Trang 3 / 10 Đầu tiênĐầu tiên 12345 ... Cuối cùngCuối cùng
Hiển thị kết quả từ 21 đến 30 / 99

Chủ đề: Phối hợp màu sắc trong nhiếp ảnh

  1. #21
    Tham gia
    26-04-2007
    Location
    Paris
    Bài viết
    595
    - Màu trắng:


    Về lý thuyết, màu trắng không màu và không có "tông", thế nhưng thực tế lại là màu tinh tế nhất, nó đóng vai trò quan trọng trong hầu hết tất cả các ảnh. Ngay cả một vật hoàn toàn đen cũng cần các sắc sáng và sự lồi lõm để có thể định dạng được. Một bức ảnh trắng cũng cần có sự biến chuyển của sắc xám nhẹ để tạo hình. Chính cái sắc xám nhẹ ấy rất nhạy cảm đối với màu (còn hơn màu đen) và rất khó có một màu trắng hoàn toàn trung tính. Màu trắng cần một sự đo sáng rất cẩn thận và càng quan trọng hơn khi chụp máy KTS so với máy phim. Thiếu sáng một chút sẽ tạo nên một bức ảnh "dơ", trái lại dư sáng một chút sẽ hủy tất cả chi tiết tinh tế. Phim chụp có tính phản ứng không tuyến tính đối với sự đo sáng (đường biểu thị cong tịnh tiến đến cực) nên ngay khi bị dư sáng nhiều nó cũng giữ được một chút chi tiết. Nhưng con sensor của máy ảnh KTS phản ứng tuyến tính theo exposition nên các photosites của CMOS và CDD tiếp tục thu nhận thông tin tỉ lệ thuận cho đến khi đạt ngưỡng cao nhất, khi đó bị đầy và sẽ không tiếp tục thâu nhận thông tin được nữa . Vì vậy một ảnh KTS dễ dàng mất đi các chi tiết khi dư sáng.
    Màu trắng trung tính và thường làm biểu tượng cho sự tinh khiết, liên tưởng với sự xa vời thậm chí vô cực.




    Sự đo sáng mang tính quyết định đối với các chủ thể màu trắng hay đen, nếu ta có chút thời gian thì braketting khuyên dùng. Thông thường, nếu không điều chỉnh, một bức ảnh như thế này cần ít nhất thêm 1 f-stop




    Một áo blouse treo trên tường trong ngôi làng Shaker, một nghiên cứu về màu trắng nhưng chính các bóng mới tạo nên hình, chúng cho ra "tông" và quyết định sự đo sáng.

  2. #22
    Tham gia
    26-04-2007
    Location
    Paris
    Bài viết
    595
    - Màu xám

    Màu xám tinh khiết là bản chất của sự trung tính, nó "bóp ngạt" cảm giác màu sắc theo tỉ lệ không gian mà nó chiếm, nó cũng rất quí giá để làm hiện hình các màu tinh tế nhất. Màu xám trung bình phàn chiếu lại 18% lượng áng sáng chiếu đến nó và đóng vai trò quan trọng trong sự đo sáng. Sự tăng sáng của màu đen và giảm sáng của màu trắng cho ra các sắc thái xám khác nhau. Số lượng màu xám hầu như vô tận vì không chỉ đi từ trắng đến đen mà còn có thể nhẹ nhàng có ánh màu khác.
    Màu xám làm liên tưởng đến sự nặng nề, cơ học máy móc, màu xám-xanh dương diễn tả sự lạnh lẽo, màu xám-đỏ lại cho cảm giác nóng. Là màu của đá nên màu xám gắn bó với sự vững chắc và trọng lượng.
    Màu xám dễ tìm thấy trong thiên nhiên (đá, mây nặng, mặt nước trong những ngày tối) và trong môi trường con người (bê tông, xi măng, đường xá, nhà cửa ...)





