quan sát được hiệu ứng ánh sáng khi bố trí. Giá cho một nguồn sáng (flash+trigger) sẽ khoảng 1tr5k.





    - Monolight: Do đặc điểm của ảnh sản phẩm thường không yêu cầu công suất cao, chúng ta chọn các monolight công suất 300W/s. Nhãn hiệu thì đúng là khó đề xuất vì ở mức này, nhiều người vẫn chỉ muốn chơi cho vui, nhiều người thì thích bắt đầu đầu tư nghiêm túc. Nếu chơi cho vui, hơn vui một chút, bán chuyên..thì các monolight của Trung Quốc là ok, giá tầm 2tr500k cho 1 monolight. Còn nếu chuyên hẳn thì tất nhiên ứng cử viên sáng giá monolight sẽ là Einstein E640 ngon bổ rẻ(500$ – rẻ so với các bọn khác). Tuy nhiên, các monolight brands nổi tiếng đều không phân phối ở Việt Nam nên bà con chơi mấy hãng này khi trục trặc sẽ khó tìm đồ thay thế, bảo hành hay mua các toys đi kèm cũng không đơn giản.

    Tuy nhiên đây chỉ là về nguồn sáng, trong nhiếp ảnh sản phẩm nói riêng và nhiếp ảnh nói chung thì không ai chỉa thẳng nguồn sáng vào đối tượng cả, tất cả các nguồn sáng đều sẽ phải được chế sao cho out ra được ánh sáng mà chúng ta mong muốn. Các thiết bị chế ánh sáng này sẽ được đề cập ở phần sau.

    (hết phần 3)
    Được sửa bởi maycatang lúc 09:57 AM ngày 09-06-2014 Reason: edit lại bài viết cho đúng nội quy. Vui lòng không chèn Link QC

  4. #4
    Tham gia
    11-07-2012
    Bài viết
    127
    Cám ơn bác ạ, em mới mua 560 III, sẽ hóng topic bác lâu dài :D em đang bắt đầu chụp ảnh sản phẩm từ con số 0
    Nikon D5000
    Micro-Nikkor 40mm f/2.8G AF-S DX

  5. #5
    Tham gia
    05-09-2008
    Location
    Hà Nội
    Bài viết
    155

    Nhiếp ảnh sản phẩm – Bắt đầu từ đâu ? (Phần 4) - Các nguồn tài liệu bổ ích

    @Lawrence: Ok, cùng học nhé

    Nhiếp Ảnh Sản Phẩm nói riêng hay bất cứ một lĩnh vực nào nếu muốn phát triển cũng cần đầu tư thời gian để học, đọc và thực hành. Tuy nhiên, các nguồn tài liệu hiện giờ quá nhiều để có thể đọc, và với nhiều người mới tới với nhiếp ảnh thì câu hỏi cũng tương tự: Phải bắt đầu từ đâu, đọc cái gì, học cái gì, học ở đâu ?. Trong entry này, Chim cố gắng chia sẻ tất cả các kinh nghiệm mình có về các câu hỏi trên. Hy vọng chúng ta có được một cái nhìn cô đọng và súc tích để bắt đầu với lĩnh vực Nhiếp ảnh sản phẩm.

    - Các kiến thức căn bản: Đây là cái tối quan trọng với bất kì ai muốn tìm hiểu về nhiếp ảnh. Các hiểu biết căn bản về Tiêu cự(Focal Length), khẩu độ(Aperture), tốc(shutter speed), ISO, Cân bằng trắng(White Banlance) , bố cục 1/3….là tối quan trọng. Đọc mấy thứ này không chỉ là đọc để hiểu mà quan trọng hơn là biết cách tương tác qua lại giữa các thành phần này khi ta thay đổi 1 thành phần nào đó.

    VD như khi ta đưa giá trị khẩu từ f2.8 thành f4 thì phải tăng giảm các thông số kia ra sao để bức ảnh vẫn ra được đúng sáng như ở 2.8.

    Hiểu các tương tác này mới giúp chúng ta làm chủ được cái máy ảnh dù là ở chế độ chụp nào. Các kiến thức căn bản này, theo mình thì sách vở vẫn là nguồn tham khảo chuẩn nhất. Các bài viết về cơ bản nhiếp ảnh trên Internet rất nhiều, nhưng nếu với một người chưa biết thì đôi khi việc dịch và sử dụng các thuật ngữ có thể hơi khác nhau làm cho người mới tiếp cận cảm thấy khó và rắc rối. Sau khi đọc xong thì lên các diễn đàn, tìm các topic có chủ đề căn bản đọc thêm để biết được các ý kiến và cách hiểu khác của mọi người, qua đó giúp đánh giá mình hiểu đã đúng hay chưa.

    - Sách: Đã đề cập ở phần 1.

    - Youtube channels: Đây là một trong những kênh học hiệu quả nhất(tất nhiên là bằng tiếng Anh) bởi tính trực quan và cô đọng của nó. Chim tổng kết ở đây các kênh mà Chim thấy hay và bổ ích.

    + Adorama TV:



    Ưu điểm: Nói về hầu hết tất cả mọi thứ từ cơ bản tới trung cấp. Mỗi clip dài khoảng 5-6 phút, hướng dẫn đủ để hiểu. Người mới học có thể xem các clip trong series Photography One on One khá hay và bổ ích

    Nhược điểm: Phù hợp với hầu hết mọi người mới tới với nhiếp ảnh. Không có các clip chi tiết hoặc tips tricks phức tạp.

    + Phillip McCordall



    Ưu điểm: Bác này hài hước, già rồi mà vẫn còn teen ) Nhiều clip của bác khá hay, chi tiết và bổ ích, đặc biệt là các clip chụp “Gold watch” hay series các “Tips tricks” của bác cũng khá thú vị và hữu dụng. Bác này có rất nhiều clip hướng dẫn chỉ sử dụng đồ tự chế(DIY) nên hữu dụng với những ai không có điều kiện đầu tư cho studio nhiều.

    Nhược điểm: Chất lượng clip không cao(đủ xem), ít tuttorial. Các mục thử nghiệm thiết bị thì chỉ mang tính chất overview. Mấy mục thử nghiệm máy móc(đặc biệt là Nikon) thì có thể tham khảo trang của bác Kenrockwell.

    + Alex Koloskov



    Ưu điểm: Bác này cũng thuộc hàng trùm về Nhiếp ảnh sản phẩm. Các tuttorial hay, nhiều clip hướng dẫn ở mức kĩ năng cao, trình bày bài bản. Bổ ích nhất là các clip bác ý góp ý cho các ảnh sản phẩm từ các user khác của forum Photigy(forum của bác ý).

    Nhược điểm: Toàn xài đồ gear đắt tiền, nếu muốn follow theo bác này thì đầu tư rất nhiều tiền. Các clip ở mức pro thì toàn phải trả tiền.

    + Karl Taylor:



    Ưu điểm: Tự giới thiệu là thuộc 1st class của giới comercial photography trong lĩnh vực Quảng cáo, sản phẩm và Beauty. Tut của bác này về ảnh sản phẩm không có nhiều vì bác này cũng thuộc dạng hổ lốn. Hay nhất thì chắc là clip dạy chụp về chai rượu Whisky. Bác này có mấy clip hướng dẫn cho người mới tiếp cận và review gear khá là được.

    Nhược: Không có style riêng, tut về Nhiếp Ảnh Sản Phẩm ít. Gear toàn xài hàng Broncolor xa xỉ )

    + DigitalRev TV:



    Ưu điểm: Đầu tư nhiều cho diễn xuất, vui vẻ, xem thư giãn tốt.

    Nhược điểm: Style hơi điên điên, ngẫn ngẫn, hàm lượng kiến thức ít.

    Với Youtube, khi chúng ta muốn thử 1 thể loại gì đó thì search cũng ra ngay, xem các clips có nhiểu lượt views thì thường sẽ là hay.

    + Andrei Oprinca:



    Ưu điểm: Với ảnh sản phẩm, sau khi đã làm chủ được các kĩ thuật cơ bản thì các kĩ thuật hậu kì cũng quan trọng không kém. Trang của Andrei Oprinca có rất nhiều clip hướng dẫn PS manipulation, xem các clip này để hoàn thiện các tool của PS và ứng dụng nó để tạo ra các scenes hay các thành phần phụ trợ khác, làm tấm ảnh chụp sản phẩm bớt nhàm chán.

    Nhược: Hầu hết mọi thứ đều được tạo ra từ PS nên dễ bị lạm dụng vào nhiếp ảnh(cái này nên tránh).

    - Tin tức về nhiếp ảnh: Mục này khá là rộng và có quá nhiều thứ để đọc. Tất cả các tin hot và trendy đều được tổng hợp ở trang Alltop. Trang này khá hay, nó tổng hợp tin tức, bài viết về nhiếp ảnh từ hầu hết các nguồn có uy tín và bổ ích. Hàng ngày chỉ cần vào trang chủ, đọc các tin hot chắc cũng đủ ). Trong các mục này có trang Photography Talk cung cấp nhiều kiến thức và bài viết khá tốt. Tất nhiên hay mức nào thì còn tùy thuộc vào sở thích của từng cá nhân.

    - Trang xem ảnh: Hiển nhiên các sự lựa chọn đầu bảng là:

    + Flickr



    Ưu điểm: Rất rất nhiều ảnh, từ các trẻ thơ tập tễnh tới các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Từ các ảnh tự sướng cho tới ảnh tạp chí…..Các nhóm ảnh cũng vô cùng vô tận.

    Nhược: Do quá nhiều và quá hổ lốn nên thường chỉ là nơi để mọi người lưu ảnh.

    + 500px:



    Ưu điểm: Hầu hết ảnh đều có chất lượng cao hơn và được lựa chọn cẩn thận hơn(chắc cũng 1 phần người sử dụng 500px có trình độ cao hơn). Mục ảnh PopularEditor’s choice xem rất mãn nhãn. Mục Blog có chứa nhiều bài viết rất inspiring.

    Nhược: Có thể làm nản lòng nhiều người mới chơi ảnh vì nhìn xong thì nản vì ko biết bao giờ chụp được như thế )))

    + 1x:



    Ưu điểm: Trang ảnh có chất lượng cao nhất trong các trang được liệt kê ở đây. Chất lượng ảnh chuyên nghiệp. Mục Tuttorial chắc là phần hay nhất vì họ hướng dẫn chụp 1 ảnh từ giai đoạn lên ý tưởng tới khi hoàn thành.

    Nhược: Thường chỉ dành cho nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vì yêu cầu chất lượng khá cao, tất nhiên độ làm nản lòng còn cao hơn của 500px )

    Ngoài ra còn có rất nhiều các trang xem ảnh khác với từng thể loại khác nhau, cái này mỗi người sau một thời gian tìm hiểu sẽ tự chọn lọc được cho mình.

    - Các trang tìm ý tưởng:

    + Pinterest:



    Ưu điểm: Mạng xã hội chia sẻ ảnh lớn, nhiều ý tưởng hay và lạ, nhiều hướng dẫn và minh họa chi tiết(setup) cho ảnh chụp.

    Nhược: Còn mới với người Việt. Chất lượng theo mình thì hơn so với Instagram.

    + Devianart:



    Ưu điểm: Nơi tìm kiếm các ý tưởng cho các bức ảnh, qui tụ nhiều designers và inspirers. Các mục khác thì không thiết thực lắm cho Nhiếp ảnh sản phẩm

    Nhược: Ít nội dung về nhiếp ảnh.

    - Các khóa học về Nhiếp ảnh sản phẩm:

    + Photigy forum:



    Ưu điểm: Miễn Phí. Trùm sò với Koloskov, trang này rất hay và nhiều các project được trình bày, có kèm cả setup.

    Nhược: Chưa thấy nhược điểm gì đáng nói ngoài việc nhiều tut của Koloskov đòi phải mua mới được coi.

    + CreativeLive:



    Ưu điểm: Rất nhiều các khóa học về Product, tablet top, food..photography từ các photographers nổi tiếng.

    Nhược: Trình bày dài dòng, không cô đọng nhưng kiểu hỏi qua đáp lại đôi khi cũng có thể gây hứng thú. Mất Tiền.

    + Lynda:



    Ưu điểm: Trình bày đơn giản, dễ hiểu.

    Nhược: Lynda thì vốn nổi tiếng là một trung tâm đào tạo hổ lốn. Trình độ ở mức vừa phải, ít có các project khó. Mất Tiền(rẻ hơn creativeLive)

    * Các khóa học này chúng ta có thể kéo torrent về là có ))))

    Tạm kết cho một entry về các nguồn tài liệu. Học, tìm hiểu đi đôi với thực hàng là cả một quá trình, có thể ban đầu nhìn ảnh của các bác pro chúng ta sẽ thây hơi ngao ngán nhưng cứ bắt đầu, rồi một ngày chúng ta cũng làm được

    - Chimkudo Chụp ảnh sản phẩm -
    Được sửa bởi chimkudo lúc 01:06 AM ngày 25-02-2014
    Keep calm and take a shot.

  6. #6
    Tham gia
    25-09-2013
    Bài viết
    47
    cám ơn bác về bài viết... rất hữu ích cho các bạn mới vào nghề....

  7. #7
    Tham gia
    05-09-2008
    Location
    Hà Nội
    Bài viết
    155

    Nhiếp ảnh sản phẩm – Bắt đầu từ đâu ? (Phần5) - Xây dựng workflow cho từng dự án

    Để có được kết quả tốt nhất cho mỗi lần chụp, chúng ta cần lên một kế hoạch chi tiết cho những gì mà chúng ta sẽ bắt đầu và thực hiện. Khi chúng ta xây dựng được một qui trình phù hợp, kết quả công việc sẽ có được chất lượng ổn định, đồng thời tiết kiệm được thời gian và công sức. Trong entry này, mình trình bày một qui trình cho Nhiếp Ảnh Sản Phẩm với ví dụ về shot hình sau:



    1. LÊN KẾ HOẠCH: Đây là quá trình chúng ta lên ý tưởng cho shot hình. Bắt đầu tìm hiểu về sản phẩm chúng ta sẽ chụp bao gồm đặc điểm của sản phẩm, ý đồ(mood, sense) chúng ta muốn thể hiện, các vật liệu, đồ vật phụ có thể dùng để làm cho shot hình thú vị hơn và bố cục cũng là một thành phần quan trọng. Với các sản phẩm như đồ ăn, chúng ta có thể nghiên cứu lịch sử hay nguồn gốc của món ăn để chọn được các thành phần trang trí được phù hợp và thống nhất. Trong các ảnh mình chụp, mình thường chia một bức ảnh sản phẩm thành 2 phần: Tiền cảnh(foreground)Hậu Cảnh(background), trong đó Tiền cảnh sẽ mang đối tượng chính. Trực quan nhất, chúng ta có thể vẽ ra giấy để có được hình dung cụ thể và rõ ràng.

    a- Tiền cảnh(foreground): Với tấm hình trên, mình chụp cho ngày Valentine, như vậy tấm hình phải đạt được mục tiêu là thể hiện được sự ấm ápnhẹ nhàng(cái này tùy gout của mỗi người). Mình ra ngoài siêu thị để tỉm đồ cho shot hình và tìm được bịch kẹo trái tim. Như vậy, đối tượng chính của bức hình là kẹo trái tim, nghĩa là nó phải được nổi bật trong khuôn hình. Dựa vào ý tưởng đó, mình chọn đĩa và đồ vật trang trí với tone màu tối để tôn lên đối tượng chính. Để thêm phần ấm áp, lựa chọn một tách cafe bốc khói với nến đun ở dưới cũng ko phải là ý tưởng tồi. Như vật tới đây là xong cho phần setup tiền cảnh.

    b- Hậu cảnh(background): Hầu hết các bức Ảnh sản phẩm đều được sắp đặt với hậu cảnh có quầng sáng tỏa ra từ đằng sau hoặc thuần 1 màu. Tuy nhiên để làm cho bức ảnh trở nên thú vị hơn, chúng ta có thể nghiên cứu làm sao để hậu cảnh có thể tôn lên được sản phẩm và thêm vào giá trị cho bức ảnh thì tốt nhất. Ở shot hình này, mình chọn cách tạo các bokeh ở đằng sau nhằm tăng tính lung linh cho nó. Tuy nhiên mình ko chọn bokeh hình trái tim vì bokeh này sẽ gây xao nhãng khi nhìn vào bức ảnh, hậu cảnh theo mình chỉ nên làm thành phần phụ cho đối tượng chính mà thôi.

    Đây là phác thảo của tấm hình:



    2- BỐ TRÍ ÁNH SÁNG & CHỤP: Đây là khâu quan trọng không những chỉ trong Nhiếp Ảnh Sản Phẩm, mà còn trong nhiếp ảnh nói chung. Mục tiêu của việc bố trí ánh sáng là làm sao để Thể hiện được toàn bộ đặc điểm của sản phẩm, sản phẩm có hình khối, tách bạch khỏi hậu cảnh. Với các tiêu chí như thế này, chúng ta sẽ bắt đầu với các setup ánh sáng đơn giản nhất mà ai cũng có thể nghĩ ra, ở đây mình dùng background màu đen.



    Với mỗi setup ánh sáng, chúng ta cần xem xét lại với kết quả xem liệu rằng đã đạt được các tiêu chí cần thiết của nhiếp ảnh sản phẩm hay chưa. Nếu chưa đạt được hiệu quả mong muốn thì chúng ta bố trí lại, rồi lại chụp…cứ như vậy. Kết quả của setup ánh sáng ở Fig 1 như sau:



    Ở shot hình này, chúng ta thấy rằng tuy đối tượng chính đã được nổi bật nhưng tách cafe và đĩa đựng kẹo bên cạnh thì chưa được đẹp và phân định rõ ràng với background. Với các vật đen trên nền đen, chúng ta phải tạo các ánh sáng ven, dùng để tạo ra shape cho đối tượng nổi lên trên nền đen. Cách bố trí dùng backlight sẽ giúp chúng ta đạt được điều này như mình minh họa Fig 3.





    Với shot này, giải quyết được vấn đề tách bạch đối tượng khỏi background thì mặt trước lại under exposure. Như vậy chúng ta cần thêm 1 nguồn sáng nữa ở đằng trước. Chúng ta bố trí ánh sáng tiếp tục như ở Fig 5 hoặc có thể dùng thêm 2 reflector để hắt lại as từ nguồn sáng backlight như Fig 6.





    Kết quả của setup này như sau:



    Có vẻ như ổn rồi, tuy nhiên nếu để ý kĩ thì chúng ta sẽ thấy rằng chỗ tay cầm của cốc cafe vẫn còn bị tối 1 phần. Như vậy để khắc phục cái này, chúng ta sẽ dùng thêm 1 reflector đặt ở phía trên sản phẩm để hắt 1 phần ánh sáng trở lại quai cốc. Kết quả của thay đổi này như sau:



    Tới đây bức ảnh đã khá hoàn thiện, đạt được các tiêu chí đã đề ra.

    3- HẬU KÌ: Đây sẽ là bước hoàn thiện cuối cùng cho những tấm hình chụp sản phẩm. Ở bước này, chúng ta thường sử dụng PS để xóa đi các chi tiết chưa được hoàn thiện của sản phẩm, giúp sản phẩm trở nên bóng bẩy và chi tiết cao.



    Trên đây là các bước để chúng ta có thể dùng trong 1 dự án Nhiếp Ảnh Sản Phẩm, bằng việc không ngừng cải tiến ánh sáng qua từng shot, chúng ta cuối cùng sẽ có được những khung hình đẹp. Chúc mọi người thành công !
    Được sửa bởi maycatang lúc 09:59 AM ngày 09-06-2014 Reason: edit lại bài viết cho đúng nội quy. Vui lòng không chèn Link QC

  8. #8
    Tham gia
    04-05-2013
    Bài viết
    23
    cảm ơn bác nhiều bài viết rất hay

  9. #9
    Tham gia
    05-09-2008
    Location
    Hà Nội
    Bài viết
    155
    Cảm ơn các bạn, mình sẽ ngừng post bài ở đây vì có vẻ ít người quan tâm. Các bạn có thể theo dõi ở blog của mình. Thân
    Keep calm and take a shot.

  10. #10
    Tham gia
    05-05-2012
    Location
    Hoa Cầy
    Bài viết
    198
    Quote Được gửi bởi chimkudo View Post
    Cảm ơn các bạn, mình sẽ ngừng post bài ở đây vì có vẻ ít người quan tâm. Các bạn có thể theo dõi ở blog của mình. Thân
    Chào bạn, rất cám ơn bạn đã chia sẻ nhiều kiến thức hay. Mong là bạn tiếp tục đăng bài. Tôi không nghĩ là "ít người quan tâm". Theo tôi do không muốn ngắt mạch bài viết của bạn đang chia sẻ nên một số bạn chưa vào viết. Ví dụ như tôi, rất thích chủ đề này và muốn cám ơn bạn từ lâu nhưng sợ ngắt mạch bài nên chỉ âm thầm đọc.

    Đóng góp với bạn một chút:

    - Về ống kính chụp sản phẩm, ngoài các ống kính bạn nói đến, một số người tôi biết họ thường dùng ống kính tilt-shift nữa (90mm). Họ dễ dàng khống chế mặt phẳng nét, và ống kính này có thể chụp những ảnh cận (macro/closeup) đẹp không thua gì ống macro 100mm của Canon. Hậu cảnh ra "mịn như kem".

    Ở đây có hai cách hướng dẫn làm "hộp sáng" khá đơn giản, RẺ mà hiệu quả. Đóng góp với bạn cho vui nhe.

    How to make a Light Tent - Tutorial
    http://www.youtube.com/watch?v=mNxBGXTbdXE

    http://www.youtube.com/watch?v=-jsINpOeBAQ
    When you talk, you repeat what you already know. When you listen, you often learn something

Trang 1 / 12 12311 ... Cuối cùngCuối cùng

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •