PDA

View Full Version : Truyền thông đa phương tiện và nhiếp ảnh



apham
16-10-2007, 08:43 AM
Tiếp sau sự thành công của 2 sự kiện seminar về Truyền thông đa phương tiện do Asian Stock tổ chức tại TP. HCM và Hà Nội, bạn Vương Bích Ngọc có nickname là vetrongpho muốn chia sẻ một số thông tin liên quan đến truyền thông đa hương tiện cụ thể là trong thể loại báo chí đã tác động đến cuộc sống hàng ngày của con người. Apham xin trích đăng để các bạn tham khảo và chia sẻ.

Báo chí thời đa phương tiện

“Đa phương tiện” - Multimedia đang là một khái niệm thời thượng trong nhiều lĩnh vực đời sống hiện đại, đặc biệt là ở những sản phẩm điện tử công nghệ cao như máy tính, TV, giàn âm thanh, máy nghe nhạc bỏ túi hay điện thoại di động. Vậy, một cách chính xác, multimedia là gì?

Trước khi tìm hiểu khái niệm “multimedia”, hãy xem khái niệm “media” là gì? Thuật ngữ media từ lâu dùng để chỉ các thực thể như máy truyền thanh, máy truyền hình, nghĩa là không phải nói đến một vật mang thông tin đơn thuần, mà là một hệ thống tương đối phức tạp, có cơ cấu, có đối tượng truyền tải thông tin đó. Hình thức truyền thông trực tiếp phổ biến nhất là truyền miệng, nghĩa là thông tin được truyền đi qua giao tiếp, từ miệng người này đến tai người kia, không sử dụng thành phần trung gian. Media có mục đích là phát, truyền thông tin, không chỉ bằng cách nghe và nhìn. Với chữ nổi, để đọc được một người khiếm thị phải dùng tay sờ những ký hiệu dập nổi trên giấy. Một tấm thiệp điện tử có nhạc và mùi hương, đòi hỏi người nhận cùng lúc phải sử dụng thị giác, khứu giác và thích giác. Với những hình thức đó, chúng ta có thể nói đến một sự truyền thông đa phương tiện, hay multimedia.
So với khi mới xuất hiện vài năm trước đây, khái niệm “multimedia” cũng đã có nhiều thay đổi và đang được phát triển mạnh. Nhưng nhìn chung, có thể hiểu, “multimedia” hay “truyền thông đa phương tiện” là sự kết hợp của ngôn ngữ viết, ảnh, video, âm thanh, thiết kế đồ họa và các phương thức tương tác khác trên trang web nhằm truyền tải một câu chuyện/vấn đề một cách đa diện, mỗi hình thức thể hiện góp phần tạo nên câu chuyện thuyết phục nhất và đầy đủ thông tin nhất. Đối với ngành báo chí nói riêng, đặc biệt là báo điện tử và các kênh truyền hình trực tuyến, phóng sự đa phương tiện chính là tương lai của sự phát triển.

Sang đến thế kỷ 21, một cơ quan báo chí hiện đại không thể chỉ xuất bản một tờ báo giấy thông thường, cổ điển như trước kia. Một tờ báo giấy không thể thiếu sản phẩm báo điện tử đi kèm, và doanh thu từ bản điện tử này ngày càng lớn và đến được với độc giả trên toàn cầu. Các trang thông tin điện tử hàng đầu thế giới hiện nay như New York Times, Washington Post của Mỹ hay The Guardian của Anh đang cung cấp cho độc giả những câu chuyện vô cùng sống động và chân thực qua các phóng sự đa phương tiện. Những đề tài họ khai thác thường là về các vấn đề được nhiều người quan tâm như an ninh, môi trường, tệ nạn xã hội, các hoạt động văn hóa, giải trí, những điều kỳ lạ về cuộc sống…

Tại châu Âu và Mỹ, truyền thông đa phương tiện được công chúng đánh giá rất cao bởi nó được xây dựng một cách chuyên nghiệp mang tính thời sự, hiệu quả cao trong việc truyền tải thông tin và hình ảnh đến người xem. Đặc biệt tại Mỹ, sự cạnh tranh giữa các hãng truyền thông vô cùng khốc liệt. Các phóng viên ảnh nếu muốn giữ công việc một cách chắc chắn thì ngoài việc cung cấp những phóng sự ảnh truyền thống, họ cần phát triển thêm các kỹ năng như phỏng vấn, ghi âm, quay phim, hiệu đính âm thanh, hình ảnh video và thâm chí cả thiết kế đồ họa và flash. Truyền thông đa phương tiện đã giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của báo chí và truyền hình ở khả năng tiếp cận tới khán giả mọi nơi, mọi lúc và bằng mọi hình thức nghe nhìn có thể. Đây là một hình thức báo chí mới, được đánh giá là rất có tương lai ở châu Âu và Mỹ trong những năm tới. Ở châu Á, mọi sự vẫn đang ở giai đoạn mở đầu và việc phát triển hình thức truyền thông hiện đại này là một điều tất yếu ở châu lục đông dân nhất này.

Ông Bill Keller, tổng biên tập tờ New York Times, khẳng định “sự thật là cuộc chạy đua đa phương tiện đã bắt đầu và bạn sẽ nhanh chóng bị loại ra khỏi cuộc đua nếu như bạn không tăng tốc” (theo New York Times). Ông đã phát động một cuộc đua cho tất cả các nhân viên của mình. Từ các biên tập viên, phóng viên, nhà báo và những nhân viên quảng cáo cho tờ báo đều vào cuộc. Thay vì chỉ được đào tạo đơn giản để phỏng vấn, nghiên cứu, để viết bài, các nhà báo sẽ được đào tạo chéo, để có thể sử dụng thành thạo video, hình ảnh, audio và biết cách khai thác hiệu quả một đa phương tiện. New York Times đã chỉ ra rằng sẽ không còn sự phân biệt giữa các biên tập viên của báo in và báo điện tử. Những người làm báo cần phải tìm cách tiếp cận với truyền thông đa phương tiện để biến tờ báo của họ trở nên thực sự là một kênh truyền thông mạnh.

Ảnh chụp màn hình với nền là trang web Washington Post, thể hiện 1 đoạn quảng cáo trước khi bắt đầu multimedia chính
http://www.vnphoto.net/data/p6/chupmanhinh1_4642.jpg

Ảnh chụp màn hình với nền là trang web Washington Post, một trang web thông tin lớn nhất của Mỹ với sản phẩm Multimedia
http://www.vnphoto.net/data/p5/chupmanhinh2_7612.jpg

Ảnh chụp màn hình với nền là trang web Media Storm, một trang web lớn về Multimedia trên thế giới
http://www.vnphoto.net/data/p4/chupmanhinh3_2163.jpg

Ảnh chụp màn hình với nền là trang web Media Storm, bên cạnh mutimedia chính còn có phần nội dung phụ trợ giúp cho phóng sự ảnh multimedia thêm đầy đủ, hấp dẫn và có các tính năng tương tác với độc giả
http://www.vnphoto.net/data/p5/chupmanhinh4_2967.jpg

Ảnh chụp màn hình với nền là trang web Media Storm, với câu chuyện về việc săn bắn và buôn bán trái phép các loại động vật hoang dã ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong ảnh là cảnh bác sỹ đang lấy mật gấu
http://www.vnphoto.net/data/p6/chupmanhinh5_5791.jpg

Trong khi multimedia ở các nước Châu Âu và Mỹ đang phát triển mạnh mẽ thì ở Việt Nam, khái niệm về truyền thông đa phương tiện còn khá mới mẻ. Ngoài báo in, phần lớn các tòa báo ở Việt Nam đã mở thêm trang web để cập nhật thông tin nhanh chóng và phục vụ một số lượng đông đảo người dùng internet. Họ cũng đã bắt đầu biết khai thác lợi thế của internet bằng việc phát trực tuyến hoặc phát lại các các chương trình TV, phim, radio, hay các đoạn video clip. Tiêu biểu trong số đó có trang phimanh.net thuộc VN Express; www.vnntv.vn; www3.tuoitre.com.vn/Media; hay www.vtc.com.vn. Tuy nhiên tất cả đều ở hình thức phát lại và chủ yếu mang tính giải trí.

Trong bài phát biểu với các nhà báo Việt Nam, ông Otto Sjoberg, Tổng Biên Tập tờ Expressen, nhật báo có lượng độc giả lớn thứ ba ở Thụy Điển, cho biết “Chúng ta đang sống trong một thời đại tồi tệ nhất, nhưng cũng tốt đẹp nhất của báo chí. Bởi trong thế giới báo chí đang có rất nhiều sự thay đổi. Nếu không biết cách thay đổi thì các bạn sẽ chết. Còn nếu thích ứng được thì sẽ có vô vàn cơ hội" (theo báo điện tử Vietnamnet).

Trên các trang báo điện tử ở Việt Nam, rất nhiều nội dung và hình ảnh được đăng nhưng chủ yễu vẫn là các bài viết đơn thuần kèm một vài bức ảnh. Hình thức phóng sự ảnh hay slideshow cũng rất được ưa thích trong vài năm gần đây khi ảnh số và máy ảnh số phổ biến hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên đó chưa thực sự được coi là truyền thông đa phương tiện. Thách thức đặt ra cho ngành báo chí truyền thông đa phương tiện ở Viêt Nam đó là: làm thế nào để vừa làm hài lòng độc giả, vừa tận dụng hết sức mạnh của truyền thông đa phương tiện trong việc hiện đại hóa phương thức truyền thông để bắt kịp với nền báo chí thế giới.

*Nguồn thông tin tham khảo: www.washingtonpost.com; www.nytimes.com; www.guardian.co.uk

vetrongpho
26-10-2007, 12:01 AM
Chào các bạn thành viên VNphoto.NET,

Relative Exposure (http://www.relativeexposure.net/) rất vui mừng sẽ được cùng các bạn cùng tìm hiểu và thảo luận về Multimedia, vốn không phải là một từ mới, đặc biệt là với một số sản phẩm điện tử hiện đại như điện thoại di động; máy nghe nhạc hay các loại máy tính xách tay...

Tuy nhiên, trong ngành báo chí/truyền thông nói riêng, Multimedia là một khái niệm mới có khoảng 5 năm trở lại đây, kể cả ở Mỹ và châu Âu. Định nghĩa “truyền thông đa phương tiện” đang dần thay đổi và phát triển, nhưng ngoài kỹ năng về hình ảnh/video (vốn là một phần quan trọng nhất của Multimedia), những nguyên tắc về thu thập âm thanh, tạo cảm giác thoải mái cho đối tượng phỏng vấn và biết cách đặt câu hỏi vẫn là những yếu tố cơ bản tạo nên một sản phẩm truyền thông đa phương tiện chất lượng cao. Đây sẽ là những kiến thức mới mẻ với những nhiếp ảnh gia vốn xưa nay chỉ quen với chiếc camera.

Truyền thông đa phương tiện không chỉ là khái niệm mới với các nhiếp ảnh gia châu Á mà với cả các nhiếp ảnh gia phương tây. Truyền thông đa phương tiện được đưa ra bằng ngôn ngữ địa phương nơi câu chuyện diễn ra cũng là rất mới bởi như vậy, sức lan tỏa và tác động của câu chuyện sẽ mạnh hơn và rộng hơn; đồng thời mang lại hiệu quả truyền thông trực tiếp tới những đối tượng có liên quan tại nơi câu chuyện diễn ra.

Chúng tôi đang khuyến khích các nhiếp ảnh gia tiến xa hơn một bước trong sự nghiệp và kể một câu chuyện sống động hơn bằng cách thu thập thêm âm thanh. Bạn biết rõ về đối tượng, hiểu rõ về khu vực diễn ra câu chuyện và bạn có khả năng truyền tải thông tin đến công chúng tốt hơn bất kỳ ai khác. Vì vậy, nếu bạn biết cách thể hiện càng rõ đối tượng, chúng tôi tin rằng bạn càng có cơ hội kể cho mọi người tốt hơn câu chuyện của mình.

Dưới đây là phần thông tin khá đầy đủ về những điều cần lưu ý khi thu thập dữ liệu âm thanh, làm thế nào để khiến đối tượng phỏng vấn kể được câu chuyện của họ và làm thế nào để áp dụng vào công việc của bạn dễ dàng nhất. Những hướng dẫn và gợi ý (Do Relative Exposure dịch) dưới đây phần lớn là của Brian Storm, giám đốc bộ phận truyền thông đa phương tiện tại hãng MSNBC.com trước khi ông thành lập MediaStorm và của Jim Seida, MSNBC.com. Brian là một trong những nhà tiên phong thực thụ trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện và cũng là người truyền bá lớn nhất trong lĩnh vực này. Chúng tôi khuyến khích bạn ghé thăm website của Brian tại địa chỉ www.mediastorm.org để biết thêm thông tin chi tiết.

Chúng tôi sẽ đăng từng phần của thông tin hướng dẫn theo thứ tự nội dung như sau:

I - Những điều Nên và Không nên trong quá trình thực hiện:

* • Tại sao các nhiếp ảnh gia cần thu thập dữ liệu âm thanh?
* • Phối hợp các chú thích và các đoạn âm thanh như thế nào??
* • Nên làm gì trước? Hình ảnh hay âm thanh?
* • Làm thế nào để liên kết câu chuyện với đối tượng của cuộc phỏng vấn?
* • Làm thế nào để khai thác những thông tin cần thiết trong 1 tình huống phỏng vấn?
* • "Âm thanh tự nhiên" là gì; Và chúng có tác dụng gì?
* • Những thiết bị thu âm nào là tốt nhất? Và tôi có thể mua ở đâu?

II - Làm thế nào để gửi sản phẩm cho Relative Exposure

* Làm thế nào để gửi đoạn multimedia/video cho Relative Exposure?
* Nếu tôi đồng ý, Relative Exposure có sản xuất/biên tập lại sản phẩm của tôi không?
* Tôi có cần giới thiệu chi tiết về câu chuyện không?
* Bài phỏng vấn là một ngôn ngữ khác không phải tiếng Anh thì sao?
* Có thể gửi file âm thanh ở đâu và gửi thế nào?

III - Nguồn thông tin

* Video/Đa phương tiện trên trang web
* Thông tin mới về media
* Các thiết bị video và âm thanh

Nếu có bất kì câu hỏi hoặc ý kiến đóng góp nào, các bạn có thể đưa ra trực tiếp tại forum này. Chúng tôi sẽ cố gắng giải đáp hoặc đưa ra những nguồn thông tin tham khảo hữu ích.

Tôi mong được hợp tác với tất cả các bạn trong lĩnh vực mới mẻ này!

Thân mến,

Relative Exposure Agency

VIIP
26-10-2007, 12:53 AM
Cảm ơn Apham và Vetrongpho về những thông tin quý giá ở lĩnh vực mà em quan tâm. Em vừa gửi PM cho vetrongpho

vetrongpho
26-10-2007, 10:18 PM
Những điều Nên và Không nên trong quá trình thực hiện:

1 - Tại sao các nhiếp ảnh gia cần thu thập dữ liệu âm thanh?
Vậy, âm thanh thực sự là gì? Nó dường như là điều một nhà nhiếp ảnh tĩnh vẫn bắt gặp trong quá trình đi chụp ảnh hàng ngày. Là một nhà nhiếp ảnh tư liệu, chúng ta luôn được khuyên rằng hãy đóng vai một con ruồi đậu trên tường. Chúng ta trở nên vô hình so với ngoại cảnh để có thể thu được những chi tiết thực nhất của cuộc sống. Chúng ta luôn có thái độ"đừng nhìn vào tôi, đừng nói với tôi". Làm như thế, chúng ta có được những bức ảnh tuyệt vời; nhưng chúng ta có thực sự thu được một câu chuyện hoàn hảo không?

Hãy thử xem. Hãy giành thời gian ngồi lại với người mà bạn vừa chụp ảnh và nói chuyện với họ. Việc này có thể rất khó. Và sẽ còn khó hơn khi bạn ghi âm lại cuộc đối thoại đó nhưng kết quả cuối cùng sẽ là người trong bức hình kể lại câu chuyện của chính họ, bằng chính giọng nói của họ. Điều này không hề dễ dàng. Nó mất nhiều thời gian và cũng đòi hỏi bạn phải có những thiết bị mới và kĩ năng mới. Nó cũng tạo nên động lực để phá bỏ những thói quen của một nhà nhiếp ảnh và cố gắng thử những cái mới. Muốn một nhà nhiếp ảnh bỏ camera xuống cũng khó như việc cướp miếng mồi của loài thú săn vậy! Nhưng lợi ích của cách tiếp cận này là thực sự không thể tin được đối với nghề báo và khía cạnh kinh tế của bạn.

2 - Thu thập âm thanh để bổ xung thông tin cho những bức ảnh của bạn
Không nghi ngờ gì, việc thu thập những bài phỏng vấn và âm thanh tự nhiên từ một sự kiện sẽ làm bạn trở thành một nhà báo giỏi hơn. Bạn sẽ biết nhiều hơn về đối tượng của bạn. Bạn cũng sẽ thu được những thông tin chi tiết cho câu chuyện và chú thích của bạn; và bạn sẽ có một sản phẩm có thể tiếp thị được đến nhiều đối tượng khách hàng. Âm thanh làm cho hình ảnh thêm sống động mà những chú thích không thể làm trọn vẹn được. Còn những bức ảnh lại cho phép chúng ta thấy được những thứ mà bạn không thể thấy được từ một đoạn âm thanh. Vì vậy, sự kết hợp của hình ảnh và âm thanh sẽ mang lại cho người xem những trải nghiệm thực sự. Nó tạo nên tính hiện thực, bố cục và độ sâu của câu chuyện và để cho người trong câu chuyện tự nói về họ. Âm thanh cũng làm sản phẩm của bạn có cơ hội được phát hành cao hơn vì nó được xây dựng phù hợp với nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Hãy nghĩ làm thế nào để âm thanh và hình ảnh của bạn liên kết được với nhau. Bạn muốn âm thanh của bạn có thể bổ xung, truyền tải nội dung của hình ảnh, và bạn cũng muốn bức ảnh làm được như thế với âm thanh. Cái hay của viêc sử dụng cùng lúc hai hình thức đó là chúng ta có thể lấp được lỗ hổng có thể có khi sử dụng đơn lẻ chúng. Kết quả cuối cùng là một câu chuyện hoàn thiện hơn câu chuyện xây dựng từ hình ảnh hoặc âm thanh đơn lẻ.

3 - Làm thế nào để chú thích ảnh và âm thanh bổ trợ được cho nhau?
Đây là hướng dẫn của ông Meredith Birkett, chuyên gia sản xuất các dự án truyền thông đa phương tiện tại MSNBC.com, về viết chú thích và âm thanh, và làm thế nào để chúng bổ trợ được cho nhau.

"Chú thích ảnh rất hữu ích khi cần nêu những thông tin cơ bản liên quan đến hình ảnh. Độc giả có thể xem ảnh, đọc chú thích và nghĩ rằng họ đã biết hết những thông tin quan trọng và xem toàn bộ câu chuyện mà không cần nghe âm thanh. Âm thanh chỉ là phần phụ nhưng vẫn là thông tin quan trọng. Chúng ta không nên để phần âm thanh lặp lại cùng thông tin đã có trong chú thích. Thay vào đó âm thanh nên biểu đạt những sắc thái ý nghĩa mà ngôn ngữ viết không truyền đạt được… ví dụ giọng nói nghẹn ngào của bà mẹ khi nói về cái chết của con trai, để tỏ rõ sự bất bình mà nhà nhiếp ảnh cảm thấy trước sự bất công trên thế giới.

Đôi khi âm thanh có thể mô tả bối cảnh của câu chuyện hoặc những gì xảy ra ngay sau khi bức ảnh được chụp. Âm thanh cũng có thể mô tả những suy nghĩ trừu tượng, mang tính triết học hay những suy nghĩ cá nhân nhiều hơn những thông tin được viết trong chú thích. Đây là một ví dụ điển hình: chúng ta có bức tranh của một đứa trẻ vẽ một máy bay cứu trợ ở Sudan. Chú thích mô tả những gì đứa trẻ vẽ, địa điểm mà bức tranh được vẽ và rằng đứa bé đã nhận lương thực từ Chương Trình Lương thực Thế giới từ khi nó sinh ra. Trong đoạn âm thanh, bạn thấy nhiếp ảnh gia mô tả từ thời kỳ cổ đại, con người ở đây đã biết những gì quan trọng với văn hóa của họ, những con thú họ bắn, những cuộc chiến mà họ đã tham gia. Vì vậy ảnh chụp đứa trẻ vẽ máy bay cứu trợ lương thực đã cho thấy tầm quan trọng của sự hỗ trợ này với cuộc sống của họ."


Còn tiếp...

vetrongpho
28-10-2007, 11:48 PM
4 - Tôi nên làm gì trước, hình ảnh hay âm thanh?
Điều này còn tùy. Nếu có đoạn âm thanh giá trị mà bạn cho rằng sẽ trôi qua sau vài phút, bạn có thể mang ngay thiết bị ghi âm ra và thu ngay. Nếu ánh sáng rất tốt nhưng đang nhạt dần có thể bạn nên chụp ảnh trước. Không có cách làm nào là đúng và đôi khi bạn phải đánh đổi. Bạn cần chấp nhận sự thật là trong khi thu âm, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều hình ảnh tuyệt vời và trong khi chụp ảnh, bạn cũng lỡ mất những âm thanh quý giá. Tôi đã từng cố gắng làm hai việc cùng một lúc nhưng kết quả không tốt lắm. Để có được âm thanh tốt cần kĩ năng, công sức và tập trung không kém gì việc có được những bức ảnh đẹp. Có thể nói rằng một đoạn âm thanh tốt có gợi ý cho bạn một hình ảnh mới mà bạn cần chụp để hoàn thiện câu chuyện. Và một bức ảnh tốt, bây giờ âm thanh sẽ là công cụ, sẽ khiến bạn phải ghi thêm âm thanh để bổ xung cho bức ảnh đó.

5 - Chụp ảnh theo chuỗi hành động
Một điều cần lưu ý khi chụp ảnh là bạn cần vài tấm ảnh tĩnh đẹp để diễn tả hết phần âm thanh. Hay nói cách khác, bạn cần có một chuỗi hình ảnh để kết hợp với đoạn âm thanh. Trong khi xem xét bố cục của câu chuyện và ghi lại chuỗi hình ảnh chuyển động, bạn vẫn cần tập trung thu ghi lại những khoảnh khắc quan trọng nhất.

6 - Hoàn thiện những gì bạn đã quay và thu được
Nếu bạn chụp khá đẹp ảnh một đứa trẻ đang đá bóng thì đừng bỏ đi trước khi bạn ghi được tiếng đứa trẻ sút trái bóng. Đừng ngừng chụp cho đến khi bạn có được một chuỗi hoạt động, bao gồm từ lúc bắt đầu đến phần giữa và phần cuối hành động. Sau đó, bạn có thể tiến hành phỏng vấn tại sao đứa bé lại thích chơi bóng đá.

Nếu trong khi ghi âm, bạn thu được tiếng con chó của một phụ nữ đang sủa và bạn muốn sử dụng nó, bạn hãy chụp những bức ảnh về con chó đó. Bằng cách thực sự lắng nghe và quan sát, bạn sẽ thấy bức ảnh dẫn bạn đến âm thanh và âm thanh thì dẫn bạn đến hình ảnh. Khi điều này diễn ra, nghĩa là âm thanh và hình ảnh đã bổ trợ được cho nhau.

7 - Thu âm bài phỏng vấn
Một cuộc phỏng vấn là một tình huống được kiểm soát, cũng giống như một bức ảnh về môi trường. Khi phỏng vấn, bạn cần làm cho người được phỏng vấn nói chuyện càng dễ hiểu và trung thực càng tốt.

8 - Địa điểm, địa điểm, địa điểm!
Hãy chọn một địa điểm yên tĩnh. Tìm một nơi xung quanh có những bề mặt mềm có thể hấp thu được âm thanh. Đặt đối tượng ngồi trên ghế đệm chứ không nên ngồi ghế gỗ cứng. Trải lên bàn một cái chăn. Đóng rèm cửa sổ. Tắt máy tính và rút tủ lạnh. Và nhớ cắm tất cả các thiết bị điện trở lại trước khi bạn rời khỏi. Điều mà bạn đang làm là tạo ra một phòng thu ở bất cứ nơi nào cần phỏng vấn. Các bước này vô cùng quan trọng đối với sản phẩm cuối cùng cũng giống như việc chụp cảnh có cảnh nền thoáng chứ không quá rối mắt. Một chiếc ô tô đóng kín cửa là nơi tuyệt vời cho việc phỏng vấn. Tránh những nơi có nhiều tiếng ồn như sân vận động hay các sảnh chờ. Nếu phải phỏng vấn ở nơi có nhiều tiếng ồn, bạn có thể khắc phục bằng cách đặt mico gần sát miệng người được phỏng vấn. Nó sẽ giảm các âm tạp và giọng nói của họ sẽ là phần âm thanh chính. Micro để càng xa miệng người nói thì tạp âm càng nhiều, và càng nhiều âm trầm hoặc rè tạo ra từ miệng người nói bị ghi lại ở máy thu âm. Việc đặt đúng vị trí micro quan trọng như việc tạo bố cục vậy.

9 - Tránh những âm thanh nền quá ồn
Bạn sẽ rất khó khăn đế chỉnh sửa đoạn phỏng vấn nếu như bạn tiến hành phỏng vấn ở nơi có nhiều tiếng ồn như tiếng nhạc trên radio. Tốt nhất là tìm một nơi yên tĩnh có độ âm vang tốt và thu những âm nền trước hoặc sau khi phỏng vấn. Một lần nữa, ghi nhớ là bạn sắp làm phỏng vấn. Yêu cầu mọi người tắt máy tính, rút điện tủ lạnh. Những âm thanh này luôn lớn hơn trong đoạn ghi âm so với những gì bạn nghe thấy lúc ghi âm.

10 - Địa điểm, địa điểm địa điểm! – Phần 2
Một điều quan trọng tương tự là âm thanh nền. Nó có thể làm đoạn phỏng vấn trở nên tốt hơn. Ví dụ, nếu bạn đang phỏng vấn một đầu bếp người Ý, còn gì bằng nếu bạn ghi được cả âm thanh nền phát ra từ khu bếp của nhà hàng rất đông khách (Nhưng luôn nhớ rằng âm thanh nền đôi khi sẽ to hơn tiếng phỏng vấn, hoặc có thể ai đó sẽ làm rơi cái nồi loảng xoảng trong khi ông đầu bếp đang nói). Bạn cũng có thể phỏng vấn ở nơi yên tĩnh và sau đó thu riêng những âm thanh phát ra từ nhà bếp sau đó trộn chúng với nhau. Bằng cách này bạn có thể kiểm soát tốt hơn sự phối hợp giữa hai loại âm thanh này. Hãy luôn lắng nghe những âm thanh xung quanh bạn và tìm ra cách tốt nhất để chúng giúp bạn kể một câu chuyện.

Con tiep...

vetrongpho
01-11-2007, 11:38 PM
11 - Làm thế nào để đối tượng hòa mình vào bài phỏng vấn?
Bạn cũng biết sẽ mệt mỏi cả về sức lực và tinh thần thế nào sau mỗi lần chụp để có được những bức ảnh đẹp và ý nghĩa. Bạn cũng sẽ thấy mệt như vậy sau mỗi bài phỏng vấn tốt. Có được một bài phỏng vấn tốt mất khá nhiều công. Bạn lúc nào cũng phải nghĩ xem cuộc phỏng vấn đang đi theo hướng nào, sẽ hỏi những câu gì tiếp chứ không chỉ lắng nghe những gì người được phỏng vấn nói. Hãy nhìn vào họ khi họ nói chuyện với bạn. Nếu bạn thực sự đối thoại được với họ qua ánh mắt, điều này sẽ giúp cho họ quên những thứ xung quanh và chiếc micro và chỉ tập trung nói chuyện thành thật với bạn.

12 - Hãy để cho nhân vật của bạn nói trọn vẹn thông tin
Giả sử bạn đang phỏng vấn một em bé bán báo. Bạn hỏi “em bán báo được bao lâu rồi?” và em bé trả lời là 2 năm. “2 năm” là câu trả lời bạn thu vào băng. Bạn định làm gì với câu trả lời này? Nó không thể đứng một mình vì không có ngữ cảnh cho câu trả lời này trừ khi bạn thu luôn cả câu hỏi. Thay vào đó bạn hãy hỏi “em bán báo được bao lâu rồi, phần nào của công việc mà em thấy thích nhất?” Bạn sẽ nhận được câu trả lời: “em bán báo được 2 năm rồi, em thích nhất là việc đặt báo ở cửa nhà của khách”. Bây giở bạn đã có nhiều thông tin hơn để sử dụng.

13 - Làm thế nào để có được đủ thông tin khi phỏng vấn?
Hãy hỏi những câu hỏi gợi mở. Một cách rất hay để bắt đầu phỏng vấn là nói "hãy kể cho tôi nghe về..." Cũng rất tốt nếu hỏi những câu hỏi mà khuyến khích người được phỏng vấn nhớ lại những sự việc trước một cách dễ chịu nhẹ nhàng như , "Âm thanh đó nghe thế nào...", "Khi đó bạn cảm thấy thế nào...?", "Hương vị đó ra sao...." Một số người thường có xu hướng trả lời lạc đề. Nếu có thời gian hãy để họ nói. Bạn luôn thu được tư liệu rất tốt từ tình huống này. Nếu bạn không có thời gian, có thể lịch sự ngắt lời họ và hướng họ quay trở lại chủ đề ban đầu. Đôi khi bạn cần chỉ cần lặp lại câu hỏi là được.

Cuối mỗi buổi phỏng vấn hãy hỏi họ, "có câu gì nên hỏi mà tôi chưa hỏi không?" Đôi khi họ cũng không tự nguyện đưa ra quan điểm mặc dù họ biết rõ về điều đó. Khi nhận ra đây là cơ hội cuối cùng để nói thêm, họ sẽ tiết lộ những thứ mà họ suy nghĩ trong suốt quá trình phỏng vấn, chỉ chờ được bạn gợi ý. Câu hỏi cuối cùng này cho phép họ là người kết thúc cuộc phỏng vấn chứ không phải là bạn. Thường thì người được phỏng vấn sẽ không thực sự cởi mở với bạn cho đến khi họ nghĩ rằng " cuộc phỏng vấn hình thức" đã xong. Và chỉ khi đó họ mới thực sự cởi mở để nói rất nhiều chuyện. Nếu có thể, lúc này bạn hãy bỏ micro ra và tiếp tục ghi âm. Một số người không cởi mở và cũng không muốn bạn ghi âm tiếp. Bạn cần phải tạo được niềm tin của họ. Một lần nữa, hãy nói đôi chút về bản thân bạn nếu như bạn muốn nhận lại điều gì từ họ. Hãy thành thật và cảm thông với họ.

14 - Im lặng là vàng
Khi người được phỏng vấn trả lời xong câu hỏi, nếu bạn cảm thấy họ còn có nhiều điều muốn nói nữa, hãy giữ yên lặng. Phần lớn mọi người không cảm thấy thoải mái khi im lặng trong cuộc đối thoại và họ sẽ nói thêm gì đó để lấp khoảng trống. Phóng viên tờ tin tức NBC Bob Dotston đã phát biểu như sau tại hội thảo NPPA Video về nghệ thuật đặt câu hỏi.

"Sự im lặng làm cho tất cả chúng ta không thoải mái. Khai thác điểm này sẽ giúp bạn có được nội dung cần hỏi nhanh hơn. Những người được phỏng vấn hầu như luôn luôn trả lời câu hỏi thành ba phần. Đầu tiên họ sẽ nói với bạn họ nghĩ gì về câu hỏi. Sau đó họ giải thích chi tiết hơn. Nếu bạn không chuyển sang câu hỏi khác, hay nếu bạn giữ im lặng một chút họ sẽ nghĩ rằng bạn chưa hiểu rõ câu trả lời và cố gắng giải thích những suy nghĩ của họ rõ ràng hơn. Bình thường đến lần thứ ba họ trình bày quan điểm của mình một cách rất nhiệt tình và chính xác."

Còn tiếp...

vetrongpho
20-11-2007, 11:43 AM
15 - Đừng để các thiết bị làm hỏng buổi phỏng vấn
Nếu bạn không thoải mái với thiết bị của bạn thì người được phỏng vấn cũng không thoải mái được. Hãy tập cách sử dụng các thiết bị. Tập cách bật, tắt micro thật nhuần nhuyễn. Làm quen với các nút điều khiển theo cảm giác để ngay cả trong bóng tối bạn vẫn có thể điều khiển chúng. Bạn cũng cần phải tin tưởng vào thiết bị của bạn. Không gì có thể làm cho người được phỏng vấn mất tập trung và thiếu ổn định hơn việc một nhà báo cứ liên tục kiểm tra hoạt động của thiết bị thu âm. Nếu bạn làm như thế, coi như bạn đã cố ý nhắc họ là họ đang bi thu âm, và bạn sẽ khó có thể có được những thông tin cá nhân và trung thực.

Đặt micro cách miệng họ khoảng 5cm và đừng chú ý đến nó. Hãy nhìn vào mắt của họ chứ không phải miệng họ nói gì. Việc này sẽ khiến cho họ nghĩ là cái micro đó là rất bình thường rằng nó không làm phiền họ và không ảnh hưởng đến những gì họ đang nói. Hãy lắng nghe những gì họ nói. Họ sẽ sớm quên đi chiếc micro trên tay bạn, họ sẽ nói chuyện thoải mái đủ để bạn có được một bài phỏng vấn hoàn hảo. Đừng đặt thiết bị thu âm lên mặt bàn giữa bạn và người được phỏng vấn. Nó dường như sẽ tạo nên một khoảng cách giữa bạn và họ. Hãy đặt nó sang một bên.

16 - Đừng làm hỏng cuộc phỏng vấn với những tiếng ậm ừ...
Khi ai đó nói chuyện với chúng ta, chúng ta thường muốn họ biết là chúng ta đang lắng nghe họ bằng những tiếng " ừ " Đừng làm như thế. Hãy để họ nói. Bạn sẽ rất thất vọng khi sửa lại đoạn thu âm và nghe thấy chính tiếng của bạn giữa những lời nói của họ. Cách bạn gật đầu và mỉm cười là đủ để cho họ biết là chúng ta đang lắng nghe họ. Hãy nhớ rằng ngôn ngữ cử chỉ là hình thức phổ biến nhất của giao tiếp trong phỏng vấn. Ngả người về phía trước để thể hiện sự quan tâm của bạn. Giao tiếp với họ bằng mắt. Sử dụng ngôn ngữ cử chỉ là đủ tỏ rõ sự quan tâm của bạn đến những gì họ nói.

17 - Âm thanh tự nhiên là gì và chúng có tác dụng gì?
Âm thanh tự nhiên là tất cả các loại âm thanh khác ngoài âm thanh chính của cuộc phỏng vấn. Hãy ngừng lại và thử xem bạn nghe thấy gì. Có thể là tiếng kêu của máy tính, radio, TV, tiếng người nói ở phòng khác, tiếng gió thổi, tiếng xe chạy, tiếng nấu bếp, trẻ con khóc, tiếng gõ ngón tay lên bàn phím hay sự im lặng hoàn toàn. Đây là tất cả những ví dụ về âm thanh tự nhiên và nó cung cấp những chi tiết cho bối cảnh câu chuyện và tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh. Âm thanh tự nhiên có thể được hợp thành từ nhiều cách trong quá trình kể chuyện cho nên hãy cố gắng ghi lại tất cả các âm thanh khi bạn đang ở địa điểm diễn ra câu chuyện. Nếu bạn làm cho người xem cảm thấy như họ đang ở trong nông trang nơi bạn thực hiện câu chuyện là bạn đã thành công. Đưa họ đến đó bằng cách nào? Trong đoạn phỏng vấn một người nông dân, hãy thêm vào âm thanh tự nhiên của tiếng gà, bò, hay máy kéo. Bất kể khi nào bạn thu âm một cuộc phỏng vấn, hãy chắc chắn và sử dụng 30 giây hoặc nhiều hơn cho âm thanh nền hay âm thanh của căn phòng. Mọi chỗ đều có sự "yên lặng", riêng và tạo ra những âm thanh khác nhau. Bạn sẽ cần những âm thanh đó để phục vụ cho phần hiệu đính âm thanh sau này.

18 - Đeo tai nghe. Đúng, hãy đeo tai nghe!
Bạn cần đeo tai nghe khi người được phỏng vấn nói vào micro. Dùng tai nghe là cách duy nhất để nắm rõ những gì mà micro thu được. Nếu bạn không dùng tai nghe, bạn thực sự không biết bạn đang thu được những loại âm thanh gì hay thiết bị của bạn có hoạt động không. Nếu bạn đeo tai nghe như một điều bình thường thì những người khác cũng sẽ không chú ý đến nó. Không dùng tai nghe cũng giống như chụp ảnh mà không nhìn vào kính ngắm. Đôi lúc bạn cũng chụp ảnh nhanh mà không ngắm nhưng có bao giờ chụp ảnh phong cảnh mà bạn không nhìn vào ống kính hay không?

19 - Bạn có thể nhắc lại được không?
Nếu điện thoại kêu giữa cuộc phỏng vấn hoặc có ai đó ho, có tiếng chó sủa hay một chiếc Civic 1992 với động cơ ồn ào chạy qua, đừng do dự yêu cầu người được phỏng vấn nhắc lại.

20 - Thiết bị nào thu âm tốt nhất và có thể tìm được ở đâu?
Mỗi người có cách thu thập âm thanh khác nhau và thiết bị của họ cũng sẽ không giống nhau. Bạn cần làm theo cách dễ dàng nhất với bạn để phối hợp các âm thanh với nhau. Chúng tôi có liên hệ với một số hãng âm thanh và được giới thiệu một số thiết bị thu âm. Và các nhiếp ảnh gia của chúng tôi đã nhận thấy Olympus M300 và máy thu âm M-Audio vừa nhỏ vừa dễ sử dụng. Máy thu âm M-Audio có thể sử dụng các loại thẻ nhớ như máy camera kĩ thuật số. Olympus được thiết kế có bộ nhớ số vì thế không cần phải có thêm băng và các thiết bị phụ trợ và bỏ túi dễ dàng. Chất lượng âm thanh rất tốt vì thế chúng tôi khuyến khích sử dụng sản phẩm này đối với những người mới đi thu thập âm thanh. Cũng có những công ty khác bán các thiết bị chất lượng trên thị trường như Marantz và Edirol. Vì thế quan trọng là phải nghiên cứu và tìm xem cái nào tốt nhất cho mình. Có rất nhiều hãng bán máy thu âm. Trong trang thông tin của chúng tôi cũng có những đường link về những hãng này.

Vậy là với 20 nội dung trong phần hướng dẫn cơ bản về Multimedia, các bạn có thể đã có một khái niệm khá đầy đủ để hiểu về sản phẩm này cũng như có thể đã bắt đầu biết mình cần làm gì để bắt đầu thực hiện sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào công việc, có lẽ các bạn sẽ còn có nhiều thắc mắc cần giải đáp. Chúng tôi hoan nghênh mọi câu hỏi và mọi sự thảo luận của các bạn. Rất mong các bạn có quan tâm đến topic này hãy đóng góp thêm ý kiến để topic ngày càng có nhiều nội dung phong phú, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của nhiều người hơn.

Xin chân thành cảm ơn!

vetrongpho
22-11-2007, 12:02 AM
Chào các bạn,

Ở đường link bên dưới các bạn có thể xem được một phóng sự đa phương tiện chúng tôi (http://www.relativeexposure.net) đã thực hiện phần hậu kì cho một nhiếp ảnh gia Ấn Độ.

100 nghe không bằng 1 thấy - Phóng sự Multimedia tham khảo (http://www.relativeexposure.net/content/view/50/99/lang,en/)

Chu trình sản xuất như sau:

1 - Nhiếp ảnh gia lên kế hoạch thực hiện phóng sự, từ việc chọn đề tài, viết kịch bản, rồi chuẩn bị thực hiện.
2 - Nhiếp ảnh gia thực hiện phần "nguyên liệu" cho phóng sự bao gồm: quay phim; chụp ảnh; phỏng vấn, ghi âm thanh nền, chuẩn bị thông tin, số liệu...
3 - Chuyển toàn bộ "nguyên liệu" cho bên sản xuất
4 - Bên sản xuất cần có các "nguyên liệu" nêu trên; cùng với kịch bản hoặc ý tưởng xây dựng MUltimedia của tác giả; những gì tác giả muốn kể qua câu chuyện... Những điều này rất quan trọng để phóng sự sản phẩm đạt được những yêu cầu nội dung và thiết kế, mang lại hiệu quả thông tin cao nhất.
5 - Bên sản xuất sẽ bắt đầu thực hiện phần "cắt, tỉa, gội, sấy" các nguyên liệu thô; sắp xếp nguyên liệu theo đúng trình tự thời gian mà tác giả muốn kể; hoặc theo ý đồ sáng tác...
6 - Thiết kế giao diện cho Multimedia, viết code để đưa Multimedia lên web
7 - Hoàn thành sản phẩm cuối cùng bằng việc đưa lên website...

Vậy là Các bạn có thể nắm được 7 bước cơ bản của quá trình tạo ra một Multimedia. Bây giờ xin mời các bạn xem một multimedia để tham khảo xem các nguyên liệu đã được nhào nặn ra sao để tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh, và hấp dẫn!

Chúng tôi mong nhận được các câu hỏi hoặc ý kiến của các bạn về các bước thực hiện trên cũng như multimedia trên! :band:

Chân thành cảm ơn!

Relative Exposure (http://www.relativeexposure.net)

vetrongpho
14-12-2007, 02:16 PM
Xin chào các bạn thành viên VNphoto.Net,

Trong thời gian vừa qua RE đã đăng rất nhiều thông tin tham khảo cơ bản về Multimedia và cách thực hiện. Chúng tôi cũng đã dành rất nhiều thời gian cho việc sản xuất một Multimedia rất đầy đủ các thành phần chính như video, audio, photo, interview, music, flash & design... và các bạn có thể tham khảo ở đường link bên dưới.

Phóng sự đa phương tiện "Cha mẹ xin lỗi con" (http://www.relativeexposure.net/content/view/52/101/lang,vi/) và bộ phim tài liệu cùng tên được hợp tác sản xuất bởi đạo diễn Phan Huyền Thư, hãng phim TL TW. Phóng sự kể về ông Tống Phước Phúc, vốn chỉ là một người thợ xây bình thường, bằng tấm lòng nhân từ và yêu thương con trẻ đã tìm đến các bệnh viện thu nhận xác hài nhi của những ca nạo phá thai đem về chôn cất ở nghĩa trang đảo Hòn Thơm - Nha Trang. Hàng tháng các tăng ni, phật tử và cả những con chiên theo Thiên Chúa giáo ở khắp nơi đều đến nghĩa trang để cầu nguyện cho các bé. Ông còn thuyết phục những sản phụ trẻ tuổi giữ lại thai nhi đến khi sinh nở và nếu họ không nuôi được, ông sẽ nhận về chăm sóc.

Phóng sự cũng đưa ra ý kiến của nhiều người trong xã hội cũng như những con số thống kê về tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam. Với việc ra mắt bộ phim tài liệu cùng phóng sự, các tác giả muốn đưa ra một cảnh báo về tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam, vốn là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại sự hiệu quả trong các hoạt động giáo dục và tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam vốn được tất cả các cấp lãnh đạo nhà nước, chính phủ cũng như các tổ chức y tế quốc tế hỗ trợ trong những năm vừa qua.

Qua đây, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ các thành viên của VNphoto.net cho quỹ trẻ em mồ côi do ông Tống Phước Phúc chăm sóc và ông Nguyễn Đình Chi (tức ông Long), đại diện nhóm Thiện Nguyện.

Mọi đóng góp của các cơ quan đoàn thể và cá nhân xin vui lòng gửi về: Ông Tống Phước Phúc: Số Tài Khoản 12320228450014 (Techcombank) - Số đt: 0913 444 016
Ông Nguyễn Đình Chi (Long): Số Tài Khoản 0061000406787 (Vietcombank)

Xin chân thành cảm ơn!

Relative Exposure (http://www.relativeexposure.net/)

vetrongpho
21-12-2007, 12:24 PM
Làm thế nào hợp tác với Relative Exposure???

Dear các bạn thành viên VNphoto.Net, trong nội dung này tôi xin nói sơ qua về cách thức các bạn có thể hợp tác cùng chúng tôi để xây dựng một câu chuyện qua hình thức phóng sự đa phương tiện. Chúng tôi có thể giúp đỡ bạn thực hiện câu chuyện từ đầu, hoặc chỉ làm phần hậu kì sản xuất. Khi bạn có một ý tưởng hay, hãy suy nghĩ về việc tạo ra một phóng sự hấp dẫn để đưa tới khán giả của bạn toàn bộ ý tưởng, và cảm xúc của bạn!

1 - Làm thế nào để gửi tác phẩm multimedia/Video cho Relative Exposure?
Bạn có thể gửi email trực tiếp đến công ty qua link liên hệ trên website để đưa ra ý tưởng thực hiện tác phẩm hoặc nếu bạn đã có tác phẩm hoàn chỉnh, bạn có thể gửi link hoặc đĩa DVD/CD tác phẩm để chúng tôi tham khảo. Trong vòng 48 giờ sau khi xem tác phẩm, chúng tôi sẽ liên hệ lại với bạn.

2 - Relative Exposure có sản xuất/hiệu đính sản phẩm của tôi nếu được duyệt không?
Có. Chúng tôi có người chịu trách nhiệm sản xuất và hiệu đính. Họ sẽ cùng làm việc để tạo ra một tác phẩm tốt nhất, sát thực nhất với câu chuyện mà bạn muốn kể. Tất cả những gì chúng tôi cần là file âm thanh hay hình ảnh/video của bạn để tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Tác phẩm của bạn có thể gửi qua email hoặc sao sang đĩa DVD và gửi trực tiếp đến văn phòng của chúng tôi.

3 - Tôi có cần giới thiệu chi tiết về câu chuyện không?
Có, bạn cần gửi giới thiệu chi tiết để chúng tôi hiểu tổng quan về câu chuyện sẽ hiệu đính.

4 - Nếu như bài phỏng vấn là một ngôn ngữ khác không phải tiếng Anh?
Nếu bạn làm việc với phiên dịch hay bạn có thể tự sử dụng được tiếng Anh, bạn sẽ phải chuyển cuộc phỏng vấn sang tiếng Anh và gửi kèm với một văn bản word khi gửi file âm thanh. Bạn cần chú thích cụ thể mốc thời gian sau từng câu nói để chúng tôi biết lúc nào thì nhân vật phỏng vấn của bạn đang nói gì. Có vẻ như rất nhiều việc phải làm nhưng điều này là rất quan trọng trong quá trình sản xuất.

5 - Có thể gửi file âm thanh ở đâu và gửi như thế nào?
Bạn có thể gửi file âm thanh đến Relative Exposure qua email hoặc có thể gửi đĩa CD đến văn phòng chúng tôi. Nhưng hãy liên lạc trước với chúng tôi về tác phẩm của bạn.

Hãy gửi thêm câu hỏi hoặc ý tưởng của bạn cho chúng tôi qua email support@relativeexposure.net

Relative Exposure (http://www.relativeexposure.net/)

vetrongpho
04-01-2008, 04:52 PM
Chào các bạn,

Dưới đây là danh sách một số thông tin tham khảo từ các trang web về Multimedia và các thiết bị âm thanh/video.

Để mở các trang web này, các bạn có thể vào google, gõ tên trong danh sách dưới đây và tìm kiếm. Tuy nhiên, nếu click vào http://www.relativeexposure.net/content/view/37/83/lang,vi/ các bạn có thể mở được hyper link trực tiếp ở danh sách nằm cuối trang.

1 - Video/Multimedia trên trang các web:

* Frontline
* MediaStorm
* Global Voices
* Current TV
* Yahoo: Hotzone
* BBC: Video Nation
* Revver
* iFilm
* Blip TV
* Rocky Mountain News
* New York Times
* You Tube
* CNN: I-Reports
* MSNBC: Citizen Journalist
* MSNBC: Video
* MSNBC: Multimedia
* Magnum Photos: In Motion

2 - Thông tin mới về PS đa phương tiện:

* PBS: MediaShift
* PodShow
* Podcasting News
* Vloggercon
* Yahoo: VideoBlogging
* Digital Content Producer

3 - Các thiết bị âm thanh và Video:

* B&H Professional Video
* M-Audio
* CNET: Camcorder Reviews
* Videomaker

vetrongpho
30-01-2008, 10:31 AM
Chào các bạn thành viên VNPhoto,

Nếu các bạn quan tâm đến chủ đề này, các bạn có thể tìm hiểu thêm và sinh động hơn qua phóng sự "Xu hướng tích hợp đa phương tiện ở báo điện tử VN" phát lúc 11h30, ngày 2/2/2008 (tức là trưa thứ 7 tuần này) trên chương trình Cuộc sống số,VTV1.

Đây là một phóng sự công phu do phóng viên Thanh Huyền cùng RE thực hiện nhằm mang tới một sự giới thiệu rõ nét hơn về sản phẩm phóng sự đa phương tiện và xu hướng phát triển và sử dụng nó ở VN.

Happy New Year!

RE :25:

vetrongpho
28-02-2008, 10:38 PM
Chao cac ban thanh vien VNphoto.Net,

Dưới đây là đường link đến trang YouTube trong đó có 2 phần phóng sự với nhan đề "Xu hướng tích hợp Multimedia trong báo điện tử Vn" phát trên Cuộc sống số,VTV1 ngày 2/2/2008. Mời các bạn có quan tâm đến chủ đề này theo dõi và rất mong nhận được góp ý/câu hỏi về topic trên.

Chân thành cảm ơn!

RE Team


http://www.youtube.com/watch?v=QOHwSQ9VSrg

http://www.youtube.com/watch?v=eiDi8m8S3a0