    Bờ biển ở Massachusetts mùa đông, bầu trời màu chì đã bóp nghẹt hoàn toàn các màu sắc





    Đây là công trường đá Toscanes mà ta khai thác được loại đá cẩm thạch trắng Carrare






    Ở vùng đất phật linh thiêng Anaradhapura (Sri Lanka), dải phù điêu các con voi gác chính điện làm bằng xi măng cho một màu xám trung tính


    Vì tính "trung tính" của màu xám mà ta rất nhạy cảm với sự chính xác của nó, ít nhất đó là chúng ta tưởng vậy. Hãy hỏi hai người chỉ ra một màu xám hoàn toàn trung tính, chắc chắn là họ sẽ không đồng ý lẫn nhau. May mắn là trong nhiếp ảnh KTS ta có thể đo đạc chính xác độ trung tính màu xám bằng cách đo các giá trị Đỏ-Xanh dương-Xanh lá cây bằng photoshop, nếu chúng bằng nhau thì màu xám hoàn toàn trung tính, còn nếu một giá trị màu nào hơi lớn hơn thì màu xám ngả về phía tông màu đó





    Đây là một ví dụ về việc nên giữ lại một sắc màu tinh tế hơn là làm chúng trở thành màu xám trung tính,ánh xanh tái một cánh đồng nước Anh dưới đường dây điện cao thế tạo lên cảm giác lạnh lẽo ẩm ướt một buổi sáng mùa đông





    Khi chúng ta chụp một màu xám gần trung tính, cách tốt nhất phải nên nhớ lại trong đầu chính xác ánh màu của nó. Bùn mà các con voi ở Etosha này đang dầm mang một chút ánh xanh, nếu tôi (Micheal Freeman ) không ghi nhận lại có lẽ đã sửa thành màu xám trung tính rồi
    Được sửa bởi Xman lúc 07:27 PM ngày 01-07-2007

  3. #23
    Bài dịch tuyệt vời, giúp hệ thống hóa kiến thức về màu sắc ánh sáng.
    thanks bác Xman đã chia sẽ kiến thức!
    khoảnh khắc đi qua và ở lại - photos: mygallery@vnphoto.net
    w w w . a l l t h e p h o t o . c o m

  4. #24
    Tham gia
    26-04-2007
    Location
    Paris
    Bài viết
    595
    Phần 2: Màu sắc của cuộc sống

    - Hai qui luật cơ bản về bố cục

    Trước khi bàn sâu về sự phối hợp màu sắc, tôi xin mạn bàn một chút về vài qui luật cơ bản, đây chỉ là những kiến thức cá nhân còn rơi rớt lại nên nếu ai có thể bổ sung sửa chữa thêm cho chính xác thì xin rất cám ơn
    Trong sáng tác nghệ thuật hầu như không bao giờ ta nhìn một sự vật đứng cô độc mà luôn luôn có sự quan hệ với các sự vật khác trong một khung cảnh nhất định. Để tạo nên một sự hài hòa thì việc kết hợp các vật đó không phải mang tính ngẫu nhiên, hỗn loạn mà theo một qui luật trật tự. Ngay cả nhiếp ảnh dường như chỉ là một sự thâu nhận trung thực lại sự vật chung quanh ta và thường mang tính ngẫu nhiên thế nhưng sự thành công của một bức ảnh lại do sự chọn lựa, tính toán, phối hợp các sự vật với nhau theo một qui luật thẩm mỹ mà ta hay gọi là bố cục. Nghệ thuật bố cục không chỉ tồn tại trong các bộ môn nghệ thuật thị giác tĩnh mang tính 2D (hội hoạ, nhiếp ảnh, trang trí 2D...), 3D (Điêu khắc, kiến trúc) mà còn trong các bộ môn khác như âm nhạc (bố cục các cung, nốt nhạc), điện ảnh...
    Cho đến nay, ngoài những biến tướng nhỏ thì ta thường qui về hai đặc tính cơ bản, đó là tính "ĐỒNG BIẾN" và "DỊ BIẾN". Hai tính này là tâm điểm khi sáng tác nghệ thuật và nếu tôi không lầm thì do Johannes Itten ở trường nghệ thuật Bauhaus Đức tìm ra.

    - TÍNH ĐỒNG BIẾN: Trong bố cục, người ta thường chọn gắn kết các sự vật có mang một đặc tính hay một qui luật chung nào đó, đó chính là tính đồng biến, khi đó sự tiến triển của các tính chất khác nhau vẫn bảo đảm một sự gắn kết lại nhờ đặc điểm chung nhất đó. Tính đồng biến bảo đảm sự tiến triển của các vật trong bố cục không bị hỗn loạn, dẫn dắt người xem dễ dàng "kết nối" được các vật riêng lẻ theo một trật tự. Tính "VẦN ĐIỆU" là cực điểm của tính đồng biến (lặp đi lặp lại chính xác một qui luật) . Trong nhiếp ảnh thì tính đồng biến của ánh sáng thể hiện rõ ở hiệu quả "low key", "hight key", trong bố cục đường nét và hình khối thì tính vần điệu thể hiện trong "mô típ" (sự lặp lại của một chi tiết), hoặc đơn giản ta hay chụp hình trắng đen hay sépia để qui về một tính chất chung... Còn trong màu sắc thì việc sử dụng các màu kế cận nhau trong vòng tròn màu sắc, bảo đảm "ton sur ton" giữa các màu chính là tính đồng biến.

    - TÍNH DỊ BIẾN: Trái ngược với tính đồng biến, tính dị biến là các tính chất khác biệt của các vật trong bố cục. Chúng thường được sử dụng để phá vỡ tính đơn điệu gây ra của tính đồng biến. Hẳn phần đông chúng ta khi chọn đóng khung một cảnh thường hay để ý tìm các đường chéo thực hay ảo, các đường cong S với mục đính phá vỡ sự tĩnh lặng vuông vức của khuôn hình, đó là đi tìm tính dị biến. Khi tính dị biến đi tới cực điểm thì ta có được tính chất quan trọng nhất trong bố cục là sự "TƯƠNG PHẢN". Tính tương phản đi theo cặp và rất đa dạng như Đặc-Rỗng, Nóng -Lạnh, Sáng-Tối, Thô-Tinh, Nặng-Nhẹ, Phương ngang-Phương đứng, Trắng-đen...Sở dĩ tính tương phản đóng vai trò quan trọng bởi vì ngoài khả năng phá vỡ sự đơn điệu, nó còn có những vai trò khác như: Cho ra sự so sánh 2 tính chất trái ngược nhau từ đó làm tăng thêm giá trị lẫn nhau của 2 tính chất đó (một vật sáng để bên vật tối thì ta mới thấy giá trị của tính sáng, hay tối của vật do có sự so sánh), mang tính bù trừ vì khi ta cộng chung hai tính chất đó lại sẽ đưa về giá trị cân bằng (ví dụ màu đỏ cộng với màu xanh lá cây sẽ cho ra màu xám trung tính cân bằng).
    Trong màu sắc thì ta quan tâm đến các tính tương phản sau đây:

    Tương phản về sắc màu (teinte): Chính là 2 màu đối nghịch nhau qua tâm của đường tròn màu sắc, ví dụ các cặp Đỏ-Xanh lá cây, Vàng -Xanh dương, Cam-Tím.
    Tương phản về độ sáng: mặc dù các màu có sự thay đổi về cường độ sáng nhưng các màu bão hòa có độ sáng khác nhau, ví vụ độ tối của màu tím tương phản với sắc sáng của màu vàng
    Tương phản về độ bão hòa: các màu bão hòa tương phản với các màu bị "désaturer", nhất là xám, đen trắng, ta sẽ thấy sức hút của một tâm điểm màu tươi trên nền màu trung tính hơn
    Tương phản về không gian: sự tương phản về diện tính mà chúng chiếm trên khuôn hình, sự tương phản về không gian rất thú vị khi một màu chói chiếm một diện tích rất nhỏ trong bố cục, nó sẽ trở thành tâm điểm lôi cuốn người xem ngay tức khắc
    Tương phản về cảm giác: Do mỗi màu cho liên tưởng đến một cảm xúc khác nhau nên chúng cũng có thể cho sự tương phản về cảm xúc.
    Được sửa bởi Xman lúc 03:40 AM ngày 02-07-2007

  5. #25
    Tham gia
    26-04-2007
    Location
    Paris
    Bài viết
    595
    - Ảo giác quang học và màu sắc

    Có những hiện tượng phụ thuộc vào cách xử lí nhận dạng màu của phần vỏ não chuyên về thị giác, chúng liên quan đến lý thuyết về sự hài hòa hay sự lạc điệu về màu sắc. Hai hiện tượng tương phản "đồng thời" (simultané) và tương phản "liên tiếp" (successif) được khám phá bởi nhà hoác học Pháp Chevreul vào những năm 1820 là 2 hiện tượng quan trọng nhất.

    - Hiện tượng tương phản "liên tiếp"cho mắt "thấy" màu tương phản với một màu rực rỡ mà ta vừa quan sát, Bạn hãy nhìn vòng tròn đỏ dưới đây trong khoảng 1 phút, nhớ tập trung vô chữ thập ngay tâm sau đó quay qua nhìn vô chữ thập trong cái ô trống kế bên, bạn sẽ "thấy" một vòng tròn ảo màu Xanh dương-Xanh lá. Ta nhắm mắt thật mạnh sau khi quan sát thật lâu vòng tròn đỏ cũng cho kết quả tương tự. Hiện tượng này luôn cho thấy một màu đối lập trong vòng tròn màu sắc với màu vừa quan sát .




    - Hiện tượng tương phản "đồng thời" cho thấy khi một màu được đặt kế cận màu khác, nó sẽ có một ánh màu tương phản với màu kế cận đó. Bạn hãy nhìn các ô màu xám trung tâm dưới đây, chúng hoàn toàn giống nhau theo cặp, nhưng tùy theo màu sắc kế cận mà nó nhẹ nhàng có một ánh màu tương phản với màu bao quanh đó.




    -Hiệu quả Bezold: Ảo giác này cũng liên quan đến hiện tượng tương phản "đồng thời" nhưng ngược lại. Ta hãy quan sát 2 bức tường gạch dưới đây, màu gạch hoàn toàn giống nhau nhưng màu vữa sáng hơn dường như làm sáng lên màu đỏ của gạch và ngược lại.




    -Hiệu quả rung động: Là một trong những hiệu quả điện ảnh phổ biến trong những năm 1960. Các điểm, đường và "mô típ" nếu được đặt theo một qui luật nào đó sẽ tạo những hiệu quả về chuyển động và màu sắc mà ta rất khó nhìn lâu được. Sự chuyển động xảy ra ngay ranh giới của 2 màu rất tươi khác nhau có cùng cường độ về độ sáng. Nếu nhìn vòng tròn 2 màu dưới đây ta thấy hiệu quả đó rất mạnh, khi nhìn thật lâu ta có cảm giác nó vừa sáng lại vừa tối rất khó chịu.




    -Đường viền biến mất: Một hiệu quả trái ngược với hiện tượng trên, một cường độ sáng tương tự sử dụng cho 2 màu dưới đây làm chúng hòa với nhau, rất khó phân biệt ranh giới, đó là lí do các màu mây đi từ trắng đến xám đậm thỉnh thoảng chìm vô bầu trời xanh




    -Màu bị ngắt quãng: Hiện tượng này có cùng điểm chung với tương phản "đồng thời", Khi một màu bị ngắt ra bởi các màu tươi khác nhau sẽ cho ta cảm giác không đồng nhất một màu duy nhất. Mắt sẽ cảm giác 2 ô xanh nhạt dưới đây không đồng nhất như khi ta rút 2 băng màu tươi đi.




    - Một thí nghiệm: Sự lựa chọn phông màu khác nhau làm cho mắt có khuynh hướng bù trừ khiến ta thay đổi cảm nhận khác nhau về chủ thể. Phông màu tối làm cho con tôm hùm dưới đây sáng lên, ngược lại tông màu sáng làm cho nó tối lại. Phông màu xanh lá làm con tôm đỏ thêm, còn phông đỏ thì làm cho nó bớt đỏ đi. Đây cũng chính là khả năng làm tăng các giá trị màu sắc của sự tương phản mà ta đã bàn
    Được sửa bởi Xman lúc 02:15 AM ngày 03-07-2007

  6. #26
    Tham gia
    20-07-2006
    Bài viết
    270
    Phải để dành đọc từ từ mới thấm
    Cám ơn anh rất nhiều

  7. #27
    Tham gia
    26-04-2007
    Location
    Paris
    Bài viết
    595
    - Hài hòa màu sắc:

    Có những cách kết hợp các màu tạo ra một cảm giác dễ chịu và những cách kết hợp đó có mối quan hệ với vị trí của các màu trong vòng tròn màu sắc. Các họa sĩ, chuyên gia màu sắc thường tiếp cận vấn đề một cách bản năng nhưng người ta thống nhất một lý thuyết chung. Nhà lịch sử học về nghệ thuật John Gage phân biệt 4 loại lí thuyết về sự hài hòa: Hài hòa màu sắc có vần điệu tương tự như âm nhạc (như tôi không lầm thì lí thuyết này 2 họa sĩ Kanzinski và Paul Klee tìm ra), Hài hòa bổ sung (các màu đối nghịch trong vòng tròn màu sắc- tương phản về teinte), Sự tương tự về ánh sáng/ giá trị màu (sự đồng biến mà ta đã bàn) và tâm lý thực nghiệm.
    Nói cho cùng, hài hòa màu sắc cho ra những bức ảnh đẹp, ưa nhìn, nhưng sự lạc điệu cũng có vai trò của nó. Thông thường thì những lí thuyết đó vận hành tốt, nhưng sẽ nguy hiểm nếu ta cứ cứng nhắc cho rằng tất cả ảnh chụp bắt buộc phải hài hòa, vì thực tế có bức ảnh lạc điệu nhưng vẫn thành công.
    Sự vận hành của hài hòa màu sắc liên quan đến hiện tượng tương phản "liên tiếp" đã bàn, mắt người có khuynh hướng thiết lập lại sự cân bằng bằng cách sinh ra màu đối nghịch, đó là nguyên tắc chủ yếu của hầu như tất cả lí thuyết về màu sắc, não và mắt chỉ tìm thấy sự cân bằng trong sự "trung tính", màu xám không nhất thiết phải có mặt, chỉ cần kết hợp lại những màu mà kết quả pha trộn cho ra màu xám, dường như mắt và não tự pha trộn lại những màu mà chúng nhận được. Chính vì vậy mà vòng tròn màu sắc đóng vai trò quan trọng, sự pha trộn những màu đối nghịch trên vòng tròn luôn cho ra màu xám trung tính, các cặp màu đó được gọi là những màu "bổ sung". Tất cả những sự phối hợp đối xứng qua tâm bất kể 2 màu, 3 màu hay 4 màu đều cho ra sự hài hòa giống như hình minh họa dưới đây




    Vấn đề hài hòa không chỉ giới hạn ở đó, độ sáng cũng tham gia vô "phương trình", mỗi màu có một độ sáng của nó và sự hài hòa "hoàn hảo" đòi hỏi có sự pha trộn theo một tỉ lệ nhất định.Theo thứ tự giảm dần, giá trị độ sáng các màu được JW von Goethe tìm thấy như sau: Màu vàng 9, Cam 8, Đỏ và Xanh lá cây 6, Xanh dương 4, Tím 3. Khi chúng được pha trộn thì các giía trị đó đảo ngược cho số lượng, vậy không gian cần thiết của các màu là: Tím 9, Xanh dương 8, Đỏ và Xanh lá cây 6, Cam 4, Vàng 3. Hình dưới đây là tỉ lệ tối ưu của 3 cặp màu bổ sung và 2 tập hợp 3 màu.



    Ánh sáng và tỉ lệ: ngay cả khi bỏ qua một bên các màu bổ sung, một sự kết hợp giữa tối và sáng có khuynh hướng hài hòa hơn khi sự chọn đóng khung phản ánh cơ cấu đó. Tuy nhiên giống như luôn luôn, sự hài hòa không bắt buộc mà chỉ là một thành phần tham gia tùy theo trường hợp


    Các nguyên tắc trên về hài hòa màu sắc không phải "thần dược", ta có thể sử dụng thành công, nhưng nếu ta sử dụng chúng thật chính xác, thì nó trở thành máy móc, có thể đoán trước được. Những gì ta đạt được ở hài hòa, thì ta bị mất đi cá tính và sự sáng tạo, chúng chỉ cho ta cách tạo một bức ảnh bình yên, ưa nhìn, nhưng đó không phải luôn luôn là cái mà ta muốn thể hiện. Việc áp dụng tốt màu sắc cũng bao gồm cả "lạc điệu" và "xung đột".

    Sự "tương tự" là một cách tiếp cận khác của hài hòa màu sắc, vấn đề chủ yếu là lựa chọn các màu kế cận nhau trên vòng tròn, chúng có thể là các sắc màu kế cận, hoặc là các biến điệu về độ bão hòa, cường độ sáng của một vài sắc màu gần nhau, phương pháp này được sử dụng từ lâu trong nghệ thuật.




    Sự "hòa trộn mờ": Làm mềm mại ranh giới và hòa lẫn hình ảnh màu sắc, khiến cho bức ảnh thu hút hơn. Phương pháp này được sử dụng từ những năm 60. Sự "làm mờ" trộn lẫn các màu, cho một hiệu quả tự nhiên của hòa hợp màu sắc bất kể sắc màu của chúng
    Được sửa bởi Xman lúc 08:02 PM ngày 04-07-2007

  8. #28
    Tham gia
    26-04-2007
    Location
    Paris
    Bài viết
    595
    Xin bổ sung thêm một phần viết của tác giả John Hedgecoe trong phần màu sắc của cuốn "le nouveau manuel de photographie" về sự đơn sắc
    - Sự đơn sắc (camaïeu): Sắc thái của một màu duy nhất
    Khác với họa sĩ, người nhiếp ảnh không điều khiển trực tiếp màu và chủ thể, nhưng trong tất cả các sáng tác, họ có thể chọn những gì hiện hình trên khung ảnh. Để tránh sự chõi nhau về màu sắc, "gu" xấu hoặc sự lưỡng lự về hài hòa màu sắc, ta nên chọn những cảnh chụp mà các màu sắc nằm cùng một "họ gia đình". Hãy nghĩ tới các mẫu màu của các nhà sản xuất sơn, ở đó các màu sắc được chia theo từng khu của bảng màu. Sự đơn sắc không những bảo đảm một sự hài hòa chắc chắn, có "gu", mà còn cho một ấn tượng thanh thản, bình tâm rất thích hợp một vài chủ đề. Trên vòng tròn màu sắc, sự đơn sắc tương ứng với chọn lựa một đoạn màu. Tuy đơn sắc nhưng chúng cho những sắc thái vô tận do thay đổi theo độ sáng tối và bão hòa.





    Màu lá cây khô và thân cây cho sự bài trí tự nhiên của bức chân dung này, hài hòa với màu tóc và quần áo của người mẫu




    Trên bức ảnh cổ điển về mái ngói la mã này, màu ngói hầu như y hệt nhau, nhưng sự khác nhau về cũ mới cộng với góc độ chiếu sáng khác nhau tạo nên các sắc thái biến đổi.

    Lời khuyên chuyên gia:
    - Đừng quên là màu trắng và màu đen trung tính nên chúng có thể kết hợp hài hòa với bất cứ sắc màu nào.
    - Sương mù và bụi biến phong cảnh thành "camaïeu" do giảm bớt sự "gay gắt" của màu sắc.
    - Với ảnh chân dung, hãy chọn quần áo trang phục, sự trang điểm, phông nền hòa hợp với màu tóc và mắt
    Được sửa bởi Xman lúc 10:01 PM ngày 04-07-2007

  9. #29
    Tham gia
    26-04-2007
    Location
    Paris
    Bài viết
    595
    - Đỏ và Xanh lá cây

    Sự kết hợp này giữa màu rực rỡ nhất (đỏ) và màu phổ biến nhất trong thiên nhiên (Xanh lá) có rất thường xuyên và mạnh, nhưng sẽ hài hòa hơn khi màu xanh lá hơi ngả xang xanh dương. Màu đỏ và màu xanh lá tươi có cùng cường độ sáng nên chúng sẽ kết hợp hài hòa với nhau với cùng tỉ lệ, nhưng phải trong trường hợp cả 2 màu cùng tinh khiết và chính xác -điều đó rất hiếm khi xảy ra, hơn nữa ta cũng khó đo được diện tính chính xác của chúng. Mặc dù màu đỏ và xanh lá có những biến thể rộng ra giống như ta thấy trong vòng tròn màu sắc, màu bổ sung cho màu đỏ hơi ngả qua màu cyan hơn là xanh lá cây. Trong thiên nhiên, sự kết hợp này giới hạn trong hệ thực vật. Trong các bức ảnh của tạp chí National Geographic ta thường thấy một nhân vật mặc áo đỏ trong khung cảnh thiên nhiên, đó là cách để thu hút sự chú ý và phần đông các nhiếp ảnh gia luôn tìm đưa vào màu đỏ nếu cảnh chụp bị màu xanh lá cây thống lĩnh.

    Màu đỏ và màu xanh lá cây bão hòa sẽ tạo nên sự "rung động" khi đặt gần nhau (xem phần trước). Mặc dù hiệu quả đó làm khó chịu nếu nhìn lâu nhưng lại rất năng động và lôi cuốn, nó làm tăng thêm năng lượng cho bức ảnh. Việc này có thể xảy ra với 2 màu tươi khác có cùng độ sáng, nhưng ta luôn luôn đạt hiệu quả cao nhất với màu đỏ và xanh lá.

    Khi ta thay đổi về tỉ lệ diện tích, sự hài hòa có thể bị giảm, nhưng khi tỉ lệ đó quá khác biệt, màu chiếm diện tích nhỏ sẽ có thêm một năng lượng bổ sung. Ảnh dưới đây chụp một trang trại từ máy bay, màu mái đỏ không bị nuốt chửng bởi cánh đồng xanh mênh mông, trái lại nó nổi bật lên. Đây không còn là sự kết hợp màu sắc nữa mà là một điểm nhấn màu. Hiệu quả mạnh hơn khi màu đỏ trên nền xanh hơn là màu xanh trên nền đỏ bởi vì các màu nóng có khuynh hướng tiến lại gần, màu lạnh lùi ra xa tạo nên một hiệu quả 3D cho bức ảnh 2D.




    Vách kính màu xanh lá cây này của một nhà hàng Thái, được thiết kế bởi một kiến trúc sư Nhật ờ Tokyo, là một sự kết hợp tinh tế giữa 2 màu.




    Chùm trái mọng (baie) đỏ rực này dường như mãnh liệt hơn khi được bao bọc bởi màu xanh của khu rừng Nouveau Brunswick
    Được sửa bởi Xman lúc 07:18 PM ngày 05-07-2007

  10. #30
    Tham gia
    26-04-2007
    Location
    Paris
    Bài viết
    595
    Màu cam và xanh dương:

    Trong ba cặp màu cổ điển thì cặp màu Vàng-Xanh dương dễ tìm thấy trong nhiếp ảnh nhất. Màu cam có cường độ sáng gấp đôi màu xanh dương nên để cân bằng thì diện tích màu xanh dương trong ảnh phải chiếm gấp đôi màu cam. Độ "rung động" cũng giảm đi nhiều nên rất chúng rất ưa nhìn và dễ chịu khi nhìn lâu. Nhà họa sĩ phái "chủ nghĩa biểu hiện" (expressionniste) August Macke cho rằng cặp màu Cam-Xanh dương tạo nên "một sự hòa hợp mang tính lễ hội".
    Màu cam và Xanh dương rất gần với 2 cực trong thang nhiệt độ màu nên ta có thể tìm thấy chúng trong các điều kiện ánh sáng thông thường. Mặt trời xuống thấp, ánh sáng nến, bóng đèn dây tóc... là các nguồn của màu cam. Bầu trời không mây là nguồn vô tận của màu xanh dương. Khi mặt trời lặn ta hay thấy hiệu quả bổ sung màu cam ráng nắng trên nền xanh dương trong bóng râm (dường như Léonard de Vinci là người đầu tiên nhận thức được hiện tượng này). Ngoài độ tương phản về sắc màu, cặp màu này còn cho thêm độ tương phản về cường độ sáng và một độ tương phản lớn nhất về nhiệt độ trong 3 cặp màu, vì thế chúng gây ấn tượng mạnh sự tiến gần của màu cam và lùi ra xa của màu xanh.




    Bức tượng phật mặc áo xanh dương này được chụp xuyên qua ngọn lửa nến màu cam đã cho ra một sự kết hợp hài hòa màu sắc.




    Trong một nhà hàng ở Mumbai-Ấn độ, Các bông "souci" được đặt nổi lên trên một chậu xanh dương. Ở đây vị trí của máy chụp và sự đóng khung ảnh được chọn sao cho màu cam chiếm diện tích ít hơn màu xanh dương



    Một ngôi nhà cổ với sân trong, một Havelî trong khu làng Râjasthâni, mới được sơn lại bằng cặp màu cam và xanh "pastel". Các sắc màu cá nhân này tuy khác 2 bức ảnh trên, nhưng sự kết hợp của chúng vẫn cho hiệu quả tương tự.


    - Tỉ lệ đảo ngược: Đôi khi rất thú vị khi ta đảo ngược tỉ lệ diện tích của 2 màu trong bức ảnh, trong photoshop ta chỉ cần copie thêm một layer và thay đổi các teint 180° nhờ lệnh Teint/saturation, sau đó xóa đi các vùng không liên quan (mật các bé gái trong ảnh). Khi ta thay đổi cho màu cam chiếm diện tích thống lĩnh, ta thấy hiệu quả trên không bị hỏng. Sự kết hợp giữa 2 màu đã đủ cho sự hài hòa vì mắt có khuynh hướng bị thu hút bởi các điểm màu nhỏ và khi tập trung vô các điểm màu này thì ta có cảm giác cân bằng cục bộ, màu xanh dường như mạnh hơn là thực tế với diện tích nhỏ như vậy

Trang 3 / 10 Đầu tiênĐầu tiên 12345 ... Cuối cùngCuối cùng

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Những chủ đề tương tự

  1. Bố cục trong nhiếp ảnh
    By fantasy in forum Nhiếp ảnh cơ bản
    Trả lời: 79
    Bài viết cuối: 18-05-2013, 11:52 PM
  2. < Yêu Cầu > Học nhiếp ảnh trong vòng 30 ngày
    By chestervn in forum Nhiếp ảnh cơ bản
    Trả lời: 4
    Bài viết cuối: 07-08-2009, 11:24 AM
  3. Những loài động vật kỳ quái trong tự nhiên ở Việt Nam
    By pmytrung in forum Ảnh thiên nhiên, phong cảnh
    Trả lời: 33
    Bài viết cuối: 06-07-2008, 12:14 PM
  4. Ý tưởng sáng tác trong Nhiếp ảnh!!!
    By KhoanTuong in forum Tán gẫu - Chuyện trong nhà ngoài phố
    Trả lời: 27
    Bài viết cuối: 19-03-2006, 10:54 PM

Quy định

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •